Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 44
Ngày cập nhật 02/11/2021

Huyền đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ tư bên phải tượng trưng cho sự huyền kỳ.

Quế Đố (Huyền đỉnh)
 
 
Quế Đố, tục danh con cà cuống, có nơi còn gọi con đà cuống, lại có tên nữa là bát thủy trùng; cà cuống có sáu chân, hình dáng hơi giống con ve sầu lớn, chúng sống ở ruộng đồng sâu hay ao hồ nơi có cây cỏ, lúa mọc lúp xúp, chúng vừa bơi dưới nước và bay trên không rất giỏi. Con đực thì nhỏ và hay rỉ một thứ chất cay, người ta gọi đó là cà cuống cay. Trong bụng nó có một cái bao nhỏ dính với ruột, gần đít, trong bao có chất nước mà người xưa thường ví như “mùi nước đái quỉ”. Ở hai bên, phía trong bụng, dưới cặp chân thứ ba, có hai cái bao nhỏ bằng hạt gạo đựng chất nước thơm; khi gặp nguy biến, con cà cuống liền xịt thứ nước ấy ra để tự vệ. Chất dầu ấy nhẹ hơn nước, ra gió thì bay, lan mỏng như sương, cay và thơm, trong như nước suối. Theo lời chú trong bài thơ “Vịnh quế đố” của vua Minh Mạng, thì giống trùng này sinh sản ở ruộng nước, có sáu chân, cánh như cánh ve, có thể bay được nhưng bay không xa, hay lặn dưới nước, giống con xạ công, có thể nướng ăn được, hoặc dùng để chế biến “nước mắm” tra vào thức ăn, có vị thơm, nên gọi quế đố.
 
Tương truyền vào thời Hán Văn Đế, lúc Triệu Đà còn đang cai trị Nam Việt, hàng năm ông thường đem con này tiến cống về triều, tức là con cà cuống. Thấy vua nhà Hán ăn khen ngon, Triệu Đà mới nói tên của nó là “quế đố”, tức (con sâu cây quế). Một ông quan đứng hầu bên cạnh nghe vậy mới tâu với vua Hán: “không phải con sâu sống trong cây quế mà là con sâu sống ở dưới nước, là thủy đố”. Vua Hán mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã”- (đó là lời nói láo của Đà). Từ ngày ấy người ta quen gọi nó là con “đà cuống”. Cũng có người gọi nó là con “long sắt”, tức (con rận rồng).
 
Ở Việt Nam, đồng ruộng, ao hồ cạn ở các tỉnh đồng bằng đều có, nhưng ở vùng chiêm trũng miền Bắc có nhiều hơn, người ta thường bắt cà cuống để chế biến làm nước mắm, hàng năm đem tiến vua, dâng biếu cha mẹ già. Nước mắm cà cuống là một loại gia vị đặc biệt có lượng dinh dưỡng cao, đứng đầu trong tất cả các loại nước mắm khác, lại có nhiều dược tính tốt, dùng để điều dưỡng cơ thể, tăng cường sức lực, nhưng sản lượng cà cuống lại quá ít.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng con cà cuống lên Huyền đỉnh.
 
Hiện nay, do môi trường sống của đồng ruộng, ao hồ bị phá hủy vì người ta sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu và phân hóa học nên cà cuống đang ngày càng khan hiếm hơn.
 
Nhân Ngư (Nhân đình)
 
 
Nhân Ngư, tục danh cá voi, đời vua Tự Đức đổi lại tên gọi là đức ngư, dân gian thường gọi cá ông, cá ngài, đầu cá tròn, trên trán có lỗ phun nước sắc đen, nhẵn nhụi không vảy, đuôi chẻ ra như đuôi tôm; tính hiền lành hay cứu người. Vì vậy mà đầu đời Minh Mạng cho tên nhân ngư. Người xưa bảo, con cá voi nào sống ở biển Nam thì có linh tính rất kỳ lạ, có thể đoán biết mọi sự xảy ra trên biển; cá voi sống ở biển Bắc khác thì không. Tục truyền, long diên hương tức là do nước dãi của cá voi kết lại, được các nhà Đông y ví như thuốc quí, chữa được nhiều bệnh, chưa rõ có đúng thế không? Dị lục ký trong An Nam chí của Cao Hùng Trưng chép rằng: Hải thu (tức cá voi) là thứ cá rất lớn trong loài cá, phun hơi nước lên trên không, gió bay đi như mưa. Sách Chính tự thông chép rằng: Bạch ngư dài 20 trượng, tính hiền lành, hay cứu người, hoặc thấy người chài bị cá dữ làm khốn quẫn, nó cũng xông vào giải cứu. Sách Bắc sử chép rằng: nước Chân Lạp xưa có thứ cá tên là kiến đồng, có bốn chân, không vảy, mũi như vòi voi, hút nước phun lên cao đến 6, 7 thước. Vậy chép ra đây phòng khảo cứu. Ở các tỉnh từ Đèo Ngang trở vào đến tỉnh Bình Thuận, xuống tỉnh Cà Mau ngư dân vùng biển thỉnh thoảng vẫn gặp loại cá này dạt vào bờ, họ cùng nhau tìm mọi cách để cứu sống và đưa nó trả lại biển cả, con nào chẳng may bị chết, họ làm đám tang, có nơi trưởng làng phải đội mũ rơm, chống gậy đi trước như đưa đám ông bà nội của mình; thành kính chôn cất, đắp mộ rất lớn như trái núi nhỏ; nhiều nơi còn lập đền thờ “Cá Ông Voi”. Hàng năm sắm lễ vật dâng cúng, xem như vị thần phò hộ cho những người dân đi biển. Lễ này, về sau cũng được triều đình Huế thừa nhận cho đưa vào điển lệ, hàng năm cử quan đến tế.
 
Với một số làng ở miền biển, ngoài việc thờ cúng “Cá Ông Voi”, một năm hoặc ba năm một lần, người ta tổ chức lễ hội Cầu ngư, trong đó phần lễ dâng cúng rất được chú trọng ở nghi thức cầu linh ứng, để mong cho trời đất thuận hòa, biển cả bình yên, ra khơi tôm cá đầy thuyền.
 
Tương truyền, thời Nguyễn Vương lúc còn bôn tẩu, mỗi khi bị quân Tây Sơn rượt đuổi, thường dong buồm bỏ chạy ra các hòn đảo ngoài khơi. Một lần, giữa biển Nam mênh mông, thuyền của ông bị vỡ, may có đàn cá voi bơi tới giúp đỡ mà Nguyễn Vương được thoát nạn, sau ông làm nên nghiệp lớn, thống nhất sơn hà. Chuyện này hư thực ra sao, chưa rõ lắm, ghi vào đây để tiện tham khảo.
 
Lại có giống cá voi trắng, quen sống ở vùng biển sâu giá lạnh, chúng thường di chuyển theo bầy đàn, đông đến vài chục con.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng cá voi vào Nhân đỉnh.
 
Tần Cát Liễu
 
 
Tần Cát Liễu, tục danh chim nhồng(43), lại gọi chim yểng, liễu ca, hình dáng giống như chim sáo, sắc đen nâu, trên đầu có mào thịt sắc vàng, mỏ đỏ cựa vàng, dưới mắt liền với cổ có lông vàng thẫm, có đường chỉ; tâm tính thông minh, miệng lưỡi khéo léo, hay bắt chước tiếng người. Miền rừng núi tỉnh nào cũng có. Sử chép rằng, năm Minh Mạng thứ 11, nuôi một con ở trong cung, mỗi khi thấy nhà vua đi qua, thì nó dạ dạ liên hồi, lại luôn mồm bắt chước hô “Vạn tuế”. Chim nhồng hay có tính nói nhại, sớm biết đọc kinh Phật, rất có tuệ tánh; điều này được chú giải rõ trong Thiệu Trị thánh chế thi.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh cho khắc hình tượng chim nhồng vào Tuyên đỉnh.
 
(43). ĐNNTC, Sài Gòn xb (1962); Hà Nội (1969); Thuận Hóa (1997) và (2006), đều ghi chim nhồng khắc ở Dụ đỉnh, thực tế thì chim này khắc ở Tuyên đỉnh.
 
Hậu Ngư
 
 
Hậu Ngư, tục danh con sam, hải phận các tỉnh đều có, nhiều nhất là ở đầm Hậu Ngư, tức đầm Sam thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Sam có nhiều chất bổ dưỡng, lại có đặc tính dự báo biết được tin sóng gió, nên gọi là “hậu”; con đực, con cái bơi theo nhau. Đại Nam nhất thống chí nói rằng, con đực không có mắt, phải dựa vào con cái mới bơi đi được, khi vượt biển, thì cõng nhau theo gió bơi đi, tục hô là hậu phàm (gọi là buồm sam), lại gọi bè sam (hậu bài). Giống sam chửa mang con đầy cả bụng; người bắt sam nói rằng, cua biển đều do giống sam đẻ ra, sam đẻ 10 con, thì 9 con là cua, 1 con là sam, nếu không do con sam, mà tự cua đẻ ra con, thì vật được sinh ra lại khác loài.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng con sam vào Tuyên đỉnh.
 
Dương Phước Thu
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 20.022