Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 22
Ngày cập nhật 07/01/2021

Anh đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ hai bên trái tượng trưng cho sự hiển đạt

Kỳ
 
 
12. Kỳ, tức lá cờ, một loại biểu tượng, chẳng hạn như quân đội có quân hiệu. Ngày xưa khi ra trận, người chỉ huy một đơn vị thường phái quân tiên phong dương cờ biểu tên họ của mình lên trước cho đối phương biết “đối thủ”. Những nơi đồn lũy, thành trì, cờ hiệu được kéo lên, để chỉ chức tước địa vị của người chỉ huy, hay chủ quyền của thành lũy đó. Có loại cờ là biểu tượng hiên ngang, oai hùng của một quốc gia có chủ quyền bất khả xâm phạm, thường gọi quốc kỳ. Ngoài ra còn có các loại cờ khác như đuôi nheo, cờ phướn, cờ hội, cờ hồng, cờ tôn giáo, cờ thể thao. Ngày trước, mỗi khi xuất quân ra trận, người ta có lệ tế cờ.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng hai mẫu lá cờ đang tung bay vào Anh đỉnh.
 
Mã Giang
 
 
13. Mã Giang, tức sông Mã, sông Lễ, còn có tên Tất Mã. Con sông chính chảy trong địa phận tỉnh Thanh Hóa. Sông Mã bắt nguồn từ huyện miền núi Điện Biên, ở độ cao trên 2000m, độ dốc lòng sông lớn, lắm thác ghềnh, chảy băng qua huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, rồi chảy thẳng xuống các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, đến huyện Thiệu Hóa thì tiếp nhận thêm nước của sông Chu rồi sang huyện Hoằng Hóa của tỉnh Thanh và khi đã tắm táp một lượng lớn phù sa cho các cánh đồng, làng mạc ở hai bờ lưu vực, sông này mới chịu đổ ra cửa Lạch Trường và Lạch Trào hòa vào biển Đông. Dòng chính sông Mã dài 512 cây số, hơn một nửa chảy trong địa phận Thanh Hóa.
 
Khi còn ở trong đất liền, ngoài dòng chảy chính, nước các khe ngòi phía trái, phía phải thuộc các huyện kể trên đều đổ thêm vào; mùa mưa nước sông tạo thành dòng chảy dữ dội, khí thế hùng dũng tựa như nước từ trời cao đổ xuống. Đoạn chảy qua huyện Hoằng Hóa, lòng sông bỗng thắt lại tạo nên nhiều hang sâu, hố thẳm, có một hang được gọi là “Hàm Rồng”, cạnh hang ấy có một ngọn núi cùng tên gọi “núi Hàm Rồng”. Nơi đây các nhà nghiên cứu địa lý cổ cho rằng là chỗ đất trời đã lựa chọn để nhân quần hội tụ. Sông Mã được xem như nguồn mạch linh khí, nguồn tài nguyên thủy vô tận của tỉnh Thanh Hóa và đất nước, nơi hun đúc nên biết bao anh hào tuấn kiệt cho Tổ quốc.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng sông Mã vào Anh đỉnh; năm Tự Đức thứ 3 liệt sông Mã vào hạng sông lớn, chép trong điển thờ, hàng năm sai quan đến tế thần sông.
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở thế kỷ XX, sông Mã đã từng ghi nên bao chiến tích anh hùng.
 
Xưa nay, có thể ai cũng biết, sông Mã có nhiều đoạn với nhiều “tính cách” oai hùng, giận dữ, bao dung, nhẫn nại để rồi trải qua năm tháng dòng sông như đã tác thành nên một vùng văn hóa đậm chất sử thi lại giàu tính cách huyền thoại cho người xứ Thanh và cả dân tộc Việt. Ngày nay, mỗi lần có dịp qua sông Mã, bất chợt người ta lại nhớ về Tây Tiến của nhà thơ tài hoa Quang Dũng rất nổi tiếng với những lời thổn thức “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi / Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi / Sài Khao sương lấp, đoàn quân mỏi / Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, nghe như nghẹn ngào nỗi nhớ của dòng chảy với ngọn nguồn, để rồi “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”...
 
Sông Mã giàu phù sa, có nhiều loài tôm, cua, cá, chạch, lươn, ốc... hương vị cực ngon. Dòng chảy oai hùng này là con đường thủy vô cùng quan trọng của tỉnh Thanh.
 
Tô Hợp
 
 
14. Tô Hợp, quen đọc là tô hạp, là một loại cây thân mộc cao chừng hơn 10 mét; lá, hoa và gỗ của nó có thể lấy để chiết dầu tô hợp. Ngày trước, cây tô hợp được trồng nhiều ở vùng Khánh Hòa, Phú Yên; ở miền Bắc, nông trường Tràng Vinh, tỉnh Quảng Ninh và một số nơi như Điện Biên có cùng thổ nhưỡng mới trồng được loại cây này. Theo các nhà tân dược thì y học cổ truyền thường dùng cây này để bào chế thuốc chữa viêm phế quản, chữa rận dương vật, làm chất sát trùng chữa ghẻ, làm lên da non và trị chứng đờm dãi. Trong hương liệu, tinh dầu tô hợp dùng chế mùi thơm làm chất định vị rất hiệu nghiệm.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây tô hợp lên Anh đỉnh.
 
Tang
 
 
15. Tang, tục danh cây dâu, còn gọi là thần mộc, quả dâu tên là tang thậm, rễ và vỏ gọi là tang bạch bì, tổ bọ ngựa trên cây dâu là tang phiêu tiêu, lá dâu là tang diệp, dùng nuôi tằm. Truyền thuyết kể rằng: Cây dâu là tinh khí của sao cơ, con trùng ăn lá thì làm ra văn chương, người ta ăn lá dâu thì ông lão trở thành tiểu đồng. Người xưa nói: hái quả dâu chín ăn, hoặc nấu cho thành cao bôi lên trên lá dâu phơi khô, đem cất lâu năm rồi ăn càng có gia vị, lá non dùng luộc ăn, còn vỏ sao khô mài làm bột miến ăn cũng được, trái để làm rượu dâu rất ngon và bổ. Trái dâu dùng làm rượu dâu có mùi thơm, ngọt. Ở tỉnh Quảng Bình có cây dâu núi khác với cây dâu tằm.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây dâu tằm lên Anh đỉnh.
 
(Còn nữa)
Dương Phước Thu
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 29.570