Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Vương triều Nguyễn quy định cách đặt tên hoàng tử thế nào?
Ngày cập nhật 14/12/2020

Quy định cách đặt tên cho từng hoàng tử mà bài này đề cập tính từ năm 1823, khi “Đế hệ thi” do Khê Đình hầu Đinh Hồng Phiên biên soạn theo lệnh vua Minh Mạng, được nguyên thủ quốc gia duyệt và phổ biến để áp dụng.

Vương triều Nguyễn ở kinh đô Phú Xuân / Huế tạo kim sách “Đế hệ thi” gồm 13 tờ bằng kim loại vàng, khổ chữ nhật đứng, gồm 2 tờ bìa trước và bìa sau chạm hình rồng với mây, 11 tờ còn lại khắc chữ Hán, gáy đóng 4 khuyên tròn. Kim sách cực kỳ quý hiếm này đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội lần đầu tiên giới thiệu với công chúng qua cuộc trưng bày ngày 31/12/2016.
 
Đế hệ thi: ý nghĩa
 
Các hoàng tử được đặt tên theo “帝系詩/ Đế hệ thi”:
 
綿洪膺寶永
 
保貴定隆長
 
賢能堪繼述
 
世瑞國嘉昌
 
Phiên âm với cách giải nghĩa có vần điệu hầu dễ nhớ để tiện lưu truyền:
 
* Miên: Trường cửu phước duyên trên hết
 
* Hồng (Hường): Oai hùng đúc kết thế gia
 
* Ưng: Nên danh xây dựng sơn hà
 
* Bửu: Bối báu lợi tha quần chúng
 
* Vĩnh: Bền chí hùng anh ca tụng
 
* Bảo: Ôm lòng khí dũng bình sanh
 
* Quý: Cao sang vinh hạnh công thành
 
* Định: Tiền quyết thi hành oanh liệt
 
* Long: Vương tướng rồng tiên nối nghiệp
 
* Trường: Vĩnh cửu nối tiếp giống nòi
 
* Hiền: Tài đức phúc ấm sáng soi
 
* Năng: Gương nơi phép khuôn bờ cõi
 
* Kham: Đảm đương mọi cơ cấu giỏi
 
* Kế: Hạch sách mây khói cân phân
 
* Thuật: Biên chép lời đúng ý dân
 
* Thế: Mãi thọ cận thân gia tộc
 
* Thụy (Thoại): Ngọc quý tha hồ phước lộc
 
* Quốc: Dân phục nằm gốc giang san
 
* Gia: Muôn nhà Nguyễn vẫn huy hoàng
 
* Xương: Phồn thịnh bình an thiên hạ
 
Tên kép của hoàng tử
 
Các hoàng tử mang tên theo “Đế hệ thi” tương ứng thế thứ, nhưng không phải gia đình thích gì đặt nấy, mà phải chọn chữ theo bộ thủ Hán tự được “Ngự chế mạng danh thi” ban bố chặt chẽ thế này:
 
Miên + 宀 / miên, Hồng (Hường) + 亻/ nhân, Ưng + 礻/ thị, Bửu + 山 / sơn, Vĩnh +玉/ ngọc
 
Bảo + 阜/ phụ, Quý + 亻/ nhân, Định + 言/ ngôn, Long + 扌/ thủ, Trường +禾/ hòa
 
Hiền + 貝/ bối, Năng + 力/ lực, Kham + 扌/ thủ, Kế + 言/ ngôn, Thuật + 心/ tâm
 
Thế + 玉; ngọc, Thụy (Thoại) + 石/ thạch, Quốc + 大/ đại, Gia + 禾/ hòa, Xương + 小/ tiểu
 
Cụ thể thì các hoàng tử của vua Minh Mạng, sau chữ lót 綿/ Miên phải đặt những tên thuộc bộ miên như宜 / Nghi (Nguyễn Phúc Miên Nghi tức Ninh Thuận quận vương), 宸/ Thần (Nghi Hòa quận công), 审/ Thẩm (Tùng Thiện vương), 寊 / Trinh (Tuy Lý vương).
 
Thế hệ kế tiếp, các hoàng tử của vua Thiệu Trị, sau chữ lót 洪/ Hồng (Hường) phải đặt những tên thuộc bộ nhân đứng như 保 / Bảo (An Phong quận vương), 依/ Y (Thụy Thái vương),傃 / Tố (Hoằng Trị vương),侅/ Cai (Kiên Thái vương).
 
Có những thế hệ khác nhau song quy định đặt tên trùng bộ thủ Hán tự, như đời Hồng (Hường) và đời Quý cùng đặt tên theo bộ nhân đứng, đời Vĩnh và đời Thế cùng đặt tên theo bộ ngọc, đời Định và đời Kế cùng đặt tên theo bộ ngôn, đời Long và đời Kham cùng đặt tên theo bộ thủ, đời Trường và đời Gia cùng đặt tên theo bộ hòa.
 
Kim sách “Đế hệ thi” của vương triều Nguyễn hiện được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội bảo quản.
 
Tên đơn của tân hoàng đế
 
“Nguyễn Phúc tộc thế phả” do Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc tổ chức biên soạn (NXB Thuận Hóa, Huế, 1995) ghi nhận: “Khi hoàng tử được chọn kế nghiệp, thì ngoài tên kép được đặt trong lúc còn làm hoàng tử, sau ngày đăng quang thành vị vua mới, ngài sẽ chọn một tên đơn; đó là 1 trong 20 chữ thuộc bộ日/ nhật chép sẵn trong kim sách, phải theo thứ tự mà chọn lấy.”
 
Sao y 20 chữ nọ từ “日字部二十/ Nhật tự bộ nhị thập” trong kim sách của vương triều Nguyễn:
 
暶時昇昊明
 
昪昭晄晙晪
 
智暄暕晅㬏
 
晊晢曣曦㫟
 
Phiên âm:
 
Tuyền Thì Thăng Hạo Minh
 
Biện Chiêu Hoảng Tuấn Điển
 
Trí Huyên Gián Huyên Lịch
 
Chất Chiết Yến Hy Duyên
 
Những ai biết “Nhật tự bộ nhị thập”, tất hiểu rõ rằng vì sao các vua:
 
* Thiệu Trị húy Nguyễn Phúc Miên Tông, lên ngôi có họ tên Nguyễn Phúc Tuyền.
 
* Tự Đức: Nguyễn Phúc Hồng Nhậm / Nguyễn Phúc Thì.
 
* Hiệp Hòa: Nguyễn Phúc Hồng Dật / Nguyễn Phúc Thăng.
 
* Kiến Phúc: Nguyễn Phúc Ưng Đăng / Nguyễn Phúc Hạo.
 
Tên thụy từng hoàng đế
 
Mỗi vị vua triều Nguyễn băng, được hoàng đế kế vị dâng tôn thụy. Thụy hiệu / tên thụy rất dài, quan trọng là dùng chữ gì trước cụm từ hoàng đế cuối cùng? Đó là chọn lựa lần lượt 9 chữ nổi bật trên Cửu Đỉnh bằng đồng dựng trước Thế Miếu trong Đại Nội ở Huế: Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dũ, Huyền.
 
Tên thụy của các vị vua:
 
* Gia Long: Thế Tổ Khai Thiên Hoằng Đạo Lập Kỷ Thùy Thống Thần Văn Thánh Vũ Tuấn Đức Long Công Chí Nhân Đại Hiếu Cao hoàng đế.
 
* Minh Mạng: Thánh Tổ Thể Thiên Xương Vận Chí Hiếu Thuần Đức Văn Vũ Minh Đoán Sáng Thuật Đại Thành Hậu Trạch Phong Công Nhân hoàng đế.
 
* Thiệu Trị: Hiến Tổ Thiệu Thiên Long Vận Chí Thiện Thuần Hiếu Khoan Minh Duệ Đoán Văn Trị Vũ Công Thánh Triết Chương hoàng đế.
 
* Tự Đức: Dực Tông Thế (Kế) Thiên Hanh Vận Chí Thành Đạt Hiếu Thể Kiện Đôn Nhân Khiêm Cung Minh Lược Duệ Văn Anh hoàng đế.
 
Tuy nhiên, cũng theo triều đình nhà Nguyễn quy định, các vua Hiệp Hòa, Dục Đức, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân bị phế trước khi mất nên chẳng có tên thụy.
 
Theo: giaoducthoidai.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.061.467
Đang truy cập 3.769