Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 30
Ngày cập nhật 10/05/2021

Thuần đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ ba bên trái tượng trưng cho sự tinh khiết.

Thạch Hãn Giang
 
 
Thạch Hãn Giang, tức là sông Thạch Hãn, thời Trần có tên Thái Già; sông chảy qua hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị. Phát nguyên từ vùng núi cao huyện Hướng Hóa, giáp với nước Lào. Sông chảy theo hướng tây bắc đến bãi Ái Tử, lại chảy chừng 33 dặm, thì có nước nguồn Viên Kiệu chảy vào, rồi chuyển sang phía đông nam chừng 10 dặm, qua cửa Ngưu Cước, tục gọi nguồn Trang, lại 17 dặm, qua bến Lương Mai, lại 14 dặm qua bến Trinh Thạch, lại 2 dặm, thì có ba dòng khe từ phía nam qua phường Trà Trì chảy vào, lại chảy 17 dặm qua khe Trái, chảy 15 dặm qua phía đông chợ Như Lệ, 16 dặm qua xã Thạch Hãn. Ở đây, có một thân đá nhô lên trên mặt nước, nằm ngang từ trái sang phải, cốt đá chập chùng, nên có tên Thạch Hãn. Sông lại chảy 10 dặm qua bến đường quan ở phía tây thành cổ Quảng Trị, lại 3 dặm nữa thì đến ngã ba làng Cổ Thành, đến địa phận hai làng An Tiêm và Xuân Yên thì chia làm hai nhánh: một nhánh chảy về phía đông nam vào sông đào Vĩnh Định; một nhánh chảy về phía đông bắc 11 dặm, qua ngã ba Vĩnh Phước, tục gọi bến Quyết, lại chảy 9 dặm qua ngã ba Dã Độ, tục gọi ngã ba sông Tương, lại 7 dặm qua ngã ba Giáo Liêm, lại chảy 10 dặm nữa mới ra biển Cửa Việt, tổng cộng dài khoảng 155 cây số. Sông bắt nguồn rất xa, nước trong và ngọt, ngạn ngữ có câu: “Bất vi xạ não, diệc thị trầm đàn; bất vi quỳnh tương diệc thị cam lễ”, nghĩa là: Chẳng phải xạ hương long não, thì cũng trầm hương đàn hương; chẳng phải quỳnh tương thì cũng cam lễ. Câu này thực tả phẩm chất của nước sông Thạch Hãn.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, khắc hình tượng sông Thạch Hãn vào Thuần đỉnh; năm Thiệu Trị thứ 2, xa giá Bắc tuần, khi qua sông này nhà vua có thơ đề vịnh; năm Tự Đức thứ 3, 1850, liệt vào hàng các dòng sông lớn trong điển thờ.
 
Sông Thạch Hãn là chứng nhân lịch sử giữ nước, sau Hiệp định Paris, con sông từng được “chọn” làm giới tuyến tạm thời của một giai đoạn ngắn ngày từ mùa hè năm 1973 đến mùa xuân 1975 giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam.
 
Ngày nay, mỗi lần ngang qua Thạch Hãn, nhìn dòng sông trầm lặng chảy êm, người ta lại thấy gợi lên câu thơ đầy bi cảm của người lính giữ thành cổ Quảng Trị thời chống Mỹ:
 
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,
 
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
 
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
 
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”... (Lê Bá Dương)
 
Sông Thạch Hãn vốn nổi tiếng với các thứ cá, tôm, cua, ốc rất nhiều; đầu nguồn sông lại có giống chạch chấu (người Quảng Trị gọi là chình), mình dài và thịt rất ngon. Cùng với núi Mai sông Hãn chính là thủy mạch linh diệu của miền Ô châu.
 
Hoàng Đậu
 
 
Hoàng Đậu, tục danh đậu vàng còn gọi là đậu nành, loại đậu thường dùng làm tương và làm thuốc tăng lực (38), rất dễ trồng, đất vùng nào trồng nó mọc cũng tốt. Đậu nành còn dùng làm thức ăn cho người bị bệnh thấp khớp, bệnh gút, người mới ốm dậy, người lao động quá sức.
 
Đối với những tu sĩ Phật giáo, loại đậu này nhiều chất đạm được dùng nhiều trong nhà chùa, để chế biến món ăn chay, làm nước uống giải nhiệt rất tốt.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây đậu vàng vào Thuần đỉnh.
 
(38). Các bản dịch ĐNNTC đã xuất bản trước đây, không thấy chép hình cây đậu này ở đỉnh nào. Trên thực tế hình cây đậu vàng được chạm vào Thuần đỉnh.
 
Đỉnh
 
 
Đỉnh, tức là thuyền, một loại thuyền đua nhiều tay chèo, được sản xuất nhiều dưới thời Gia Long và Minh Mạng; đây là một loại thuyền vừa dùng để đua trong các lễ cầu mưa, các ngày lễ hội, vừa dùng trong chiến đấu được trang bị cho quân đội nhà Nguyễn. Thuyền này có tốc độ lướt sóng khá nhanh, hoạt động thuận tiện trên tất cả các loại hình đường thủy.
 
Mỗi lần xa giá xuất hành bằng đường thủy thì chung quanh thuyền ngự có nhiều thuyền này đi hộ tống tăng vẻ oai nghi.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng thuyền (đỉnh) vào Thuần đỉnh.
 
Phong
 
 
Phong, tức gió, hiện tượng thiên nhiên được hình thành tạo nên giữa hai vùng chênh lệch nóng, lạnh, không khí chuyển động mạnh. Gió thổi mạnh thì thành bão. Theo Kinh Dịch, gió thuộc về quẻ Tốn (Tốn vi phong).
 
Gió có gió Tây Nam, gió mùa Đông Bắc, gió chướng, gió heo may, gió nóng, gió ấm, gió nồm... Nhờ có gió mà bốn mùa đổi thay theo chu kỳ vận hành theo quy luật tạo thành thời tiết. Gió thuộc về bản chất tự nhiên của vũ trụ, tạo nguồn năng lượng dồi dào tự tạo ra sức mạnh vô biên.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng vần vũ của ngọn gió lên Thuần đỉnh.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.046.959
Đang truy cập 15.836