Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Hạt mưa qua sông
Ngày cập nhật 31/01/2020
Một ngày cuối năm, nắng vừa thức dậy sau cơn mưa dai dẳng, tôi một mình lên núi Ngũ Phong, gióng tiếng chuông lòng mình trước ngôi đền thờ phụng công chúa Huyền Trân.
 
Nữ sinh. Ảnh: Bảo Minh
 
Tôi đã học cách nhớ lại từng bông sim bông mua, từng ngọn đá cheo leo trên rú xanh, từng bóng cây cô đơn đầu non để nhớ lại gương mặt mạ tôi, người gánh sương ra đi trước bình minh và gánh hoàng hôn làm thành chạng vạng trở về.
 
Tôi nhớ anh tôi, người anh trắng ngần bông tuyết đã vĩnh viễn từ biệt tôi, mang theo tiếng khóc trẻ thơ treo đầu ngọn cây thùy dương mỗi đêm và sau này về cùng trắc ẩn tôi mỗi khi tôi đau lòng bởi những nỗi niềm con gái.
 
Tôi học cách nhớ chị tôi, o tôi, em tôi đã cùng bước đi với tôi trên con đường buốt bát đá dăm găm nhọn gan bàn chân hồng thơ ấu của đứa bé lên 5 tôi ngày ấy. Tôi nhớ bà tôi chít khăn xanh đội mưa đi từ làng này qua làng kia và luôn giữ trên tay bí mật ngàn năm tuổi. Những bài học tôi đi quá nửa đời người mới biết mình chưa qua hết lớp vỡ lòng.
 
Nên một buổi sớm tinh mơ mùa xuân trên ngôi đền dành riêng tưởng nhớ người con gái mang tên Huyền Trân đặt trên núi Ngũ Phong đó, tôi bâng quơ tự hỏi, những hạt mưa xiên ngang búp thông thắp thành những giọt thủy tinh lóng lánh đó, phải chăng là giọt nước mắt trì níu của nàng công chúa khi hoài nhớ về thuở ấu thơ xưa? Bức tượng ngài Di Lặc an hòa trước chánh điện có giúp nàng vơi bớt nỗi nhớ về một thời được quỳ gối tựa mặt bên song thân nơi xứ bắc. Tiếng chuông thinh lặng làm sao gióng nỗi yêu thương xa ngái vọng lan tới quê nhà.
 
Sử sách chép rằng: Huyền Trân công chúa là ái nữ của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Hoàng hậu. Hơn 700 năm trước, vào mùa hạ năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa hôn của vua cha Trần Nhân Tông, Huyền Trân Công chúa đã gạt tình riêng để sang Chiêm Thành nên duyên và hai châu Ô, châu Lý món quà sính lễ đã sáp nhập vào Đại Việt.
 
Ghi nhận công lao của một người có công mở mang bờ cõi cho dân tộc, nhân kỷ niệm 700 năm mảnh đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế, năm 2006, đền thờ Huyền Trân công chúa được khởi công xây dựng.
 
Bắt đầu từ đó, tôi thường cùng con lên lễ đền nàng. Mỗi lần đi cùng con, tôi nhớ cách một người bạn bày cho tôi dạy con tập đếm bằng bài thơ Sơn thôn vịn hoài của Thiệu Ung đời Bắc Tống: “Một đi hai ba dặm/Khói thôn bốn năm nhà/Đền đài sáu bảy cái/Tám chín mười cành hoa!”. Bài thơ mang nét vẻ u hoài của một tâm hồn đang trên hành trình nào đó, mà sao đẹp quá.
 
Suy cho cùng, hành trình nào trong đời, người ta vẫn luôn hướng về nơi có mái nhà. Ở đó có cha mẹ, anh em, bà con họ mạc. Cái hình ảnh đền đài kia là nơi người ta đến chiêm quan và bái lạy, rồi như những đứa trẻ, người ta lại tung tăng trên con đường của mình để tìm về. Tám chín mười cành hoa mới là đích đến, mới là nở rộ, mới là ấm êm. Thì buồn thương thay, nơi đền đài kia đó, nàng ở lại một mình. Làm người ra đi để khi trở về, bước vào cửa Phật, công chúa Huyền Trân đã trút bỏ vướng bận trần gian để khoác tấm áo lam với pháp danh Hương Tràng, nàng trở thành một đền đài cho muôn đời sau xưng tụng và ngợi ca.
 
Mảnh đất vốn từ một món quà sính lễ này, một hạt mưa bay qua cũng trở thành yêu thương ấm nồng rất đỗi. Nhân loại xưa nay, để giành về một tấc đất, phải đổi bao sinh tử, bao gươm giáo trận mạc xông pha. Nhưng chốn Thuận Hóa này để thuộc về nơi con cháu miền Đại Việt muôn đời sau quần tụ, lại ơn người con gái mảnh mai hiền dịu kia.
 
Phải thật công bằng mà nói, lịch sử nhiều dân tộc phải ghi công những nhi nữ anh hùng. Nền văn hóa Ai Cập lừng lẫy trước công nguyên đã không thể phủ nhận tài nghệ của Nữ hoàng Cleopatra, người đàn bà đã khiến những dũng tướng quy phục và ngay cả khi sa cơ vẫn không chấp nhận làm con tin diễu dưới lễ đài, đã uống thuốc độc tự vẫn. Tôi nhớ về Văn Thành, công chúa đời Đường xứ Trung Hoa, từ liễu yếu đào tơ, nàng trở thành Vương hậu thứ hai của Tán phổ Tùng Tán cán Bố của Thổ Phồn. Là một cuộc hôn nhân quốc gia mang tính chất chính trị nhưng có thể coi là thành công do hòa bình giữa Trung Quốc và Thổ Phồn đã được duy trì cho tới hết thời kỳ trị vì của Tùng Tán Cán Bố. Đến xứ Tạng, bà trở thành một đệ tử của Phật giáo, là người góp từng viên gạch đầu tiên xây cung điện Potala dựng nên một thủ phủ Lhasa long lanh trong sắc nắng kinh kệ uyên nguyên cho nhân loại hôm nay ước ao phóng đôi mắt khát khao hướng vọng.
 
Những đôi mắt ấy, có mắt nào vời vợi nỗi Huyền Trân? Nhân loại mỗi một sớm mai biết bao người tự hào khoe chiến tích về những chuyến tàu xuyên không vũ trụ, mấy ai biết hành hương về xứ nguồn cội để nhớ rằng, trong đôi mắt dịu dàng của người nữ, tấc biên cương của dân tộc mình đã được âm thầm mở cõi mà không phải tốn một giọt máu nào lãng phí xuống đất đai. Giọt nước mắt người con gái bước xuống thuyền lan không chỉ mặn nỗi nhớ thương gửi lại mẹ cha tiên tổ, giọt nước mắt đó còn mặn mòi như thể thấm cả phần xương máu bao chiến binh không cần rơi xuống cho tấc đất được mở mang.
 
Với vị thế là một kinh thành cũ, Huế từng là nơi tụ hội hiền tài. Từ xưa, bao kỳ thi được mở ra là bấy nhiêu dịp người tài quần tụ. Bao phen chiếu ban trải là bấy dịp người hiền tiến cung. Huế vì vậy trở thành đất lập thân của biết bao người tài giỏi. Những kì thi đô hội, người ta đến đây thành đạt ở lại đã đành, mà lỡ vận cũng cắm mái lều nương nhờ chữ nghĩa cho thỏa chí tài trai. Lâu dần ở lại, gầy dựng vợ chồng lợp mái rơm vách rạ, từ người tứ xứ bén rễ thành con dân đất đế đô. Đất Thuận Hóa xưa nay chưa từ chối một ai. Nên nếu ngọn ngành mà tra, người Huế bắt nguồn cội rễ của mình từ đàng Ngoài đàng Trong tụ họp.
 
Những ngày khoan thai, tôi thường đi dưới những hàng thông xanh lao xao ánh nắng, bước nhẹ nhàng lên từng bậc cấp hướng lòng theo tiếng chuông vang vọng âm thanh hòa ái trên đồi cao, nghĩ về người con gái đất bắc đã mang cả tấm lòng xuống trời nam để mãi mãi về sau con dân Việt được ân hưởng một vùng đất đai xinh đẹp này. Người con gái ấy đã bước vào cõi Phật cách đây hơn 700 năm nhưng với tôi, nàng đã khép lại đời mình để đi vào một sự chuyển hóa khác nảy sinh.
 
Như vậy, cuộc đời, xét cho cùng là một sự chuyển sinh qua muôn cõi. Để từ lần bước xuống thuyền qua sông trên chuyến đò định mệnh cách đây hơn 700 năm của người con gái ấy, chúng ta có một mùa xanh tươi tốt của hôm nay. Tôi gọi nàng là hạt mưa qua sông. Nhưng hạt mưa không tan đi. Những hạt mưa chuyển cõi. Hạt mưa bé nhỏ nhưng đủ sức ủ ấp bao nhiêu mầm sống qua mùa đông giá lạnh để một sớm mai xuân về, nắng thắm trên cây.
 
Đông Hà
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 28.544