Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 4
Ngày cập nhật 27/02/2020

Cao đỉnh - Đỉnh đặt ở chính giữa tượng trưng cho sự vĩ đại

Trầm hương
6. Trầm Hương, tục danh cây dó bầu, thường gọi cây trầm. Do khi người ta bỏ xuống nước thì nó chìm nên gọi là trầm. Chất dầu của cây trầm rất thơm, có thể bào chế làm thuốc trị thấp khử tà, lại là dược liệu bổ dương được cả Đông lẫn Tây y đều lấy dùng rất nhiều. Miền rừng núi từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị trở vào nam Trung Bộ các tỉnh đều có. Sách Nghệ An phong thổ ký chép rằng: cây dó già cỗi, tinh dịch kết lại thành hương, cây còn sống mà đẽo lấy thì gọi là sinh trầm có thể dùng làm thuốc, cây đã chết mà lấy gọi là tử trầm, chỉ dùng chế chất thơm, lấy lúc cây đã mục nát gọi là tốc hương, là mật hương. Loại cây này giống cây liễu to, muốn lấy hương thì đốn ngả cây đã lâu năm, cội rễ cành đốt đều có màu sắc khác nhau, ruột cây rắn và đen, bỏ xuống nước mà chìm gọi là trầm hương, nổi ngang với mặt nước gọi là kê cốt hương, gốc cây là hoàng thục hương, thân cây là sạn hương, cành nhỏ rắn chắc chưa nát là thanh quế hương, gốc và mắt cứng mà lớn là mã đề hương.
 
 
Người đi khai thác trầm hương rất gian truân, có khi bỏ cả mạng ở rừng sâu núi thẳm, đúng như câu nói: “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Người đi tìm trầm thường kiêng cữ nhiều thứ: trước ngày vào rừng họ thường kiêng ăn thịt những con vật linh, cấm gần phụ nữ, tránh nói năng bậy bạ; khi đến cửa rừng, hay vào ngày gặp được cây dó, người ta thường đặt lễ dâng cúng thần mộc, nên cây trầm còn được người dân miền núi gọi là Cây Thần.
Năm 1830, triều đình cho đặt hộ trầm hương ở Phú Yên, sai mộ dân bên ngoài sung vào. Lấy 30 người làm định ngạch, mỗi người hàng năm nộp thuế 1 cân trầm hương.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây trầm hương vào Cao đỉnh.
Trầm hương Việt Nam được các nước theo Phật giáo, Hồi giáo dùng nhiều trong tế lễ, được xem là một loại dược liệu cao cấp, dùng để chế thuốc trị hen suyễn, tăng cường sinh lực. Trong Tây y, trầm là thành phần cơ bản để làm biệt dược điều trị chứng ung thư bàng quang. Cây trầm cũng còn được dùng tạc tượng thờ, làm vật trấn yểm khí tà, xua đuổi ma quái...
Thời trước, trầm hương nổi tiếng hơn cả là ở Vạn Giã, Khánh Hòa. Những năm tám mươi của thế kỷ XX, tỉnh Bình Trị Thiên cũ có lúc xuất khẩu ra nước ngoài lên đến hàng trăm tấn, ngành xuất khẩu trầm bấy giờ được mệnh danh là “vua trầm” Việt Nam. Do cây trầm có nhiều ích lợi mà ngày nay người dân các tỉnh miền Trung và Tây Bắc Việt Nam đều có trồng, có nơi trồng xen canh đến hàng chục hécta. Nhưng để cây dó bầu ấy có tinh dịch làm dược liệu cao cấp thì nó cần phải sinh trưởng đến hàng chục năm sau.
 
Ngưu chử giang 
 
7. Ngưu Chử Giang, tục gọi là sông Bến Nghé, sông ở vùng thành phố Hồ Chí Minh; xưa sông này chảy qua huyện Tân Bình nên còn có tên sông Tân Bình. Khi người Pháp chiếm cứ Sài Gòn và Lục tỉnh, họ gọi là sông Sài Gòn; nguồn sông chảy từ gần Bương Đầm - Lộc Ninh xuống phía nam song song với sông Bé, chảy đến Nhà Bè thì gặp sông Đồng Nai, còn gọi là sông Phước Long, rồi chảy vào cửa biển Cần Giờ. Sông Bến Nghé có nhiều chi lưu, chi phía tây nam chảy trong địa giới tỉnh Gia Định xưa, chi đông bắc chảy ra phía Biên Hòa. Sông rộng và sâu, dài khoảng 256 cây số, ngay từ đầu thế kỷ XIX, tàu thuyền các trấn, tỉnh, trong nước và của các nước ngoài đã ra vào sông này tấp nập, biến nơi đây thành một đô hội sầm uất.
 
 
Tục truyền, sông Ngưu Chử xưa kia hai bên bờ còn hoang vắng, ở đây có rất nhiều cá sấu sinh sống, chúng thường rượt đuổi cắn nhau, tiếng kêu như tiếng trâu nghé rống, cho nên người ta mới gọi tên như thế. Còn theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, thì nơi đây vốn có cái bến ngày xưa thường có nhiều con nghé (trâu) đến uống nước nên mới gọi tên này. Như vậy, cứ theo hai cách giải thích trên thì vào lúc người Việt mới lập dinh trấn ở đây, vùng đất này còn hoang sơ lắm, và có rất nhiều giống cá sấu, trâu bò rừng sinh sống thành từng bầy đàn đông đúc. Địa danh Bến Nghé cũng được dùng để chỉ thành Gia Định, tức thành Bến Nghé, thành này xưa tiếp giáp với thủ phủ Sài Gòn, và là trung tâm thương mại Chợ Lớn do Hoa kiều lập nên.
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng sông Bến Nghé lên Cao đỉnh. Năm Tự Đức thứ 3, 1850, sông Bến Nghé được liệt vào hàng sông lớn nổi tiếng của đất nước, được đưa vào trong tự điển, hàng năm triều đình cử quan viên đến tế thần sông.
Khi người Pháp đánh cướp nước ta, họ cho tàu chiến tiến vào Sài Gòn theo đường sông này. Nhà thơ yêu nước - Cụ Đồ Chiểu đã viết về Bến Nghé buổi ấy như sau:
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”...
Về sau cụ được người nhà đưa về lánh nạn ở Ba Tri thuộc tỉnh Bến Tre ngày nay.
Bến Nghé thực sự là con sông lớn đã tạo nên nhiều chi mạch giao thông tiện lợi cho tàu thuyền tấp nập lui tới thành Gia Định buôn bán. Từ đây có đường thông ra biển Đông; rất thuận lợi cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ nước ta trong sự hội nhập với thế giới ngày nay.
 
Dương Phước Thu
 
(Còn nữa)
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.074.149
Đang truy cập 9.770