Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Hồi xưa
Ngày cập nhật 11/03/2020

Không biết tự bao giờ, nhớ về một ký ức, mọi người thường mở đầu bằng hai tiếng “ Hồi xưa”.

Chẳng hiểu chữ “xưa” có sức mạnh gì đặc biệt mà cứ nghe “hồi xưa” là thấy hấp dẫn. Mà có xưa thật không ta, chẳng ai đặt ra mốc thời gian vật lý cụ thể cho một hồi ức, rằng hồi xưa là cách bao nhiêu năm mà không hồi xưa thì “hồi nay” là từ đâu. Nhớ Tết năm ngoái, khi ngồi nhìn tôi chùi dọn nhà cửa, đứa cháu 10 tuổi buồn buồn lo lắng: “Không biết Tết năm ni có ai lì xì cho con không chứ hồi xưa con được lì xì nhiều lắm”. Tôi bật cười cho cái vẻ cụ non của cháu “Rứa hồi xưa là khi mô?”. “ Là khi con còn nhỏ í”. Ôi, cháu tôi cũng có hồi xưa đó.
 
 
Tết bao giờ cũng là khoảng thời gian dài rộng để sum vầy kể chuyện gia đình. Bên bàn nước, bên bếp lửa, bên chảo mứt… bao giờ mạ tôi cũng kể chuyện nhà “Hồi xưa ông bà cố thích ăn món này”, “ Hồi xưa nhà mình…”, “Hồi xưa Tết là lo trước cả tháng...”.
 
Hồi xưa của mạ tôi, người sinh năm 1930, so với bây giờ của chúng tôi thì xưa thiệt rồi. Câu chuyện của mạ tôi luôn bắt đầu bằng những ký ức về cha của mình là ông ngoại tôi. Đó là chuyện ông học Trường Quốc Học, giỏi võ, có sức mạnh và nóng tính. Ông hay đánh lộn với lính Pháp đứng chờ ở cầu Trường Tiền chọc ghẹo nữ sinh Đồng Khánh khi tan học về. Nhiều lần ông bị bắt về đồn và ông cố tôi, bấy giờ là Tế tửu Quốc Tử Giám, đi bảo lãnh về. Lần cuối cùng ông đánh một lính Pháp chảy máu đầm đìa và từ đó, ông thoát ly đi làm cách mạng.
 
Hồi xưa của mạ tôi là thế. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, ông ngoại tôi từ Hà Nội vào Huế thăm con gái, chấm dứt một thời “hồi xưa” trong lòng con gái ông bằng một trận mưa nước mắt mừng rỡ và tủi thân sau gần 45 năm xa cách. Mạ tôi, người mạ của 7 đứa con, khóc như con nít khi gặp lại cha mình. Và còn bao nhiêu chuyện hồi xưa như thế khi đất nước chiến tranh, chia cắt, phân ly, những năm tháng khó khăn sau ngày thống nhất... Với mạ tôi, thiệt là một hồi xưa có hậu!
 
Mà đôi khi cái “hồi xưa” ấy đâu xa, chỉ là cách để kể về một thời thiếu thốn trước đây. Có những chuyện kể mà các con tôi thời nay không thể nào tin, như là “ hồi xưa mẹ đi học chỉ mong buổi sáng có chén cơm chiên mỡ và muối”, con tôi đôi khi ngạc nhiên về việc ăn cơm buổi sáng “Buổi sáng mà ăn cơm!”. Hay chuyện áo quần mới thì phải đợi… đến tết mới có mà cũng chưa chắc mạ đã có tiền mà mua cho. Đó là những cái tết của thập niên 1980-1990, những người như mạ tôi phải dành dụm, góp hụi, tính toán giữa bao nhiêu thứ phải lo ba ngày tết, cúng quảy và mua đồ mới cho anh em chúng tôi. Mà hồi đó, có đôi dép thì khỏi bộ đồ, có bộ đồ thì khỏi dôi dép nên các bà mạ thường mua áo quần cho con quá khổ để mặc vừa hai năm, chắc có lẽ thế nên mới có câu “xúng xính trong bộ đồ tết chăng”.
 
Trong cảm nhận của những người thuộc thế hệ 6X,7X chúng tôi, ngày tết hồi xưa sao linh thiêng lắm, tất cả những gì mới mẻ, xinh đẹp, thơm tho đều để dành đúng Mồng Một Tết mới “khai trương”. Tôi còn nhớ mạ mua cho đôi dép, tối 30 tết chỉ dám đi… trên giường. Bộ đồ tết (cũng chỉ là một bộ đồ bộ bình thường thôi) càng được nâng niu hơn - chúng tôi thường gọi là bộ đồ vía - mặc thử mấy lần, hít hà mùi vải thơm, ôm ấp nâng lên đặt xuống rồi cất vào tủ thật nhẹ nhàng. Tất cả đều chờ đợi duy nhất một thời điểm: Sáng Mồng Một.
 
Tôi cũng thường để lòng mình lạc vào hồi xưa cùng với Huế- mảnh đất mà tuổi thơ tôi xem như chốn thần tiên trong cổ tích với nào Vua - Hoàng Hậu - Công chúa - Hoàng tử - lâu đài. Bây giờ thì tôi hiểu Huế có những cái của riêng mình ấy vì gần 150 năm Huế là kinh đô của cả nước, là nơi đóng đô của 13 triều vua Nguyễn nhưng hồi nhỏ, Đại Nội Huế hiện lên trong tôi qua những câu chuyện kể của mạ “hồi xưa món ni là làm dâng vua ăn”, “hồi xưa chỉ vua mới được đi qua cổng ni, dân thường đi qua là bị... xử trảm!...”. Vì thế, Đại Nội với tôi như một miền cổ tích xưa ơi là xưa.
 
Bây giờ những chiều 30 tết, nhờ công việc, tôi thường vào Đại Nội xem lễ Dựng Nêu do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng. Những án thờ được bày biện ngoài trời trước sân điện Thái Hòa, trước Thế Miếu tạo không khí ấm cúng. Tôi hình dung lễ Ban Sóc (ban lịch) hàng năm diễn ra sáng mồng 1 Tháng Chạp ở Đại Nội mang ý nghĩa ban thời gian cho trăm họ của các Vua nhà Nguyễn mà hai câu thơ của Trần Tế Xương gợi lên một hồi xưa, xưa lắm “Xuân từ trong ấy mới ban ra/ Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà”.
 
...Tôi nghe thoảng hương trầm thơm ngát và hương thơm dịu nhẹ cuả cây mai già thân gầy guộc nhưng kiên cường đi qua mùa đông khắc nghiệt của Huế, dù chỉ đủ sức cho ít chùm bông cánh mỏng manh nhưng vẫn tỏa sáng một màu vàng vương giả. Nhìn mai, tôi nghĩ đến sức sống và vẻ đẹp ẩn nhẫn chờ để được thể hiện của thiên nhiên cũng như của con người xứ Huế, con người Việt Nam. Con người sẵn sàng quên những thương tổn của lòng mình để yêu thương trở lại, để sống với tấm lòng bao dung và vươn tới, như nhà văn Hermann Hess “Dù bị đau đớn quằn quại/ Ta vẫn yêu thương trần gian điên loạn này”.
 
Tôi yêu Huế như bao người con của Huế sinh ra tại mảnh đất này cũng như bao nhiêu người đã nhận Huế là quê hương thứ hai của mình. Những hồi ức “hồi xưa” ai cũng có. Khoảng thời gian 10 năm, 20 năm, 30, 40 hay 50 năm... những con số dù có khác nhau về mặt vật lý thì về tâm lý vẫn mang cùng một ý nghĩa là màu của ký ức, nên chuyện “hồi xưa” không có những con số mà đôi khi là chuyện của một đời người. Cô tôi năm nay đã bước qua tuổi 90, năm nào bà cũng muốn các con đưa bà về Huế ăn tết. Khi cây cầu Dã Viên vừa khánh thành, bà đi một vòng rồi nói: “Huế thay đổi nhiều quá. Hồi xưa cô ở Huế, cảnh vật buồn hơn nhiều”. Rồi bà hỏi học sinh trường Đồng Khánh (nay là Hai Bà Trưng) đi học còn mặc áo dài không, khi nghe tôi nói “Dạ, vẫn còn. Không chỉ nữ sinh các Trường Đồng Khánh, Quốc Học mà tất cả nữ sinh Huế đều mặc áo dài trắng đi học và cả nữ công chức Huế cũng mặc áo dài đi làm” thì bà nở một nụ cười.
 
Qui luật của phát triển là phải luôn có cái mới. Huế cũng đang có nhiều cái mới và Huế cũng đang nỗ lực gìn giữ những giá trị của hồi xưa về nề nếp gia đình, về đạo đức, lối sống. Đôi khi có tiếc nuối những điều đã mất với câu mong chờ “Bao giờ cho tới hồi xưa” nhưng hồi xưa chính là hôm nay. Chuyện kể về hồi xưa thường không nặng dấu ấn về giá trị vật chất mà nặng về giá trị tinh thần, thái độ sống và tôi rất muốn kể những câu chuyện hồi xưa với các con của mình trong những ngày tết. Đó là những ngày hết sức tĩnh lặng để mỗi người bước vào mùa xuân mới, thêm một tuổi, già dặn và minh triết hơn.
 
Bài: Xuân An
Ảnh: Tường Vy
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.692.789
Đang truy cập 2.195