Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 27
Ngày cập nhật 12/04/2021

Nghị đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ hai bên phải tượng trưng cho sự cương nghị.

Trường Thương
 
 
12. Trường Thương, tức cây giáo dài (34), một loại vũ khí cán dài có gắn lưỡi dao ở cuối, lưỡi dao bằng thép có khoét hai đường rãnh hai bên để khi đâm vào dễ rút ra và để đối phương dễ bị nạn, gây tử vong nhanh; được trang bị cho quân đội và cấp cho lính trạm chuyển công văn trên đường thiên lý Bắc - Nam. Loại giáo này được sản xuất nhiều ở thời Gia Long, Minh Mạng. Dưới triều Tự Đức mở khoa thi Tiến sĩ Võ, trong bài thi có môn trường thương, tức dùng giáo dài này để thể hiện tài thao lược.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng ngọn giáo dài lên Nghị đỉnh.
 
(34). ĐNTLCB, Hà Nội xb, (1968), tái bản (2004), phiên chữ trường thương là súng trường, không đúng, giáo dài mới là trường thương.
 
Cửu An Hà
 
 
13. Cửu An Hà, tức sông Cửu An, còn gọi là sông Cửu Yên, sông Bi,sông Ba Đông, sông Bằng Ngang, sông đào ở tỉnh Hưng Yên. Nối nguồn từ sông Kim Ngưu của huyện Kim Động, chảy qua huyện Ân Thi, sang huyện Phù Cừ gặp sông Nghĩa Tư rồi chảy về hợp nước với sông Luộc ở đoạn cuối huyện Phù Cừ, giáp giới tỉnh Thái Bình (35). Dòng sông này vốn được đào từ cuối đời Hậu Lê, nhưng qua thời gian bị đất cát bồi lấp, thuyền bè khó đi, đến thời nhà Nguyễn, tháng 2 năm 1835, theo thỉnh cầu của quan dân địa phương, vua Minh Mạng cho đào mới tách riêng ra một đoạn dài, và đặt tên Cửu An Hà. Đến tháng 10 cùng năm, vua lại sai Tổng đốc Hải - Yên là Nguyễn Công Trứ và các quan viên trong hạt phải thân hành đến tận nơi khám xét, bàn tính kỹ để đào thêm đoạn nữa rồi tâu lên. Đình thần nghị bàn và cho rằng việc đào sông Cửu An là để chia sức nước. Sông Cửu An đã đào thì dòng sông Nhị Hà sẽ chảy vào đó, vậy không thể không có đê để chống đỡ được. Cho nên phải đắp đê ở hai bên bờ, từ chỗ cửa sông Nghi Xuyên đến đầm sâu Sài Thị, giáp với hai bên sông Cái. Những chỗ đầu sông ngòi khác mà tiếp giáp với sông mới đào, đều cho đặt một cái cống có cánh cửa, rộng 6, 7 thước để thuyền có thể qua lại được, trên bắc cầu ngang sông, dưới làm cửa bằng ván gỗ để việc đóng, mở.
 
Đến tháng 2 năm 1836, lại cho đào tiếp sông Cửu An; công việc khẩn thiết phải huy động đến 20.000 dân phu các tỉnh quanh vùng để đào thêm hai đoạn mới nữa. Vua Minh Mạng dụ rằng: “Đào sông Cửu An vốn để thoát nước sông Cái. Theo ý trẫm mà nói, thì hạt ấy, từ trước vẫn cấy hai vụ chiêm mùa, ruộng chiêm cày cấy phải đợi lúc màu thu hoạch rồi, thế tất phải muộn. Nay khai con sông này thì lúa mùa không cấy, ruộng chiêm có thể làm sớm. Chuẩn cho bọn ngươi hết lòng làm việc khuyến nông: đến vụ nước mùa thu rút rồi thì nên gieo mạ ngay. Đến kỳ tháng 11, 12 thì cấy, cốt sao sang năm phải thu hoạch xong trước tiết tiểu mãn mới là thật khéo. Đó là vì trẫm rất lo cho dân mà phải trông xuống. Các ngươi nên thể theo ý trẫm!”… Thực hiện kế sách ấy, chẳng bao lâu sông đào Cửu An đã sớm hoàn thành. Những quan viên, dân phu tham gia đào sông có công đều được ban thưởng.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng sông đào Cửu An lên Nghị Đỉnh.
 
Con sông đào Cửu An không dài lắm, chỉ khoảng gần 27 cây số, nhưng nó đã góp phần quan trọng tưới mát phù sa và thông thương đường thủy không những cho các huyện của Hưng Yên mà còn làm lợi cho cả vùng đất của huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương và huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình ngày nay.
 
(35). Một số cuốn sách hướng dẫn du lịch chú sông Cửu An (tức sông Vàm Cỏ) ở tỉnh Long An, không đúng. Ở đây vua Minh Mạng cho khắc sông đào Cửu An, ở tỉnh Hải Dương cũ, nay con sông này thuộc về tỉnh Hưng Yên.
 
Đàn Mộc
 
 
14. Đàn Mộc, tục danh cây gỗ hoàng đàn. Một loại cây lấy gỗ mà thớ thịt của nó rất thơm, sắc trắng hơi vàng hoặc vàng; chôn lâu dưới đất không mục, do vậy mà ngày xưa những nhà quan quyền, giàu của, người ta hay dùng gỗ hoàng đàn làm quan quách chôn người chết, vì thớ gỗ rất bền. Hoàng đàn cũng được dùng làm đồ thờ, đóng đồ gia dụng, nhưng giá rất đắt nên chỉ nhà giàu mới sắm nổi. Sau hoàng đàn, thứ đến có gỗ giáng hương cũng là loại gỗ quí. Rừng các tỉnh nước ta đều có, nhưng nhiều nhất và dễ khai thác là ở các tỉnh vùng Nam bộ.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây gỗ hoàng đàn vào Nghị đỉnh.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.970.402
Đang truy cập 3.143