Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 28
Ngày cập nhật 15/04/2021
Nghị đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ hai bên phải tượng trưng cho sự cương nghị.
Giới
 
 
15. Giới, tục danh cây rau cải, có rất nhiều loại rau cải. Giống cây rau này dễ mọc và lớn nhanh, ở đâu cũng có thể trồng được. Rau cải được dùng để muối dưa, chế biến làm nhiều món ăn ngon, có công dụng làm cho cơ thể đổ mồ hôi, chữa ho, viêm khí quản, trị đau dây thần kinh; lại có tánh khoan trung, nhẹ ruột và thông đàm.
 
Những tỉnh hay bị bão lụt, người dân thường trữ hạt giống rau cải để gieo trồng chống đói khi bị lũ lụt tàn phá, hay khi giêng hai giáp hạt mất mùa. Rau cải cũng được xem là loại “lương thực” dễ trồng để chống đói và có thể ăn được nhiều ngày.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây rau cải vào Nghị đỉnh.
 
Quảng Bình Quan
 
 
16. Quảng Bình Quan, tức cửa thành Quảng Bình, còn gọi cửa thành Đồng Hới; nằm về phía đông, trong hệ thống Định Bắc Trường Thành. Thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, quân sư Đào Duy Từ (1572-1634) hiến kế đắp lũy ở Nhật Lệ, cửa này được làm bằng đất, cùng với hai cửa khác, là Lý Chính Đại Quan, sau đổi gọi là Võ Thắng Quan; cửa thứ ba là Thủ Ngự, để chống giữ phía biển Nhật Lệ. Hệ thống Định Bắc Trường Thành dài 3000 trượng, từ Đâu Mâu đến cửa Nhật Lệ, tạo nên một phòng tuyến quân sự vững chắc, nhằm ngăn chặn trước sự tấn công của đối phương. Cũng nhờ thành lũy quân sự này mà các chúa Nguyễn vững tâm hơn khi tiến xuống phía Nam. Về sau, để ghi nhớ công lao của quân sư Đào Duy Từ, người ta tôn gọi công trình này là Lũy Thầy.
 
Các thành lũy ngày xưa thường bố trí 4 cửa theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, gồm: cửa Tiền, cửa Hậu, cửa Tả, cửa Hữu; duy thành này chỉ có 3 cửa (cửa Tả, Hữu, Hậu, không có cửa Tiền). Đây cũng là một điểm rất khác lạ về cấu trúc của thành lũy. Thời trước, đường bộ, từ Bắc vào Phú Xuân nhất thiết phải đi qua cổng thành Quảng Bình. Nhưng rồi thời gian hoang hóa. Đến thời vua Nguyễn mới cho sửa lại. Ghi về cửa này, sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Cửa quan dài 2 trượng 1 thước; ngang 2 trượng 5 thước; thành ngoài che chắn hộ vệ, cửa quan dài 14 trượng 6 thước, cao 3 thước, năm Minh Mạng thứ 6 xây bằng đá; năm thứ 7, 1826, cho tên Quảng Bình Quan; năm thứ 17 đúc xong Cửu đỉnh, lấy hình tượng cửa thành khắc lên Nghị đỉnh”. Năm Thiệu Trị thứ 2, xa giá Bắc tuần, qua Quảng Bình Quan, nhà vua có thơ ngự chế chạm vào đá, sai dựng nhà bia ở bên ngoài cửa thành để lưu niệm.
 
Suốt trong thời kỳ nhà Nguyễn trị vì, cùng với toàn bộ hệ thống hào rãnh Lũy Thầy, Quảng Bình Quan là niềm tự hào của triều đại, gắn liền với sự nghiệp khai quốc công thần của Đào Duy Từ. Ngoài ra nó còn có giá trị cao về lịch sử và văn hóa, là biểu tượng của vùng đất “địa linh nhân kiệt Quảng Bình”...
 
Sau Hiệp định Genève, trước khi quân Pháp rút khỏi Quảng Bình, chúng đã dùng mìn phá hủy Quảng Bình Quan (chỉ còn sót tấm đá bia Định Bắc Trường Thành).
 
Những năm 1955 đến 1964, nhân dân Quảng Bình đã xây dựng và phục chế lại cổng thành như xưa. Đồng thời đưa tấm bia Định Bắc Trường Thành vào dựng trong lòng cổng thành, mở đường đi vòng hai bên, biến nơi đây thành công viên văn hóa.
 
Khi Đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, cổng thành này lại bị san phẳng. Mấy mươi năm ngổn ngang, nhìn đống gạch vụn cửa thành, lòng người Quảng Bình không khỏi ngậm ngùi…
 
Để giữ lại những giá trị của Quảng Bình Quan, sau năm 1996, chính quyền tỉnh Quảng Bình đã khôi phục lại biểu tượng duy nhất về cổng thành được chọn khắc lên Cửu đỉnh.
 
Lục Hoa Ngư
 
 
18. Lục Hoa Ngư, tức cá hoa xanh, tục danh cá lóc (36), lại gọi cá tràu đô, hơi giống cá chuối mà sức mạnh hơn, sống ở vùng sông nước Nam Bộ, sinh sôi rất nhiều. Tương truyền, trước kia ở Thừa Thiên trở ra không có giống cá này, đầu đời vua Gia Long mới sai chở về nuôi ở vùng Thừa Thiên, nay chỗ nào cũng có. Lại có một loại giống cá lóc mà nhỏ hơn, tục gọi cá tràu cẩn, tính hay nhảy. Tục truyền trẻ con chậm biết đi thì đem cá này đập vào cổ chân sẽ nhanh biết đi ngay. Cá lóc cho sản lượng thịt rất nhiều, là mối lợi lớn và nhanh của nhà nông.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng con cá lóc vào Nghị đỉnh.
 
(36). Cá lóc còn có tên lê ngư, cá chuối là lễ ngư; hai giống cá khác nhau, nhưng có đặc tính tương tự, sinh sản rất nhanh.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.076.622
Đang truy cập 11.013