Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Độc đáo Lễ Tế Cô hồn của người dân làng Trúc Lâm - TP Huế
Ngày cập nhật 23/04/2021

Theo đúng thông lệ, cứ đến ngày 7/3 Âm lịch hàng năm, người dân làng Trúc Lâm (phường Hương Long, TP Huế, Thừa Thiên Huế) lại mang lễ vật lên Rú Bắp để tế cô hồn. Đây được xem là Lễ Tế Cô hồn lớn nhất Thừa Thiên Huế về quy mô người tham dự và lễ vật.

Người dân làng Trúc Lâm gánh lộc về nhà sau khi hoàn thành lễ Túc yết
 
Theo thông lệ, Lễ Tế Cô hồn tại làng Trúc Lâm diễn ra trong hai ngày mùng 7 và 8/3 Âm lịch hàng năm, gồm các phần lễ: Khai kinh - Thỉnh linh, Túc yết, Cúng trà (ngày mùng 7); lễ Chánh tế và Tiệc trà (ngày mùng 8). Ông Trần Tuyên, thành viên Ban tổ chức lễ tế năm Tân Sửu 2021 cho biết, trong làng Trúc Lâm có 12 họ lớn, mỗi họ sẽ thay nhau đứng ra lo liệu lễ tế theo vòng tròn 1 lượt, 12 năm 1 lần. Ông trưởng họ tộc năm được giao phụ trách sẽ là người thực hiện các nghi lễ chính suốt thời gian diễn ra lễ tế. Năm nay, dòng họ Đào thay mặt cả làng Trúc Lâm lo phần lễ chính.
 
Cũng theo ông Tuyên, Lễ Tế Cô hồn làng Trúc Lâm là một lễ tế truyền thống được tổ chức từ thời xa xưa mà tổ tiên dân làng đã để lại. Dù không rõ lễ hội này được bắt đầu tổ chức từ năm nào nhưng nó đã in sâu vào trong tiềm thức, tâm trí của mọi người con dân trong làng Trúc Lâm. Theo đó, cho dù có đi đâu, làm gì, ở đâu, cứ đến ngày 7/3 Âm lịch, con em các dòng họ ở ngôi làng phía Tây ngoại thành Huế này lại nô nức cùng tề tựu về đền Âm linh Cô Hồn ở Rú Bắp để dự ngày lễ lớn của làng.
 
"Lễ Tế Cô hồn là lễ hội tâm linh có giá trị truyền thống lâu đời, thể hiện sự đa dạng trong văn hoá dân gian xứ Huế nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Đây cũng là dịp để người dân làng chúng tôi tưởng nhớ tổ tiên, cầu nguyện quốc thái dân an. Cha ông chúng tôi đã đến đây khai canh, lập địa từ thời vua Lê Thánh Tông (năm Quang Thuận thứ 10, năm 1469). Trong suốt chiều dài lịch sử, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các thế hệ dân làng Trúc Lâm vẫn đều đặn tổ chức Lễ Tế Cô hồn, tiếp nối truyền thống tốt đẹp này", ông Tuyên cho biết.
 
Ông Nguyễn Kính Trí, một người dân làng Trúc Lâm cho biết, trước ngày diễn ra Lễ Tế Cô hồn, người dân trong làng sẽ mua sắm, chế biến các loại lễ vật từ bánh kẹo, hoa quả cho đến các loại bánh được chế biến từ tinh bột, như: bánh lọc, nậm, bánh trưng, bánh tét, bánh tày và tuỳ theo điều kiện thì các gia đình sẽ kèm theo mâm xôi, gà, vịt, heo quay, đầu heo,… rồi cùng nhau quẩy gánh, đội lên đền Âm linh để cúng tế. Để tránh lẫn lộn, Ban tổ chức sẽ đánh số và chia khu vực, sau đó phát số thẻ cho các gia đình. Các gia đình sẽ căn cứ vào số thẻ và khu vực quy định để đặt lễ vật, cúng tế trong ngày 7/3. Phần cúng tế lễ vật của dân làng sẽ diễn ra trong khoảng gần 2 tiếng đồng hồ.
 
"Lễ vật để cúng tế thường là sản vật, sản phẩm từ việc trồng trọt, chăn nuôi vốn là truyền thống sản xuất của người dân làng Trúc Lâm. Nó cũng thể hiện sự chăm chỉ, khéo tay của chị em phụ nữ trong khâu nấu nướng, chế biến các loại bánh, thực phẩm để mang lên đền cúng tế", một người dân làng Trúc Lâm cho biết.
 
Có thể nói, tại mảnh đất Cố đô Huế, bên cạnh Lễ Tế Âm hồn vào dịp tháng 5 Âm lịch hàng năm thì Lễ Tế Cô hồn làng Trúc Lâm là những lễ hội tâm linh dân gian độc đáo, được người dân nơi đây tổ chức đều đặn.
 
Một số hình ảnh tại Lễ Tế:
Các lễ vật được người dân làng Trúc Lâm mang lên đền Âm linh trên Rú Bắp cũng tế cô hồn
 
 
Đây là lễ hội lớn của ngôi làng nằm ở phía Tây ngoại thành Huế
 
12 dòng họ lớn của làng Trúc Lâm sẽ thay nhau lần lượt chủ trì lễ tế 1 lần theo vòng tròn 12 năm 1 lần
 
Các cụ cao niên làng Trúc Lâm trong lễ tế
 
Dâng trà, riệu trong lễ Túc yết
Theo: baodansinh.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.064.116
Đang truy cập 5.113