Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 32
Ngày cập nhật 26/05/2021

Tuyên đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ ba bên phải tượng trưng cho sự tinh thông

Bách
 
 
Bách, tục danh bá mộc, còn gọi là trắc bách diệp. Các loại cây đều hướng theo phía mặt trời mọc, duy có cây bách “đơn lẻ” cứ chỉ về hướng tây, cho nên người xưa mới nói, loại cây này có đức trinh chính.
 
Theo Đông y, thường dùng cây bách ngâm rượu uống để đuổi tà khí, gọi là bách tửu. Hột bách bổ tâm, kiện tỳ, trị nhiễm chất độc, tê thấp. Người xưa nói: “Xích Tông Tử ăn hột bách, khi răng rụng, răng mọc trở lại”. Hái lá mới nẩy mầm đem dầm thay nước khử vị đắng, khi mới ăn, vị đắng chát, nhưng trộn mật ong vào hoặc hòa với thịt xay của quả táo mà ăn càng tốt, để lâu dễ ăn mà lại không biết đói, vào mùa đông không biết lạnh, mùa hạ không biết nóng. Không rõ thực hư, nhưng là loại cây có đặc tính kỳ lạ. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây bách vào Tuyên đỉnh.
 
Ngoan
 
 
Ngoan, tức là một loại rùa biển (41) khá lớn sống chủ yếu ở vùng biển sâu, nơi có dòng hải lưu mạnh. Thịt của nó rất thơm ngon, có nhiều chất bổ dưỡng và là dược liệu quí dùng để làm thuốc trị bệnh. Thời xưa, người ta xem con ngoan này cũng thuộc “họ nhà rùa linh”. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, và Côn Đảo của nước ta có nhiều giống họ nhà ngoan sinh sống.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng con ngoan lên Tuyên đỉnh.
 
(41). ĐNTLCB, Sđd, phiên là con giải. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu và một số Từ điển Hán Việt của các tác giả khác, thì giải là con cua biển, điền giải là cua đồng. Theo hình trên, thì con “giải” này là ngoan, một loại rùa biển.
 
Lam Giang
 
 
Lam Giang, tức sông Lam, con sông lớn nhất ở tỉnh Nghệ An, còn có tên Ngàn Cả hay sông Cả; nước sông trong xanh nên còn gọi là Thanh Giang, Thanh Xuyên, Thanh Long, sông Rum. Sông có hai nguồn: một là nguồn Hiếu, hai là nguồn Tương. Nước nguồn Hiếu phát nguyên từ động Thanh, huyện Quế Phong, chảy qua huyện Quì Châu, về Quì Hợp, Nghĩa Đàn, sang Tân Kỳ, Anh Sơn; nước nguồn Tương từ nậm Gióng, tỉnh Xiêng Khoảng, xứ Ai Lao chảy vào biên giới nước ta ở xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, rồi chảy qua huyện Tương Dương, sang Con Cuông, xuống Anh Sơn gặp nguồn Hiếu. Từ đây hai nguồn hợp làm một dòng chính chảy về Đô Lương, qua Thanh Chương, Nam Đàn, xuôi về Dũng Quyết thành phố Vinh, vòng qua Đức Thọ, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh rồi thong thả đổ ra biển Cửa Hội. Thực ra tên sông Lam thường để dùng để chỉ khúc sông Cả từ chỗ hợp với sông La ở chợ Tràng cho đến Cửa Hội. Hệ thống chi mạch của sông Lam gần như chảy qua hầu hết các huyện của tỉnh Nghệ An và một phần của Hà Tĩnh. Trong suốt hành trình, nó lại được tiếp thêm nguồn nước từ các sông ngòi khác đổ vào, tạo cho con sông thành một dòng chảy mạnh, một nguồn mạch đáng kể; sông Lam đã bồi đắp phù sa cho cả đồng bằng xứ Nghệ từ bao đời nay. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, sông Lam là trận địa, là chứng nhân lịch sử oai hùng. Đại Nam nhất thống chí đã viết về cảnh đẹp trù phú của sông Lam: “Ở đây, nước sông trong mát, cây cỏ tươi xanh, gần có phố, xa có thôn, phong cảnh như tranh vẽ, thật là một nơi danh thắng ở châu Hoan. Bài thơ “Qua đò Phù Thạch” của Nguyễn Trung Ngạn đời Trần có mấy câu rằng: “Trào sinh, trào lạc đông tây thủy / Vân hợp, vân khai thượng hạ san / Ngư đĩnh phù trầm yên cảnh ngoại / Tăng gia ẩn ước họa đồ gian” (Thủy triều lên xuống phía đông phía tây; Mây hợp mây tan ở trên núi dưới núi, Thuyền chài chìm nổi ngoài cảnh khói mù; Nhà chùa tờ mờ trong khoảng tranh vẽ)”…
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng sông Lam vào Tuyên đỉnh; năm Tự Đức thứ 3, 1850, cho liệt vào hàng các con sông lớn của nước nhà, được chép vào điển thờ, hàng năm sai quan sắm lễ vật đến tế thần sông.
 
Từ những làng mạc nằm dọc theo hai bờ sông Lam, rất nhiều nhân tài tuấn kiệt của đất nước đã sinh ra và lớn lên, mang theo nỗi khát vọng ngàn đời của dòng sông bồi đắp phù sa cho ruộng đồng tươi tốt mà dấn thân làm nên sự nghiệp lưu truyền sử xanh.
 
Địa Đậu
 
 
Địa Đậu, tức là đậu phụng, vì củ của nó có hình dáng như mắt con chim phụng, nên gọi thế, cũng gọi là đậu lạc, lại có tên là lạc hoa sinh. Thành phần dinh dưỡng của đậu phụng rất cao, có lợi cho thể lực, thổi xôi hoặc rang hay luộc, làm thực phẩm để ăn đều tiện, người ta có thể hoặc ép dầu thắp đèn, nấu chè, làm bánh kẹo đều được, là một loại ngũ cốc cho mối lợi lớn của nhà nông; thân cây và bã đậu phụng đóng thành bánh đem bón ruộng rất tốt; trong ngành công nghiệp chế biến, dầu phụng được dùng làm dung môi trong việc chế dầu tiêm, dầu xoa ngoài, dầu bôi máy, xà phòng... Ở Việt Nam, ruộng đồng tỉnh nào trồng cũng được, rất ích lợi.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây đậu địa vào Tuyên đỉnh.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.955.518
Đang truy cập 31.843