Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Chậm của Huế…
Ngày cập nhật 15/11/2019

Yên tĩnh. Chậm rãi. Không vồn vã, chẳng bon chen. Một vài thuộc tính làm nên Huế, dựng nên tính cách con người cho vùng đất này. Nói đây là một “bộ nhận diện” cho người Huế chẳng sai chút nào.

 
Trải nghiệm sống chậm bằng xích lô - nét đặc trưng của Huế
 
Trong cuộc hội thảo về  “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã có cuộc mở đầu câu chuyện về người Huế, về sự chậm của Huế đầy thú vị.
 
“Mấy chục năm trước, đang còn tuổi trẻ tôi vào Huế và rất ngạc nhiên. Tại sao, cuộc sống mình nó hừng hực lên như thế, muốn vắt chân lên cổ chạy vẫn cảm thấy chưa đáp ứng được nhịp độ cuộc sống. Thế mà nhìn các bạn ở Huế bình chân như vại. Người dân ở đây cũng chẳng lo lắng gì cả. Với người Huế, dù có nói đến giá trị thì nền tảng cốt lõi ở trong đó vẫn là giá trị tinh thần. Nếu anh không đảm bảo được giá trị tinh thần đó thì anh đừng có nói với các bạn Huế về chuyện có quy luật giá trị. Đó chính là cái khác của người Huế”, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
 
Người Huế kỹ tính, tỉ mỉ, chăm chỉ, cần mẫn, kiên trì. Các loại nước chấm của Huế rất đa dạng, để làm ra được một chén nước chấm rất công phu, cầu kỳ. Tôi nghĩ, đó là cái tinh túy trong văn hóa ẩm thực của Huế. Đó không chỉ là đánh giá của ông Bình mà tất cả những người đã từng biết đến Huế, từng đặt chân đến với vùng đất này đều cùng suy nghĩ.
 
“Cái bánh bột lọc mà có con tôm ở trong, người khác có thể làm ra cái máy và sản xuất ra cả sêri. Nhưng không, người Huế là phải làm thủ công cơ”, ông Bình lấy ví dụ. Rồi chia sẻ, tôi từng nghiên cứu về Huế từ khi còn trẻ, từ chỗ ngạc nhiên cho đến chỗ thông cảm, rồi đến chia sẻ và đồng thuận. Đấy, chúng ta phải biết cái bản sắc văn hóa nó dẫn đến tính cách của người Huế, để từ đó chúng ta quyết định xem chúng ta phát triển kinh tế gì cho phù hợp.
 
Cái chậm của Huế không chỉ là tính cách, cách sống. Chậm của Huế còn là chậm của những vòng quay xích lô. Tháng trước, tôi đón một bà chị từ Hà Nội vào chơi. Rong ruổi khắp nhưng chưa được đi xích lô, tối đến bà đi dạo bằng phương tiện này. Bà chụp ảnh, gửi rồi bảo: “Chị đang đi xích lô này”. Tôi hỏi có gì thú vị? “Thú vị lắm, một sự chậm rãi không vồn vã đủ cho chị ngắm Huế. Nó khác sự vội vã đôi khi chỉ để lại cái mùi xăng của xe ôm; sự ngột ngạt đến khó thở trên taxi. Nói chung, xích lô Huế là một trải nghiệm xứng đáng khi đến Huế”, bà chị nhắn tin, nghe có vẻ thích thú.
 
“Vắng khách đôi khi chở gió về”, chẳng phải Phương “xích lô” từng có câu thơ lột tả sự thong dong, an yên của cánh xích lô Huế hay sao. Vắng khách thì chở gió về, sao phải cứ vội vã, bon chen. Nếu như những vòng quay của xích lô làm nên hình ảnh cho Huế, thì những người đạp xe xích lô lại tạo nên sự chậm rãi, thong dong tự tại. Hai thứ kết hợp nên hình ảnh Huế, và tính cách Huế.
 
Chậm của Huế là chậm của những chiếc xe đạp. Huế vào những sớm mai, bạn sẽ nhìn thấy các đoàn sẽ đạp nối đuôi nhau, họ dạo quanh thành phố, lên chùa Thiên Mụ hay các ngả đền đài lăng tẩm. Không phải chỉ người Huế, du khách cũng khá ưa thích với loại phương tiện này khi đến với Cố đô.
 
Huế vốn đã chậm, những vòng xe đạp lại tạo cho Huế thêm một sự chậm rãi. Khi dự án “xe đạp thông minh” vào hoạt động thì sự chậm rãi đó sẽ càng có điều kiện phát triển hơn.
 
Một lần đến Huế, giáo sư Trương Nguyện Thành đã có được sự trải nghiệm đầy thú vị với xe đạp, và ông thấy đó là một loại hình cần nhân rộng. “Tôi có một ngày đạp xe quanh thành phố Huế, đi thăm lăng Gia Long và các địa điểm ở Huế. Tôi đạp chậm rãi và thấy cảnh quan Huế rất đẹp, đó là một trải nghiệm thú vị”, giáo sư Thành chia sẻ.
 
Cái chậm của Huế nhiều lúc lại đến từ nhịp điệu của mấy mệ, mấy o rao hàng. Đôi khi người bán đã đi hết cả quãng đường mà tiếng rao vẫn chưa dứt, người nghe vẫn cứ thấy nó văng vẳng đâu đó. Miên man, chậm rãi như tính cách người Huế.
 
Ông Nguyễn Văn Bình kết thúc trong câu chuyện về sự chậm của người Huế: “Bây giờ mà bảo cho mấy ông người Huế đi buôn thì chắc là không được rồi. Nhưng, người Huế làm những việc đòi hỏi sự tinh túy, tỉ mẩn là rất hợp”.
 
Tính cách Huế, sự tỉ mẩn cùng những vòng quay xích lô, xe đạp sẽ làm cho Huế chậm lại. Sự chậm lại đó là một kiểu phát triển. Nghe có vẻ vô lý. Bởi, đã “chậm” lại đi liền với “phát triển”. Nhưng, nếu theo dõi những kiểu sống hiện nay thì đó như là một xu hướng. Khi con người ta đạt đến một ngưỡng náo nhiệt của sự phát triển nào đó, họ thường có xu hướng quay về lại với cuộc sống xưa cũ, muốn tìm lại sự an yên, chậm rãi. Và, kiểu chậm của Huế sẽ là lựa chọn.
 
Bài: Nguyễn Đắc Thành - Ảnh: L. ĐAN
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 4.950