Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Chuyện chưa kể về Dã tràng ca
Ngày cập nhật 18/03/2019

“Dã tràng ca” hay có tên gọi khác “Tiếng hát dã tràng” được đánh giá là một trong những trường ca nổi tiếng, để lại rất nhiều dấu ấn ảnh hưởng đến cuộc đời sáng tác sau này của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: TL
 
Bản trường ca ra đời năm 1962 ở Quy Nhơn. Sau bao nhiêu biến cố, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người bạn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bỏ rất nhiều thời gian, đi nhiều nơi để làm sống lại ca khúc tưởng như rơi vào quên lãng. Và nói như cách của ông Xuân, rằng “trời không phụ lòng người”, ca khúc ấy đã trở về một cách nguyên vẹn, đến với những ai yêu âm nhạc của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh.
 
Trước đây, trong nhiều cuộc hàn huyên nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã nhắc Trịnh Công Sơn về việc phải lưu giữ các tư liệu cho đời sau, xa hơn là mở không gian lưu niệm. Ông Xuân nói vậy bởi trong suy nghĩ biết người bạn của mình sẽ trở thành một nhạc sĩ lớn của dân tộc. “Nói vậy, cũng đồng nghĩa tôi đã chuẩn bị cho mình rất nhiều tư liệu liên quan về anh. Và năm 2001, anh qua đời cũng là lúc tôi bắt đầu sưu tầm nhiều hơn các tư liệu liên quan đến anh”, ông Xuân hồi nhớ.
 
Không lâu sau ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, từ Mỹ, họa sĩ Đinh Cường có viết một cuốn sách và trích một chương, gửi về cho ông Xuân. Trong chương sách đó, có nhắc về Trịnh Công Sơn cùng ca khúc “Dã tràng ca” hay còn gọi “Tiếng hát dã tràng” và nói rằng: “Ca khúc ấy rất hay!”. Họa sĩ Đinh Cường từng có bản chép tay ca khúc ấy nhưng vì điều kiện gìn giữ không đảm bảo nên bị hư hỏng.
 
Nghe đến đây, ông Xuân vừa buồn, vừa tiếc. Dò hỏi nhiều người từng sống và học với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào thời điểm đó ở Quy Nhơn thì gần như ai cũng biết đó là một tuyệt phẩm, nhưng hỏi ai cũng không nhớ nguyên vẹn cũng như giữ lại bản nhạc. Vì thế, ông Xuân cất công vào Quy Nhơn để tìm.
 
Bìa đĩa đơn Dã tràng ca của ca sĩ Đức Tuấn, có hình ảnh thời trai trẻ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: ĐT
 
“Tôi gặp nhiều người, họ kể rằng vào năm 1962, Trường đại học Quy Nhơn yêu cầu chàng sinh viên Trịnh Công Sơn viết một ca khúc để trình diễn cho đêm đại nhạc hội. Ngay lập tức, anh Sơn viết Dã tràng ca với 13 đoạn. Khi ca khúc được hát lên trong buổi tập dợt, ban tổ chức đã trầm trồ khen ngợi”, ông Xuân kể lại. Cũng theo những người sống với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vào thời điểm ấy ở Quy Nhơn, ca khúc này đã mở đầu và quan trọng nhất trong đêm đại nhạc hội diễn ra ở Trường đại học Quy Nhơn vào ngày 13/1/1963.
 
Thế  rồi, đại nhạc hội đi qua, không hiểu lý do gì ca khúc rơi vào quên lãng. Ông Xuân tiếp tục vào Nha Trang. Tại đây, nhà nghiên cứu Huế tìm gặp một vài người bạn từng sống, học với nhạc sĩ họ Trịnh. Có một người đã cho ông Xuân xem lại hình ảnh biểu diễn đêm đại nhạc hội mà chính chàng sinh viên Trịnh Công Sơn làm chỉ huy ban hợp xướng. Quá bất ngờ, ông Xuân hỏi tiếp: “Vậy, trường ca Dã tràng ca còn không? Có ai đang giữ nó?” thì người này lắc đầu.
 
Trở về Huế trong tiếc nuối, ông Xuân vẫn không có ý định từ bỏ. Ông tiếp tục tìm gặp với những người từng học ở Quy Nhơn vào giai đoạn ấy với Trịnh Công Sơn.
 
Trong trí nhớ của họ, Dã tràng ca vẫn còn đó nhưng để có được một bản đầy đủ thì gần như không nhớ, được đoạn này, mất đoạn kia. Không còn cách nào khác, ông Xuân đã lên kế hoạch mời tất cả những người bạn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về nhà mình cùng hát để ghi băng, kí âm.
 
Khi ý định chuẩn bị thực hiện cũng là lúc Dã tràng ca bất ngờ trở về như thấu được những mong mỏi tâm tình của người tìm kiếm. Trong số những người ở Huế từng học ở Quy Nhơn ấy kể rằng, còn lưu giữ một bản chép tay về trường ca Dã tràng ca và đang cất giữ tại phường An Hòa, TP. Huế. “Thì ra nó không nằm đâu xa, mà nó ở ngay trên quê hương của chính người sáng tác. Nghe tin, tôi tức tốc xin ra nhà anh đó và chụp lại được nguyên vẹn 7 trang giấy chép đầy đủ trường ca”, ông Xuân xúc động.
 
Dã tràng ca bao gồm 13 đoản khúc được nhiều người xác nhận là bản trường ca đầu tiên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại dấu ấn, ảnh hưởng đến cả cuộc đời sáng tác sau này của nhạc sĩ. “Đó là triết lý vô thường, thể hiện tình yêu, tình người, quê hương, ca ngợi hòa bình và lên tiếng chống chiến tranh. Có thể nói rằng, tất cả âm nhạc Trịnh Công Sơn xuất phát từ Dã tràng ca”, nhà nghiên cứu, cùng vừa là người bạn nhạc sĩ nhận định.
 
Vui hơn khi mới đây, thông qua các tư liệu quý giá từ gia đình nhạc sĩ họ Trịnh và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ca sĩ Đức Tuấn đã ghi âm lại ca khúc này nhân sinh nhật lần thứ 80 của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2019). Với giọng ca truyền cảm của Đức Tuấn, người nghe dù biết rất ít hoặc không biết gì về Dã tràng ca cũng cảm nhận được lý tưởng, thông điệp của người nhạc sĩ tài hoa xứ Huế.
 
NHẬT MINH
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.692.520
Đang truy cập 1.746