Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Chuyện ít biết về kiều nữ trong Đây thôn Vỹ Dạ
Ngày cập nhật 14/04/2021

Kiều nữ trong Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử là ai, liệu có một tình yêu đôi lứa đẹp giữa thi sĩ và nàng thơ?. Bóng hồng đó là Hoàng Thị Kim Cúc và chuyện tình cảm Hàn – Cúc đến nay vẫn còn gây tranh cãi.

Đây thôn Vỹ Dạ do thi sĩ Hàn Mặc Tử sáng tác in lần đầu trong tập Thơ Điên (sau đổi thành Đau thương). Bài thơ lúc đầu có tên là Ở đây thôn Vỹ. Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với cô gái Hoàng Thị Kim Cúc (sinh ngày 5/12/1913), kém Hàn Mặc Tử 1 tuổi.
 
Hàn Mặc Tử, tác giả viết Đây thôn Vỹ Dạ trong lúc đang điều trị bệnh nan y. 
 
Theo đó, năm 1933, Hàn Mặc Tử - tác giả Đây thôn Vỹ Dạ vào làm cho Sở Đạc điền Quy Nhơn và quen Hoàng Tùng Ngâm - em họ Hoàng Cúc. Hoàng Tùng Ngâm sống trong ngôi nhà nhỏ cạnh nhà Hoàng Cúc, anh em bè bạn thường tụ tập chơi đùa, bình phẩm văn thơ. Hoàng Cúc khi đó đang tập viết báo với bút hiệu Hoàng Hoa nữ sĩ, nên thường qua lại và quen Hàn Mặc Tử.
Năm 1939, khi đang điều trị bệnh phong tại Quy Nhơn, Hàn Mạc Tử nhận được bức ảnh của Hoàng Cúc gửi tặng và làm bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ đề tặng lại. Sau khi thi sĩ tài hoa qua đời, câu chuyện tình cảm và hình bóng người con gái trong bài thơ vẫn luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi.
Có hàng loạt câu hỏi đặt ra: giữa Hoàng Cúc và Hàn Mặc Tử có tình yêu đôi lứa, hay chỉ là mối tình đơn phương của thi sĩ; bức ảnh của Hoàng Cúc gửi tặng nhà thơ là gì; hình ảnh “lá trúc che nganh mặt chữ điền” là chỉ Hoàng Cúc?…
 
Cho đến nay chuyện tình cảm của Hoàng Cúc và Hàn Mặc Tử vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ. 
 
Theo Nguyễn Bá Tín, em ruột nhà thơ Hàn Mặc Tử, năm 1938, Hoàng Cúc nhận được hung tin từ Hoàng Tùng Ngâm. Nàng chuẩn bị một số tiền định gửi cho Hàn Mặc Tử uống thuốc nhưng không dám gửi. Nàng bèn gửi cho Hàn Mặc Tử một bức ảnh chụp cảnh nàng mặc áo lụa dài trắng đứng dưới vòm cây xanh mát. Nhận được ảnh, Hàn Mặc Tử rất vui. Chàng liền làm ngay bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ gửi ra Huế cho Hoàng Cúc...
Tuy nhiên, trong bức thư đề ngày 15/4/1971 gởi Quách Tấn (bạn nhà thơ Hàn Mặc Tử), Hoàng Cúc viết: “Về cô gái trong câu Lá trúc che ngang mặt chữ điền mà ông hỏi có phải là tôi đó không. Thưa ông, bức ảnh đó chỉ là bức ảnh phong cảnh, không có cô gái nào khác ngoài cô gái chèo đò. Cô gái mà ông hỏi đó là do sức tưởng tượng của thi nhân mà hiện ra thôi”.
Trong thư Hoàng Cúc cho biết: “Không ngờ sức tưởng tượng của thi nhân quá khác thường đến biến bức ảnh phong cảnh đó thành bức ảnh bến Vỹ Dạ lúc hừng đông hay một đêm trăng, trong đó có cô gái Lá trúc che ngang mặt chữ điền nữa! Khiến có người đã nghĩ rằng cô gái đó mặc áo trắng dài tha thướt vì câu Áo em trắng quá nhìn không ra….”
Còn về chuyện tình cảm giữa thi sĩ và bóng hồng, Quách Tấn cho rằng có một tình yêu đẹp giữa thi sỹ và nàng thơ. "Những chi tiết trong cuộc tình duyên của Tử - Cúc, thì nhất định ký ức tôi không phản tôi, vì không có gì phức tạp khó nhớ".
Tuy nhiên trong thư đề ngày 15/4/1971 gởi Quách Tấn, Hoàng Cúc viết:  “Hồi ấy tuy nhà Tử ở gần tôi, song Tử và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi, Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng! Tuy thế Tử cũng đã tìm cách để gặp, nhưng rồi vẫn cũng chưa toại nguyện...”
Dù chuyện tình của Hoàng Cúc- Hàn Mặc Tử đến nay vẫn còn gây tranh cãi, nhưng Đây thôn Vỹ Dạ cùng lời thơ trong trẻo và hình ảnh người con gái xứ Huế thì mãi in sâu trong tâm trí người yêu văn chương. Tác phẩm được đánh giá là một trong những thi phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam hiện đại. 
 
Sơn Hà 
Theo: kienthuc.net.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 6.669