Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Binh biến kinh thành Huế, 135 năm nhìn lại
Ngày cập nhật 13/07/2020

Với 2 bản Hiệp ước Harmand (1883) và Patenôtre (1884), về cơ bản thực dân Pháp đã hoàn thành cuộc xâm lược nước ta. 

Sau khi vua Tự Đức mất, Tôn Thất Thuyết là một trong 3 Phụ chánh đại thần, đồng thời giữ chức Thượng thư Bộ binh nắm trong tay mọi binh quyền, đang ráo riết liên kết xây dựng lực lượng chờ ngày tấn công quân thù.
“Nút thắt” vấn đề An Nam và bí mật di dời kinh đô ra Tân Sở 
Cuối tháng 5/1885, tướng De Courcy được bổ nhiệm làm Toàn quyền chính trị và quân sự tại Bắc và Trung Kỳ. Khi đến Hạ Long (6/1885), De Courcy tuyên bố các nút của vấn đề nước Nam là ở Huế. De Courcy nhận thấy rằng triều đình Huế không muốn chấp nhận thân phận bảo hộ, xác định Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường là 2 Phụ chính cốt lõi quyết định thái độ chính trị của triều đình Huế. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường vừa nắm cả Bộ Lại và Bộ Binh lại luôn hành động không phải hỏi ý kiến của Khâm sứ Pháp.
Trước thái độ hung hãn của thực dân Pháp, Tôn Thất Thuyết càng quyết tâm chuẩn bị lực lượng chiến đấu. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, Tôn Thất Thuyết bí mật cho người liên kết với các sĩ phu, văn thân, hào kiệt các tỉnh bí mật cho xây dựng căn cứ Tân Sở trên miền rừng núi tỉnh Quảng Trị, cho chuyển gấp tài sản từ các kho ra Quảng Trị phòng khi biến cố thì đưa Vua và triều đình ra cố thủ.
Trong nội bộ triều đình Huế, phe chủ chiến đã gấp rút tìm người có tinh thần chống Pháp để lên ngôi vua song song với việc cô lập, gạt bỏ phái chủ hòa đang ráo riết hoạt động với sự che chở của thực dân Pháp. Kể từ khi vua Tự Đức mất, vị trí ngai vàng luôn được thay đổi, cuối cùng phe chủ chiến đã đưa Ưng Lịch (Hàm Nghi) lên ngôi, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.
 
Chân dung vua Hàm Nghi.
Ngày 2/7/1885, De Courcy đưa quân đến cửa biển Thuận An. Vừa đến Huế, De Courcy cho binh lính và thuyền vào thị uy cửa biển Thuận An, đòi nhà Nguyễn phải giải tán đội quân cơ động.
Thái độ của De Courcy hết sức kiêu căng, ngông nghênh và De Courcy còn tuyên bố rằng nếu phải đánh, thì cũng đã sẵn sàng. Dĩ nhiên, sự nghênh ngang của De Courcy hoàn toàn có cơ sở khi chúng đã bố trí lực lượng ngay tại Huế rất hùng hậu tới 1.387 lính, với 31 sĩ quan và 17 đại bác chia thành hai khu vực đóng quân.
Ở khu vực Mang Cá, ngoài trung tâm nhượng địa có doanh trại của Pernot cùng bệnh xá, kho lương và kho đạn; các vị trí chung quanh gồm có những đơn vị như đại đội 27 thuộc Trung đoàn 1 thủy quân lục chiến, pháo đội thủy quân số 22, 4 đại đội thuộc tiểu đoàn 1 Trung đoàn 3 lính Ả Rập, một phân đội thuộc Tiểu đoàn 11 lính truy kích. Phía Bắc Mang Cá có 2 pháo hạm Javeline và Brionval cùng 1 tàu trinh sát đậu trên sông Hương.
Tại bờ Nam sông Hương, ngoài khu Sứ quán do De Courcy và đoàn tùy tùng đóng, có phân nửa đại đội 27 thuộc Trung đoàn 4 thủy quân lục chiến chiếm giữ Sứ quán cũ của triều đình Huế ở phía Nam, khu nhà thương ở phía Tây có đại đội 30 thuộc Trung đoàn 4 thủy quân lục chiến, quanh Sứ quán là một pháo đội gồm 40 pháo thủ trang bị nhiều cỡ pháo khác nhau cùng 2 súng liên thanh. Quân Pháp còn có một hẫu thuẫn to lớn khác là các tàu chiến đậu ngoài khơi cửa Thuận An thường xuyên liên lạc với bưu trạm Pháp đặt ở phía sau Sứ quán”.
Ngày 3/7/1885, De Courcy yêu cầu tổ chức một cuộc hội kiến với các Thượng thư của triều đình Huế và Cơ Mật viện để bàn về lễ chuyển giao Hiệp ước Patenôtre, nhân cơ hội này bắt luôn Tôn Thất Thuyết để loại bỏ người cầm đầu phe chủ chiến ra khỏi triều đình Huế.
 
Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết.
Nhưng âm mưu của De Courcy đã bị Tôn Thất Thuyết phát giác. Vì thế, khi Pháp mời những người hoàng thân và quan lại cao cấp của Triều đình Huế sang Sứ quán Pháp để bàn về lễ triều yết vua Hàm Nghi và trình quốc thư, Tôn Thất Thuyết đã không có mặt với lý do bị ốm.
Sau mấy lần bức bách Tôn Thất Thuyết sang gặp mà không được, De Courcy rất tức tối, liền phái bác sĩ sang xin chữa bệnh để dò thực hư, song Tôn Thất Thuyết cũng không chịu gặp, chỉ cho người ra từ chối khéo, rằng mình không quen thuốc tây.
Ngày 4/7/1885, De Courcy gửi tối hậu thư cho triều đình Huế trong một ngày sau phải chấp nhận yêu sách nêu trên. Với thái độ của De Courcy như vậy làm cho căng thẳng giữa hai bên đã lên đến cực độ, phái chủ chiến đã không thể khoanh tay đứng nhìn được nữa, mà quyết định thực hiện kế hoạch đã được chuẩn bị trước, đó là tấn công thực dân Pháp ngay tại Kinh thành Huế.
 
Cuộc binh biến bắt đầu…
Đêm 4/7/1885 (tức đêm ngày 22 tháng 5 Âm lịch), trong lúc De Courcy đang đãi tiệc cho quan quân Pháp và các viên chức dân sự ở bên kia sông Hương, nhằm muốn bàn tỉ mỉ về chi tiết lễ yết kiến vua Hàm Nghi để dằn mặt triều đình Huế, Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tấn công về phía tòa Khâm Sứ và đồn Mang Cá. Lực lượng tấn công chia thành nhiều đạo.
Đạo thứ nhất giao cho Tôn Thất Lệ (em Tôn Thất Thuyết) chỉ huy, có nhiệm vụ vượt sông Hương sang hợp với một số đề đốc và khoảng 5.000 thủy quân của triều đình ở các dãy trại Thủy Sư đánh thẳng vào Tòa Khâm sứ Pháp, nơi đặt bản doanh của De Courcy.
Đạo thứ hai do Trần Xuân Soạn chỉ huy, đạo này có nhiệm vụ đánh úp, tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân Pháp đang đóng trong đồn Mang Cá (Trấn Bình Đài).
Đạo thứ ba do Tôn Thất Thuyết chỉ huy đóng ở sát phía sau Hoàng Thành, ra vào Hoàng thành bằng cửa Hòa Bình (nằm giữa đường Nhật Lệ và Đặng Thái Thân hiện nay). Đạo này có nhiệm vụ điều phối chung, vừa trợ chiến, vừa dự phòng nếu cuộc tấn công thất bại thì phò giá Hoàng gia ra Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị).
 
Tòa Khâm sứ Pháp nay là Trường Đại học Sư phạm Huế.
Khoảng 1 giờ sáng 5/7/1885, khi trăng vừa mọc, trong cảnh khuya tĩnh mịch, người ta bổng nghe một tiếng đại bác nổ xé trời. Rồi tiếp đó, tiếng súng nổ vang rền, lửa cháy sáng rực ở Đồn Mang Cá và cả phía bên kia sông Hương, nơi có Sứ quán Pháp.
Tại Đồn Mang Cá, các trại lính của Pháp bị đốt cháy, Đại úy Bruneau bị trúng đạn chết ngay; Đại úy Đrouin bị gãy hai ống chân; Đại úy Rơroan tử thương; binh lính và sĩ quan nghe tiếng súng vang rền hoảng hốt, rối loạn. Phía Tòa Khâm Sứ mấy doanh trại và các nhà phụ thuộc khu Sứ quán bị đốt cháy, mái nhà và gầm tòa Sứ bị trúng đạn sụp đổ nhiều chỗ, gây hư hại nặng, quân Pháp hốt hoảng.
 
Vụ thảm sát của Pháp tại Kinh thành Huế
Khi những giây phút kinh hoàng đã qua đi, vào khoảng 3 giờ 45, quân Pháp ở đồn Mang Cá dưới sự chỉ huy của Đại tá Pernot bắt đầu tổ chức cuộc phản công. Pernot thấy lửa cháy nhiều nơi, khó thể dập tắt nên chuyển sang chiếm Hoàng Thành. Pernot chia quân làm 3 đội kéo đi. Dọc đường quân Pháp ra sức bắn phá, đốt cháy các bộ, viện, doanh trại nhà cửa, gặp người nào bất kỳ gái trai, già trẻ chúng đều giết chết; tiếng than khóc, kêu la xen lẫn tiếng đạn rền, làm náo động cả một góc trời.
Khoảng 8 giờ 10 phút sáng 5/7/1885, quân Pháp chiếm được Kỳ Đài. Đến 9 giờ sáng, quân Pháp tràn vào chiếm Đại Nội và làm chủ tình thế hoàn toàn. Quân Pháp đã cướp hết của cải quý báu trong Hoàng cung, nhà quan và dân. Dân ta tổn thất vô kể. Quân ta tổn thất trên 1.000 người, mất 812 khẩu đại bác và nhiều vũ khí đạn dược khác.
Về phía thực dân Pháp, số lượng thiệt hại khoảng 5 sĩ quan, 87 người có cấp bậc và lính đã bị giết tại trận, một số khá lớn bị thương và chết sau đó.
 
Thực dân Pháp tiến hành cướp phá
De Courcy đã cầm quân cướp phá Hoàng cung, Linh mục Pene Siefert kể lại rằng: “Họ (người Việt Nam) khiến cho quý vị hết sức lúng túng khi có sẵn trong tay bảng thống kê tài sản lập trước ngày 5/7, họ nói rằng người Pháp đã lấy trong trại Cấm Vệ quân 113 lạng vàng, 742 lạng bạc, 2.627 quan tiền; tại cung bà Thái Hậu Từ Dũ (sinh ra vua Tự Đức) 228 viên kim cương, 226 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng, 1.258 nén bạc, 3.416 lạng vàng; tại các tôn miếu thờ đức vua Thiệu Trị, Minh Mạng, Gia Long chứa đầy vật phẩm riêng của các tiên đế dùng lúc sinh thời… Kho tàng trong Hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc”.
 
Địa điểm Miếu Âm Hồn trong khu vực thành nội Huế để tưởng niệm những người mất trong cơn binh lửa năm Ất Dậu - 1885.
Cuộc cướp cạn ấy kéo dài trong 2 tháng. Phái viên của của hãng thông tấn Havas dự xem việc tịch thu ấy, kể lại rằng: “Trong 5 ngày, tôi thấy 50 người chuyên việc sắp chồng những thoi vàng. Vàng bạc ấy sẽ gửi về Pháp. Còn kho đồ vật bảo tàng, giá trị không thể tưởng tưởng được, nó cũng gửi về Pháp. Tôi không thể nói rõ giá trị của các của cải ấy vì tôi sẽ không đến sự thật được…”.
Ngày 24/7/1885, Tướng Roussel de Courcy đã đánh điện về Paris có đoạn: “Trị giá phỏng chừng quý vật bằng vàng hay bạc, dấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim thư giá đáng bạc triệu. Rất khó khăn trong việc thu thập những kho tàng mỹ thuật. Cử sang đây một chiếc tàu cùng nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng”.
Kể từ đó về sau, ngày 23 tháng 5 Âm lịch trở thành ngày giỗ lớn hàng năm của người dân Huế. Hiện nay, trong khu vực Thành Nội Huế (tại ngã tư Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tôn) vẫn còn Miếu Âm Hồn để tưởng niệm những người chết trong cơn binh lửa.
 
Theo: kinhtedothi.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 20.116