Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Hậu cung triều Nguyễn qua hồi ức của người mang 2 dòng máu Việt - Pháp
Ngày cập nhật 23/07/2020

Đó là một vũ trụ chỉ toàn những cung phi, bên cạnh là các hoạn quan, những nàng hầu sống trong nhung lụa nhưng cũng thật rối rắm.

Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX (Souvenirs des Hue) của Michel Đức Chaigneau (1803-1894), (Lê Đức Quang dịch và chú giải, Trần Đình Hằng giới thiệu, NXB Hà Nội phối hợp Thái Hà book xuất bản, 2020) là tư liệu quý ghi lại những ký ức về kinh thành Huế của người mang hai dòng máu Pháp - Việt.
 
Cuốn hồi ức giúp đời sau hiểu hơn mối quan hệ Việt - Pháp cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, hình dung ra diện mạo của kinh thành Huế, hay đời sống xã hội, từ cung đình đến làng quê, nhất là đời sống hậu cung dưới thời vua Gia Long ít được chính sử đề cập.
 
Sách "Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX". Ảnh Thái Hà Book.
 
Ngoại hình, tính cách vua Gia Long
 
Trong cuốn hồi ức, Michel Đức Chaigneau (Đức) ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong lần theo cha vào cung bái kiến vua Gia Long và tiếp đó được vào tận nơi ở của hoàng hậu để bái kiến.
 
Những quan sát mô tả của tác giả trong hồi ức khi vào diện kiến vua Gia Long đã cung cấp cho người đọc ngày nay một số nét về ngoại hình, cũng như tính cách của nhà vua.
 
Tiếp đó là thời khắc tác giả được đưa vàp diện kiến hoàng hậu cho phép người đọc phần nào sống lại không khí cung cấm bên trong Tử Cấm Thành. Đó là một vũ trụ chỉ toàn những cung phi, bên cạnh là các hoạn quan, những nàng hầu sống trong nhung lụa nhưng cũng thật rối rắm.
 
Theo cuốn hồi ức, cuộc diện kiến vua Gia Long và hoàng hậu diễn ra vào năm 1811, lúc đó tác giả mới 8 tuổi và Thừa Thiên Cao hoàng hậu (Tống Thị) còn tại thế.
 
Hôm đó, khoảng 18-19h, Đức theo cha vào cung điện. Cả 2 vào đến căn phòng rộng đã thấy vua Gia Long ngự trên một sập gụ thếp vàng, có trải chiếc chiếu đẹp có viền bằng lụa vàng, với nhiều người hầu đứng phục dịch hai bên.
 
Vua Gia Long có vóc dáng cao hơn người thường và có vẻ thể lực cường tráng. Mái đầu bạc của ông cân đối với thân hình. Khuôn mặt đức vua thật uy nghi và thần thái, cho thấy tấm lòng bao dung.
 
Vua có da sáng, mắt tinh anh, râu bạc trắng, có vẻ rậm hơn người bình thường ở xứ này. Mỗi bên má là một nốt ruồi đen, chung quanh là râu, tạo thành hai núm hai bên, điểm thêm chòm râu lớn nhưng tách biệt.
 
Vua Gia Long là người có trí tuệ và hoài bão. Ông am hiểu công việc hành chính vương triều hơn bất cứ vị thượng thư nào. Ngoài công việc trao đổi nghiêm túc, ông là người vui tính, dễ mến.
 
Gia Tường Môn (cửa Tây Cấm Thành, đối diện Thiện Khánh Môn cung Diên Thọ. Nguồn: Đại Nội Huế.
 
Nơi ở của hoàng hậu trong Tử cấm thành
 
Sau khi tiếp 2 cha con, vua Gia Long lệnh cho vị đứng đầu các thái giám đưa Đức đến bái kiến hoàng hậu. Người này trông giống phụ nữ nhưng bận đồ nam, hình thức bên ngoài xấu xí; khuôn mặt nhỏ, da bọc xương, nhiều nếp nhăn, đôi mắt trống rỗng, vô cảm; môi miệng móm mém, giọng nói the thé.
 
Khách được đưa qua hành lang dài không bóng người; đằng sau căn phòng rộng cắt với hành lang là phòng lớn có vẻ bí ẩn. Đức được khoảng chục quý bà ăn mặc lộng lẫy, trong đó có một người lớn tuổi nhất, gương mặt nghiêm khắc, dẫn vào phòng hoàng hậu.
 
Gian phòng của hoàng hậu cũng lớn như phòng trước đó, khá đẹp mắt về cả trang trí và đồ nội thất. Khắp nơi rực sáng lên sự giàu sang và ngăn nắp sạch sẽ, không khí thoảng mùi thơm pha trộn đàn hương và hoa ngâu.
 
Một cái sập gụ được kê cao, nơi duy nhất để ngồi của chủ nhân ở cung này. Những quý bà ngồi ở tầm thấp hơn trên những chiếc chiếu.
 
Hoàng hậu mặc đồ thêu lụa vàng, tựa hờ người vào cái gối vuông bọc lụa vàng, xung quanh có rất nhiều quý bà có hàm răng đen, mặc áo dài lụa đủ màu sắc. Người khăn đóng, người đầu trần, tất cả đều chân trần, với tư thế cung kính.
 
Hoàng hậu không còn trẻ nhưng duyên dáng, vẻ rất uy nghiêm. Vừa thấy khách bước vào, bà đã nở nụ cười độ lượng. “Đến đây con trai ông Long, ta rất hài lòng được gặp công tử”.
 
Đức sau đó đã chào hoàng hậu nhưng thực hiện không đúng cách, liền bị phụ nữ có gương mặt nghiêm khắc nhắc nhở. Thấy cậu bé khó nhọc trong việc quỳ xuống đứng lên 5 lần, hoàng hậu đã cho phép chào bà như một hoàng hậu Phú Lãng Sa (Pháp)…
 
Hoàng hậu hỏi một số câu và trước khi cho lui, bà tặng hộp quà trong đựng bộ áo lễ cho nam, quần, đai, nịt, áo khoác, khăn đóng.
 
Trang phục hoàng hậu, thứ phi, tam phi triều Nguyễn. Ảnh: Thiên Điểu.
Nỗi niềm của vua Gia Long
 
Tác giả cuốn hồi ức cho biết cung cấm của vua Gia Long có hàng trăm thứ phi. Ông cũng nhận định rằng sẽ không có được sự bình yên trong điều kiện như vậy. Những hiềm khích, đố kỵ dữ dội, những tranh cãi không dứt và vua cũng không đủ sức để dẹp yên những rối ren trong nội bộ.
 
Trong một lần trao đổi thân tình với một vị quan người Pháp, vua Gia Long nói việc trị quốc với ông dễ hơn và ít khó nhọc hơn việc cai quản cung cấm. Ông chỉ tay về phía cung cấm và nói: “Đàng kia ta phải đối mặt với một lũ cãi cọ, đối xử tệ bạc, xâu xé nhau, rồi tất cả đưa nhau đến đòi ta phân xử công minh”.
 
“Bệ hạ có thể giảm lo âu phiền muộn bằng cách tiết giảm số cung tần mỹ nữ”, viên quan người Pháp chia sẻ. Nhà vua liền trả lời ông không thể giảm được vì đó đều là con các quan. Nếu ông làm thế các quan sẽ rất đau lòng.
 
Trong số các cung tần mỹ nữ đông đúc của nhà vua có rất nhiều thiếu nữ là con quan lại. Đó là một vinh dự, đồng thời cũng là lợi lộc cho quan lại có con vào cung: Trở thành sự bảo trợ đắc lực, nhất là khi được sủng ái.
 
Một bà phi nào đó hạ sinh được con trai có thể củng cố vị trí của bản thân, cũng như cha mình trong cung đình… Với viễn cảnh như vậy, cùng những bổng lộc tức thời, cũng đủ thúc đẩy nhiều vị quan đưa con gái vào hầu vua.
Theo: zingnews.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.999.753
Đang truy cập 5.266