Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 23
Ngày cập nhật 25/01/2021

Anh đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ hai bên trái tượng trưng cho sự hiển đạt.

Hán Ngân
 
 
16. Hán Ngân, tức Ngân hà, còn gọi Thiên hà, dải sao chi chít trên không, ban đêm trông lấp lánh như ánh bạc, kéo dài như dòng sông, cao xa vô cùng, thấy mà không tới được; cho nên những kẻ hay ba hoa nói khoác không đủ tin thường được ví gọi là hà hán. Thần thoại cho đó là dải sông ngăn cách Ngưu Lang và Chức Nữ, mỗi năm hai người chỉ được gặp nhau một lần. Ngân hà còn có tên Vân hán, Giang hán, Thiên hán, Ngân chữ, Ngân giang.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng Hán ngân lên Anh đỉnh.
 
Sông Ngân được xem là tác phẩm của tạo hóa, cái đẹp tự trời cao ban xuống. Nhà thiên văn nhìn dải Ngân hà có thể đoán được thời vận tốt xấu...
 
Thiền
 
 
17. Thiền, tục danh con ve sầu, loài côn trùng, còn có tên là con điêu, con tề nữ, bởi do con tề bào (tức con lãi đất) chưa thay vỏ biến mà thành; cũng có con tự hoàn chuyển mà hóa thành con ve. Con đực giao cấu xong thì chết, con cái đẻ trứng ở dưới vỏ cây hoặc khe đá. Khi mới nở, chưa có cánh, sống ở dưới đất, sau khi lột xác, có cánh sống ở trên cây. Họ hàng nhà ve đều chỉ sống được không quá 30 ngày là chết. Sách Lễ ký nói tháng trọng hạ (tháng 5) con thiền bắt đầu kêu tức là con này. Thân xác ve khi khô được các nhà Đông y dùng làm thuốc để chữa sốt, kinh giật, kinh phong, co quắp chân tay của trẻ con, trị bệnh lở da, rất ích dụng.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng con ve vào Anh đỉnh.
 
 
 
18. Mã, tục danh con ngựa. Chủng loài rất nhiều, có giống quen ở núi, ở đồng bằng, có giống sống ở cao nguyên. Người rành ngựa nói rằng: ngựa sinh sống ở miền Tây Bắc là hay, ở miền Đông Nam thì kém. Đời xưa có sách chép về phép xem tướng ngựa. Sách Lễ ký nói: xa giá của thiên tử đi ra, tháng mạnh xuân (tháng giêng) thắng ngựa thương long (ngựa sắc xanh), tháng mạnh hạ (tháng tư) thắng ngựa xích lưu (ngựa sắc đỏ), tháng mạnh thu (tháng bảy) thắng ngựa bạch lạc (ngựa sắc trắng), tháng mạnh đông (tháng mười) thắng ngựa thiết ly (ngựa sắc đen). Ngựa là con vật trung thành, trong chiến đấu, khi người chủ bị thương, nó có thể tìm cách báo hiệu cho người khác đến cứu. Thời Tam quốc (ba nước Ngô, Thục, Ngụy đầu thế kỷ thứ III sau Tây lịch), có con ngựa xích thố nổi tiếng, vốn là của Lữ Bố, ngày phi ngàn dặm, sau bị Tào Tháo thu được. Tào Tháo bấy giờ làm Thừa tướng nhà Hậu Hán nhưng nắm hết quyền bính, rất quí con ngựa này, muốn tìm cách mua chuộc nhân tài về đầu quân, đã đem nó tặng cho Quan Vũ, là nhị đệ của Lưu Huyền Đức. Bậc trượng phu như Quan Vũ (Quan Vân Trường) vì ngựa quí mà “chịu nhận quà”, nhưng không chịu theo, lòng dạ khó đoán. Sau Quan Vũ dùng nó phò hai chị dâu về với Lưu Huyền Đức, rồi lại dùng nó xông pha trận mạc đánh đông dẹp bắc, cũng lại vì nó mà ông đã tha chết cho Tào Tháo khiến cho nhà Thục mấy năm sau suy vi rồi bị xóa sổ; sau ngày ông mất, con ngựa ấy cũng được thờ cùng với Quan Vũ trong các ngôi đền Quan Công, hay còn gọi là Chùa Ông.
 
Giống ngựa thông minh, có thể thuần phục, làm được nhiều việc, lại biết diễn trò. Da của nó được dùng nhiều trong ngành mỹ nghệ, thịt ngựa có thành phần dinh dưỡng cao, bổ gân, bổ thai, cung cấp chất sắt cho những người thiếu máu; xương ngựa cũng là một loại dược liệu quí, dùng để pha chế thuốc thành cao ngựa làm ích khí, mạnh gân, bổ dưỡng, chữa kinh nguyệt không đều, trẻ em biếng ăn. Trong chiến tranh, ngựa dùng để thồ hàng, kéo xe, phục vụ chiến đấu, lại có cả những đơn vị vũ trang cơ động nhanh với hàng ngàn quân ngựa, gọi là kỵ binh, hay kỵ mã.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng con ngựa vào Anh đỉnh.
 
Ngựa (tức ngọ) được xếp đứng thứ bảy trong địa chi 12 con giáp. Người biết xem tướng nói, ai cầm tinh con ngựa bản tính lăng xăng, hay chạy, làm việc gì cũng vội. Nghiệm chung quanh, những người “tuổi ngựa” thấy nhiều nhưng e không phải tính ấy.
 
(Còn nữa)
Dương Phước Thu
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.074.051
Đang truy cập 9.730