Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Nghệ thuật trang trí cung Diên Thọ
Ngày cập nhật 27/05/2020

Ở cụm kiến trúc Diên Thọ, sành sứ xuất hiện khắp nơi, từ cổng, bình phong đến ngoại thất Diên Thọ chính điện, lầu Tịnh Minh, Tạ Trường Du.

Nằm trong hệ thống kiến trúc của Đại Nội, cung Diên Thọ là nơi từng ở của tám vị Hoàng thái hậu và bốn vị Thái hoàng thái hậu. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố của lịch sử, cung Diên Thọ tuy bị hư hỏng do sự khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh, nhưng những gì còn sót lại vẫn cho ta hiểu thêm phần nào về nếp ăn ở và sinh hoạt của các bà hoàng thời phong kiến. Ngày nay, cung Diên Thọ gồm các thành phần kiến trúc chính, như: Cổng Thọ Chỉ, Diên Thọ chính điện, Tạ Trường Du, lầu Tịnh Minh, bình phong trước và sau Diên Thọ chính điện.
 
Trang trí quả mãng cầu (đề tài Bát Quả)
 
Trên bình diện thẩm mỹ, cung Diên Thọ mang trong mình giá trị nghệ thuật cao. Nghệ thuật trang trí góp phần rất lớn trong việc tăng thêm hiệu quả này, tạo cho công trình sự đa dạng, phong phú và sinh động, tăng thêm sự uy nghiêm và rực rỡ cho kiến trúc của hoàng gia.
 
Ở đây có rất nhiều vật liệu được sử dụng, như gỗ, khảm sành sứ, bột màu, xi măng, tương ứng với đó là các kỹ thuật trang trí được áp dụng. Gỗ được sử dụng nhiều nhất trong Diên Thọ chính điện. Trên chất liệu này, nghệ nhân thực hiện kỹ thuật chạm khắc nông từ vì kèo, liên ba, đố bảng… đem lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên và đậm nét truyền thống của người phương Đông. Sành sứ là chất liệu tạo nên bề mặt công trình nhiều màu sắc nên thích hợp khi đặt ở ngoại cảnh, khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ góp phần tạo cho kiến trúc màu sắc rực rỡ.
 
Ở cụm kiến trúc Diên Thọ, sành sứ xuất hiện khắp nơi, từ cổng, bình phong đến ngoại thất Diên Thọ chính điện, lầu Tịnh Minh, Tạ Trường Du. Đi kèm theo đó là nghệ thuật khảm. Gốm sứ là chất liệu cứng, cho nên khi khảm đòi hỏi tay nghề của nghệ nhân phải cao, làm việc phải chính xác.
 
Các nghệ nhân còn sử dụng vôi vữa hay bột màu làm chất liệu trang trí. So với gỗ và sành sứ, vôi vữa ra đời muộn hơn nhưng ưu điểm là rẻ tiền và bền nên nhanh chóng được đưa vào sử dụng để đắp nổi thành các tượng tròn, hoặc phù điêu có thể chống chọi được với điều kiện thời tiết. Với bột màu, chất liệu này thường được hòa trộn với chất kết dính và được các nghệ nhân dùng bút lông tô vẽ trên các mảng tường phẳng dẹt hoặc trên các đắp nổi vôi vữa để tạo hiệu quả về tả thực. Tuy nhiên, bên cạnh thế mạnh là dễ sửa chữa, thì bột màu lại nhanh bay màu và dễ xuống cấp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
 
Trang trí hoa sen tại Diên Thọ chính điện
 
Xét trên nội dung trang trí, các đề tài rất phong phú và đa dạng, như tứ linh, tứ qúy, bát bửu hay bát quả. Ngoài ra còn có những hình tượng gắn với điềm lành như dơi, cá cũng được xuất hiện nhiều. Các đề tài này mang tính phương Đông, thể hiện niềm mong ước về một triều đại thái bình thịnh trị, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên hay thể hiện niềm mong ước con cháu sum vầy. Khi xem xét các đề tài hay các họa văn họa tiết được trang trí, ta thấy những nghệ nhân không áp dụng quy luật màu sắc một cách tùy tiện, mà có sự nghiên cứu cẩn thận và thường áp dụng hai quy tắc cơ bản đó là tương phản và chính phụ.
 
Trong trang trí các ô hộc về đề tài Bát Bửu hay Bát Quả chẳng hạn, màu nền bao giờ cũng thường tương phản nóng lạnh với các hình tượng chính mà nó chứa đựng. Điều này gây ra sức hút về mặt thị giác. Với quy tắc chính phụ, nhìn một cách toàn diện, màu sắc chiếm vai trò chủ đạo trong cung Diên Thọ là màu lam. Theo quan niệm của người dân Huế, màu gam nóng thường đại diện cho nam giới bởi biểu thị cho tính dương cùng với khí chất mạnh mẽ. Ngược lại, màu lam lại tượng trưng cho phái nữ bởi tính chất trầm lắng, dịu dàng và khiêm nhường. Cho nên khi quan sát các hình tượng phượng, dù là tranh tường hay là khảm sành sứ ta đều thấy màu xanh thường áp đảo, còn màu nóng chỉ đóng vai trò làm điểm nhấn.
 
Phượng chầu mặt trời tại Diên Thọ chính điện
 
Trong quá trình tạo hình các con vật linh thiêng hay các đề tài để đưa vào trang trí cho kiến trúc của công trình, rất nhiều thủ pháp đã được áp dụng, như thủ pháp cách điệu, tả thực, mô hình hóa…  Thủ pháp cách điệu là cách thể hiện các hình tượng bằng cách chọn và làm nổi bật những nét tiêu biểu nhất, tạo cho con vật một diện mạo mới, giàu tính trang trí nhưng vẫn dựa trên những đường nét cơ bản, ví dụ như các hình tượng rồng, lân, phượng, hay hoa văn mai rùa xuất hiện trong cung Diên Thọ...
 
Trái với thủ pháp cách điệu là thủ pháp tả thực. Đây là thủ pháp mô tả chính xác vẻ ngoài tự nhiên của các sự vật. Điều này được thấy rõ trong các đề tài như tứ quý hay tứ thời với các con vật như gà trống, chim, hươu nai... Với thủ pháp mô hình hóa, các hình tượng được đưa về các dạng hình học cơ bản như hình vuông, chữ nhật, tam giác… làm cho các hình tượng trang trí trở nên cô động và khúc chiết.
 
Nghệ thuật trang trí tại cung Diên Thọ đóng góp rất quan trọng trong việc tăng thêm giá trị cho kiến trúc cung đình Huế. Nó tạo cho diện mạo của cụm kiến trúc cung đình một vẻ đẹp rực rỡ và sang trọng, cả về hình thức, lẫn những ý nghĩa cao quý tốt đẹp, gắn với thẩm mỹ cung đình, cho thấy tài năng và ước vọng của lớp người đi trước.
 
Bài, ảnh: PHAN THỊ HỒNG HÀ
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 29.133