Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Hồi sinh những tràm chim
Ngày cập nhật 08/05/2020

Vùng cửa sông Ô Lâu là khu vực đất ngập nước đặc trưng, nơi tiếp giáp giữa sông và đầm phá Tam Giang được đánh giá cao về đang dạng sinh học. Qua thời gian, với sự tác động của con người, các loài chim, đặc biệt là chim di trú đã trở nên “quá vãng”...

Hạ nguồn sông Ô Lâu - xã Quảng Lợi đã hồi sinh những vùng cây ngập nước làm bãi di trú cho chim
 
Vùng sinh kế trù phú
 
Với lão nông Trần Quyết (75 tuổi, thôn Trung Làng, Quảng Thái, Quảng Điền), trong ký ức hơn 40 năm gắn với nghề nông, vùng cửa sông Ô Lâu vốn là “thánh địa” của những loài chim di cư và các sản vật sông nước.
 
Mùa mưa nước lớn, các loại thủy sản nước ngọt theo sông Ô Lâu về, thủy sản nước lợ theo thủy triều lên, tạo vùng sinh kế trù phú của ngư dân trong quá khứ.
 
Sau này, những cồn nổi, vùng bán ngập cửa sông được cải tạo thành ruộng lúa, ao hồ khiến những bãi thức ăn, bãi đẻ dần biến mất đã khiến đàn chim ngày một thưa dần.
 
Ông Phạm Công Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái hồi tưởng: “Xưa kia, nơi đây là những cồn nổi, lạch sông dày đặc. Khi triều rút, những bãi thức ăn với cơ man nào các loài thủy sản, rong rêu, lau lách của cây lác… để lại trên vùng bán ngập là thức ăn cho các loài chim di trú. Từ năm 2004, thời điểm đập Cửa Lác xây dựng, công trình ngăn nước mặn xâm nhập sâu vào cửa sông Ô Lâu cũng làm con nước theo triều ra, vào tự nhiên trên các cồn nổi không còn”.
 
Du khách tham quan rừng ngập mặn tại xã Quảng Lợi. Ảnh: MC
 
Để duy trì đàn chim ít ỏi còn lại, xã Quảng Thái đã tăng cường công tác tuần tra, ngăn chặn săn bắt và mới đây đã ra quyết định xử phạt hành chính, tịch thu tang vật đối với 2 đối tượng từ thành phố về khu vực cửa sông Ô Lâu để săn bắn.
 
Ông Phước cho biết, toàn vùng ruộng, diện tích mặt nước hiện nay khoảng 80 ha. Trong đó, có 40 ha địa phương cho các hộ dân thuê đất trồng lúa, 20 ha từ các năm 2018-2019 thông qua các dự án đã tiến hành trồng cây tràm nước đang phát triển rất tốt, 10 ha địa phương đang quy hoạch và lên phương án trồng lúa hữu cơ giúp các hộ dân phát triển sinh kế.
 
Xa hơn về phía vùng hạ nguồn sông Ô Lâu là diện tích mặt nước thuộc 3 chi hội nghề cá của xã Quảng Lợi. Nỗ lực của chính quyền địa phương những năm qua cùng người dân đã làm “hồi sinh” cả một vùng ngập nước với khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ có diện tích hơn 40 ha và 60 ha các loại cây bần chua, dừa nước.
 
Ông Phan Đăng Bảo, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Lợi thông tin, việc hình thành khu bảo vệ thủy sản từ năm 2004 đến nay góp phần làm hồi sinh các loại rong rêu làm thức ăn cho các loài cá và những cánh rừng ngập mặn sinh sôi đã trở thành những “bãi đáp” di trú cho các loài chim tìm về.
 
Tận dụng vùng thủy sản và những cánh rừng hồi sinh, địa phương đã phát triển tour du lịch cộng đồng với khoảng 500 đoàn khách/năm, “biến” những ngư dân thành những “tay” hướng dẫn viên du lịch thực thụ.
 
Vùng tràm chim tương lai
 
Xác định việc hình thành tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu là một trong những mục tiêu quan trọng trong bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, nguồn lợi sinh vật và các hệ sinh thái đặc thù trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, từ cuối tháng 2/2020, UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu, bàn giải pháp hình thành tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu.
 
Theo Sở TN&MT, quy hoạch dự kiến, khu tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu có diện tích hơn 157 ha nằm trên địa phận hai xã Quảng Thái (Quảng Điền) và Điền Hòa (Phong Điền). Phân vùng quy hoạch tràm chim sẽ có các phân khu trồng các loại cây bản địa phù hợp, tạo nơi trú đậu cho các loài chim; trồng phục hồi các loại thực vật bán ngập làm nơi kiếm ăn cho các loài chim nước; cánh đồng canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường để giảm tác động đến môi trường nước và các loại sinh vật cho các loài chim cư trú; trồng rừng ngập mặn tạo điểm nhấn cảnh quan và làm bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy hải sản; xây dựng hạ tầng du lịch.
 
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, trong đề án thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, vùng cửa sông Ô Lâu được đánh giá là khu vực đất ngập nước đặc trưng, nơi tiếp giáp giữa sông và đầm phá với nhiều cồn nổi, lạch sông, có cảnh quan đẹp và được đánh giá cao về đa dạng sinh học.
 
Khu vực này được xác định có sự hiện diện của 399 loài động thực vật, bao gồm 65 loài thực vật phù du nước ngọt, 31 loài thực vật bậc cao (phần lớn là thực vật thuỷ sinh), 52 loài động vật phù du, 109 loài cá, 52 loài động vật đáy, 17 loài lưỡng cư - bò sát và 73 loài chim. Trong đó, có các loài động vật có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và Sách đỏ quốc tế của IUCN (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế).
 
Nơi đây là khu vực thích hợp cho các loài chim nước, đặc biệt là chim di cư kiếm ăn và dừng chân trú đông. Tuy nhiên, số lượng loài chim và kích thước quần thể chim ở khu vực này đã bị giảm mạnh. Theo kết quả khảo sát gần đây, hiện tại, khu vực chỉ còn 31 loài chim phân bố (giảm 42 loài so với công bố năm 1998) và chỉ gặp những loài thông thường như cò ruồi, cò trắng, diệc xám, vịt trời…với số lượng và quy mô đàn thấp.
 
Ông Tuấn đánh giá, có nhiều nguyên nhân gây ra sự suy giảm này nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do mất sinh cảnh tự nhiên của chim nước bởi các hoạt động như khai hoang làm nông nghiệp, ngăn đập, khai thác thuỷ sản, nuôi thuỷ sản, giao thông và cả hoạt động săn bắt của con người.
 
“Ý tưởng của tỉnh hiện nay là sẽ phục hồi lại các vùng sinh cảnh phù hợp với các loài chim di cư tại vùng cửa sông Ô Lâu như trước đây. Sở NN&PTNT đang được giao nhiệm vụ xây dựng đề án, tiến hành khảo sát, đánh giá những tác động khi hình thành khu tràm chim”, ông Tuấn cho biết.
 
Bài, ảnh: Hà Nguyên
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 8.022