Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Nốt trầm ở lầu may Đông Ba
Ngày cập nhật 18/03/2019

Tồn tại gần nửa thế kỷ, lầu may chợ Đông Ba (TP Huế) hiện có hơn 30 người thợ. Đây không chỉ là nơi kiếm kế sinh nhai mà còn là ngôi nhà chung, nơi lưu giữ ký ức của những đôi bàn tay làm đẹp cho người.

Cuộc sống hiện đại đã dần thay đổi bộ mặt đô thị của vùng đất cố đô khi nhiều ngôi nhà xưa dần thay thế bởi những căn nhà cao tầng, đường sá cũng trở nên tấp nập dòng người qua lại. Tuy nhiên, nằm ngay giữa khu đô thị ấy có một xưởng may gần như giữ nguyên vẹn sự cổ kính vốn có.
 
 
Ngày tháng bên cây kim, sợi chỉ
 
Chính tên gọi “lầu may” đặt ngay trước cửa chiếc cầu thang đã gợi lên những điều xưa cũ. Sau cánh cửa chật hẹp đủ để bê lọt một chiếc bàn may là chiếc cầu thang với bức tường loang lổ những đốm úa vàng. Những dãy bàn may liền kề nhau hiện ra, phía trên trần là những tấm biển mang đậm “thương hiệu” của người dân xứ Huế như O Tằm, Bác Thể…
 
Những người thợ phần lớn ở độ tuổi từ 50 đến 80 đang cặm cụi đạp bàn may, tiếng lạch cạch đều đặn phát ra. Ở một góc xa, hình ảnh một cụ ông lớn tuổi, tay vuốt sợi chỉ nhỏ xíu để luồn vào kim. Ông là Nguyễn Văn Chúc (88 tuổi, ở phường Thuận Hòa), hiện là người lớn tuổi nhất và từng tham gia may mặc từ ngày lầu may mới hình thành.
 
Ông có thể kể vanh vách những khoảng thời gian, tên tuổi những người đi trước. Điều thử thách đối với những người ở độ tuổi này là mắt sẽ mờ dần đi, tay chân bắt đầu run rẩy nhưng với ông Chúc, việc xâu kim hay dùng chân đạp đều đặn chiếc máy may mỗi ngày từ sáng sớm đến chiều tà là điều hết đỗi bình thường.
 
“Tôi có chắt kêu bằng cố rồi” - ông cười rồi nói tiếp: “Bọn nó suốt ngày kêu nghỉ đi vì già rồi. Nhưng tôi không bỏ được, thỉnh thoảng có đau ốm gì mà ở nhà là lại nhớ. Mà nói thật, dù không còn lo lắng kinh tế trong nhà nhưng giờ mình còn làm được đồng tiền thì cứ làm, thích tiêu gì thì tiêu, khỏi phải dựa vào con cháu”.
 
Với kinh nghiệm hơn 60 năm may vá, giờ ở lầu may này chỉ có ông là thợ may độc quyền về loại áo dài cho nam giới (sử dụng trong các ngày lễ, cưới hỏi, cúng, giỗ…). Công việc này đã đem đến cho ông thu nhập chưa tới 100.000 đồng mỗi ngày.
 
Cổng lên lầu may (trên).  Lầu may chủ yếu là những người ở độ tuổi trên 50.
 
“Lầu may là nhà, nhà là chỗ trọ”
 
Trải qua 43 năm từ ngày đầu lầu may được hình thành, những người thợ ở đây đã xem nhau như là gia đình. Đã có những lần họ cùng nhau mừng mừng tủi tủi khi hay tin con của một thợ may đỗ đại học, rồi có ngày lại buồn vì phải chia tay một người lớn tuổi bỏ lại chiếc bàn may để về với đất.
 
Rồi tại lầu may này cũng đã chứng kiến mối tình của anh thợ may Trương Văn Thảo (45 tuổi) và chị Nguyễn Trần Tiểu Bích (lúc đó lên lầu may để học nghề). Họ đến với nhau với cái duyên mà mọi người vẫn hay nói đùa rằng chính những cây kim, sợi chỉ là người mai mối.
 
Vợ chồng anh chị hiện có bốn người con, hai đứa lớn đã đến trường, đứa nhỏ bốn tuổi đi theo anh chị đến lầu may mỗi ngày, còn đứa út gửi nhà trẻ. Nhà cách lầu may khoảng 10 km nên mỗi sáng anh chị chuẩn bị đầy đủ cho các con rồi chở tất cả con đến lầu may. Cho đến khi công việc kết thúc, anh chị dọn dẹp lại bàn may rồi tất cả cùng lên xe trở về nhà. Lầu may như ngôi nhà của hai vợ chồng, còn nhà chỉ là nơi để ngủ nghỉ sau một ngày dài.
 
Theo anh Thảo, mỗi ngày anh thường nhận sửa áo quần với giá chưa đầy 20.000 đồng, cả hai vợ chồng mỗi tháng chỉ kiếm được hơn 3 triệu đồng, chắt bóp mới đủ chi phí gia đình. “Sao anh không nghĩ đến công việc khác có thu nhập cao hơn hoặc là ra mở chỗ may riêng chẳng hạn?” - tôi hỏi. Anh Thảo tâm sự: “Để ra may riêng không phải đơn giản, thứ nhất là mình không có vốn để đầu tư và còn nhiều thứ khác nữa, lỡ ra riêng làm ăn không được thì lấy gì nuôi con ăn học. Còn làm việc khác tôi cũng có chứ, vừa may nhưng nếu ai gọi xe ôm thì tôi vẫn chạy để kiếm thêm”.
 
Chiếc bàn may cô đơn
 
Những chuyện từ ông Chúc, vợ chồng anh Thảo hay bà Tằm kể lại khiến tôi càng háo hức muốn tìm hiểu hơn về lầu may này. Thời gian dần về chiều, tôi đánh mắt nhìn quanh một vòng rồi hỏi bà Tằm về những chiếc bàn may bỏ trống chủ.
 
Bà Tằm chợt im lặng không nói gì rồi nhìn xuống, chỉ tay về phía những chiếc bàn trống nói: “Đó là chiếc bàn may của chị L. bị tai nạn giao thông qua đời, còn đó là chiếc bàn may của chị Y. cũng đã qua đời. Còn hai chiếc bàn may này là của hai bác hơn 85 tuổi, già yếu không thể tiếp tục công việc may vá được” - bà Tằm kể.
 
Lời kể của bà Tằm làm tôi nhớ lại lời nói của ông Chúc, gần như những người ở lầu may này làm việc cho đến những ngày cuối đời, khi sức khỏe không còn cho phép nữa. Và ông Chúc dù đã có cháu gọi bằng cố nhưng không tìm được một ai nối dõi vì những khó khăn của chính cái nghề này.
 
Rồi thời gian đã khiến những thợ may ở tuổi 18, 20 ngày nào già đi, nhiều người đã về với đất, cộng với thu nhập rẻ mạt khiến người trẻ không còn mặn mà nối nghiệp nên những chỗ trống nham nhở ngày càng được mở rộng, từ hơn 80 nhà may nay chỉ còn khoảng 30 trong một thời gian ngắn.
 
Nhìn chiếc bàn may vẫn còn nằm đó cũ kỹ, sợi chỉ bạc màu, lớp bụi bám dày lên vì thiếu người sử dụng. Những chiếc bàn may vẫn nằm chờ người mới sẽ đến, đặt chân lên chiếc bàn đạp để tạo ra những sản phẩm mới, lấy lại thương hiệu lầu may vang bóng một thời. Nhưng liệu ai đủ can đảm để nối nghiệp khi thu nhập bấp bênh, chỉ khoảng trên dưới 100.000 đồng mỗi ngày.
 
Về chiều, khi tia nắng cuối ngày chiếu xuống dòng Hương Giang tạo nên một màu vàng óng ả, tại lầu may những tiếng lạch cạch cũng thưa dần. Và như thế, ngày qua ngày, những chiếc bàn may còn lại vẫn mãi xoay tròn chiếc bánh răng để tạo ra những trang phục làm đẹp cho người.
 
NGUYỄN DO
Theo: plo.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.692.714
Đang truy cập 1.834