Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 33
Ngày cập nhật 07/06/2021

Tuyên đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ ba bên phải tượng trưng cho sự tinh thông

Thỉ
 
 
Thỉ, tục danh con heo, tức con lợn, còn gọi là trư, là đồn, là khải, là trệ, là phần. Sách Lễ ký chép là cương lạp. Nó là con vật nuôi cung cấp nguồn thực phẩm và rất có ích với đời sống con người. Theo Đông y, thịt heo nạc có vị ngọt, hơi mặn, tính bình, tác dụng tư âm nhuận táo, dùng cho các trường hợp trị nhiễm trùng, sốt cao, mất nước, táo bón, tiểu đường, suy kiệt thiểu dưỡng. Là con vật đem lại nguồn thu nhập cho các ngành công nghiệp thuộc da; ngoài ra nó còn được nuôi để hiến tế thần linh, dâng cúng gia tiên hàng năm. Ở nhiều nơi như vùng Hoa Lư, Ninh Bình, vì kiêng tránh nên gọi là “Ông Lợn”. Thỉ (hợi) được xếp cuối cùng trong địa chi 12 con giáp.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng con lợn vào Tuyên đỉnh.
 
Đại Lĩnh
 
 
Đại Lĩnh, tức núi Đại Lãnh, dãy mạch của nó chạy dài rất xa, đứng sừng sững vững chắc như bức trường thành trên ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Trong dãy núi này có ngọn Thạch Bi Sơn, thường gọi núi Đá Bia, ngọn cao nhất thuộc hệ Đèo Cả; nơi đây một thời quá vãng từng là mốc giới biên viễn của nước Đại Việt. Có câu chuyện lịch sử ghi lại sự tích núi Thạch Bi, tương truyền vào năm 1471, ở miền phương Nam người Chiêm nổi loạn, xua quân đánh ra các trấn huyện Thuận Hóa. Nhằm để “sắp xếp lại trật tự” ở biên cương, từ Thăng Long, vua Lê Thánh Tông đã thân chinh, dẫn đầu đại binh vào tiễu phạt. Trên đường hành quân, trong một buổi chiều hoàng hôn, ông đã dừng chân ở dưới rặng núi này ngắm cảnh, làm thơ; nhận thấy nơi đây mạch núi liên hoàn, ngọn cao ngọn thấp, chỗ lồi chỗ lõm ăn ra tận biển trông như trận địa được trời ban. Là bậc minh vương, có tầm nhìn chiến lược, nhà vua đã ngự chế, sai người trèo lên tạc vào phiến đá trên cao để khẳng định chủ quyền đất nước. Vì thế núi ấy được gọi là núi Đá Bia.
 
Ngọn này có độ cao 706 mét, trên đỉnh mây mù thường xuyên che phủ tạo nên cảnh vật kỳ ảo, trông thật hùng vĩ. Những ngày trời quang mây tạnh, đứng ở núi này có thể nhìn rộng ra xa cả vùng biển đảo mênh mông thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay dưới chân núi là Vũng Rô rất sâu và kín gió, những thuyền bè đi biển gặp bão tố có thể chạy vào trú ẩn rất thuận tiện, được an toàn.
 
Vì đắc lợi nhiều mặt của dãy Đại Lãnh, năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng dãy núi này vào Tuyên đỉnh.
 
Những năm kháng chiến vệ quốc ở thế kỷ XX, nhờ địa thế dãy Đại Lãnh che chở, biển sâu Vũng Rô trở thành căn cứ bí mật cho những con tàu hải quân không số của cách mạng được các chiến sĩ quả cảm bí mật tập kết vũ khí từ miền Bắc chuyển vào miền Nam để phục vụ công cuộc kháng chiến…
 
Đá lấy ở dãy Đại Lãnh là loại đá tốt được dùng nhiều trong xây dựng các công trình cao cấp, rất bền vững. Rừng sâu ở núi này có nhiều muông thú và lâm đặc sản, dược liệu quí hiếm. Biển Vũng Rô có nhiều loại cá, tôm, cua, mực… ngon nổi tiếng.
 
Nói đến dãy Đại Lãnh, núi Đá Bia, người dân hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thường xem nó như ngọn chủ sơn uy linh trấn giữ non nước cả vùng, là biểu tượng văn hóa lịch sử nổi tiếng từ ngàn xưa. Chính vì những kỳ tích hiếm có ấy mà vào năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận núi Đại Lãnh - Thạch Bi Sơn là thắng cảnh cấp quốc gia.
 
Trân Châu Hoa
 
 
Trân Châu Hoa, còn gọi là kê cước lan, kim tác lan, tục danh là bông sói trắng, nhiều nơi quen gọi là bông hòe, có câu “hoa hòe hoa sói” là chỉ hoa này. Trân châu mọc lên thành bụi, hình hoa giống ống chân gà, sắc trắng mà thơm. Lại có một loại sắc vàng, tục danh sói vàng, nơi miền núi sơn dã đều có mọc. Là một loài hoa quí, người Việt trồng nhiều để làm cảnh. Theo các nhà Đông y, thành phần của hoa trân châu có thể làm thuốc chữa trấn tĩnh, trị bệnh suy huyết ở trên đầu và mặt, nhức buốt không ngủ, chữa viêm niêm mạc miệng khá hiệu nghiệm.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng loại hoa trân châu vào Tuyên đỉnh.
 
Lê Thuyền
 
 
Lê Thuyền, một loại thuyền đi biển có 12 tay chèo, được sản xuất khá nhiều dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng. Năm 1835, đóng một chiếc thuyền lê nhỏ cho Viện Cơ mật. Hễ vua đi tuần đường thủy nơi nào thì đáp đi hộ giá.
 
Loại thuyền này có thể dùng đi lại trên biển khi có gió to hay vùng sông nước lớn chảy xiết, khá an toàn. Những người buôn đò dọc đi dài ngày có khi cũng đóng thuyền buôn theo mẫu thuyền lê này để tiện bề đi lại.
 
Lê thuyền cũng là loại phương tiện đi lại bằng đường thủy tiện lợi của người Việt từ xưa.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng loại thuyền này vào Tuyên đỉnh.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 21.868