Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỷ 9
Ngày cập nhật 13/08/2020

2. Nhân đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ nhất bên trái tượng trưng cho lòng nhân ái (Tiếp theo)

Nhân đỉnh
 
KHỔNG TƯỚC
 
 
2. Khổng Tước, tục danh con công, cũng còn gọi là con cuông, là Việt điểu, thuộc họ trĩ, bộ gà; người xưa bảo tiếng gáy của nó thốt ra nghe như tiếng “đô hô”, phần nhiều khổng tước thường sống ở cây to trên núi cao, gò cao để có thể bay dễ dàng. Trước đây, rừng núi các tỉnh nước ta đều có, nhưng nổi tiếng và người ta dễ gặp nhiều là ở vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang, Nam Bộ; vùng đền Cuông, tỉnh Nghệ An; vùng Tu Bông, Vạn Giã, tỉnh Khánh Hòa; các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng đều có. Nó là loại chim không chịu ở chốn rừng rậm, làm tổ đơn giản, đẻ vào khoảng tháng 5 tháng 6, mỗi lứa chừng 4 đến 6 trứng có màu trắng đục, kích thước trứng trung bình. Ấp độ 28 ngày thì nở. Ban đêm nó thường ngủ trên cành cây cao gần chỗ kiếm ăn. Ngoài mùa sinh sản công thường sống theo đàn hay từng gia đình. Cả con trống và mái đều không có cựa. Theo các nhà Đông y, thịt chim công có nhiều dược tính công dụng rất cao trong việc giải độc; ngược lại lông của nó có nhiều độc tố không được để đụng chạm vào mắt vì có thể làm mù; mật của chim công rất độc, khi làm thịt người ta phải bỏ mật đi; thịt công chần qua rồi làm nem, là món rất quí trong hàng bát trân, ngày xưa chỉ vua quan mới được dùng món “nem công chả phượng”. Sách An Nam chí chép rằng: Chim công trống sau khi nở được một năm, đuôi dài chừng vài thước, gặp gió thì xòe đuôi để múa, trông óng ánh như bánh xe gấm. Lại có một loại công trắng, lông trắng tinh, toàn thân như tuyết, vào đời vua Minh Mạng, quan quân tỉnh Biên Hòa bắt được một con đem dâng lên.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng chim công vào Nhân đỉnh.
 
Do môi trường sống tại các cánh rừng núi nước ta hiện nay bị xâm phạm quá mức; một phần lại bị đơm bẫy nên các cá thể quí hiếm trong đó có loài chim công còn rất ít, hơi khó gặp. Muốn tận mắt xem nó múa thì có thể đến các vườn thú ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh may ra sẽ còn gặp. Còn muốn nghiên cứu đặc tính, tìm hiểu kỹ loài công này thì có thể đến các khu bảo tồn của rừng Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình hay vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, sẽ thấy.
Công là loại chim tuyệt đẹp, được người xưa quan niệm, loài chim mang ý nghĩa may mắn, cát tường “Khổng tước thái bình”, xứng đáng ở ngôi “hoa hậu của rừng xanh” rất cần được bảo tồn nòi giống.
 
ĐẠI MẠO
 
 
3. Đại Mạo, tục danh con đồi mồi, thuộc họ vích, bộ rùa, chúng sống chủ yếu ở biển sâu và cạnh các hải đảo, nhất là những nơi có nhiều san hô; khi lên cạn nó có khả năng nhịn đói dài ngày nhưng phải được giữ ấm bằng nước biển.
 
Đồi mồi có nhiều giá trị kinh tế, thịt rất ngon, có nhiều chất dinh dưỡng, là vị thuốc dùng chữa bệnh nhiệt, mê sảng, kinh giản, ung nhọt; vảy và mai làm hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Vùng biển nước ta từ tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng trở vào Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Phú Quốc, chúng sống rất nhiều.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng con đồi mồi lên Nhân đỉnh.
 
NGỰ BÌNH SƠN
 
 
4. Ngự Bình Sơn, tức núi Ngự Bình, lại gọi Hòn Mô ở về phía tây bắc huyện Hương Thủy - nay thuộc phường An Cựu, thành phố Huế. Núi này nổi vọt lên ở quãng đất bằng như bức bình phong, cao chừng 104 mét, được xem là tặng vật trời ban để làm lớp án thứ nhất trấn giữ trước Kinh thành Huế. Tên xưa của núi là Mạc Sơn, hoặc là Bằng Sơn, vì trông nó tựa như một con chim bằng đang đậu, mặt quay về phía bắc với đôi cánh hơi khuỳnh ra hai bên trông thật khỏe. Đời Gia Long xây dựng kinh thành, vua lên núi chơi, thấy đỉnh núi bằng phẳng, hình dáng uy nghi, cân đối, đẹp như một ngọn núi nhân tạo, khắp nơi trồng cây thông, cho tên núi là Ngự Bình. Năm Minh Mạng thứ 2, 1821, nhà vua ngự giá lên chơi, xem xét hình thế, thấy hai bên tả hữu núi đất đứng đối nhau, nhân đấy gọi tên núi phía tả là Tả Phù, núi phía hữu là Hữu Bật. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng núi này vào Nhân đỉnh; năm Mậu Tuất, 1838, nhân tiết Trùng Dương (nhằm ngày 9 tháng 9 âm lịch), nhà vua lại ngự lên núi, cho bá quan theo hầu ăn yến ở trên núi, nhân đấy, ngự soạn bài thơ ghi lại việc này. Tiết Trùng cửu, các vua Nguyễn lên chơi núi bắt đầu từ đấy. Năm Thiệu Trị thứ 4, ngự chế tập thơ “Thần Kinh nhị thập cảnh”, tức Hai mươi bài thơ tả cảnh đẹp ở Kinh sư, trong ấy có bài vịnh núi này, đầu đề là “Bình Lãnh Đăng Cao”. Bài thơ ấy được khắc vào một tấm bia bằng đá thanh khá đẹp, đặt trong một nhà bia xây gạch kiểu vòm cuốn, tọa lạc ngay dưới chân núi. Bây giờ, nhà bia đã hư hỏng, nhưng tấm bia vẫn còn y nguyên.
 
Theo gương người xưa, ngày nay hễ đến dịp Nguyên tiêu, hay tiết Trùng cửu, người Huế thường rủ nhau lên núi ngắm trăng, làm thơ...
 
Cạnh núi Ngự Bình nhìn về phía tây nam bên trái có ngọn núi Bân, thường gọi núi Tam Tầng, là chỗ ngày xưa Nguyễn Huệ sai đắp đàn để tế cáo trời đất lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung, rồi xuất đại binh ra Bắc đánh tan 29 vạn quân nhà Thanh xâm lược giải phóng đất nước. Nơi ấy bây giờ người ta xây dựng một công viên văn hóa, có tượng đài vua Quang Trung oai hùng lẫm liệt nhìn ra phương Bắc...
 
Núi Ngự Bình là biểu tượng tự nhiên của vùng đất văn hóa lịch sử vốn được các chúa Nguyễn chọn đóng thủ phủ, đến vua nhà Nguyễn chọn làm kinh đô. Ngự Bình được ví như người tình muôn thuở của nàng sông Hương thơ mộng, mải mê đứng ngắm tình nhân suốt đời. Vì vậy, từ xa xưa nhiều người vẫn thường gọi xứ Huế là miền của “núi Ngự sông Hương”.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.084.240
Đang truy cập 612