Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 5
Ngày cập nhật 17/03/2020

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 5

1. CAO ĐỈNH
 
Đỉnh đặt ở chính giữa tượng trưng cho sự vĩ đại
 
 
THÔNG
8. Thông (蔥), tục danh cây rau hành, còn có tên là cây hống, là thái bá, hòa sự thảo, lộc thai. Tính của củ hành có chất hăng lại hay phát dẫn tà khí ra ngoài; củ hành, lá rụng ống, đều ăn được, muối làm dưa ăn ngon hơn, các nhà Đông y nói, có thể dùng củ và lá để làm thuốc chữa đau đầu, thoát mồ hôi. Hành là món gia vị hương hoa nhưng không thể thiếu trong các món ăn có chất tanh. Người ta nấu món thịt lợn bắt buộc phải có củ hành kèm theo mới tuyệt: “Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”. Hành là giống rau đem lại sự thơm tho cho người trồng của ruộng đồng nước Việt. Nhưng vì có mùi hăng, người tu đạo Phật không thường dùng.
 
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây hành vào Cao đỉnh.
 
ĐẠI PHÁO
大礮
9. Đại Pháo (大礮), thường gọi đại bác, là loại súng lớn, được sản xuất dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng. Khi bắn đại pháo, người ta phải lau nòng súng, nạp thuốc súng ở phía sau và dẫn ra một ngòi nổ cháy chậm, quả đạn được đẩy ngược vào nòng súng, người pháo thủ châm ngòi bằng mồi lửa, thuốc súng cháy, phát nổ tạo nên sức nén và sinh ra một lực rất mạnh, đẩy viên đạn bay đi. Loại đại pháo này thường dùng để công phá thành trì, bắn vào hạm thuyền, hay dùng để phát hiệu lệnh. Thời Nguyễn sơ, đây là loại vũ khí uy dũng, tiếng nổ lớn, làm cho đối phương phải khiếp sợ. Vì thế mà người xưa xem đại bác như vị Thần công.
Đại diện cho loại đại pháo này, người ta thấy, hai bên cửa ra vào Hoàng thành phía trước Ngọ Môn, hiện còn “Cửu vị Thần công” được đúc xong vào năm 1804 dưới thời vua Gia Long “sừng sững chầu hai bên có Tả đại tướng quân và Hữu đại tướng quân”; chín khẩu “Thần súng” này lấy theo tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông cùng ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ mà đặt tên. Khi đúc xong, khắc sự tích và tên vào thân súng. Đây thực sự là những tác phẩm độc đáo vừa mang tính nghệ thuật tinh xảo, vừa đạt trình độ kỹ thuật cao, thể hiện thành tựu về nghề đúc đồng Việt Nam từ lâu đời. Đồng thời “Thần công” ẩn chứa những nét văn hóa tâm linh mà uy dũng trong việc hộ quốc.
 
 
Nhiều khẩu đại bác “có công yểm trợ” bắn trúng quân thù, chiến thắng trận mạc được triều đình phong tặng tước vị và “phong chức” rất cao, chẳng hạn như “Thần oai vô địch đại tướng quân, Thượng tướng quân vô địch”... (Thống lĩnh quân đội tối cao, quyền uy không khác gì thần thánh, chẳng có gì chống lại được). Xứng đáng là “vua chiến trường” thời ấy. Dưới triều Minh Mạng, mỗi đơn vị bộ binh (gọi là vệ, mỗi vệ khoảng 500 người) được trang bị hai khẩu Thần công (loại nhỏ), 200 khẩu súng điểu thương và 21 ngọn cờ. Tùy theo vị trí nhiều pháo đài, trên các vọng lâu của Kinh thành Huế, các tỉnh, trấn đều có đặt các loại Thần công to, nhỏ khác nhau.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng đại pháo này vào Cao đỉnh.
Do quan niệm súng đại bác như là vị thần hộ vệ, mà thời xưa có nhiều quan võ khi được nhà vua phong chức, hay các sĩ tử trước khi thi võ, hoặc sắp phải ra chiến trận thường sắm lễ vật đến dâng lên vị thần này. Cầu mong “Thần công” che chở cho họ khỏi bị đường tên mũi đạn, ra trận là đánh thắng quân thù, thi đỗ thứ hạng cao và thăng tiến nhanh trên đường binh nghiệp.
 
NHẬT
10. Nhật (日), tức là mặt trời, chỉ ban ngày, ánh sáng. Theo quan niệm của người xưa, mặt trời tượng trưng cho ngôi cửu ngũ chí tôn, bậc thiên tử. Ở một số nước, người ta tôn thờ mặt trời như vị thần tối thượng, chủ nhân của mọi giới, nên việc tế thần Mặt Trời hàng năm là một lễ nghi rất quan trọng. Theo Kinh Dịch, trời thuộc quẻ Càn, mặt trời thuộc quẻ Ly, biểu hiện của sự ấm áp, sáng sủa khắp mọi nơi. Một ngày mới, mặt trời lên, sinh khí tràn ngập cõi nhân gian vũ trụ. Người xưa bảo: “ân của vua ban như ánh nắng mặt trời chiếu rọi vậy”.
 
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng mặt trời lên Cao đỉnh.
Thời hiện đại, ánh nắng mặt trời chiếu rọi khắp nơi cũng là tài nguyên năng lượng vô giá.
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.072.535
Đang truy cập 9.031