Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 18
Ngày cập nhật 15/10/2020

Chương đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ nhất bên phải tượng trưng cho ánh sáng

Ngạc Ngư
 
 
15. Ngạc Ngư, tục danh cá sấu, loài bò sát lưỡng cư, sức rất khỏe, có thể nhịn ăn vài ngày; da của nó gọi là giao cách có thể dùng làm túi đại đao. Vùng núi Cam Lộ, Quảng Trị ngày trước có giống cá này, đồng bằng Nam Bộ có nhiều hơn. Người xưa miêu tả: ngạc ngư, hình cá, mồm rồng, móng hổ, mắt cua, vảy kỳ đà, đuôi dài ba thước, to như lá cờ, có gai như móc câu, lặn dưới nước, thấy người hoặc súc vật đi qua thì vung đuôi lên chụp bắt. Cá sấu có con mình dài hơn chục thước, nặng đến hơn ngàn cân; nhiều con sống lâu được xem thành tinh, người đi vào vùng sông nước nhiều lau sậy rất lo sợ. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng con ngạc ngư vào Chương đỉnh.
 
Cá sấu có giá trị kinh tế và trong y dược rất cao, hiện nhiều nơi trong nước ta đều có nuôi để xuất khẩu; vùng Bầu Sấu rừng Cát Tiên có giống cá sấu nổi tiếng hơn cả.
 
Thương Sơn
 
 
16. Thương Sơn, tức núi Thương, lại có tên là núi Thiên Dữu (sau này có người gọi là núi Kim Phụng). Núi ở phía nam huyện Hương Trà, hình thế núi khum khum cao lớn, trông như vựa thóc tròn, nên gọi thế. Xưa kia trên đỉnh núi có giếng, nước rất trong mát, trong giếng có cá, truyền rằng giếng này là nơi để tiên xuống tắm. Thương Sơn là một ngọn núi đẹp khác thường. Nó được nhiều nhà phong thủy xem là ngọn núi chủ thứ nhất của hệ sơn mạch xứ Huế. Thương Sơn được Thi ông Tùng Thiện Vương chọn làm bút hiệu.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng núi Thương vào Chương đỉnh; năm Tự Đức thứ 3, 1850, liệt núi này vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ, hàng năm sai quan sắm lễ vật đến tế sơn thần.
 
Mạt Lỵ
 
 
17. Mạt Lỵ, tức hoa lài, còn gọi là nhài, lại gọi nại hoa, mạt lợi, mạt lệ, mộc lệ hoa. Loài hoa này nguồn gốc xa xưa có từ xứ Ấn Độ, được đem trồng ở nhiều nơi của châu Á để làm cảnh, người ta lấy hoa buổi sớm để ướp trà. Hoa nhài còn được xem là biểu trưng cho dáng vẻ thanh lịch, tao nhã, đáng yêu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Hoa có hai loại, đơn và kép, hoa nở màu trắng, mùi thơm nhất là vào ban đêm, nên một số văn nhân thi sĩ ví loài hoa này với người kỹ nữ. Hoa có công dụng làm vị thuốc, điều hòa chân khí, trừ hỏa, khử hàn tích... dùng rễ để làm mát và đẹp da hoặc để bôi mặt.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng hoa nhài lên Chương đỉnh.
 
Thuận Mộc
 
 
18. Thuận Mộc, tục danh cây gỗ huện, còn gọi là cây gỗ huống (có nhiều sách ghi nhầm là cây bồ hòn). Cây gỗ huện có hai loại: sắc tím và trắng, loại sắc tím chất gỗ rắn, thân dài, bề rộng dày bội phần, thịt gỗ lại dai; sắc đỏ mà nhẹ có thể dùng làm cung điện, đình chùa, nhà ở, đóng thuyền, làm các đồ thờ và đồ gia dụng rất tốt; loại huện sắc trắng chất gỗ rất thường, chỉ dùng làm đồ tạp dụng mà thôi. Rừng ở nước ta các tỉnh miền Trung trở vào Nam đều có nhiều, nhưng chủ yếu là huện sắc trắng. Riêng loại huện sắc tím (đỏ nhẹ) khá hiếm, nó thuộc về hàng gỗ quí.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây gỗ huện vào Chương đỉnh.
 
(còn nữa)
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 7.959