Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Sóng sánh chè sắn
Ngày cập nhật 24/12/2019

Trong cái se se lạnh của chiều mùa đông xứ Huế, ngồi co ro trong gian bếp nhỏ nghe mưa rả rích rơi trên ô cửa, vừa thưởng thức chén chè sắn nóng ấm thơm phức mùi gừng thì còn chi bằng.

Ngọt ngào chè sắn
 
Chiều cuối tuần, dì út ghé về nhà thăm ngoại, mang theo hộp chè sắn nóng hôi hổi. Ngoại ngạc nhiên hỏi: “bây nấu đó hả?”. Dì út ngại ngần thưa thật, “con mua dưới phố đó”. Ngoại vỗ lên sập gụ cái bốp, bảo mình mau mau lấy cái chén múc cho ngoại ăn thử. “Ui chao, trên phố bữa ni hắn cũng bán chè ni nữa bây. Lâu quá không ăn quên cả vị rồi”. Nhìn ngoại háo hức, dì út cũng vui ra mặt. Ngoại nói, chè sắn chừ “cách điệu” dữ quá, nào là nước cốt dừa, rồi dừa non, bột bán đủ thứ cho kịp … thời đại, không như chén chè sắn ngày xưa, nhưng miếng sắn vẫn dẻo quẹo, cái vị gừng vẫn thơm lừng thì không lẫn đi đâu được.
 
Mình nhớ ngày trước, hiếm lắm mới được ngoại  nấu cho một nồi chè sắn. Hồi đó, nấu chè sắn không phải thích ăn sắn (vì sắn ngày mô mà chẳng ăn), mà bởi đơn giản là thèm chè. Đậu thì hiếm lắm. Ví dụ có đậu xanh đậu đỏ đi nữa, ngoại cũng để dành bán lấy tiền mua gạo. Mùa đông lạnh lẽo, ruộng đồng ngập nước, mô có cày cuốc được. Thèm đồ ngọt, muốn ăn chè, chỉ còn cách nấu chè sắn thôi. Nhưng mà ăn mãi rồi thành ghiền. Lâu lâu ngoại lại kiếm được bánh đường đen, thì trong nhà lại xuất hiện nồi chè sắn.
 
Nấu chè sắn đương nhiên phải có sắn rồi. Mà sắn thì dễ lắm. Trong chái bếp lụp sụp của ngoại lúc nào cũng có sẵn non chục cũ sắn ba trăng để dành hấp cơm. Ngoại hay lột sắn rồi ngâm qua nước vo gạo để sắn nhả hết cái đắng. Dọc hàng rào ở cuối vườn nhà luôn có mấy bụi lá dứa xanh mướt, ngoại cắt mấy ngọn bỏ vô nồi cùng với sắn rồi hấp. Sắn chín, thơm lừng mùi dứa.
 
Đường nấu chè thường là đường chén, còn gọi là đường bánh, loại được nấu thủ công. Ngoại đập dập đường, rồi cho vào xong nước nấu sôi lên cho tan đường. Nấu một nồi chè, chỉ cần một miếng gừng là đủ. Gừng cắt sợi, rồi cho vào nồi nấu cùng. Sau đó cho sắn đã cắt miếng vào nấu liu riu. Khi miếng sắn đã đượm vị ngọt của đường, ngoại sẽ cho bột lọc đã pha sẵn trong chén nước, từ từ đổ vào nồi chè rồi quậy đều tay cho nồi chè sền sệt. Tùy sở thích ăn ngọt đậm hay nhạt, thích độ sánh nhiều hay ít mà cho lượng đường hay bột lọc vào. Mình thì thích chén chè của ngoại, cái ngọt vừa đủ, không gắt không ngán, độ sền sệt vừa tầm, không lỏng mà không đặc, rất vừa miệng. Trời mưa lạnh, ngồi bên bếp lửa bập bùng, chậm rãi múc từng muỗng chè sắn cho vào miệng, ngon không nỡ nuốt.
 
Cái ngon của chè sắn là phải ăn khi còn nóng ấm. Miếng sắn dẻo quẹo, vị gừng cay cay, thơm lừng. Những hôm sang sang, ngoại rang ít đậu phụng rồi đập dập, rải lên chén chè nóng, ăn thơm thơm bùi bùi, ngon hết ý. Sau này mỗi mùa đông về, ngoại  không cần phải để dành đậu mua gạo như ngày trước, nhưng ngoại vẫn hay xuống bếp nấu một nồi chè sắn vì lâu không ăn lại thấy nhớ. Sau nữa, ngoại già hơn, hiếm khi mới xuống bếp, món chè sắn của ngoại hầu như không còn xuất hiện trong căn bếp nhỏ.
 
Chiều này, bưng chén chè sắn dì út mua trên phố, ngoại nói ngon thì ngon thiệt, nhưng ngoại vẫn thích cái vì chè ngày xưa. Chén chè sóng sánh màu mật, miếng sắn ngọt thơm, vị gừng nồng nàn mà không có cái béo của vị cốt dừa lấn át. Nước chè sóng sánh tan trong miệng mà không bị những hạt bột bán, mấy hột trân châu lăn qua lăn lại trong vòm miệng. Nghe ngoại than thấy thương. Thôi thì mai trời tạnh ráo, mình sẽ chạy ra chợ, kiếm mấy củ sắn, kiếm miếng đường đen về nấu nồi chè sắn cho ngoại.
 
Bài, ảnh: Linh Chi
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 19.100