Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

GẠCH NGÓI VÀ HỆ THỐNG KÝ TỰ TRÊN GẠCH NGÓI THỜI NGUYỄN
Ngày cập nhật 10/11/2021

Cũng như trong kiến trúc Việt Nam truyền thống, kiến trúc cung đình Nguyễn tại Huế về cơ bản là một nền kiến trúc gỗ. 

Tuy nhiên, để tăng cường tính chất phòng thủ của một kinh đô và để phục vụ các nhu cầu khác của mình, các vua Nguyễn đã huy động một khối lượng khổng lồ các loại vật liệu bền vững mà chủ yếu là đá tự nhiên, gạch, ngói và các chế phẩm từ đất nung, được sản xuất tại chỗ hoặc tập trung từ các địa phương về đây. Chính các loại vật liệu này đã làm nên các vòng thành lũy đồ sộ của kinh đô, của các lăng tẩm, đền miếu, đàn tế, pháo đài, những cung điện nguy nga với mái ngói rực rỡ... tạo cho bộ mặt kiến trúc của kinh đô Huế có vẻ đồ sộ, uy nghi khác thường. Tuy nhiên, từ trước đến nay, trong các nghiên cứu về kiến trúc truyền thống Huế, những loại vật liệu bền vững này này lại chưa phải là đối tượng được nhiều người quan tâm đề cập.
 
 
 Trong cái nhìn lịch đại về kiến trúc Việt Nam truyền thống, và với mong muốn có thể nêu lên vài gợi ý nhỏ cho các nhà nghiên cứu đang quan tâm đến các loại vật liệu tương tự của kiến trúc Kinh thành Thăng Long-Hà Nội, trong bài viết này, chúng tôi muốn trình bày một số kết quả khảo cứu của bản thân về các loại gạch ngói được sử dụng trong kiến trúc cung đình Huế.
 Bài viết gồm 2 phần:
 -Nguồn gốc và các chủng loại gạch ngói thời Nguyễn
 -Hệ thống ký tự trên các loại gạch ngói thời Nguyễn
 Trong đó, phần chúng tôi muốn nhấn mạnh là hệ thống ký hiệu trên gạch ngói, mà chủ yếu là gạch vồ - loại gạch phổ biến và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại vật liệu bền vững ở kiến trúc cung đình Huế. Thiển nghĩ việc tìm hiểu và nhận thức đúng đắn về hệ thống ký hiệu này sẽ là một công cụ rất hữu ích cho việc nghiên cứu nguồn gốc và xác định niên đại của các công trình. Hơn thế, chúng ta còn có thể biết thêm nhiều thông tin thú vị mà chủ nhân của các ký hiệu này đã gởi gắm vào đó. Đây cũng chính là phần mà chúng tôi hy vọng sẽ nêu lên được vài gợi ý thiết thực cho việc nghiên cứu các ký hiệu trên gạch ngói được sử dụng để xây dựng kinh thành Thăng Long-Hà Nội qua các triều đại.
 
I. Nguồn gốc và các chủng loại gạch ngói thời Nguyễn 
Từ thời chúa Nguyễn (1558-1775), việc sử dụng gạch ngói vào các công trình kiến trúc quan trọng đã rất phổ biến. Khảo sát hệ thống thủ phủ của các chúa Nguyễn trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, chúng tôi đều bắt gặp vô số các mảnh vỡ của các loại gạch ngói. Nhưng có lẽ phải đến khi chúa Nguyễn dời thủ phủ vào Kim Long và xây dựng nơi đây thành một "đô thị lớn" (theo cách gọi của giáo sĩ Alexandre de Rhose) cùng với sự ra đời của phố cảng Thanh Hà ở phía hạ lưu thì việc sản xuất các loại gạch ngói mới phát triển mạnh do sự gia tăng vượt bậc của nhu cầu xây dựng. Trung tâm sản xuất gạch ngói ở vùng Huế lúc này đóng ở gần phố cảng Thanh Hà và đặt dưới sự chỉ đạo của Nê Ngõa Tượng Cục do chúa Nguyễn lập ra (1). Đến thời các vua Nguyễn, ngoài trung tâm sản xuất gạch ngói vốn có từ thời chúa Nguyễn ở gần khu vực Thanh Hà đã được mở rộng lên nhiều về quy mô (2), năm 1810, vua Gia Long đã cho mở thêm 1 công trường sản xuất gạch ngói tráng men và đồ gốm ở lò Long Thọ với sự tham gia tư vấn của 3 người thợ Quảng Đông - Trung Quốc. Hai trung tâm này tập trung một số lượng lớn lính, thợ từ nhiều địa phương trong nước về. Họ được tổ chức thành từng đội hoặc từng ngũ theo kiểu quân đội để cùng hoặc luân phiên nhau sản xuất. Trung tâm gạch ngói gần Thanh Hà (Ngõa Tượng - Vân Cù - Nam Thanh) có đến 40-50 lò, chuyên sản xuất các loại gạch vồ, gạch thẻ, ngói liệt, ngói âm dương... (3); còn công xưởng ở lò Long Thọ lại chuyên sản xuất các loại gạch tráng men cao cấp (như gạch hoàng, thanh lưu ly, gạch hoa đúc rỗng) và các đồ gốm trang trí trên công trình kiến trúc hoặc ở nội thất cung điện (tượng lân, sư tử, cá chép, voi) (4).
 
 
 
 
Ngoài hai trung tâm sản xuất gạch ngói tại kinh đô, các địa phương có truyền thống làm gạch ngói vẫn phải có nhiệm vụ nộp thuế bằng sản phẩm cho triều đình theo chế độ biệt nạp. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, phần bộ Hộ có chép lệ đóng thuế bằng sản phẩm của mỗi thợ làm gạch ngói ở Gia Định mỗi năm là 1.000 viên gạch hoặc 2.000 viên ngói âm dương; ở xã Bát Tràng huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội), mỗi người cả năm phải nộp 60 viên gạch vồ và 270 viên gạch vuông (5).
Cuối thế kỷ XIX, sau khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên đất nước ta, một số loại vật liệu xây dựng mới đã được đưa vào kiến trúc cung đình Huế, trong đó có gạch xi măng, ngói ác-đoa (Ardoise). Các loại gạch ngói mới này chủ yếu có mặt ở các công trình xây dựng thời Khải Định (1916-1925), Bảo Đại (1926-1945) nhưng không loại trừ ở cả một số công trình được trùng tu từ thời Thành Thái (1889-1906) (6).
Như vậy là do tính đa dạng của nhu cầu xây dựng, đồng thời cũng do được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau nên gạch ngói trong di tích cung đình Nguyễn tại Huế rất phong phú về chủng loại.
 
Về gạch có thể kể ra đây các loại chủ yếu sau:
- Gạch Bát Tràng: Đây là tên gọi phổ biến của một loại gạch vuông không tráng men, do gạch này có kích cỡ 300x300x50mm, được nung chín như sành nên trong sách sử của nhà Nguyễn thường chép là "thiết chuyên" hoặc "thiết bì chuyên" (tức gạch sắt, gạch da sắt).
- Loại gạch vuông lớn để lát nền cung điện: Loại gạch này có lẽ sản xuất tại Huế, thường không được tráng men, kích thước rất lớn: 380x380x50mm (có khi tới 400x400x50mm). Chất lượng gạch này không bằng gạch Bát Tràng.
- Gạch lưu ly: Tức là gạch được tráng men màu như lưu ly (màu xanh và màu vàng). Gạch lưu ly có nhiều loại kích cỡ nhưng phổ biến nhất là cỡ 300x300x50mm như gạch Bát Tràng. Loại gạch này chủ yếu để lát nền cung điện.
 
 
 
 
Cả ba loại gạch trên đều được sách vở của nhà Nguyễn gọi là "phương chuyên"  (gạch vuông) để phân biệt với các loại gạch có hình dáng khác.
- Gạch vồ (gọi chung là "điều chuyên" - gạch dài): có nhiều loại kích cỡ khác nhau nhưng đều có hình khối chữ nhật, nung chưa thành sành nên độ vững chắc không bằng gạch Bát Tràng. Loại lớn nhất có kích thước 380x160x70mm; loại phổ biến hơn cả có kích thước xấp xỉ 300x140x65mm. Lại có loại nhỏ hơn đôi chút chỉ khoảng 250x130x50mm. Loại nhỏ nhất, thường gọi là gạch thẻ, kích cỡ 210x90x60mm. Các loại gạch vồ lớn đều dùng để xây tường, thành, cổng hoặc nền móng công trình. Loại gạch thẻ chủ yếu có mặt ở các lan can, nữ tường, có khi còn dùng để xếp kè trong lòng các giếng cổ tại khu vực Hoàng Thành-Tử Cấm Thành.
Cần lưu ý là do sản xuất hoàn toàn thủ công nên kích thước các loại gạch trên đây chỉ là tương đối; chiều dài, chiều rộng của các viên gạch nhiều khi chênh lệch nhau đến vài phân (cm) là chuyện bình thường!
- Các loại gạch trang trí: Đều là các loại gạch tráng men màu. Hình dáng, kích cỡ của chúng rất phong phú để phục vụ chức năng trang trí như hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật, hình chữ nhật vát góc... Bên trong đúc thành nhiều hình dạng hoa văn khác nhau tạo nên các loại gạch có tên gọi: gạch Bát Quái, gạch Tứ Tượng, gạch Thiên Địa, gạch Hoa Chanh, gạch hoa Mai, gạch hoa chữ Vạn, gạch hoa chữ Thọ, gạch Hồi Văn, gạch Liên Đằng (dây leo), gạch Hoành Khẩu, gạch Bình Hoa, gạch Nhị Hoa, gạch Hoa Rủ, gạch Lược Vuông ...
- Gạch lát xi măng của Pháp: Loại gạch này nhìn chung đều có hình vuông, cỡ 200x200x10mm, được trang trí bằng cách vẽ màu hoặc kẻ ca-rô. Đây là loại gạch dùng để lát nền hoặc sân của công trình (7). Nhiều công trình kiến trúc quan trong trong khu vực Hoàng Thành-Tử Cấm Thành được trùng tu hoặc tái xây dựng trong giai đoạn Nguyễn muộn đều sử dụng loại gạch này, như Ngọ Môn, điện Thái Hoà, Thế Tổ Miếu, điện Kiến Trung...
 
Về các loại ngói, trên di tích kiến trúc cung đình Huế từng sử dụng các loại chủ yếu sau:
- Ngói ống lưu ly: Gồm 2 loại, tráng men màu vàng (Hoàng lưu ly) và tráng men màu xanh lục (Thanh lưu ly). Hai loại ngói này chỉ dùng lợp mái ở các công trình quan trọng, trong đó các công trình trên trục chính thường lợp ngói Hoàng lưu ly, công trình ở hai bên lợp ngói Thanh lưu ly.
- Ngói âm dương: Có loại được tráng men màu (xanh hoặc vàng như ngói ống), có loại không tráng men. Loại ngói âm dương tráng men thường dùng để lợp các công trình có ý nghĩa quan trọng hơn loại không tráng men.
- Ngói liệt: Thực ra đây là loại ngói bằng mà sách vở nhà Nguyễn gọi là "bản ngõa"(ngói ván) hoặc "bình ngõa" (ngói bằng). Loại ngói này không tráng men, thường dùng lợp mái cho các công trình ít quan trọng. Tuy nhiên, về cuối triều Nguyễn, do gặp nhiều khó khăn nên ngay cả các công trình quan trọng cũng được lợp mái bằng thứ ngói này (kể cả nhưng công trình như điện Thái Hòa).
- Ngói câu đầu, trích thủy: Là các loại ngói lợp ở hàng dưới cùng của mái công trình để vừa làm chức năng trang trí, vừa giải quyết hướng giọt nước của mái.
- Ngói vỏ quế, tên chữ là ngói La qua : Là một loại ngói ống tráng men nhưng nhỏ và dài hơn và cũng không có chuôi ngói như ở ngói ống lưu ly.
- Ngói ác-đoa (Ardoise): Là loại ngói khai thác từ trầm tích đá của Pháp, có màu đen nhánh như than đá, hình dáng như kiểu ngói vẩy cá của ta hoặc có hình chữ nhật. Loại hình chữ nhật kích cỡ 300 x 200 x 4mm.
- Ngói ác đoa mới: Đây là loại ngói mới dùng để thay cho ngói ác-đoa cũ của Pháp. Ngói được khai thác tại tỉnh Vĩnh Phúc, được sử dụng ở lăng Khải Định (lợp mái nhà bia, cung Thiên Định), điện Kiến Trung...
 
 
 
 
***
Như vậy, các loại gạch ngói được sử dụng trong kiến trúc cung đình thời Nguyễn tại Huế về cơ bản vẫn kế thừa các đặc điểm về chủng loại, hình thức và kỹ thuật của gạch ngói Việt Nam truyền thống có từ các thời Đinh, Lý, Trần, Hồ, Lê được tìm thấy trong các di tích hiện còn (chủ yếu tại vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ) và đặc biệt là qua đợt khai quật gần đây tại kinh thành Thăng Long. Nhưng mặt khác, cũng có một số chủng loại mới với hình thức và kỹ thuật khác biệt đã được sử dụng khá phổ biến tại Huế mà giai đoạn trước chưa có (như ngói ác đoa, gạch xi măng) hoặc rất ít sử dụng (như ngói ống tráng men màu hoàng lưu ly, thanh lưu ly vốn được du nhập từ vùng Hoa Nam Trung Quốc). Các loại gạch vồ được sử dụng phổ biến trong thời Nguyễn kích thước cũng được thu nhỏ nhiều so với các giai đoạn trước; và bản thân ngay trong thời Nguyễn, gạch vồ ở giai đoạn muộn kích thước cũng bị thu nhỏ hơn so với giai đoạn đầu. Có thể đây là xu thế chung của việc sản xuất gạch vồ xây thành (?).
Bên cạnh đó, các hình thức hoa văn trang trí trên các loại gạch hoa, đầu viên ngói, ngoài các mô típ truyền thống vốn có, ở thời Nguyễn còn xuất hiện nhiều hình thức mới. Chính điều này đã tạo nên những đặc điểm quan trọng của gạch ngói thời Nguyễn, khiến chúng ta dễ phân biệt chúng với gạch ngói của các thời kỳ khác.
 
II. Hệ thống ký hiệu trên gạch ngói thời Nguyễn
Hầu như trên tất cả các chủng loại gạch ngói thời Nguyễn được sử dụng trong kiến trúc cung đình Huế, người thợ gạch ngói xưa đều để lại những ký hiệu đặc thù. Theo khảo sát của chúng tôi, về cơ bản các loại ký hiệu này đều mang tính hệ thống và có sự tương đồng giữa các sản phẩm gạch và sản phẩm ngói lợp (các sản phẩm gốm trang trí rất ít thấy đóng kí hiệu). Tuy nhiên, phong phú nhất và có hệ thống nhất vẫn là các ký hiệu trên loại gạch vồ thường (có kích thước: 300x140x65mm), chủng loại gạch phổ biến nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại gạch kiến trúc Huế như đã nói ở trên. Dưới đây chúng tôi sẽ trình bày cụ thể về hệ thống ký hiệu này.
 
 
 
 
 
Qua quá trình khảo sát ở hầu hết các di tích kiến trúc cung đình Nguyễn tại Huế và hệ thống thủ phủ của các chúa Nguyễn, chúng tôi đã tập hợp được hơn 50 loại ký hiệu trên loại gạch vồ thường.
Một trong những đặc điểm chung của các loại ký hiệu này là chúng đều được đóng ở bề rộng của viên gạch (tức là mặt có kích thước từ 130-140mm). Ký hiệu đôi khi nằm trong khuôn dấu hình tròn, hình vuông và hình chữ nhật, khi lại không hề có vết khuôn dấu.
Có thể phân biệt ký hiệu trên gạch vồ thành 2 loại chính: loại ký tự và loại ký hiệu. Loại ký tự là loại đóng dấu mang ký tự chữ Hán, còn loại ký hiệu là loại đóng dấu không phải ký tự mà là các dạng khác nhau như bông hoa, hình mỏ neo...
 
1. Loại ký hiệu kiểu ký tự
Loại này chúng tôi đã phát hiện được khoảng 30 kiểu ký tự khác nhau tại các địa điểm bên trong lăng Thụy Thánh, đàn Nam Giao, Văn Miếu, bờ tường Kinh thành, Hoàng thành, Tử Cấm thành...tức là các công trình được xây dựng sớm nhưng lại ít được tu bổ lớn. Trong những lần tiến hành thám sát khảo cổ học được tiến hành trong khoảng 5 năm trở lại đây, loại gạch có ký tự này được tìm thấy khá nhiều trong các lớp dưới của hầu hết các công trình (Thái Miếu, Hưng Miếu, Duyệt Thị Đường, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Bắc Khuyết Đài, lăng Gia Long...). Ký tự đôi khi nằm trong khuôn dấu hình chữ nhật, đôi khi không thấy vết khuôn dấu mà chỉ có ký tự. Dạng tự có hai hình thức khắc chính: dạng chữ chân và chữ triện, đôi khi có dạng chữ triện pha kiểu chữ lệ. Đối với dạng chữ chân, có khi khắc đầy đủ nét chữ cũng có khi khắc kiểu viết rẻ (như trường hợp chữ "Đức", có khi viết nguyên tự là 徳, đôi khi khắc kiểu viết rẻ, chỉ có bộ thủ bên trái), có khi khắc kiểu viết kép và cũng có khi viết thường (như trường hợp chữ "Thập", khi thì viết kép 什, khi viết thường 十). Đối với dạng chữ triện tất cả ký tự đều nằm trong khuôn dấu. Có một số ký tự loại này chúng tôi chưa đọc được. Xin xem phần trích bảng thống kê các ký tự trên gạch vồ.
 
2. Loại ký hiệu không phải ký tự
Loại ký hiệu này chúng tôi đã sưu tầm được hơn 20 kiểu khác nhau. Hình dạng ký hiệu khá phong phú nhưng phổ biến nhất là hình bông hoa (từ 2 đến 8 cánh), hình mỏ neo, hình tựa như bàn tay gấu... những ký hiệu nằm trong khuôn dấu thì chỉ có một kiểu khuôn dấu hình tròn. Điều đáng nói là ký hiệu loại này có số lượng rất lớn và chỉ tập trung ở một số di tích quan trọng, tuy được xây dựng khá sớm nhưng đã nhiều lần được trùng tu hoặc tái kiến, như: lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan (Hải Vân Quan), lăng các chúa Nguyễn, cung Diên Thọ (bên trong Hoàng thành), vườn Cơ Hạ và một số phủ đệ ở Kim Long. Xem bảng thống kê tóm tắt các ký hiệu thuộc loại này của chúng tôi.
***
Xem hai bảng thống kê tóm tắt các loại ký tự và ký hiệu trên gạch vồ vừa dẫn, chúng ta thấy dường như hệ thống ký tự chỉ xuất hiện ở các công trình có niên đại sớm đầu triều Nguyễn, mà chủ yếu là các công trình thuộc thời Gia Long (1802-1819) hoặc đầu thời Minh Mạng (1820-1840). Đó là Hoàng thành, Tử cấm thành (xây dựng từ năm 1804), Kỳ Đài (xây dựng năm 1806), Văn Miếu (xây dựng từ năm 1808), lăng Cơ Thánh và một số lăng chúa Nguyễn (tái kiến các năm 1804-1808), Kinh thành (xây dựng từ năm 1818-1822). Còn hệ thống các ký hiệu không phải là ký tự thì lại xuất hiện ở các công trình có niên đại muộn hơn, được xây dựng hoặc tái kiến dưới các triều từ Tự Đức (1848-1883) trở về sau. ở các công trình được xây dựng từ thời Đồng Khánh (1886-1889) trở về sau, rất ít khi tìm thấy ký tự hay ký hiệu trên gạch vồ.
Hệ thống ký tự trên gạch vồ tuy phong phú nhưng tựu trung có thể xếp thành 3 loại:
- Loại ký tự gắn liền một danh từ chỉ địa danh với các số từ, trong đó danh từ đứng trước, số từ đứng sau. Trên bảng thống kê tóm tắt, thuộc loại này có Bình Thập, Bình Lục, Đức Bát, Bình Cửu, Đức Thập, Trị Bát, Nam Thập Nhị, Thừa Nhị, Lương Ngũ...
- Loại ký tự gắn liền một danh từ thuộc Thiên can (Giáp, ất, Bính, Đinh...) hoặc Địa chi (Tý, Sửu, Dần...) với các số từ, trong đó danh từ cũng đứng trước, số từ đứng sau. Trên bảng thống kê tóm tắt, thuộc loại này có đủ 22 loại ký tự gắn liền với Thiên can và Địa chi (Thập can và Thập nhị chi).
- Loại ký tự gắn liền số từ đứng trước với chữ "Đội" 隊đứng sau, như “tứ đội” 四隊, “ngũ đội” 五隊...
Theo chúng tôi thì các địa danh như Đức 徳, Bình 平, Trị 治, Thừa 承, Nam 南 là tên của các dinh, trấn (sau thành các tỉnh) Quảng Đức, Thừa Thiên (tức Quảng Đức sau năm 1822), Quảng Trị, Quảng Nam và Bình Định. Trong buổi đầu kiến thiết kinh đô, các vua Nguyễn đã triệu tập những người thợ gạch ngói từ các địa phương này về Huế. Họ được tổ chức thành các cơ, đội... nhưng vẫn theo từng địa phương. Bởi vậy, các ký hiệu trên gạch vồ mới mang dấu ấn của các vùng Quảng Nam, Quảng Đức, Quảng Trị, Bình Định. Điều này khá phù hợp với kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hữu Thông về nguồn gốc của vùng gạch ngói Ngõ Tượng - Vân Cù - Nam Thanh. Trong công trình Huế, nghề và làng nghề thủ công truyền thống, ông cho biết, trong 5 vị khai khẩn của làng Nam Thanh thì có 2 vị người Quảng Nam, 2 vị người Bình Định và 1 vị người Định Tường (9). Còn theo một thống kê khác từ bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì nhà Nguyễn đã huy động 44 người thợ gạch ngói của Thừa Thiên, Quảng Trị và 260 thợ nung gạch ngói của Quảng Nam trong mỗi phiên (từ 6 đến 12 tháng) để làm việc tại Huế (10).
Hệ thống ký tự xếp theo từng đội và theo Thiên can- Địa chi có thể  thuộc về các lò gạch của quân đội nên họ chỉ cần đánh dấu theo số thứ tự chứ không cần ghi thêm địa danh.
Hệ thống ký hiệu không phải là ký tự trên gạch vồ như đã nói, thường xuất hiện ở các công trình có niên đại từ cuối thời Tự Đức trở về sau. Sở dĩ có điều này là do quy định của triều Tự Đức. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, phần Bộ Công, quyển 48 có ghi rõ: năm Tự Đức 29 (1876), triều Nguyễn đã có chỉ dụ cấm các lò gạch ngói không được in các kí hiệu bằng chữ lên các sản phẩm gạch ngói, đề phòng người ta có thể “giày xéo lên chữ Thánh hiền”. Những công trình nào trước đó đã sử dụng loại gạch đóng kí tự để lát sân, nền nhà đều phải thay thế bằng gạch khác. Những viên gạch đã đóng ký tự thì chỉ được dùng để xây tường hoạc nóc nhà chứ tuyệt đối không được lát nền nhà, đường đi(11).
Chính vì quy định này mà các loại gạch có đóng ký tự dần dần bị thay thế và chỉ còn tồn tại trong các công trình có niên đại sớm.
 
III.Vài nhận định bước đầu
1- Như trên chúng tôi đã nhận định, mặc dù có những đặc trưng riêng của thời kỳ này, nhưng nhìn chung các chủng loại gạch ngói của thời Nguyễn vẫn thể hiện rõ tính chất kế thừa và phát triển liên tục của một loại hình vật liệu đặc hữu trong lịch sử kiến trúc của dân tộc. Điều này khiến chúng ta cần phải có một cái nhìn đầy đủ hơn và phải có sự đầu tư nghiên cứu sâu sắc, cụ thể hơn về loại hình vật liệu xây dựng hết sức quan trọng này. Bởi từ trước đến nay, với quan điểm “kiến trúc Việt là một nền kiến trúc gỗ”, chúng ta thường ít để tâm đến gạch ngói. Các kết quả nghiên cứu về gạch ngói còn quá ít và hoàn toàn chưa xứng tầm so với vai trò quan trọng của loại vật liệu bền vững này. Từ quan điểm đó chúng tôi mạnh dạn kiến nghị, Nhà nước nên có sự đầu tư xứng đáng cho các đề tài nghiên cứu khoa học về gạch ngói truyền thống.
2- Hệ thống ký hiệu trên gạch ngói thời Nguyễn nếu so sánh với hệ thống ký hiệu trên gạch ngói phát hiện được tại kinh thành Thăng Long-Hà Nội thì rõ ràng là có nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, nghiên cứu hệ thống ký hiệu này chắc chắn sẽ đưa lại nhiều gợi ý hay để so sánh tìm hiểu hệ thống ký hiệu trên gạch ngói của kinh thành Thăng Long-Hà Nội, chẳng hạn mục đích đóng ký hiệu, nội dung mà ký hiệu ấy chứa đựng, cách đóng dấu, vị trí đóng dấu...
3- Khi sử dụng hệ thống ký hiệu trên gạch ngói để thẩm định niên đại các công trình thì cần hết sức thận trọng. Bởi việc kế thừa, tái sử dụng các loại vật liệu, nhất là vật liệu bền vững như gạch, ngói trong kiến trúc truyền thống thường xảy ra rất phổ biến. Trong kiến trúc cung đình Huế, việc tháo dỡ một công trình này đến dựng thành một công trình khác hoặc sử dụng vật liệu cũ của một công trình đã bị triệt giải từ trước để xây một công trình mới là hiện tượng rất bình thường. Và chúng tôi cho rằng, hiện tượng này cũng không phải là không có trong các triều đại trước, khi kinh đô nước ta còn ở Thăng Long. Việc kế thừa và tái sử dụng vật liệu cũ ấy thực tế đã gây ra những xáo trộn rất đáng kể ở nhiều công trình kiến trúc, khiến nhiều người bị nhầm lẫn khi nhận định niên đại công trình. Dù vậy, chúng tôi vẫn cho rằng, việc nghiên cứu và giải mã được hệ thống ký hiệu trên các loại vật liệu, trong đó có gạch ngói sẽ là một công cụ rất hữu hiệu giúp chúng ta tìm hiểu bản chất của kiến trúc truyền thống.
 
Chú thích
1-Trung tâm này vẫn còn vết tích tại xóm Ngõa Tượng - một xóm nhỏ có diện tích khoảng 1ha, nằm kẹp giữa 2 làng Địa Linh và La Khê, cách Kinh thành khoảng 3km về phía đông-bắc. Xin đọc thêm Huế, nghề và làng nghề thủ công truyền thống của Nguyễn Hữu Thông, NXB Thuận Hóa, 1994, tr.143-144.
2-Từ khu vực xóm Ngõa Tượng phát triển lên làng Vân Cù rồi Nam Thanh, tạo nên một vùng sản xuất gạch ngói kéo dài mấy cây số. Đến nay, khu vực này vẫn giữ được nghề sản xuất gạch ngói nhưng quy trình sản xuất cũng như các chủng loại gạch ngói đã khác xưa rất nhiều.
3-Sách Đại Nam thực lục, phần Đệ nhất kỷ và Đệ nhị kỷ, bản dịch của Viện Sử học cho biết: năm 1809, vua Gia Long đã cho lập 25 lò gạch ngói (tập 4, tr.11), năm 1810 lập 20 lò nung gạch ngói (tập 4,tr.65), đến đầu thời Minh Mạng lại cho xây nhiều lò gạch ngói nữa ở làng Vân Cù (tập 5, tr.60).
4-Dấu tích của công xưởng sản xuất gạch ngói và đồ gốm ở lò Long Thọ đã được M.Rigaux phát hiện và công bố trong bài "Le Long Thọ - Ses poteries ancienes et mordenes", BAVH, 1917. Và đầu thập niên 1990, cuộc khai quật tổ chức ngày 20.4.1993 của khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Huế phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác nhận lại các thông tin do M.Rigaux đưa ra.
5-Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, NXb Thuận Hóa, Huế, 1993, phần bộ Hộ, tr.397.
6-Các công trình xây dựng hoặc tái xây dựng thời Khải Định, Bảo Đại như lăng Khải Định, cung An Định, lầu Kiến Trung... đều sử dụng các loại gạch ngói mới của Pháp. Tuy nhiên, mặt nền các công trình điện Thái Hòa, lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn), điện Cần Chánh... từ năm 1899 dưới thời vua Thành Thái đã được lát lại bằng gạch xi măng kẻ hoa của Pháp.
7-Các loại gạch xi măng của Pháp, trước đây nhiều người cho rằng chúng đều được sản xuất tại Pháp rồi đưa sang Việt Nam. Gần đây, theo ý kiến của ông Tsuchia Takeshi, một nhà nghiên cứu thuộc Xưởng Nghiên cứu Kiến trúc châu Á cổ của Viện Đại học Waseda (Nhật Bản) thì phần lớn các loại gạch này được sản xuất tại Sài Gòn (theo công nghệ của Pháp) rồi đưa ra Huế. Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã tổ chức một cuộc hội chợ tại Sài Gòn, các mặt hàng gạch mới này đã được đem ra triển lãm. Rất tiếc là chúng tôi chưa thẩm định lại được thông tin này.
8-Hiện nay chúng tôi đã sưu tầm được một số loại ký hiệu trên gạch Bát Tràng, gạch lưu ly, gạch xi măng và trên nhiều loại ngói. Có nhiều ký hiệu trên các loại gạch ngói này trùng với các ký hiệu trên gạch vồ và thể hiện tính tương đồng theo hệ thống. Tuy nhiên cũng có sự khác biệt về ký hiệu giữa các chủng loại gạch ngói khác nhau. 
 9-Nguyễn Hữu Thông, Sđd, tr.144.
 10-Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Sđd, phần bộ Hộ.
11-Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, bản chữ Hán của Viện Sử học, phần bộ Công, quyển 48. Hiện nay Viện Sử học và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang phối hợp để dịch và xuất bản bộ sách này.
Theo: Phan Thanh Hải
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 19.664