Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

HUYỀN THOẠI VỀ TỨC MẶC HẦU
Ngày cập nhật 15/09/2023

Đây là bài viết về một báu vật thuộc dạng quý nhất của triều Nguyễn, nó đã từng được các hoàng đế Thiệu Trị, Tự Đức vô cùng yêu quý, nâng niu, dù không phải làm bằng vàng bạc hay châu báu gì. 

Chỉ là một chiếc nghiên mực bằng đá. Theo thống kê của chúng tôi, các vua triều Nguyễn có hàng chục nghiên mực, làm bằng đủ loại chất liệu quý như vàng, ngọc quý... tuy nhiên, với họ chiếc nghiên làm bằng đá Đoan Khê nói trên mới là chiếc nghiên mực độc đáo, quý giá nhất. Đáng tiếc là báu vật này nay đã không còn!
 
 
Bài này đã viết hơn 10 năm trước, gần đây có các tác giả Nguyễn Phước Hải Trung (Tạp chí Sông Hương, số 376, tháng 6/2020) và Nguyễn Duy Chính (Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (số 1 (155)/2020) cũng viết về chiếc nghiên mực đặc biệt trên. Vậy nhưng, điều đáng tiếc là các tác giả này đã không đọc (hoặc có thể không tiếp cận được) bài minh khắc trên chiếc nghiên để biết rằng, đây thực sự là một chiếc nghiên báu, có những thuộc tính rất đặc biệt mà đích thân vị hoàng đế uyên thâm Nho học, đam mê văn chương của triều Nguyễn đã cầm nắm, thử nghiệm! Đích thân nhà vua đã hà hơi vào nghiên này và chứng kiến hiện tượng mặt nghiên lập tức xuất hiện mực (tức mặc: có ngay mực). Cũng chính nhà vua đã mô tả về năm cái Cù dục nhãn độc đáo bố trí trên nghiên như cụm sao Phòng trên bầu trời, và hết lời ca ngợi những nét chạm trổ tinh vi ảo diệu của nghiên báu, để rồi phong cho nó là Tức Mặc Hầu!
Đó là một trong những cổ vật quý nhất của nước ta trong thời Nguyễn, một quốc bảo thực sự với bao huyền thoại bao phủ dằng dặc tưởng không bao giờ dứt. Cổ vật ấy đang lưu lạc ở phương trời nào, tôi thực sự cũng không rõ, chỉ biết rằng, cho đến trước lúc cưỡi hạc vào cõi mây trắng, cụ Vương Hồng Sển vẫn day dứt, băn khoăn về nó và ước vọng có ngày cổ vật đó sẽ trở về với nơi nó đã từng ngự trị: Bảo tàng Cổ vật Huế, để dân Việt Nam lại được chiêm ngưỡng và tự hào về một tuyệt phẩm của cha ông.
 
 
Cổ vật ấy là chiếc nghiên Tức Mặc Hầu.
Một chiếc nghiên để mài mực mà được phong đến tước Hầu thì âu cũng là chuyện xưa nay hiếm!
Tôi đã đọc đã nghe về chiếc nghiên này nhưng mà “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, chỉ cố tưởng tượng về chiếc nghiên quý giá ấy. Rồi bỗng nhiên, may mắn lại song hành cùng đến! Tôi tìm ra một tấm hình về Tức Mặc Hầu-chính xác hơn là một bản vẽ nét về nó do Tôn Thất Sa tiên sinh thực hiện cách đây đúng chín chục năm. Và sau đó, lại gặp được cụ Nguyễn Hữu Nghị, cựu nhân viên của Viện Văn hóa Trung Kỳ những năm 1947-1954, người đã từng được nhìn ngắm, nâng niu Tức Mặc Hầu và đến nay vẫn còn giữ mấy tấm hình chụp về nó. Câu chuyện về chiếc nghiên ngọc của cụ Nghị càng mê hoặc tôi, khiến tôi không thể không kể lại chuyện này lại với mọi người. Tôi mong dân mình biết thêm về một báu vật của xứ mình, và còn mong hơn nữa là nếu ai đó biết được tung tích của Tức Mặc Hầu thì xin mách bảo để Nhà nước còn có cơ hội chuộc lại nó cho quốc dân.
***
Chuyện kể về Tức Mặc Hầu có thể tóm tắt như sau:
 
 
Vua Tự Đức có một chiếc nghiên mài mực làm bằng đá Đoan Khê của Quảng Đông. Điểm độc đáo của chiếc nghiên là khi cần gấp mực để múa bút, nhà vua chỉ việc  hà hơi lên mặt nghiên là sẽ có mực ngay. Chiếc nghiên “như ý” này được vua xem như một bảo bối, phong cho đến tước hầu (Tức Mặc Hầu). Cuối triều Nguyễn, chiếc nghiên báu được đưa vào cất giữ tại Viện Bảo tàng Huế (nay là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế). Có một nghi án cho rằng, đến năm 1959 thì có người mang chiếc nghiên dâng cho Ngô Đình Diệm. Ông Diệm đã đặt nó tại dinh Gia Long (nay là dinh Độc Lập). Rồi Tức Mặc Hầu đã không cánh mà bay khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ và bị giết chết trong cuộc đảo chính năm 1963...
***
Người đầu tiên khảo cứu về chiếc nghiên độc đáo này cũng chính là ông Ngô Đình Diệm, khi ông ấy còn giữ chân Hành tẩu hàm Cửu phẩm của Tân Thư Viện (Thư viện mới của trường Quốc Tử Giám, lập thời vua Duy Tân). Bài viết về Tức Mặc Hầu của ông Diệm được đăng trên tập san của Hội Người Yêu Huế Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế-BAVH), năm 1917. Thực ra đây chỉ là bản dịch tiếng Pháp của bài minh chữ Hán khắc ở mặt đáy chiếc nghiên. Tiếc thay, đây là một bản dịch rất kém vì nguyên tác là một bài thơ tuyệt khéo mà người dịch lại không biết (hoặc không xem) đó là một bài thơ, hơn nữa, nội dung bản dịch lại quá nôm na đại khái với rất nhiều nhầm lẫn! Tuy nhiên, theo cụ Vương Hồng Sển, ông Diệm là người rất đam mê chiếc nghiên này, nên khi lên tột đỉnh của quyền lực, ông ta đã biến nó thành của riêng. Và Tức Mặc Hầu cũng trở thành một phần trong cuộc đời bi kịch của ông ấy. 
Cùng với bài viết của Ngô Đình Diệm trên tập san BAVH là một bài viết có chung chủ đề về nghiên mực tức Mặc Hầu của E. Gras, một trong những cây bút lão luyện của Hội Người Yêu Huế Cổ. Nhưng bài viết của E. Gras rất ngắn, sự mô tả của ông về chiếc nghiên cũng mơ hồ, bãng lãng, tựa như là sự cảm nhận về một cái đẹp khó nói ra lời, chứ không phải là một sự nghiên cứu, thẩm định.
 
 
Có một điểm chung giữa họ Ngô và E. Gras là cả hai người đều cho đây là chiếc nghiên mực của vua Tự Đức. Nhưng khác với họ, người thứ ba viết về Tức Mặc Hầu - cố giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu lại cho rằng, đây là chiếc nghiên của vua Thiệu Trị. Cũng theo cụ Vương Hồng Sển, trong tuần báo Nhân Loại, số Xuân năm Kỷ Hợi (1959), giáo sư họ Nguyễn đã có bài khảo cứu về chiếc nghiên trên, và Vương Ông đã chép lại nguyên văn bài viết ấy trong bài khảo cứu dạng lan man ký tuyệt vời của mình in trong tập Hơn Nửa Đời Hư (sau in lại trong bộ Tuyển Tập Vương Hồng Sển). Khi đọc bài viết này, tôi đã nhận ra rằng, giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu đã dẫn lại một sự kiện trong sách Đại Nam Thực Lục, phần Đệ tam kỷ, về chuyện có người dâng cho vua Thiệu Trị một chiếc nghiên mực cổ vào mùa Đông năm Nhâm Dần (1842), để khẳng định đó là chiếc nghiên Tức Mặc Hầu của vua Tự Đức, mà tại thời điểm ông mô tả, nó còn nằm trong Viện bảo tàng Huế. Ý kiến của giáo sư Nguyễn đúng hay sai, xin được bàn sau.
 
 
Người viết nhiều nhất và hay nhất về Tức Mặc Hầu dĩ nhiên không ai khác ngoài cụ Vương Hồng Sển. Vương Ông có ba bài viết về chiếc nghiên này. Bài đầu đăng trên Bách Khoa Thời Đại, số 290-291 ngày 1.2 và ngày 15.2 năm Kỷ Dậu (1969). Bài thứ hai đăng trên Hiếu Cổ Đặc San, ngày 17.6.1973, nhưng số này không xuất bản được. Và bài cuối có tựa đề “Nghiên mực Tức Mặc Hầu của đức Dực Tôn hoàng đế”, đăng trên tập Hơn Nửa Đời Hư mà tôi đã dẫn. Đọc bài của Vương Ông mới thấy rõ cụ sùng bái, mê đắm Tức Mặc Hầu đến mức nào. Năm 1958, khi ra Huế, Vương Ông đến thăm Viện bảo tàng Huế và đã được cụ quản thủ Tôn Thất Đào cho xem chiếc nghiên. Được tự tay nâng niu ngắm nghía, được cả phép hà hơi vào lòng nghiên và chứng kiến sự diệu kỳ của tức mặc (có mực ngay), vì chỉ qua một lần hà hơi ấy “mớ mực cũ còn lại, lại ướt lên và tươm ra óng mướt...” (1). Sau cụ Vương còn vài người nữa cũng viết về Tức Mặc Hầu, nhưng đều thiếu căn cứ nên không đáng kể.
***
Hồi mới xem bài của ông Ngô Đình Diệm trên tập san của Hội Người Yêu Huế, quả thực tôi rất khó hình dung một cách cụ thể chiếc nghiên Tức Mặc Hầu ra sao. Bởi vì bản thân bài minh viết về nó vốn là bài thơ nên đã rất khó, lại dịch ra tiếng Pháp nên lại càng mơ hồ. Tấm hình minh họa in trong bài thì không còn. Đến khi đọc bài của cụ Vương thì mới biết được khá tường tận về nghiên báu, nhưng vẫn không thỏa mãn vì vẫn chưa được “tận mục sở thị”. May sau được gặp cụ Nguyễn Hữu Nghị, được cụ cho xem ảnh, cho sao lại để về nghiên cứu và còn kể rất tường tận về nó, quả thật còn gì bằng!
 
 
Thực ra, về việc mô tả chiếc nghiên thì khó ai làm hơn cụ Vương, vì trong lời văn của cụ luôn tràn trề một sự đam mê và thành kính hiếm gặp! Theo lời cụ: “Tức Mặc Hầu vóc lớn và nặng, cỡ hai phần ba miếng gạch Tàu, nhớ độ chừng, lối ba thước Tây bề dài, hai tấc bề ngang, và dày cỡ ba phân. Bởi là loại đá tỷ như đá bùn đá nổi, nên tôi so sánh sức nặng và vóc dạc như miếng gạch Tàu, thứ lát sân, lát nhà... Về cách chạm trổ, thì tuyệt khéo. Nét chạm tinh vi, đá đã trơn bén sẵn, bây giờ thời gian lại ký tên vào đá bằng một màu cổ kính, Pháp gọi “patiné par le temps”, có mấy chữ mà toi cơm không dịch nổi: nếu đá ngoài trời thì, thì tạm gọi là rêu mờ phong sương, ngặt vì đây là đá quí phái thường nằm trên đài son gác tía, có lẽ phong trần từng nếm, nên dịch đỡ “lạc tinh” mấy độ với thời gian” (2).
Rồi cụ Vương tả tiếp: “Dưới đáy nghiên là một bài văn “ngự chế” của đức Dực Tôn, đề cao đặc tính của nghiên Tức Mặc Hầu. Chữ khắc nổi, mạ vàng lên mặt chữ sắc sảo không thể tả, tiếc vì tôi chỉ biết mò bằng tay và khen tấm tắc, chớ không biết khen bằng mắt vì mắt không đọc được chữ nào!” (3)
 
 
“Khúc trên đầu của cái nghiên thì chạm nổi, hình một cổ tùng, gốc ngoằn ngoèo trông thật già, già không biết đến mấy trăm năm, như vậy mới xứng với ba chữ “thiên niên thọ”, ... Kế bên gốc tùng, chạm một cổ đình, cổ đình nầy vừa là một tiên động tuyệt khéo, trên nóc trổ từng miếng ngói đều đặn y như vẽ bằng máy chớ không phải vẽ bằng tay, gốc tùng và cổ đình vẫn nửa tỏ nửa che khuất trong lùm cây, mây đây mà rõ lại không phải là mây, đó là “yên hà”, ráng đỏ khói lam, của một cảnh tiên rất khác với cõi trần tục” (4).
“Phần dưới cái nghiên, sát chưn cảnh tùng đình, là một bể con, khoét sâu trong mặt nghiên, biến thành một vũng xinh xinh dùng để chứa nước cần dùng trong việc mài mực. Giữa cái bể tý hon ấy có một cù lao đủ sức lớn để chứa chỗ đứng cho tám vị tiên ông đang chùm nhum nhau lại và hình như chăm chỉ ngắm nghía thưởng thức thưởng thức một bức tranh cổ, mà mỗi ông tiên tranh nhau nắm một chéo nhỏ, xem tuồng tranh nầy quý giá lắm, nên phải thận trọng từng ly từng tý khi chiêm ngưỡng làm vầy. Còn chung quanh cái nghiên có chạy một đường hồi văn kiểu “chân muỗi”(5)...
 
 
Còn về chiếc hộp đựng chiếc nghiên, theo lời cụ Vương, đây cũng là một báu vật: “...một cái hộp rất mỹ thuật, làm bằng đồi mồi Hà Tiên, loại thật đẹp, thật quý, trong trẻo và vàng hực, khiến cho bài thi ngự chế nổi bật: một bài khắc trên nắp hộp và một bài nữa khắc trên mặt dưới của cái hộp, khiến tôi khen thầm, nội cái hộp nầy không, cũng đủ là một mỹ thuật tuyệt tác”(6).
Tôi đã lật đi lật lại và soi thật kỹ năm bức hình có trong được về chiếc nghiên báu và cái hộp. Trong số ấy, một bức là của cụ Tôn Thất Sa vẽ nét để in minh họa trong tập san BAVH, năm 1917, bốn bức còn lại là do cụ Nguyễn Hữu Nghị cung cấp. Trong bức hình đầu, cụ Tôn thể hiện theo kiểu lập thể hình chiếc nghiên với mặt chính (có phần chứa mực) chiếm chủ yếu, nhưng phần lưng nghiên cũng được thể hiện, trên có hai dòng chữ Hán khắc nổi (hình 1). Bốn tấm hình sau thì chụp đủ hai mặt trên dưới của chiếc nghiên và “chiếc hộp đồi mồi”. Sở dĩ tôi đánh dấu từ “chiếc hộp đồi mồi” vì theo lời cụ Nguyễn Hữu Nghị, đó không phải là cái hộp đựng nghiên mà chỉ là một cái nắp làm bằng đồi mồi, trên mặt cẩn xà cừ bài minh về chiếc nghiên, y như bài được khảm vàng ở đáy của Tức Mặc Hầu. Tôi rất phân vân về điều này, vì Vương Ông đã mô tả đó là chiếc hộp, lẽ nào tiên sinh lại nhớ sai? Nhưng cụ Nguyễn lại là người có mấy năm liền làm việc tại Viện Văn hóa Trung Kỳ, có thể vào ra, xem xét chiếc nghiên rất dễ dàng; bây giờ dù đã 85 tuổi nhưng cụ vẫn rất minh mẫn và nổi tiếng là người tỉ mỉ, cẩn thận?! Về sự mô tả chiếc nghiên của cụ Nguyễn thì hoàn toàn thống nhất với cụ Vương, chỉ không thống nhất ở “cái hộp”. Tôi đã đem đối chiếu bài minh khảm ở nắp “hộp” (kiểu chữ chân-hình 4) và bài khảm bằng vàng ở đáy nghiên (kiểu chữ thảo-hình 3), thì thấy đúng đó là một bài. Có điểm khác là ở bài khảm xà cừ trên nắp hộp còn có đóng 2 con ấn kiểu chữ triện, một cái “Văn Tự Chi Tường” (điềm may của văn chương) và một cái là “Tự Đức Kinh Diên Chi Bửu” (ấn dùng chỗ Kinh diên thời Tự Đức).
 
 
Khi so sánh giữa các mô tả trước đây cùng hình ảnh tư liệu hiện có, tôi nhận ra một số  điều đáng lưu ý sau:
Thứ nhất là, trong bản dịch tiếng Pháp bài minh về Tức Mặc Hầu, ông Ngô Đình Diệm đã nhầm lẫn niên đại của bài minh từ “Tự Đức Mậu Thân” (1848) thành “Tự Đức Mậu Thìn” (1868), nghĩa là làm sai lạc đến 20 năm. Điều này rất đáng ngạc nhiên, vì ngay trong bản vẽ nét minh họa hình chiếc nghiên, ở mặt lưng cũng ghi rõ dòng chữ Hán “Tự Đức Mậu Thân cát nguyệt nhật cung tuyên”.
Thứ hai là, trong bản vẽ nét của cụ Tôn Thất Sa về mặt trên chiếc nghiên có một số chi tiết không khớp với bản ảnh của cụ Nguyễn Hữu Nghị cung cấp, như chiếc gậy gỗ lê của ông tiên vốn uốn lượn, chạm đầu rồng (bản ảnh) đã thành một cây gậy thẳng băng, cứng ngắc (bản vẽ nét), hay hình mặt trăng lưỡi liềm (bản ảnh) lại thành trăng tròn (bản vẽ nét)... Nói một cách chính xác thì bốn bức hình do cụ Nguyễn cung cấp vì là ảnh chụp nên mới có thể tin cậy tuyệt đối, còn bức đầu do là ảnh vẽ nét nên không thể “khả tín” hoàn toàn do khi thể hiện cụ Tôn Thất Sa đã phóng tác ít nhiều.
Thứ ba là, trên mặt nghiên ở hình tư liệu của cụ Nguyễn Hữu Nghị thì không tài nào thấy được những “mắt đá”(hay cù dục nhãn), nhưng ở bản vẽ nét lại có thể hiện mấy cái. Tuy vậy, mấy cái cù dục nhãn này lại quá lớn và không xếp theo vòng tròn kiểu hình “sao Tâm, sao Phòng” như lời mô tả của cụ Nguyễn và trong lời bài minh. Cụ Vương cũng từng mô tả rất kỹ về nhưng cù dục nhãn huyền bí này:
“... khi tôi định thần và nhìn kỹ lại, khi ấy tôi mới khám phá ra, tuy chỗ mài mực này xem dường bằng phẳng, nhưng vẫn có bảy tám chỗ u lên cao, xem lạ lạ: y như nốt mắt cá cây trên mặt gỗ, trông cỡ đầu chiếc đũa, lại sắc dợt, bạch hơn màu đá ở chung quanh, nói nghe tục, y như mụn có cồi nổi trên da mặt mấy chàng thanh niên đòi vợ và của mấy cô “mống chuồng”. Nhờ hỏi thăm và tra cứu lâu hoắc, sau này tôi mới rõ đó là những túi nước (poche d’eau) huyền bí của nghiên Tức Mặc Hầu, theo sách Trung Hoa gọi đó là “cù dục nhãn” nôm na là mắt chim cù dục...”(7).
 
 
Thứ tư là, chuyện chiếc nghiên Tức Mặc Hầu có phải là của vua Tự Đức hay không thì cũng cần bàn thêm. Ngô Đình Diệm, E. Gras và cụ Vương Hồng Sển đều cho là của vua Tự Đức; giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu lại cho là của vua Thiệu Trị. Tôi đã kiểm tra kỹ thông tin từ sách Đại Nam Thực Lục về chuyện có người dâng chiếc nghiên cổ cho vua Thiệu Trị năm 1842 và thấy rõ, đây là một chiếc nghiên khác. Vì trên chiếc nghiên này có khắc một bài minh tám câu bốn chữ có nội dung khác hẳn bài minh khắc trên Tức Mặc Hầu(8). 
Nhưng điều đáng nói là bài minh khắc dưới đáy Tức Mặc Hầu lại có văn phong kiểu cách của vua Thiệu Trị chứ không phải của vua Tự Đức. Nhà Hán học Vĩnh Cao, tác giả của sách Nguyễn Phúc tộc Thế Phả đã khẳng định điều này một cách chắc chắn. Ông còn cho rằng, kiểu chữ thảo của bài minh đúng là của vua Thiệu Trị. Còn chuyện tại sao bài minh khảm xà cừ trên nắp bằng đồi mồi của chiếc nghiên lại đề niên hiệu thời Tự Đức thì cũng có thể giải thích được: có thể chiếc nắp đồi mồi này được làm sau; vả lại, dòng lạc khoản “Tự Đức Mậu Thân cung tuyên” chỉ có nghĩa là “kính khắc vào năm Mậu Thân thời Tự Đức” chứ chưa hẳn xác định tác giả bài minh chính là nhà vua.
Như vậy, rất có thể chiếc nghiên Tức Mặc Hầu vốn là của vua Thiệu Trị, sau truyền cho vua Tự Đức và vị vua thứ tư của triều Nguyễn này đã cho làm thêm chiếc nắp nghiên bằng đồi mồi và khảm lại bài minh của vua cha lên bề mặt. Cần nói thêm là cuối bài minh này còn có hai dấu ấn vuông, khắc kiểu chữ triện, một dấu là “Văn tự chi tường”( điềm lành của văn chương) và “Tự Đức Kinh diên chi bửu”.
Và sau cùng, để độc giả tiện tham khảo, tôi xin giới thiệu nguyên văn bài minh, một bài thơ chữ Hán khắc trên Tức Mặc Hầu cùng bản phiên âm, bản dịch của nhà Hán học Vĩnh Cao. Tôi mong là nếu ai biết được thêm thông tin về chiếc nghiên báu này thì hãy liên lạc với chúng tôi, hoặc liên lạc về địa chỉ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
 
NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN
 經 筵 端 谿 石 硯
 素 性 好 學 好 文 章 ,
染 翰 操 觚 日 日 常
 經 筵 四 寶 三 可 悅 ,
只 怪 硯池 尤 屑 屑 
蘇 竹 蒼 璧 世 所 希 .
水 燥 墨 澀 筆 難 揮 .
聞 道 端 谿獨 出 類 .
欲 得 未 得 猶 留 意 .
忽 然 紫 氣 自 東 來 
雲 衣 霞 帔 九 光 開 
送 將 古 樸 羅 文 子
 更 助 健 思 掞 天 才 
拾 歸 玩 閱 堪 親 愛 . 
九 寸 有 餘 全 面 背 
質 器 堅厚 匹 盒 玉 .
不 知 遠 近 何 年 代 . 
或 刻 樓 臺或 海 嶠
 九 老 看 圖 相 談 笑 ,
復 有 延 佇 攜 杖 藜, 
鑱 玉 割 雲 無 窮 妙 
色 雜 青 紫 如 猪 肝 
表 裏瑩 潔 疑 秋 寒 ,
中 間五 箇 鴝 鵒眼 
狀 似 心 房 列 成 團,
 斧 柯 山 潭 有 鷺 駐 ,
石 中 之 精良 工 遇
 隨 形 磨 琢 巧 製 成 .
我 今 一 見 亦 如 故 
抑 是 帝 鴻 之 遺 珍,
抑 是 孔 子 之 結 鄰 .
廉 隅 方 整 無 瑕 玷 .
讒 邪 不 污 稱 德 人 ,
 明 窗 遣 興 試 謄 繕. 
呵 水, 漫 漬  天 液 衍, 
殺  墨 如  夙 淬 筆 鋒
 滑 乃 膏 油 光 雷 電 
紅 絲 青 鐵, 可 奴 僕
 銅  瓦, 汾 泥 非 比 侔 ,
為 天 下 冠 聲  價重 
褒  獎 宜 拜 即 墨 侯 .
文 字 之 祥 禎應 早
國 運 大 亨 興 治 道, 
扶 持 世 教 著 功 深. 
永 傳 子 孫守 此 寶 .
 嗣 德 戊 申 吉 月 日 恭  鐫 
 文 字 之 祥    -    嗣 德 經 筵 之 寶  
 御 製 詩 
PHIÊN ÂM:
 Kinh diên Đoan Khê thạch nghiên 
 Tố tính hiếu học hiếu văn chương, 
Nhiễm hàn tháo cô nhật nhật thường
  Kinh diên tứ bảo tam khả duyệt, 
           Chỉ quái nghiên trì, vưu tiết tiết 
            Tô trúc thương bích thế sở hy. 
            Thủy táo mặc sáp bút nan huy. 
            Văn đạo Đoan Khê độc xuất loại, 
             Dục đắc vị đắc, do lưu ý. 
             Hốt nhiên tử khí tự đông lai, 
             Vân y hà bí, cửu quang khai 
             Tống tương cổ phác la văn tử 
             Tiện trợ kiện tư, thiểm thiên tài 
             Thập qui ngoạn duyệt kham thân ái.
             Cửu thốn hữu dư, toàn diện bối 
             Chất khí kiên hậu thất hạp ngọc.
             Bất tri viễn cận, hà niên đại. 
             Hoặc khắc lâu đài, hoặc hải kiệu 
             Cửu lão khán đồ tương đàm tiếu, 
             Phục hữu diên trữ huề trượng lê,
             Sàm ngọc cát vân vô cùng diệu 
             Sắc tạp thanh tử như trư can, 
 Biểu lý oánh khiết ngưng thu hàn. 
 Trung gian ngũ cá cù dục nhãn
 Trạng tự Tâm Phòng liệt thành đoàn. 
 Phủ Kha sơn đàm hữu lộ trú. 
 Thạch trung chi tinh lương công ngộ 
 Tùy hình ma trác xảo chế thành. 
 Ngã kim nhất kiến diệc như cố
 Ức thị Đế Hồng chi di trân,
 Ức thị Khổng tử chi Kết Lân. 
 Liêm ngung phương chỉnh vô hà điếm, 
 Sàm tà bất ố xứng đức nhân 
 Minh song khiển hứng thí đằng thiện, 
 Hà thủy mạn tí, thiên dịch diễn 
 Sái mặc như túc thối bút phong 
 Hoạt nãi cao du quang lôi điện. 
 Hồng ti, Thanh thiết khả nô bộc,
 Đồng ngõa, Phần nê phi tỉ mâu,
 Vi thiên hạ quán, thanh giá trọng 
 Bao tưởng nghi bái Tức Mặc Hầu. 
 Văn tự chi tường trinh ứng tảo 
 Quốc vận đại hanh hưng trị đạo; 
 Phù trì thế giáo trứ công thâm. 
 Vĩnh truyền tử tôn thủ thử bảo.  
           Tự Đức Mậu Thân cát nguyệt nhật cung tuyên.
 Văn tự chi tường - Tự Đức Kinh diên chi bửu.
        Ngự chế thi
DỊCH NGHĨA
Ghi Chú của người dịch: Bài thơ trên nghiên này viết theo lối cổ với nghĩa quá súc tích, dùng nhiều điển tích và nhiều từ cần hiểu theo nghĩa bóng, không thể dịch sát theo các từ trong bài được. Vì là thơ nên câu xem có vẻ tối nghĩa. Lại viết về nghiên mực mà chỉ có nhắc ở đề bài, còn toàn bài không hề dùng đến chữ "nghiên" mà người đọc phải hiểu là tả cái nghiên. Chính vì thế bài dịch chỉ mong diễn được một phần nào ý nghĩa của bài thơ.     
               Nghiên đá Kinh Diên(9) Đoan Khê(10) 
  Vốn tính ham học, mến văn chương, 
             Say mê bút mực chuyện ngày thường 
             Văn phòng Tứ bảo (11) ba khá thích, 
             Chỉ mình nghiên mực là đáng tiếc
             Tô trúc, Thương bích (12)  hiếm ở đời,
             Nước khô  mực quánh bút khó dời. 
             Nghe nói Đoan Khê loại đặc dị
             Muốn mà chưa có, còn lưu ý . 
             Bỗng chốc từ đông toả khí lành (13) 
             Ráng mây rực rỡ phủ hình thành . 
             Trên la văn(14) nét cổ đơn sơ
             Giải bày ý tưởng, tỏ anh tài
             Thưởng thức lòng càng thêm thân ái.
             Sau trước tính ra hơn chín tấc, 
             Hộp ngọc cứng dày rất vững chắc
             Chẳng rành niên đại sớm hay xưa.
  Chỗ khắc lâu đài, chỗ biển núi , 
 Cửu lão nhìn tranh cùng nói cười , 
 Có ông đứng mãi cầm trượng lê. 
 Đục ngọc chạm mây, rất kỳ diệu. 
 Xanh tím lẫn nhau đúng sắc gan , 
 Trong ngoài  tỏa đọng khí thu hàn. 
 Ở giữa có năm cù dục nhãn (15) 
 Dáng tựa Tâm Phòng(16) tạo nên hình
 Núi đầm Phủ Kha (17)  nơi cò đậu(18).  
 Thợ đá (19) khéo tay tìm thấy được 
 Theo thế dũa mài để tạo nên.
Nay ta gặp lại như người cũ
Vật quí  Đế Hồng (20) còn được giữ 
           Hay ấy Kết Lân (21) thời Khổng Tử. 
Góc cạnh vuông vắn chẳng vết tì,
Khó mà chê,  hợp người nhiều đức
Cảm hứng bên song thử mấy hàng,
Hà hơi khắp, thiên dịch (22)   toả lan 
Mực có sẵn thấm ngay ngọn bút. 
Đã trơn láng mà màu long lánh.
Thanh thiết, Hồng ti, (23) chỉ nô tài , 
Đồng ngõa, Phần Nê (24) đủ sánh đâu, 
Quán quân thiên hạ nêu cao giá, 
Tặng thưởng bèn phong Tức Mặc Hầu (25) , 
Văn tự điềm lành cho sớm ứng 
Vận nước hanh thông, đạo thịnh hưng ,
Giúp phò thế giáo, lập công sâu. 
Truyền cho con cháu gìn giữ mãi. 
 Tự Đức năm Mậu Thân (1848) ngày thàng tốt, kính khắc.  
 (Ấn)  VĂN TỰ CHI TƯỜNG (May mắn của văn chương)  - TỰ ĐỨC KINH DIÊN CHI BỬU (Ấn dùng chỗ Kinh diên thời Tự Đức)  
            Thơ ngự chế 
 
CHÚ THÍCH
1. Nguyễn Q. Thắng (tuyển chọn), Tuyển tập Vương Hồng Sển, Nxb Văn Học, TP HCM, 2002. tr 1077-1078.
2.  Nguyễn Q. Thắng (tuyển chọn), Tuyển tập Vương Hồng Sển, sđd, tr 1078.
3. Nguyễn Q. Thắng (tuyển chọn), Tuyển tập Vương Hồng Sển, sđd, tr 1078.
4. Nguyễn Q. Thắng (tuyển chọn), Tuyển tập Vương Hồng Sển, sđd, tr 1079.
5. Nguyễn Q. Thắng (tuyển chọn), Tuyển tập Vương Hồng Sển, sđd, tr 1079.
6. Nguyễn Q. Thắng (tuyển chọn), Tuyển tập Vương Hồng Sển, sđd, tr 1078.
7. Nguyễn Q. Thắng (tuyển chọn), Tuyển tập Vương Hồng Sển, sđd, tr 1079.
8. Nguyên văn bài này được sách Đại Nam Thực Lục chép lại như sau: “Kỳ sắc ôn nhuận, Kỳ chế cổ phác. Hà dĩ trí chi? Thạch Cừ bí các. Cải phong Tức mặc, Lan đài liệt tước. Vĩnh nghi bảo chi, Thi hương thị thác”. Các học giả của Viện Sử học dịch là: “Sắc nghiên nhuần mỵ, Cách chế tạo cổ kính, mộc mạc. Đặt nghiên vào chỗ nào? (Đặt vào) gác Thạch cừ kín đáo, Đổi phong cho nghiên là Tức mặc hầu, Liệt vào quan tước ở Lan đài. Nên giữ làm của báu mãi mãi, Dòng dõi văn học nhờ vào ở đó. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, Hà Nội, 19, tr 237.
9. Kinh diên經 筵: Hội họp để bàn luận, giảng giải kinh sử. Kinh diên khởi sự từ đời Tống ở Trung Quốc. Vua thường tổ chức và cùng tham dự với các quan. Đến đời Minh, mỗi năm tổ chức hai lần Kinh diên vào tháng hai và tháng tám. Triều nhà Nguyễn cũng phỏng theo như thế.
10. Đoan Khê 端 溪  là tên huyện ở tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Phía đông huyện này có khe Đoan Khê. Nơi này có đá mà từ thời Đường, Tống đã lấy để làm nghiên mực
11. Tức bút, nghiên, giấy, mực
12. Nguyên văn dùng hai từ Tô trúc 蘇 竹  và Thương bích蒼 璧 . Tô trúc là loại tre lớn ở Lĩnh nam mà người ta thường dùng để làm nghiên đựng mực. Còn Thương bích tương truyền là viên ngọc xanh mà Tô Đông Pha đời Tống ở Trung Quốc tìm được trong trứng thiên nga, dùng làm nghiên mực. Hai từ Tô trúc, Thương bích dùng để chỉ nghiên mực.
13. Nói đến việc đời Chu, Quan Lệnh doãn lên lầu nhìn bốn phía thấy ở phía đông có tử khí (chỉ khí màu tím,  tượng đế vương) từ đông qua tây, mừng nói "ứng với Thánh nhân qua ấp này". Đến kỳ trai giới, thì ngày đó quả có Lão Tử đến. Ở đây có nghĩa là điềm lành. Ý nói may mắn có được cái nghiên đẹp. 
14. La văn 羅 紋  cũng viết là 羅 文 là nghiên mực với đá có thớ hình tròn. Trong Nghiên sử có dẫn phần Biện Hấp Thạch Thuyết: “ Huyện Kỳ Môn sản xuất loại đá có thớ mịn, rất giống nê tương thạch (đá bùn), cũng có thớ hình tròn nhưng thớ đá không quá dày, không cứng lắm, màu nhạt, dễ khô”. Từ La văn ở đây cũng dùng để chỉ nghiên mực.
15. Cù dục 鴝 鵒  là loài chim thân đen, cánh có điểm trắng, thường làm tổ trong hốc cây hoặc trên nóc nhà, có khả năng bắt chước tiếng người. 
Cù dục nhãn 鴝 鵒  眼  là những chấm trên đá, lớn thì như đồng tiền, nhỏ thì bằng hạt cải, bên ngoài còn vô số quầng. Loại nhãn trong có điểm đen, rất sống động được xếp hạng nhất. Thực ra đó chỉ là những tì vết của đá. Liễu Công quyền đời Đường luận về nghiên đá có viết:" Chỗ chứa nước có những điểm màu sắc đỏ, trắng, vàng gọi là cù dục nhãn.". Trong sách Nghiên Phổ có ghi: "Đá ở Đoan Khê có cù dục nhãn màu vàng đen xen lẫn, óng ánh rất đẹp, linh hoạt như con mắt. 
16. Tâm心  và Phòng 房  là hai sao trong Nhị thập bát tú, thuộc vào chòm Thanh Long nằm ở phương nam. Sao Tâm gồm 3 sao, sao Phòng gồm 2 sao. 
17. Phủ Kha 斧 柯  là tên vùng sản xuất nghiên mực Đoan Khê. Tuy cùng trên một khe, nhưng ở nghiên lấy ở Phủ Kha, loại lớn cũng không quá ba bốn ngón tay, hà một hai hơi là nước bẩn nhỏ giọt thấm ra ngoài. Thật là vật hiếm có.   
18. Chỉ phần lõm phía trên nghiên, dùng để chứa nước.
19. Nguyên văn dùng từ Thạch trung, tức là Thạch hư trung石 虛 中 có nghĩa là nghiên mực
20.  Hoàng Đế (2698 trước TL) ở Trung Quốc, họ Đế Hồng 帝 鴻  (còn gọi là Hữu Hùng). Hoàng Đế được ngọc, cho chế thành nghiên mực gọi là Đế Hồng nghiên.
21. Kết Lân 結 鄰  là tên của cái nghiên. Lý Vệ Công đời đường có nhiều nghiên,trong đó cái đẹp nhất có tên là Kết Lân.
22.  Nguyên văn là "thiên dịch" chỉ nước từ trời, ý nói quí báu.
23. Hồng ti紅 絲  : Loại nghiên sản xuất ở huyện Ích Đô, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc sản xuất. Loại nghiên này có thể tạo ra mực, chất vàng đỏ, trên mặt đá có đường tơ đỏ óng ánh, nên mới gọi là hồng ti. Trong Nghiênphổ cùa Tô Dị Giản có viết:" Nghiên trongthiên hạ có hơn 40 loại. Hồng ti ở Thanh Châu thuộc hạng nhất; Phủ Kha ở Đoan châu thuộc hạng hai; Long Vỹ ở Hấp Châu thuộc hạng ba.
     Thanh thiết青 鐵 : Có nghĩa sắt màu xanh, là tên nghiên mực.  Sách Thập Di Ký ghi:" Trương Hoa dâng sách Bác Vật Chí, vua Vũ Đế nhà Tấn ban cho nghiên. Loại sắc này sản xuất ở nước Vu điền, dâng lên vua Tấn rồi chế thành nghiên mực.       
24. Đồng ngõa銅 瓦  : Kiến trúc ngày xưa dùng tấm đồng để làm ngói lợp. Trong Hán Vũ Cố Sự có câu:" Khởi thần ốc, dĩ đồng vi ngõa" (Dựng nhà lớn lấy đồng làm ngói). Về sau từ này dùng chỉ loại ngói cổ.
   Phần nê汾 泥 : Phần là tên con sông thuộc huyện Ninh Vũ tỉnh Sơn Tây Trung Quốc. Nê là bùn. Người ở vùng này lấy bùn bọc lụa ngâm dưới nước, được một năm thì mang lê, rồi chế thành nghiên mực.
25. Tức phong lước Hầu. Tức mặc 即 墨  có nghĩa "có mực ngay"
Theo: Phan Thanh Hải
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.247.732
Đang truy cập 15.364