Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 25
Ngày cập nhật 11/03/2021

Nghị đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ hai bên phải tượng trưng cho sự cương nghị.

Hải Đường Hoa
 
 
5. Hải Đường Hoa, tức hoa hải đường, là một loài hoa màu đỏ hồng tươi thắm, cánh hoa cứng cáp, cân đối, dáng rất đẹp. Theo lời chú trong bài thơ Vịnh hoa hải đường của vua Minh Mạng thì hoa hải đường có 4 loại: chiêm cánh, tây phủ, thủy lục, mộc qua. Lại có loại hoàng sắc, loại hoa hương. Nhưng đều cành yếu, hoa nhỏ, hoặc vàng, hoặc đỏ lợt, hoặc màu yên chi, chỉ màu sắc ấy mà thôi. Còn hải đường ở phương Nam thì cây cao, lá lớn và dài, nhọn, hoa đỏ tươi, lòng hoa có nhị, cánh hoa lớn mà dày, khi nở đẹp giống hoa phù dung, cho nên có tục danh là hạn liên. Hoa hải đường nở từ cuối đông đến cuối xuân, bất chấp thời tiết giá lạnh của mùa đông. Sách Đại Nam nhất thống chí nói rằng, đem so sánh với hoa hải đường sinh sản ở đất Thục thì hoa hải đường nước ta đẹp hơn nhiều, tựa hồ ở Trung Hoa không có giống ấy, cho nên từ xưa sự trước thuật về loại hoa này có khác nhau. Nếu như bảo rằng: hoa phong mãn, lá thịnh mậu, trạng thái nhu mỳ như gái chưa chồng, túy mạo tựa Dương Quí Phi, yêu kiều sánh với Tây Thi, nói như thế thật thì cũng chưa đủ hình dung ra loài hoa ấy. Lại có một loại nữa tên là kim ty hải đường.
 
Người miền Trung, nhất là người Huế, thích trồng hải đường để làm cảnh. Trong vườn các ngôi chùa đình làng, nhà thờ họ đều có trồng hải đường, những ngày sóc, vọng, hay giỗ chạp, đôi khi người ta vẫn dùng hoa này để dâng cúng.
 
Một số hoa cùng loài hải đường có cây được gọi là trà mi, như trà mi Nhật Bản, trà mi vàng, trà mi Đài Loan. Hoa trà mi có màu trắng, hồng hoặc đỏ rất đẹp... Lại có cây táo được gọi là cây hoang dại, cành mềm, hoa nhỏ màu vàng mà thi hào Nguyễn Du đã tả trong Truyện Kiều: “Hải đường lả ngọn đông lân / Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà”, chính là loại tây phủ trong thơ của vua Minh Mạng, cũng là loài hoa đẹp.
 
Hoa và rễ của hải đường được các nhà Đông y dùng chế biến làm thuốc cầm máu, có tác dụng làm mát máu, giải độc; trong các trường hợp nôn ra máu, xuất huyết tử cung, chảy máu cam... dùng rất hiệu nghiệm.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng loại hoa hải đường vào Nghị đỉnh.
 
Mỗi khi mùa xuân về, chợ hoa những ngày giáp Tết ở Huế tràn ngập các loài hoa, riêng hải đường có một dung mạo riêng, không lẫn với loài hoa nào, thật là sang trọng và nhã nhặn; xét ra hải đường cũng thật “đáng mặt” là loài hoa quí phái.
 
Uyên Ương
 
 
6. Uyên Ương, còn gọi là chim hoàng áp, lại có tên thất điểu, dân gian quen gọi con le le. Thân chim này chỉ bằng con vịt nhỏ, có màu sắc vàng, vân hoa, đầu đỏ, lông xanh biếc, cánh đen, đuôi đen, móng đỏ, ở cổ có lông trắng dài rủ xuống đến đuôi. Khi nằm, con trống, con mái thường tréo cổ nhau; không bao giờ lìa, nếu một con bị bắt mất thì con kia tương tư mà chết, nên được gọi là thất điểu. Người xưa thường ví đôi trai gái chung tình, hạnh phúc như “đôi uyên ương” là dựa theo chuyện này. Uyên là con trống, ương là con mái. Theo Đông y, thịt uyên ương đem nướng chả, dược tính có thể chữa được chứng bệnh mơ màng. Đầm hồ nước ta, hay như phía bắc đầm phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chim uyên ương sinh sống.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng đôi uyên ương vào Nghị đỉnh.
 
Bạch Đằng Giang
 
 
7. Bạch Đằng Giang, tức sông Bạch Đằng, còn có tên sông Vân Cừ,sông Rừng (cho nên bến phà qua sông này ở gần cửa biển Hải Phòng cũng gọi là bến phà Rừng); nguồn chính chảy từ sông Lục Đầu tỉnh Hải Dương cũ, có các chi mạch từ Đông Triều chảy về gặp sông Giá và sông Đá Bạc, chảy xuống dưới thông với sông Nam Triệu ở huyện Thủy Nguyên, rồi đổ ra cửa biển Bạch Đằng. Do địa hình sông chảy mà ngày nay nó trở thành dòng sông phân chia giới hạn giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Sông có nhiều chi lưu như: sông Khoai, sông Giá, sông Điền Công, sông Thái, sông Chanh tạo nên những ngã ba phức tạp, luồng lạch khó lường. Đôi bờ dòng chính của sông cảnh vật trù phù, bờ bãi trải rộng, xứng danh sông lớn một vùng. Trong lịch sử chống giặc phương Bắc, vào tháng 11 năm 938, Ngô Quyền đã dùng gỗ lim vót nhọn làm cọc, chờ khi thủy triều lên cao, ông cho quân sĩ bí mật cắm xuống lòng sông Bạch Đằng, đợi khi giặc đến, nước triều xuống ông mới xua quân phản công đánh tan quân Nam Hán. Năm 981, Lê Hoàn dùng chiến thuật cũ đánh thắng quân nhà Tống cũng trên sông Bạch Đằng. Đến năm 1288, Trần Hưng Đạo lại áp dụng chiêu thức “đóng cọc nhọn” đánh thắng oanh liệt quân Nguyên Mông tại đây. Có lẽ, Bạch Đằng là con sông oai hùng được sử sách ghi chép, thi phú ngợi ca nhiều nhất. Nó xứng đáng được tôn vinh là con sông thần giữ nước của dân tộc Đại Việt. Một con sông lừng danh ghi nhiều dấu ấn lịch sử chống ngoại xâm đến muôn đời.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng sông Bạch Đằng lên Nghị đỉnh. Năm Tự Đức thứ 3, 1850, liệt vào hàng sông lớn chép trong điển thờ, hàng năm sai quan sắm lễ vật đến tế thần sông.
 
Mỗi lần có dịp ngang qua dòng sông Bạch Đằng, người Việt như nghe được tiếng quân reo từ ngàn xưa vọng lại.
 
Sông Bạch Đằng và các chi lưu của nó đã tạo nên một môi trường sinh trưởng thuận lợi cho các loài thủy sản, đồng thời tạo thành hệ thống đường thủy tự nhiên vô cùng năng động. Dòng sông đã chuyển tải phù sa bồi đắp làm giàu thêm cho đồng ruộng của các tỉnh ven biển miền Đông Bắc nước ta.
 
Dưới thời nhà Trần, danh sĩ Trương Hán Siêu đã sáng tác bài Phú Bạch Đằng Giang nổi tiếng, lưu truyền sử xanh.
 
... “Sông Đằng mỗi dải dài ghê! / Luống to sóng lớn dồn về biển Đông / Trời Nam sinh kẻ anh hùng / Tăm kình yên lặng, non sông vững vàng / Nhà Trần hai vị Thánh vương / Tẩy trần còn dấu bao hàng giáp binh / Nghìn xưa ngâm cuộc thanh bình / Há vì đất hiểm, bởi mình đức cao...”.
 
(Còn nữa)
Dương Phước Thu
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 7.624