Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 39
Ngày cập nhật 31/08/2021

Dụ đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ tư bên trái tượng trưng cho sự phong phú.

Hải Vân Quan
 
 
Hải Vân Quan, tức cửa quan Hải Vân, xây năm 1826, nằm về phía đông nam huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, trên đỉnh đèo của núi dãy Hải Vân, chỗ xây cửa có độ cao hơn 496m so với mặt nước biển, đèo dài chừng 25 cây số. Nguyên phía trước, phía sau đều xây một cửa quan, trên ngạch phía trước đề ba chữ Hán “Hải Vân Quan”, trên ngạch phía sau đề sáu chữ Hán lớn “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (Cửa ải hùng vĩ nhất dưới gầm trời). Cửa trước, cao và dài đều 15 thước, ngang 17 thước 1 tấc; cửa sau cao 15 thước, dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa cuốn theo kiểu tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía trái, phía phải cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Cửa được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 7, ban đầu đặt một viên phòng thủ úy, và biền binh thường trú, mỗi tháng một lần thay đổi phiên; năm thứ 17, 1836, thì tăng lên 2 viên phòng thủ úy mỗi tháng thay đổi một lần, còn biền binh thì cứ 15 ngày thay đổi; lại được triều đình phát cho “Bản vẽ hiệu cờ” của các nước ngoại dương để tiện theo dõi; lại cấp cho ống nhòm thiên lý để quan sát ngoài biển xa. Phàm thuyền nước ngoài vào cửa biển Đà Nẵng thì phải báo trước cho cửa quan này. Sách Đại Nam nhất thống chí nói rằng: “Núi Hải Vân là chỗ giáp giới giữa tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên, trước kia, ranh giới ở xứ Thạch Bàn và phía bắc đèo có khắc chữ vào mốc gỗ, đến khi xây cửa quan trên đèo thì chuẩn định từ cửa quan trở về bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về phía nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam”. Nay phần Nam cửa Hải Vân của quản hạt Quảng Nam thuộc về thành phố Đà Nẵng.
 
Đèo Hải Vân quanh co cao ngất, hiểm trở, trên như chạm tới trời xanh, đỉnh gần như quanh năm mây phủ, dưới chân nhúng biển khơi lại có hang Dơi, chỗ ấy sóng gió nguy hiểm hay gây tai nạn cho tàu thuyền qua lại. Xưa có câu: “Đi bộ thì khiếp Hải Vân / Đi thủy thì sợ sóng ngầm hang Dơi”. Thời chúa Nguyễn làm chủ Đàng Trong, đèo này còn hoang sơ, khó đi, khi thiền sư Thích Đại Sán từ Quảng Nam ra Huế yết kiến chúa Nguyễn Phúc Chu, vượt đèo bằng cáng, ông gọi đèo bằng cái tên Ngãi Lãnh vì hai bên hoa ngãi nở vàng đường nên lại gọi tên là Ngãi Vàng.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng Hải Vân Quan vào Dụ đỉnh.
 
Quan ải Hải Vân và đèo núi Hải Vân không những có vị trí quan trọng về mặt quân sự của khu vực biển miền Trung mà còn là chỗ ngắm cảnh độc đáo giữa mây trời hùng vĩ, là một di tích lịch sử văn hóa quan trọng, nơi phân chia khí hậu hai vùng Bắc - Nam khá rõ rệt.
 
Anh Vũ
 
 
Anh Vũ, tục danh con vẹt (45). Nguyên thuở xưa giống vẹt quen sống nhiều ở các gò thuộc xứ Hạ Châu, tỉnh Phúc Kiến; Tân Gia Ba (Singapore ngày nay), có người mang về dâng lên vua. Giống chim này lông trắng toát; cũng có một loại lông đủ năm sắc, gọi là ngũ sắc anh vũ. Mép miệng đỏ, mỏ quắp xuống, lưỡi giống lưỡi trẻ con, phần chân trước hai ngón, sau hai ngón, tính sợ lạnh, người rành các giống chim nói, con lớn gọi là anh mẫu, con nhỏ gọi là anh ca. Sách An Nam chí chép rằng: đời Hán Vũ Đế, người ở quận Giao Chỉ đem dâng chim anh vũ biết nói; đời Đường Trịnh Quán, nước Lâm Ấp dâng chim anh vũ năm sắc, tức loại chim này. Vua Minh Mạng chú ở bài Vịnh ngũ sắc anh vũ có nói, đầu đời Trung Hưng, người ở xứ Gia Định đem dâng lên mấy con, nuôi ở trong cung, có một con rất tinh thông, đêm nằm trong lồng, thấy mèo bò đến, nó liền giả tiếng người giận dữ mắng chửi; mèo sợ lẻn tránh không dám đến gần; khi thấy chó ngủ, thì bay lẻn xuống để mổ, chó giật mình tỉnh dậy chạy cuống cuồng, chim liền nhảy lên bàn, dở trò cười ngặt nghẽo. Sách Lễ ký lại chép rằng: chim anh vũ biết nói (nói như vẹt); mặc dù vậy nhưng nó chẳng rời ra khỏi loại phi điểu tức là giống chim này. Lại có một loại lục anh vũ, tục gọi chim vẹt mỏ đỏ tức con két, lông xanh biếc, nếu cắt bớt ngọn lưỡi đi cũng có thể tập nói được tiếng người.
 
Như vậy, từ xa xưa rừng núi nước ta trước đã có nhiều chim anh vũ sinh sống, sau lại nhập thêm một vài giống cùng họ mà thôi, nên sử sách mới chua thế. Hoặc nó di cư từ vùng này sang vùng khác một cách tự nhiên trước những thay đổi của hệ sinh thái và môi trường tự nhiên.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng chim anh vũ vào Dụ đỉnh.
 
Chim vẹt dễ sống, thích ăn các thứ trái cây, rừng các tỉnh nước ta đều có. Hiện nay, nhiều người chơi chim thường thích nuôi chim vẹt, vì nó không kén ăn, lại có sức chịu đựng, mà hình dáng cũng đẹp, rất ưa nhìn, nuôi lâu nhiều con biết bập bẹ tập nói tiếng người. Cảnh nhà có nuôi vẹt thật là vui.
 
(45). ĐNNTC, Sài Gòn xb (1962); Hà Nội xb (1969); Nxb Thuận Hóa (1997) và (2006), và một số sách khác đều chú hình chim anh vũ ở Tuyên đỉnh. Chúng tôi đối chiếu thực tế với Cửu đỉnh thì hình chim này được chạm vào Dụ đỉnh.
 
Thạch Thủ Ngư
 
 
Thạch Thủ Ngư, tục danh cá úc (46); một loại cá mà trên đầu của nó có chấm đá, vảy nhỏ, thịt nhiều và ngon. Các thứ cá khác đều có máu, duy cá thạch thủ không có máu như ta thường thấy, do vậy mà ngày trước nhà chùa gọi nó là bồ tát ngư, thế mà khi đến tuần chay có người vẫn ăn cá này. Do cá không có máu, đầu cứng như đá cho nên gọi là cá thạch thủ, tức cá đầu đá. Không hiểu thịt của cá thạch thủ có dược tính gì nhiều, nhưng rõ ràng là một loại cá “có cái đầu” khá kỳ lạ.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng con cá thạch thủ vào Dụ đỉnh.
 
(46). ĐNTLCB phiên là con cá lành canh? Có sách ghi là cá mú?
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 4.157