Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Chiêm ngưỡng những “kiệt tác” do quan xưởng triều Nguyễn chế tác
Ngày cập nhật 26/04/2019

Sáng 25-4, tại Trường Lang, Đại Cung Môn, Đại Nội Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức triển lãm trưng bày tài liệu lưu trữ “Quan xưởng triều Nguyễn qua Châu bản - Di sản tư liệu thế giới”.

Triển lãm giới thiệu 46 phiên bản tư liệu từ Châu bản triều Nguyễn gắn liền với các đơn vị thuộc hệ thống quan xưởng triều Nguyễn với 5 ngành nghề chính, gồm: Đúc tiền; chế tạo vũ khí; chế tạo, sửa chữa tàu thuyền; chế tạo đồ ngự dụng; sản xuất vật liệu phục vụ xây dựng kiến thiết.
 
46 phiên bản tư liệu từ Châu bản triều Nguyễn gắn liền với các đơn vị thuộc hệ thống quan xưởng triều Nguyễn với 5 ngành nghề được trưng bày tại Đại Nội Huế.
 
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, Châu bản là những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội. 
 
Bản tấu ngày 14 tháng 4 năm Thành Thái thứ 16 (1904) của Bộ Công về việc chế tạo một chiếc xe kiệu có điêu khắc, sơn son thếp vàng, bọc vải tơ thêu hoa vàng nhân lễ mừng sinh nhật Hoàng Thái hậu tròn 50 tuổi. 
 
Vì vậy, có thể xem đây là kho lưu trữ tài liệu văn thư hành chính của nhà Nguyễn trên mọi lĩnh vực của xã hội đương thời. Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn chính thức được Ủy ban UNESCO công nhận là một trong 78 Di sản tư liệu ký ức thế giới.
 
Dưới triều Nguyễn, quan xưởng không chỉ là nơi chế tạo các vật dụng phục vụ nhà vua và hoàng tộc mà còn là nơi sản xuất các trang thiết bị phục vụ hoạt động quốc phòng, kinh tế, đời sống dân sinh của quốc gia.
 
Cùng ngày, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã khai mạc triển lãm “Quan xưởng triều Nguyễn với tinh hoa nghề Việt”. Triển lãm trưng bày những món cổ vật quý giá là vật dụng cung đình được những người thợ thủ công của quan xưởng triều Nguyễn chế tác phục vụ nhà vua và hoàng tộc cũng đã cuốn hút đông đảo người xem.
 
Dưới đây là những "kiệt tác" do quan xưởng triều Nguyễn chế tác được trưng bày tại triển lãm.
 
 
Kế thừa kinh nghiệm từ thời các Chúa Nguyễn, Hoàng đế Gia Long (1802 - 1820) đã cho xây dựng hệ thống quan xưởng đa dạng và phong phú. Đến triều hoàng đế Minh Mạng (1820-1841),  Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883), hoạt động của quan xưởng ngày càng phát triển và mở rộng. Trong ảnh là mũ phốc trồn của quan Chánh nhất phẩm Văn ban thời nhà Nguyễn và khăn thêu chim phượng hoàng.
 
Tráp ngự thư được chế tác vào năm Tự Đức thứ 4-1851 có khắc bài thơ của vua Tự Đức “Tĩnh dạ đọc thư kỳ nhị” (Đêm khuya đọc sách phần 2). 
 
Triển lãm kéo dài đến ngày 25-8. Hoạt động nhằm hưởng ứng Festival nghề truyền thống Huế 2019 diễn ra từ ngày 26-4 đến 2-5.
 
Thẻ bài của các quan chức làm việc ở quan xưởng Triều Nguyễn.
 
Từ sau năm 1885, số lượng quan xưởng thu hẹp dần nhưng kỹ năng và bí quyết nghề nghiệp tiếp tục được những người lính thợ chuyển giao cho các thợ học việc trong dân gian góp phần làm đa dạng ngành nghề và sản phẩm trong các làng nghề dân gian ở Huế.
 
Các vật dụng cung đình đa dạng về loại hình, độc đáo về kiểu dáng, hoa văn được tạo ra từ bàn tay khéo léo và tư duy thẩm mỹ tinh tế của những người thợ thủ công quan xưởng Triều Nguyễn.
 
Các vật dụng hoàng gia làm bằng bạc vào thời vua Thành Thái được quan xưởng Triều Nguyễn chế tác tinh xảo.
 
Đôi hoa tai mạ vàng đá quý được chế tác tại quan xưởng thời nhà Nguyễn (1802-1945).
 
Anh Khoa
Theo: cand.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.072.383
Đang truy cập 8.970