Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Còn chút này rất Huế
Ngày cập nhật 15/02/2019

Đến làng Phước Tích, không cần được dự báo người ta cũng biết, rồi đây các vị tổ họ tộc trong làng sẽ mất hết các căn nhà rường, nơi mà bao đời vong linh của họ tộc được hương khói dưới mái nhà có hình mẫu ở tầm chuẩn mực của kiến trúc Việt Nam.

Hình ảnh đọng lại từ làng cổ
 
Nhiều năm trước chúng tôi đến Huế với họa sĩ Lê Thiết Cương từ Hà Nội vào, anh rủ chúng tôi đi thăm làng cổ Phước Tích. Người lái xe cho chúng tôi biết. Làng cổ này nằm bên dòng sông Ô Lâu, thuộc huyện Phong Điền và lạ một điều là phải đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị rồi mới rẽ vòng lại vào làng.
 
Làng nhà rường
 
Làng Phước Tích đang lúc chuẩn bị cho ngày khai mạc festival làng cổ Huế. Trước cổng làng là một dãy các nhà thờ họ tộc nằm kề sát bên nhau, các nhà thờ họ ở đây với kiến trúc bề thế, hoa văn cẩn chén, sơn son thiếp vàng, cho thấy vẻ cổ kính của một miền đất, lại vừa trưng bày trọn vẹn một đặc thù văn hoá coi trọng các hình thức làm rạng rỡ bộ mặt tổ tiên.
 
Một vị chức sắc trong làng cho biết. Làng có mười hai tộc họ, được lập nên từ những người di dân Thanh - Nghệ, từ những năm 1470. Tương truyền rằng từ thời ông tổ khai canh, người làng không có một tấc đất làm ruộng, thời xưa dân làng chỉ sống bằng nghề làm gốm sứ, và mái ngói của những ngôi nhà rường nổi tiếng còn lại đến tận ngày nay được sản xuất từ mỏ đất và tay nghề của người làng.
 
Trên đường vào làng, chúng tôi có lúc tranh luận về một vấn đề có hay không một hình mẫu kiến trúc đặc trưng truyền thống Việt Nam. Mới đây thôi, trong việc trao giải thưởng cho các thành tựu kiến trúc hiện đại Việt Nam, trong số các tác phẩm đoạt giải, người ta không thấy dù thấp thoáng hình thể kiến trúc đình chùa xưa, hoặc nhà rường Huế.
 
 
Bà cụ và căn nhà rường
 
Chúng tôi chủ động vào một căn nhà rường ở tận cuối làng, nơi có ít khách tham quan tìm đến. Vừa qua cổng nhà, chúng tôi gặp ngay một bà cụ đang cọ rửa rổ rá trong cái hồ nước được người xưa xây để nuôi cá chép vàng, trồng hoa sen và chơi hòn non bộ.
 
Cụ bà Lương Thị Hén, 90 tuổi, cụ ở một mình trong một căn nhà rường nhỏ, con cháu cụ đứa ở Huế, đứa ở Sài Gòn. Cụ nói đây là nhà của họ bên chồng, nhà có từ bao giờ không biết. Cụ có khuôn mặt người già trong các câu chuyện cổ tích.
 
Chúng tôi mời cụ lên phản để chụp một tấm hình, cụ nói chờ cho cụ mặc cái áo dài tay vào, cụ ngồi xếp tay lên hai chân, kiểu ngồi trịnh trọng của những người chụp hình để dành lại cho con cháu làm ảnh thờ. Cụ nói làm sao cho cụ xin một tấm hình, rồi cụ lại bắt qua chuyện khác. “Chi mô mà họ ưng coi nhà mục này rứa.” Cụ hoàn toàn không hiểu là mình đang ở trong ngôi nhà với tiếng mối mọt, tiếng chuột kêu mỗi đêm trong vách nhưng lại trị giá cả tỷ đồng. Cụ không thể biết rằng nhiều đại gia từ Hà Nội vào, từ Sài Gòn ra luôn xuýt xoa mong muốn được dỡ rường cột của cụ mang về nhà họ. Bây giờ thì căn nhà của cụ không bị xếp vào loại tài sản tàn dư phong kiến nữa rồi!
 
Hình ảnh đọng lại từ làng cổ
 
Bên phải đường làng Phước Tích là dòng sông Ô Lâu nước trong veo, buổi sáng chúng tôi đến, có duy nhất một chiếc ghe câu của hai vợ chồng đang quăng lưới. Thấy chúng tôi chụp hình, thỉnh thoảng người đàn ông ngẩn mặt lên còn người vợ thì luôn dấu mặt dưới vành nón lá. Và trong nhiều lần quăng lưới, chúng tôi không thấy mành lưới của họ bắt được con cá nào, chỉ thấy mỗi lần quăng lưới là mỗi lần cái bóng của hai vợ chồng và chiếc ghe chài mỏng manh lại cựa quẫy trong dòng nước vô cảm.
 
Xe ngừng lại trước cái lò gốm còn lại duy nhất của một làng nghề nổi tiếng đất cố đô. Một miệng lò nhỏ mới lợp lại bằng mấy miếng tôn, gần bên cũng mới xây một cái nhà dài, treo cờ phướng quảng cáo về ngày hội làng cổ PhướcTích, mặt dựng của căn nhà dài này được đắp chữ nổi: Làng gốm Phước Tích.
 
 
Ông Đ một vị giáo viên về hưu ở làng khoe với chúng tôi mấy cái nồi đất, niêu đất. Rồi bỗng nhiên ông nói. “Cái lò ni hai năm đốt một lần, chỉ để phục vụ du khách tham quan.” Việc một làng nghề mà không còn ai giữ được nghề nghiệp tinh túy của tổ tiên, nỗi buồn chua chát đó mà chúng tôi cảm nhận được từ những người làng ở đây, nỗi buồn này không có sự quảng bá du lịch rầm rộ nào có thể khỏa lấp được.
 
Ông Đ. mời chúng tôi ghé quán ông uống cà phê. Và trong câu chuyện ông cho biết: Lúc xưa làng có trên một trăm nhà rường nay chỉ còn khoảng vài chục nhà. Trước đây chính quyền có nói sẽ cử xuống một đội xịt thuốc trừ mối để giúp chèo chống các căn nhà rường còn lại, Nhưng dân làng trông hoài không thấy, rốt cuộc lại nói mà không làm.
 
Với nhà rường Huế, việc chống lại lũ mối và sự thiếu trách nhiệm có khi còn cấp bách hơn cả chuyện làm thế nào để trùng tu cho có bộ mặt mới khoe với du khách.
 
Nhà rường Huế trước tiên là nơi trú giông trú bão, che nắng che mưa của con người đang sống chứ không phải là một bảo tàng để đến tham quan rồi về.
 
Trong thời bùng nổ xây dựng đến mức làm biến dạng bộ mặt kiến trúc Việt Nam, không có gì quá đáng khi gọi điều đó là một thảm họa. Đến làng Phước Tích, không cần được dự báo người ta cũng biết, rồi đây các vị tổ họ tộc trong làng sẽ mất hết các căn nhà rường, nơi mà bao đời vong linh của họ tộc được hương khói dưới mái nhà có hình mẫu ở tầm chuẩn mực của kiến trúc Việt Nam.
 
Làng tranh hàng mã ở Sình
 
Người Huế thường tự hào về những di tích, thắng cảnh nổi tiếng của quê mình, và ngày nay nhiều người cũng thấy bất ngờ trước việc các làng nghề thủ công được các phương tiện thông tin trong nước ca ngợi.
 
Theo lời giới thiệu, chúng tôi hỏi thăm đường đi đến làng tranh hàng mã ở Sình. Người chỉ đường cho chúng tôi chỉ nói đơn giản là muốn đến làng Sình thì cứ đến chợ Nọ mà hỏi.
 
Chợ Nọ là một ngôi chợ nhỏ bên đường thuộc huyện Phú Vang, cảnh chợ quê buổi sáng thật yên bình. Nếu phải chỉ ngay một điểm nhấn của một buổi chợ làng Việt Nam thì đó là hình ảnh và âm thanh của lũ gia súc bị bỏ rọ, cột dây chộn rộn chờ bán mua bên cạnh lũ trâu, bò, chó, gà nhởn nhơ đi rong trên những con đường quanh chợ.
 
 
Từ chợ Nọ chúng tôi đi qua cầu Mậu Tài, bên chân cầu có một ngôi nhà thờ xưa lọt trong lòng một cái xóm nông dân nên sực nức mùi thơm rơm rạ. Trong những ngày ở Huế đầy ngập hình ảnh thành xưa chùa cổ, thì chuyện bắt gặp một ngôi nhà thờ nhỏ giữa làng quê trong sáng là điều khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Huế không chỉ có lịch sử rực rỡ và suy tàn của những vương triều xứ Đàng Trong, mà còn là cột mốc khởi đầu chuyện thăng trầm của lịch sử đạo Gia Tô.
 
Chuyện ở Sình
 
Ở một chòi bán quà vặt cho trẻ con sát bờ sông, chúng tôi được bà cụ bán hàng cho biết. Đây là ngã ba sông Sình, và muốn đến nhà ông Kỳ Hửu Phước thì đi ven bờ qua khỏi đình Vật thì sẽ tới.
 
Ông Kỳ Hửu Phước, 60 tuổi, một người làm nghề tranh hàng mã nổi tiếng nhất làng Sình, và chính ông là người gìn giữ cho làng cái nghề truyền qua 9 đời. Theo ông Phước thì tranh hàng mã của làng có chung ông tổ nghề với tranh Đông Hồ, và ông nói: “Việc đục khuôn in là còn nguyên nét truyền nghề xưa, trước đây giấy làm tranh do làng tự làm lấy bằng bã mía, màu mực thì hoàn toàn là màu thiên nhiên.”
 
Tranh hàng mã được sản xuất thủ công, phục vụ cho việc cúng tế từ các vị thánh thần cho đến cô hồn các đẳng, trong các ngày lễ tết của tính ngưỡng dân gian. Vì cúng xong là đốt đi nên còn gọi là các bộ đồ thế.
 
Nhìn qua hình ảnh những bộ tranh cúng như tiên nữ bát âm, bà mẹ sanh, mẹ độ…. mang màu sắc riêng của Huế, nhiều người liên tưởng đến những buổi cúng tế, ngồi đồng đầy màu sắc âm u huyền bí của của các ông hoàng bà chúa xưa kia.
 
Ông Kỳ Hửu Phước kể. “Sau năm 1975, làng nghề bị tịch thu hết khuôn tranh và thường xuyên bị xét nhà. Chính quyền cho rằng cái nghề này là lãng phí, mê tín dị đoan nên bị nghiêm cấm. Tôi vì xót nghề của cha ông nên ra sau nhà đào một cái hầm bí mật, rồi cắt cử người canh chừng, vợ chồng tôi và đứa con trai lớn xuống hầm in tranh. Suốt những năm tháng dài đó, cả làng chỉ còn mỗi nhà tôi làm tranh. Lúc đi chợ bán tranh thì vợ chồng tôi phải quấn tranh vào người như dân đi buôn lậu, rồi thêm cử người đi trước canh chừng du kích xã. Mấy chú biết không, buổi đầu ra chợ bán thấy mấy tiệm bán nhang đèn vẫn còn tiếp tục đặt hàng, cả nhà tôi mừng đến rơi nước mắt, tôi nói trong bụng vậy là nghề của ông bà có đất sống rồi!”
 
Từ xưa, Huế thật sự là một thị trường lớn của đồ hàng mã, và là cái nôi của những đức tin vào tín ngưỡng dân gian, nếu không nhìn bằng quan điểm vô thần ấu trỉ rồi cho đó là mê tín dị doan, thì người ta sẽ tìm thấy ở đức tin dân gian này sức sống của những sinh hoạt văn hóa cộng đồng đa dạng.
 
Có lẽ phần sinh động nhất của sinh hoạt tâm linh Người Việt từ bao đời nay chính là ở những nội dung sinh hoạt tôn giáo dân gian. Sáng tạo nên những đức tin hướng vào một thế giới siêu hình gần gũi để chia sẻ, và gầy dựng những lễ hội từ nguồn gốc từ đức tin ấy chính là sản phẩm tinh thần quan trọng nhất của người Việt.
 
Đến làng tranh hàng mã ở Sình là tìm lại cho mình cái mai mắn chứng kiến sự phục sinh hình ảnh Thánh Thần dân gian. Chỉ với vài chục ngàn, bạn sẽ có một bộ gồm tám cô tiên nữ đang sử dụng tám loại nhạc cụ khác nhau, bạn có thể dâng cúng cho cỏi dưới, cỏi trên, hay mọi cỏi siêu hình mà bạn tin là sẽ phù hộ cho mình và gia đình. Bạn cho rằng điều đó là ngớ ngẩn cũng không sao! Nhưng nếu bạn có một tâm hồn giản dị, bạn sẽ nhìn thấy sự hồn nhiên và rộng lượng của thánh thần qua những bức tranh hàng mã ở làng Sình. 
 
Chính trong những bức tranh không thể gọi là nghệ thuật, chỉ là thứ vật phẩm dâng cúng đó lại đậm đà nét đẹp bình dị, tượng trưng đầy đủ nhất cho sức sống tâm linh của đất và người Cố đô.
Theo: theleader.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.962.533
Đang truy cập 34.738