Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

KỂ CHUYỆN DÒNG HƯƠNG
Ngày cập nhật 20/05/2021
1. Bùi Giáng có hai câu thơ viết về Huế, rất hay, nhưng gây nhiều thắc mắc: 
Dạ thưa xứ Huế bây giờ 
Vẫn còn núi Ngự, bên bờ sông Hương
 
 
Có người khen: “Bùi thi sĩ chỉ bằng hai câu lục bát đã dựng nên một tượng đài vĩnh cửu cho vẻ đẹp trữ tình của xứ thần kinh”. 
Nhưng cũng có kẻ bảo: “Bùi tiên sinh là dân Quảng nên chê Huế thật là khéo: nói tới, nói lui thì Huế cũng chỉ có “núi Ngự - sông Hương” mà thôi. Bây giờ hay muôn đời thì vẫn thế”. 
Chẳng ai hay thi sĩ họ Bùi có gửi gắm ẩn ý gì trong hai câu thơ ấy không, nhưng có một điều chắc chắn là ông đã nhìn nhận sông Hương và núi Ngự như hai “thành tố cơ bản” làm nên nét quyến rũ diệu kỳ của xứ Huế. 
Thực vậy, khi nói về Huế, không thể không nhắc đến sông Hương, con sông làm nên vẻ đẹp Huế; con sông đóng vai trò “xương sống” trong việc kiến tạo diện mạo của văn hóa Huế và định hình tính cách Huế. 
Với tôi, sông Hương quả là một dòng sông kỳ lạ. 
Một dòng sông, từ lúc rời khỏi cửa rừng cho đến khi giáp mặt biển khơi, chỉ dài hơn ba chục cây số, theo lẽ thường, hẳn nước phải sâu và chảy xiết. Vậy nhưng, lòng sông Hương không sâu; nước sông chảy rất chậm như lưu luyến với thành quách rêu phong mà không muốn hòa cùng đại dương. 
Một dòng sông “trái tính, trái nết”: hạ đến, nước sông thi thoảng đổi chiều, chảy ngược lên phía thượng nguồn, đem vị mặn của đại dương lên tận chân núi Ngọc Trản, làm cho dân tình cố đô phải khốn khổ vì “nước lợ”, khiến đồng lúa bị nhiễm mặn, cá tôm trong đồng ngoi ngóp thở... Nhưng khi đông về, sông như hợp sức với trời, tuôn nước nhấn chìm thành quách, cung điện, đền đài, nhà cửa, ruộng đồng... làm thiên hạ điêu linh, cơ cực, khiến nhạc sĩ Phạm Đình Chương, vì cảm thương cho dân Huế, mà than: “...trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm tràn mặt Thuận An để làm biển khơi...”. 
Một dòng sông mà Nguyễn Du thì ví như “mảnh trăng lắng đọng nỗi buồn kim cổ” (Hương giang nhất phiến nguyệt. Kim cổ hứa đa sầu).
Còn Cao Bá Quát thì thấy tựa “thanh kiếm dựng giữa trời xanh” (Trường giang nhất kiếm lập thanh thiên).
Một dòng sông mà Thu Bồn đã tinh tế nhận ra: 
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Trong khi Nguyễn Trọng Tạo thì ước ao: 
Sông Hương hóa rượu ta đến uống
Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say
Một dòng sông kỳ lạ là bởi so với nhiều dòng sông trên toàn cõi Việt Nam, thì sông Hương chỉ xứng hạng “em út” về chiều dài, độ sâu, lưu vực, lưu lượng nước...; lại không có được cái uy phong, hùng vĩ cần có của DÒNG SÔNG MẸ của một vùng đất đã được triều Nguyễn chọn làm kinh đô của cả nước. Vậy nhưng, không dòng sông nào ở Việt Nam lại đi vào thi, vào họa, vào nhạc, vào văn, vào đáy sâu lòng người (cả dân bản xứ lẫn khách viễn phương)... nhiều như sông Hương. 
 
 
Dòng sông ấy còn kỳ lạ bởi chỉ riêng cái tên của nó cũng đã khiến bao bậc thức giả, văn nhân, sử gia... từ cổ chí kim, lao vào cuộc truy nguyên và luận bàn: 
Có người cho rằng, do thượng nguồn dòng sông có loài cỏ thơm, tên thạch xương bồ, mọc ngút ngàn dọc theo hai triền sông. Chính mùi hương của loài cỏ này đã ướp đẫm dòng sông, làm cho nước sông trở nên thơm và ngọt. Từ đó mà sông có tên là sông Hương: sông của mùi thơm. Bởi vậy dân Tây mới dịch tên sông thành Rivière des Parfums hay Perfume River. 
Có truyền thuyết kể rằng: sau khi kế vị ngôi báu từ tiên chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687), chúa Nguyễn Phúc Thái (1687 - 1691) vẫn đóng thủ phủ ở vùng đất Kim Long - Hà Khê. Một đêm, chúa nằm mơ thấy một bà già đầu tóc bạc phơ bảo với chúa rằng: “Chúa công hãy thắp một nén hương, rồi từ đồi Hà Khê đi dọc theo con sông này về phía hạ lưu, đến chỗ nào hương tàn thì đó là nơi đóng đô và cơ nghiệp của nhà chúa sẽ muôn đời bền vững”. 
Chúa giật mình thức giấc, cho là điềm lạ, bèn thắp nén hương và đi về phía hạ lưu của dòng sông như lời chỉ giáo của bà tiên trong mộng. Khi nén hương trên tay chúa cháy tàn, là lúc chúa tìm thấy một vùng đất có vị thế rất đẹp: phía trước có ngọn núi trông như cái bình phong che chở, lại có con sông lớn bao bọc ở mặt nam và hai con sông nhỏ quây sau mặt bắc, tạo nên thế đất “hoành long”, “tứ thủy triều quy”, xứng là “cát địa”. Chúa mừng rỡ quyết định rời phủ cũ đến đây lập phủ mới, gọi là phủ Phú Xuân (năm 1687). Từ đây, mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng cho cả xứ Đàng Trong. Và để ghi nhớ công ơn bà tiên đã bày cho việc thắp hương đi tìm đất dựng nghiệp ở hạ lưu của dòng sông huyền thoại, chúa bèn đặt tên cho dòng sông ấy là sông Hương. 
Song các sử gia thì giải thích tên sông là do tên huyện mà ra. Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An (viết năm 1555) cho biết sông Hương vốn là con sông cái chảy qua huyện Kim Trà nên gọi là sông Kim Trà. Về sau, huyện Kim Trà đổi thành huyện Hương Trà nên tên sông Kim Trà cũng đổi thành sông Hương Trà. Sông Hương chẳng qua là do người Huế gọi tắt từ sông Hương Trà mà có. 
Trong một đoạn văn viết về sông Hương in trong Ngự chế thi sơ tập, vua Minh Mạng cho hay: “Sông này tức sông Hương Trà, vì vị ngọt dịu nên mới có tên vậy. Các sông ở phương nam không sông nào hơn được. Phát nguyên từ vùng núi non chập chùng, xa mấy trăm dặm, phân làm hai nhánh chảy xuống, gọi tên là nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch. Đến làng La Khê mới hợp lại và có tên là Hương Trà” (Hương thủy, Vĩnh Cao dịch). 
Còn Po Dharma, một học giả người Pháp gốc Chăm, khi về Huế tham dự Hội thảo về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật chất vùng Huế vào tháng 3.1994, thì cho rằng: địa danh Huế khởi nguyên từ một từ Chăm cổ được phát hiện trong một văn bia. Chữ Chăm cổ này phiên âm Latinh là Hue, có nghĩa là mùi thơm. Theo Po Dharma, chữ Hue trong văn bia Chăm cổ nói trên dùng để chỉ “một thành phố của Champa ở gần một con sông. Tên thành phố ấy - Hue - nghĩa là mùi hương”. Hóa ra, tên của sông Hương lại gắn liền với tên của một thành phố cổ của người Chăm, nơi dòng sông chảy qua, mà nay chính là thành phố Huế. 
Chỉ một cái tên nhưng đã tiêu tốn biết bao giấy mực và trí lực của các bậc thức giả suốt mấy trăm năm, nhưng đến cuối thế kỷ XX, Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn thảng thốt kêu lên: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” Và đến giờ vẫn chưa có ai đủ sức trả lời câu hỏi của ông. Đó cũng là một điều kỳ lạ của dòng sông này!
2. Một ngày cách đây đúng 15 năm, tôi theo thầy Trần Quốc Vượng đi điền dã ở vùng thượng nguồn sông Hương. Khi đang cùng thầy lội qua dòng Hữu Trạch ở gần xóm Trẹm thuộc huyện Hương Trà, chợt thầy kêu tôi dừng lại, rồi đưa cho tôi xem một hòn cuội vỡ thầy vừa nhặt được dưới lòng sông cạn. Thầy bảo: “Đây là một cái end-chopper (công cụ chặt có ghè đẽo) của người tiền sử. Sông Hương của cậu có chủ từ lâu lắm rồi. Từ những di vật đã được phát hiện ở Ngọc Hồ, A Lưới và Nam Đông trong các chuyến điền dã trước đây, nay có thêm cái end-chopper này, tôi đồ rằng, chủ nhân xa xưa của xứ Huế từng sống đâu đó trong các hang đá trong vùng núi Kim Phụng, hay trên những cồn bãi ở thượng nguồn của con sông này. Nếu có điều kiện, chúng ta nên tổ chức một chuyến điền dã vào sâu trong thượng nguồn sông Hương và vùng núi Kim Phụng, chắc chắc sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị về họ”. 
Tiếc là, chúng tôi chưa kịp thực hiện chuyến điền dã ấy thì thầy đã thành người thiên cổ. 
 
 
Còn nhớ, lúc nghỉ chân phía dưới một ngọn thác, chúng tôi gặp một người sơn tràng đang dẫn ba bè nứa về xuôi, cũng ghé vào nghỉ. Ông ấy cho hay: “Nếu đi nguồn Tả Trạch, phải vượt qua hơn năm chục thác nước lớn nhỏ; còn đi nguồn Hữu Trạch thì phải vượt qua mười bốn cái thác rất nguy nan thì mới về đến bến Tuần. Dân đi bè bầy tui ai cũng thuộc bài vè vượt thác. Bài vè kể đầy đủ tên thác, tên vực từ đầu nguồn đến cuối nguồn, nên mỗi khi đi thác, cứ nói theo bài vè là biết về tới ngang mô. Hết bài vè thì cũng vừa vặn về tới bến Tuần”.    
Bến Tuần là tên người dân địa phương gọi ngã ba Bằng Lãng, nơi nguồn Tả Trạch hợp lưu với Hữu Trạch thành con sông Hương, do ngày trước nơi đây có một trạm tuần kiểm của triều đình nhà Nguyễn, chuyên kiểm soát lâm sản và thu thuế sơn tràng. 
Theo học giả Vương Hồng Sển, vì cảnh trí nơi rất hữu tình và quyến rũ, nên khi đi ngang qua đây, vua Minh Mạng đã tức cảnh làm bài thơ chữ Nôm:
Một thức nước in trời
Đò ai chiếc lá khơi
Non cao xem vòi vọi
Dòng biếc thấy vơi vơi
Mắng khúc Thương Lang gảy
Ưa tình lữ khách chơi
Mong chờ yên sóng gió
Qua lại mặc người đời.
Về sau, vua cho viết bài thơ và vẽ cảnh minh họa nội dung bài thơ lên những chiếc tô sứ ngự dụng hiệu đề chữ Nhật (日), ký kiểu tận bên Trung Hoa. 
Hợp lưu ở Bằng Lãng, sông Hương bắt đầu khúc lãng du của mình, xuôi qua những làng quê yên ả thanh bình và những ngọn đồi rợp bóng cổ tùng, rồi đột ngột chuyển mình chảy lên phía bắc. Bước chuyển đột ngột ấy tạo ra một khúc quanh ôm lấy chân núi Ngọc Trản và một vực nước sâu thẳm ở ngay dưới chân ngôi điện Hòn Chén. Vào thời kỳ trước Việt (chữ của GS. Trần Quốc Vượng), đây là nơi thờ phụng nữ thần Po Inu Naga của người Chăm. Khi vào “tiếp quản” hai châu Ô - Lý, người Việt cũng tiếp nhận vị nữ thần của người Chăm làm MẸ XỨ SỞ và cung kính gọi bà là Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Họ tu bổ ngôi đền Champa đổ nát thành điện Hòn Chén, rồi đưa thêm các nữ thần của người Việt như Liễu Hạnh Công Chúa, Tứ Vị Thánh Nương, Mẫu Thoãi (Thủy thần)... và thờ cúng trong ngôi điện và khai sinh một tôn giáo của riêng xứ Huế: Thiên Tiên Thánh Giáo, mà dân gian vẫn nôm na gọi là đạo lên đồng. Điện Hòn Chén và đạo lên đồng đã mang lại cho khúc sông này không khí u tịch, kỳ bí và điệu chầu văn rộn rã, cùng và những bước nhảy như mê, như cuồng của các “đồng cô bóng cậu” trong những đêm vía Mẫu vào tháng Ba và tháng Bảy. Ngược lại, dòng Hương như một nét bút vẽ tuyệt của tạo hóa điểm tô cho ngôi điện, tạo thành một bức tranh sơn thủy hữu tình khiến một thi nhân khi viếng thăm ngôi điện cổ đã phải thốt lên:
Sông xanh uốn khúc như rồng lượn
Núi thẳm nhìn theo dáng cọp ngồi
Rời núi Ngọc Trản, dòng Hương len lỏi qua vùng đồi Vọng Cảnh - Hương Hồ, rồi lững lờ chảy giữa những ruộng lúa xanh mướt, những vườn cây trái lúc lỉu và những vườn hoa huệ trắng một màu tinh khiết của các làng Long Hồ, Lương Quán, Nguyệt Biều..., trước khi chuyển hướng một lần nữa ở trước Linh Tinh môn của Văn Miếu Huế, nơi thờ Đức Khổng Tử và vinh danh 293 vị tiến sĩ của triều Nguyễn.
 
 
Ở ngay giữa khúc quanh ấy, dòng Hương bỗng hào phóng phân thủy, tạo nên chi lưu Bạch Yến chảy vòng sau lưng ngọn đồi Hà Khê, để tắm mát cho những cánh đồng ở miệt Chợ Thông, An Hòa, Đức Bưu, rồi lại hòa vào sông Hương ở Bao Vinh, Tiên Nộn. Trong khi ấy, dòng Hương vẫn miên man hành trình về xuôi, tiếp tục ru vỗ chân đồi Hà Khê, nơi văng vẳng tiếng chuông hôm của đại hồng chung Thiên Mụ, ngôi quốc tự nổi danh của xứ Huế với huyền tích về một Bà Trời (Thiên Mụ) đã tiên định Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng sẽ là vị chân chúa khởi nghiệp Đàng Trong khi ngài viếng thăm nơi này vào mùa hạ năm 1601. Dòng Hương chảy qua trước ngôi chùa cổ đã sinh ra một bến sông tuyệt đẹp. Vua chúa triều Nguyễn, vì cảm mến vẻ đẹp của bến sông này nên đã cho người dựng nơi bến sông một Điếu ngư đình để buông câu, nhưng không phải để sát sinh mà để ngắm cảnh và suy gẫm thế sự hưng vong. Sông Hương đã hòa quyện với cảnh sắc của miền Hà Khê tạo nên thế đất long hồi cố tổ, giống như con rồng vươn mình ra vực thẳm và quay đầu nhìn lại về núi mẹ. Chính vẻ đẹp này đã khiến A. Bonhomme, Công sứ Thừa Thiên thời thuộc Pháp phải cất lời tán tụng: “Nước trong vắt và tinh khiết của dòng sông chảy quanh chân đồi làm cho ta nghĩ đến cái biển mênh mông Phật giáo, và đứng trên đỉnh tháp trông thấy những ngọn núi tựa bên nhau, người ta sẽ liên tưởng là đỉnh núi Mérou” (Văn bia chùa Thiên Mẫu, BAVH 1915. Lê Quang Thái dịch). Và linh mục Léopold Cadière khi nghiên cứu về quốc tự Thiên Mụ cũng đã khẳng định: “Chính chùa Thiên Mụ là điểm chiếu của kinh thành Huế”. 
 
 
Sau mấy lần uốn lượn và đổi hướng, từ chùa Thiên Mụ trở đi, sông Hương như ôm trọn cuộc đất “đại cát” của Kinh Thành Huế và trở thành tấm gương cho cung điện, thành quách soi bóng. Ngoài vị thế là SÔNG CHỦ của kinh đô, nay dòng Hương đảm nhiệm thêm vai trò “minh đường” cho Kinh Thành Huế, còn hai hòn đảo nhỏ trên sông là cồn Hến và cồn Dã Viên thì trở thành “tả thanh long” và “hữu bạch hổ” chầu hầu trước mặt Kinh Thành. Khi xây dựng Kinh Thành Huế (1805 - 1833), vua Gia Long còn cho đào thêm các con sông hộ thành ở các mặt: đông, tây và bắc, nối với sông Hương và tạo nên thế chi thủy giao giới (các nguồn nước giao hòa với nhau) để tăng thêm tốt lành cho cuộc đất mà Kinh Thành Huế tọa lạc. Theo thuật phong thủy, một cuộc đất có các mạch núi đồi uốn lượn, gấp khúc; có các nguồn nước vây bọc tứ bề thì long mạch kết tụ và có nhiều sinh khí. Có lẽ vì thế nên vua Gia Long đã quyết định xây dựng Kinh Thành ở nơi mà chúa Nguyễn Phúc Thái đã lựa chọn từ gần 120 năm trước như để tỏ lòng hiếu thuận và vâng mệnh tổ tiên.
Chảy ngang giữa lòng Huế, dòng Hương được điểm tô bởi những hòn ngọc của kiến trúc cung đình Huế và tàng ẩn những giai thoại lưu danh muôn thuở: một Nghênh Lương Đình và những câu thơ ai oán kể về vị vua yêu nước Duy Tân; một Phu Văn Lâu vinh danh các nhà khoa bảng của triều Nguyễn; một Thương Bạc Viện quan hệ mật thiết với Tứ Dịch Quán, nơi triều Nguyễn đón tiếp các sứ đoàn nước ngoài; một cây cầu Trường Tiền được ví như chiếc lược bạc cài lên suối tóc mềm mại mang tên Hương giang... Mỗi công trình kiến trúc ấy đều gắn với một chuỗi huyền thoại và sử tích, cả cổ lẫn kim, làm say lòng bao thế hệ người Huế.  
Và trên hành trình xuôi về phá Tam Giang để đổ ra cửa Thuận An, những mạch nguồn của dòng Hương tiếp tục được nuôi dưỡng bởi những huyền thoại liên quan đến ngôi miếu thờ Kỳ Thạch Phu Nhân ở ngã ba Sình; đến tòa thành Hóa Châu và những sử tích thời Trần trên đất Thuận Hóa; những trận huyết chiến ở Thảo Long Tam Điều trong cuộc chiến với quân Pháp vào năm 1883. Cho đến khi hòa mình với biển Đông, dòng sông ấy như vẫn còn lưu luyến với huyền thoại Thai Dương Phu Nhân hóa đá ở cửa Thuận An... 
 
 
3. Sông Hương là dòng sông gắn liền với những sử tích con người và nền văn hóa Huế từ bao đời nay. Dòng sông huyền thoại ấy bắt đầu từ những cánh rừng đại ngàn; những thác ghềnh cheo leo; len lỏi giữa những ngọn đồi cô tịch; xuyên qua những cồn bãi, ruộng vườn xanh tốt; lững lờ chảy giữa thành quách rêu phong và phố thị sầm uất, rồi vỡ òa trong sóng nước đại dương. 
Dòng sông là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho Huế; là mạch nguồn không ngừng nghỉ của dòng chảy văn hóa Huế xưa, nay và mai sau. 
Không chỉ kể chuyện dòng Hương bằng những huyền thoại, người Huế cần phải có những hành động thiết thực để bảo vệ và tôn vinh sông Hương. Đừng để dòng Hương chỉ chảy trong huyền thoại mà không bao giờ vươn ra tới biển như có người đã từng cảnh báo.       
Theo: Trần Đức Anh Sơn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 30.386