Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 29
Ngày cập nhật 29/04/2021

Thuần đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ ba bên trái tượng trưng cho sự tinh khiết.

Hoàng Oanh
 
 
Hoàng Oanh, tục danh chim vàng anh (37), còn gọi là hoàng ly, thương canh, thanh điểu, hoàng bá lao; chim có sắc vàng, lông và đuôi có lẫn sắc đen, tiếng kêu của nó tròn trặn như thanh âm dệt cửi, người ta cho là thứ chim có tiếng kêu ứng theo thời tiết. Người xưa nói: “Hữu minh thương canh”, tức là chim này. Theo các nhà Đông y, thịt của hoàng oanh có công dụng bổ tỳ; ăn nhiều làm cho người ta “hạ hỏa” bỏ được tính ghen tuông và hay giận hờn. Hoàng oanh là giống chim đẹp, rất ưa nhìn.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng chim vàng anh vào Thuần đỉnh.
 
(37). ĐNNTC, Sài Gòn XB (1962); Hà Nội (1969); Thuận Hóa (1997) và (2006), đều chép hình vàng anh ở Tuyên đỉnh. Thực tế hình chim này khắc ở Thuần đỉnh.
 
Ly Ngưu
 
 
Ly Ngưu, tục danh con bò tót, còn gọi là con mao tê, con min, thuộc bộ ngón chẵn, là một giống bò hoang, bò rừng, sức rất khỏe, đuôi rất dài, ngày xưa người ta dùng làm ngù cờ. Bầy đàn của bò tót rất ít, khoảng từ 5 đến 25 con. Da của nó có thể chế biến làm đồ dùng trong mỹ nghệ trang sức rất tốt. Thịt của bò rừng có nhiều chất bổ, tăng cường sinh lực, hợp cho cơ thể của người suy nhược, sừng của bò tót có giá trị thẩm mỹ cao và là một loại dược liệu rất quí.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng con bò tót vào Thuần đỉnh.
 
Hiện nay, rừng nước ta (ở vườn quốc gia Cát Tiên) vẫn gặp, nhưng cá thể loại bò tót này còn quá ít, có nguy cơ tiệt giống nòi, nên rất cần được bảo vệ.
 
Cần Giờ Hải Khẩu
 
 
Cần Giờ Hải Khẩu, tức cửa biển Cần Giờ, tức cảng Cần Giờ, còn gọi là cửa Ô Cấp. Cửa này có độ rộng trên 5 dặm, khi nước lên buổi sáng thì sâu 5 trượng 5 thước, nước lên buổi chiều sâu 4 trượng. Cảng khẩu sâu rộng nên rất thuận lợi cho thuyền bè ra vào, là một cửa cảng lớn, nằm sát nách trung tâm phố thị tỉnh Gia Định xưa, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Do tính chất quan trọng của cửa biển này, năm Thiệu Trị thứ 2, triều đình nhà Nguyễn cho xây thành, đắp lũy tấn bảo để canh gác. Cửa biển Cần Giờ có vị thế chiến lược kinh tế, quốc phòng và lịch sử phong phú của vùng đất Nam Bộ ngay từ buổi đầu mở cõi.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cửa biển Cần Giờ vào Thuần đỉnh.
 
Quỳ Hoa
 
 
Quỳ Hoa, còn gọi là nhung quỳ, hay ngô quỳ, tức hướng dương, vọng nhật quỳ hoa, thục quỳ, thái dương hoa... có nguồn gốc xa xưa từ Trung Mỹ; hoa vàng đóa lớn, hạt dùng ăn được như hạt dưa. Có thể dùng làm thuốc trị ngộ độc nhẹ, chữa cao huyết áp, chóng mặt, đau răng, viêm khớp, rất tốt cho tim mạch; vỏ cây dùng làm dây rất bền. Cổ nhân nói: loại nhung quỳ trồng ở vùng Tây Thục, có đến 5, 6 chục loại, hình thái trăm cách, có những sắc hồng, tím, trắng, đen, tím đậm, tím nhạt, hồng đào, và tím màu da cà; đến tháng 5 nở nhiều hoa, nhưng chẳng ngoài mấy sắc ấy. Lại có tên là nhất trượng hồng,vừa đẹp vừa có giá trị thiết thực trong đời sống. Tuy giống hoa có gốc từ châu Mỹ, nhưng người Việt Nam rất ưa chuộng.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng hoa quỳ vào Thuần đỉnh.
 
Nam Mộc
 
 
Nam Mộc (楠木), tức cây gỗ sao, còn gọi gỗ sến; theo Tự điển sở dĩ viết chữ nam vì cây mọc ở phương Nam. Khi cưa ra, mặt tròn hướng tâm giống hình ngôi sao nên gọi tên vậy. Sách Gia Định thành thông chí chép rằng: nam mộc có bốn loại là nam xanh, nam vàng, nam tôm và nam đá. Cây to vòng và cao hơn trăm thước, thớ thịt gỗ đông đặc là thượng phẩm, cho nên xưa nhà Nguyễn có lệ cấm dân không được dùng. Rừng sâu các tỉnh từ Thừa Thiên trở vào Nam đều có, nhưng đường xa khó lấy; rừng Nam Bộ bằng phẳng dễ khai thác, nên phần nhiều lấy ở đấy, ngày trước có những hộ dân mấy đời chuyên làm nghề lấy gỗ nam mộc cho triều đình.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây nam mộc vào Thuần đỉnh.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.058.219
Đang truy cập 1.988