Lời dẫn:
Lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn là một trong những bộ phận quan trọng trong tổng thể kiến trúc kinh đô Huế - Di sản văn hóa thế giới được UNESCO tôn vinh từ năm 1993. Nói đến Huế, người ta không chỉ nghĩ đến thành trì, cung điện, đàn miếu, chùa quán mà còn nghĩ ngay đến các khu lăng tẩm rộng lớn của các vua Nguyễn, những công trình kiến trúc đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật truyền thống và sự hài hòa với tự nhiên. “Là tác phẩm của những người dân lao động và những người thợ thủ công khéo tay nhất trong nước, những hệ thống kiến trúc ấy biểu hiện những biến tấu độc đáo trên một chủ đề thống nhất. Mỗi một lăng vua, với tính cách riêng biệt của nó, là một thành tựu tuyệt mỹ của nền kiến trúc cảnh vật hóa, và mỗi lăng tẩm khêu gợi trong cảm xúc của khách tham quan một âm vang đặc biệt. Lăng Gia Long giữa một khu rừng thiên nhiên bao la gợi lên một ấn tượng hùng tráng và thanh thản; lăng Minh Mạng đầy vẻ trang nghiêm, và lăng Tự Đức gợi cho khánh du ngoạn hồn êm thơ mộng”
(Amadou Mahtar M’Bow (1981), Vì công cuộc bảo vệ, giữ gìn, tu sửa và tôn tạo di sản văn hóa của Thành phố Huế. UNESCO Press).
Là một đối tượng quan trọng như vậy nên lăng tẩm triều Nguyễn đã được không ít nhà nghiên cứu từ xưa đến nay quan tâm, tìm hiểu. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một công trình nghiên cứu tổng thể, nhìn nhận đánh giá một cách toàn diện về hệ thống kiến trúc độc đáo này. Khảo cứu dưới đây sẽ cố gắng khắc phục khiếm khuyết trên, tuy vậy, trong khuôn khổ một bài viết, tác giả chỉ cố gắng đề cập những vấn đề cơ bản và chung nhất mà thôi.
Nguồn tư liệu chính mà bài viết dựa vào chủ yếu là các tư liệu do triều Nguyễn biên soạn, gồm: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ 欽定大南會典事例 (của Nội Các 阮朝內閣), Đại Nam nhất thống chí大南一統誌, Đại Nam thực lục大南實錄, Đại Nam liệt truyện 大南列傳và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên 欽定大南會典事例續編của Quốc Sử quán 阮朝國史館), văn bia tại các khu lăng tẩm triều Nguyễn.
Ngoài ra, tác giả có tham khảo thêm các nghiên cứu của các học giả người Pháp đăng tải trên tập san của Hội Người Yêu Huế Xưa (Bulletin des Amis du Vieux Hué- BAVH), một số công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay cùng kinh nghiệm, vốn tích lũy của bản thân người viết trong quá trình tìm hiểu về lăng tẩm hoàng gia các nước Đông Á.
Bài viết gồm phần: 1-Dẫn, 2- Lịch sử xây dựng; 3-Quy thức lăng tẩm và vật liệu xây dựng; 4-Nghi thức tang lễ và thờ cúng; 5- Tương đồng và dị biệt; 6- Kết luận.
I. Lịch sử xây dựng
Ảnh hưởng sâu sắc quan niệm "sinh kí tử quy" (sống gửi, thác về), từ hàng ngàn năm trước, vua chúa Trung Hoa đã hết sức quan tâm đến việc xây dựng lăng mộ-ngôi nhà ở thế giới bên kia của họ. Các từ lăng mộ 陵墓, lăng tẩm 陵寢... đều xuất phát từ Trung Quốc. Lịch sử cũng ghi nhận từ hàng ngàn năm trước Trung Quốc đã có những ngôi lăng mộ vĩ đại, được xem là những kì quan của phương Đông cổ, như lăng Tần Thủy Hoàng, lăng của Hán Võ Đế, lăng của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên (1).vv.. Do có lịch sử lâu đời và tồn tại như một dòng kiến trúc đặc thù, lăng mộ Trung Quốc từ rất sớm đã có những quy thức riêng và ở từng thời kì lịch sử cụ thể cũng có sự khác biệt. Đây là nguyên do kiến trúc lăng mộ Trung Quốc có nhiều phong cách khác nhau, như lăng mộ thời Tần-Hán; lăng mộ thời Tam Quốc; lăng mộ thời Đường-Tống; lăng mộ thời Minh -Thanh (2).. .
Do chịu ảnh hưởng từ lâu đời của văn hóa Trung Hoa, ở Việt Nam, kiến trúc lăng mộ cũng xuất hiện sớm. Khảo sát của giáo sư Chu Quang Trứ cho thấy, từ thời Ngô Quyền đã chú ý đến việc xây cất lăng mộ, còn lăng của các vua Trần ở Thái Bình thì đã được xây dựng với quy mô khá lớn. Ở các triều đại tiếp theo, lăng tẩm của vua chúa, hậu phi cũng luôn được xây dựng công phu, nhất là lăng tẩm của vua Lê ở vùng Lam Kinh, Thanh Hóa (3). Tuy nhiên, phải đến thời Nguyễn (1802-1945), kiến trúc lăng mộ mới trở thành một dòng riêng và đạt đến những thành tựu độc đáo.
Thực ra từ trước đó, thời các chúa Nguyễn (1558-1775), đặc biệt là ở giai đoạn cuối, cùng với việc kiến thiết Huế trở thành Kinh đô của vương quốc Đàng Trong, vấn đề quy hoạch vị trí các lăng tẩm cho các chúa và phi đã được giải quyết khá hoàn chỉnh. Quan sát kỹ khu vực Huế trên Bình Nam Đồ 平南圖của Bùi Thế Đạt vẽ năm Gíap Ngọ (1774), chúng ta có thể thấy rõ điều này. Khi ấy, Đô thành Phú Xuân đã được xây dựng ở bờ bắc sông Hương (bên trong Kinh thành hiện nay), xây mặt về hướng nam; các khu buôn bán và cảng thị Thanh Hà nằm ở phía đông, phía hạ lưu sông Hương; còn đàn miếu của hoàng triều cùng lăng mộ các chúa và phi đều được bố trí ở phía tây và tây-nam, trên thượng nguồn sông Hương (4). Nghĩa là quy hoạch đô thị Huế lúc ấy đã gần tương tự như dưới thời Nguyễn. Tuy nhiên, về mặt quy mô, lăng mộ của các chúa ở thời kì này chưa thể so sánh với lăng tẩm các vua Nguyễn sau đó. Đáng tiếc là hầu hết các lăng mộ chúa Nguyễn đều bị tàn phá dưới thời Tây Sơn và được tái cấu trúc lại dưới thời vua Nguyễn nên rất khó có thể đưa ra các nhận xét cụ thể hơn. Nhưng kết quả khảo sát các lăng mộ này vẫn đủ để chúng tôi khẳng định rằng, từ thời các chúa Nguyễn, ứng dụng phong thủy trong việc xây dựng lăng mộ đã được rất chú ý.
Sau khi sáng lập ra triều Nguyễn, chính trên cơ đồ mà tổ tiên đã dày công xây đắp, vua Gia Long (1802-1820) đã cho xây dựng kinh đô Huế với quy hoạch gần tương tự như thời kỳ đô thành Phú Xuân của các chúa, nhưng quy mô lớn hơn rất nhiều.
Đối với việc kiến trúc lăng mộ, sau khi cho xây dựng lại hệ thống lăng các chúa và phi bị tàn phá trong thời Tây Sơn (5), vua Gia Long đã tự chọn đất để xây dựng cho mình một “ngôi nhà vĩnh cửu” ở trong khu vực mà tổ tiên ông đã chọn làm nơi yên nghỉ cho họ Nguyễn, gọi là Thiên Thọ lăng 天授陵, bắt đầu từ năm 1814 và hoàn thành năm 1820. Khu lăng này về sau phát triển rộng ra, trở thành một quần thể với 7 khu lăng mộ khác nhau (6), rộng đến 2.875ha, chủ yếu thuộc đất làng Định Môn, huyện Hương Trà, cách trung tâm Kinh thành gần 16 km. Đây cũng là vị trí xa nhất, vị trí tận cùng ở phía tây nam Kinh thành. Các vua Nguyễn về sau đều chọn các địa điểm gần Kinh thành hơn và đều nằm hai bên bờ sông Hương.
Có thể nói rằng, vua Gia Long là người sáng lập ra triều Nguyễn, là người cho xây dựng Kinh thành Huế và đặt một số cơ sở đầu tiên cho các quy thức về kiến trúc lăng mộ. Tuy nhiên, những quy thức, định chế ấy về cơ bản là do vua Minh Mạng đặt ra và chúng tiếp tục được bổ sung bởi các vua Nguyễn đời sau.
Năm 1840, vua Minh mạng bắt đầu cho khởi công xây dựng Hiếu Lăng 孝陵 cho chính mình sau 14 năm đi tìm kiếm vùng đất tốt, tại núi Cẩm Kê 錦雞山cạnh ngả ba Bằng Lãng. Tuy nhiên, việc xây cất mới bắt đầu thì nhà vua đột ngột băng hà. Vua Thiệu Trị (1841-1847) tiếp tục xây dựng khu lăng tẩm này. Hiếu Lăng được xây dựng chủ yếu từ năm 1840-1843, sau còn được hoàn chỉnh thêm. Tổng thể Hiếu lăng theo quy hoạch, rộng gần 500ha.
Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà sau 7 năm trị vì, vị hoàng đế kế vị là vua Tự Đức đã chọn vùng đất ở xã Cư Chánh, huyện Hương Thủy để xây dựng Xương lăng 昌陵cho cha mình. Công việc xây lăng chủ yếu thực hiện trong năm 1848, sau có bổ sung thêm. Tổng thể lăng vua Thiệu Trị, bao gồm cả Hiếu Đông lăng 孝東陵 (lăng của bà Hồ Thị Hoa, thân mẫu nhà vua, được xây dựng từ trước, tôn tạo thêm trong các năm 1841-1843) có quy mô 475ha.
Từ năm 1864-1867, sau khi chọn được vùng đất “vạn niên cát địa” ở làng Dương Xuân, cách Kinh thành khoảng 7km, vua Tự Đức cho xây dựng Khiêm Cung 謙宮, chuẩn bị ngôi nhà vĩnh hằng cho chính mình. Khiêm Cung tồn tại như một ly cung từ năm 1867-1883, rồi mới trở thành Khiêm Lăng 謙陵 sau khi nhà vua băng hà và được an táng tại đây. Năm 1884, triều Nguyễn xây thêm Bồi Lăng 陪陵 trong phạm vi Khiêm Lăng để an táng vua Kiến Phúc (vị vua này vốn là con nuôi của vua Tự Đức và chỉ tại vị trong 4 tháng); năm 1902, lại xây thêm Khiêm Thọ Lăng 謙壽陵để an táng bà Lệ Thiên Anh hoàng hậu Võ Thị Duyên (chính thất của vua Tự Đức). Như vậy, khu lăng Tự Đức có đến 3 khu lăng tẩm khác nhau. Nếu tính chung cả khu vực lăng vua Đồng Khánh thì tổng diện tích toàn khu vực này cũng gần 500 ha.
Lăng vua Dục Đức, tên chữ là An Lăng 安陵, được vua Thành Thái (con trai nhà vua) cho xây dựng vào năm 1890 dưới chân núi Ngự Bình; sau đó bổ sung một số công trình vào năm 1899. Đây là lăng mộ được xây dựng đơn giản nhất, quy mô chỉ có 3.445m2. Về sau, người ta an táng thêm vua Thành Thái (vào năm 1954) và vua Duy Tân (cải táng năm 1987). Khu lăng mộ này không chỉ an táng 3 vị vua (cũng là ba thế hệ tiếp nối ông-cha-con) mà còn có nhiều thành viên trong gia đình. Khu lăng này chỉ cách Kinh thành 3km về phía nam.
Lăng vua Đồng Khánh, tên chữ là Tư Lăng 思陵, được xây dựng từ năm 1889, sau khi vị vua này băng hà, tuy nhiên điện thờ chính thì sử dụng luôn điện Truy Tư追思殿 vốn là điện thờ thân phụ nhà vua-ông Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai) làm tẩm điện, (đổi tên là điện Ngưng Hy凝禧殿). Thời vua Khải Định (1916-1925), triều đình cho xây dựng lại phần lăng mộ bằng các vật liệu mới, chủ yếu trong các năm 1916-1917. Đây là khu lăng mộ nằm kế bên lăng vua Tự Đức và vẫn được xem là cùng khu vực bảo vệ của khu lăng này.
Lăng vua Khải Định, tên chữ là Ứng Lăng 應陵, ở vùng Châu Ê, được chính nhà vua chọn đất và cho khởi công xây dựng từ năm 1920. Sau khi vua băng hà và được an táng vào năm 1925, công trình được tiếp tục xây dựng đến năm 1931 mới hoàn thành. Đây là khu lăng được xây dựng muộn nhất nhưng cũng có thời gian lâu nhất của triều Nguyễn.
Về quy trình xây dựng các lăng tẩm, do thiếu tư liệu nên chưa rõ thời chúa Nguyễn được tiến hành ra sao, còn quy trình xây dựng lăng tẩm thời Nguyễn thì khá đồng nhất, bao gồm các công đoạn sau:
- Tìm đất: Đây là công việc hết sức hệ trọng, tư liệu cho thấy hầu hết các lăng đều được chọn lựa vị trí rất công phu. Triều Nguyễn gọi đây là cuộc đất Vạn niên cát địa 萬年吉地, nên dốc rất nhiều sức lực để kiếm tìm. Các thầy địa lý, quan lại đại thần giỏi về phong thủy đều được huy động tham gia công việc này. Lăng vua Gia Long do Lê Duy Thanh黎維清, con trai của Lê Quý Đôn 黎貴惇tìm ra; lăng vua Minh Mạng thì do đại thần Lê Văn Đức 黎文德tìm ra sau 14 năm tìm kiếm! Qúa trình tìm kiếm khu đất Vạn niên cát địa đều được tường thuật rõ trong văn bia Thánh đức thần công 聖德神功碑 dựng tại các lăng. Sau khi chọn được đất quý, đích thân hoàng đế sẽ xem xét, quyết định phê duyệt, đổi tên đất, tên núi cho phù hợp (7).
- Vẽ bản đồ địa cuộc, xác định vị trí đặt huyệt, quy hoạch các khu vực. Công việc này phần lớn do đích thân hoàng đế quyết định và bộ Công là cơ quan triển khai (trừ lăng vua Thiệu Trị, Dục Đức và Đồng Khánh do họ đột ngột băng hà).
- Tiến hành xây dựng, bao gồm cả khâu chuẩn bị và chuyên chở vật liệu xây cất. Các vật liệu chính là gỗ, tre, gạch đá, ngói lợp, gốm sứ… Và chủ yếu được vận chuyển theo đường sông Hương để lên các khu lăng. Việc xây lăng bao giờ cũng huy động tài lực của cả quốc gia, tập trung các vật liệu tốt, thợ khéo từ các địa phương (như đá Thanh Hóa, gạch Bát Tràng, gỗ lim Thanh-Nghệ… Thời Khải Định, triều đình còn nhập khẩu gốm sứ, ngói lợp từ châu Âu về). Lễ khởi công được xem là thời điểm xây dựng lăng.
Người ta thường xây khu tẩm điện (phục vụ nghỉ ngơi, thờ cúng) trước, sau khi nhà vua băng hà mới xây Huyền cung, an táng và hoàn chỉnh các công trình ở khu vực lăng như nhà bia, tượng người, voi, ngựa. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhà vua băng hà đột ngột thì triều đình cho xây phần Huyền cung trước, sau đó mới hoàn chỉnh các phần khác.
- Sau khi hoàn thành, triều đình tổ chức lễ tạ Sơn thần/Thổ thần (mỗi khu lăng đều có miếu thờ Sơn thần, vị thần được giao nhiệm vụ trông giữ khu vực lăng tẩm)
Nhìn chung các khu lăng tẩm thời Nguyễn đều được xây dựng trong thời gian khá dài, lăng Gia Long 6 năm (1814-1820), lăng Minh Mạng 4 năm (1840-1843), lăng Tự Đức 4 năm (1864-1867), lăng Khải Định 11 năm (1920-1931)... và còn được bổ sung, tu bổ trong nhiều giai đoạn khác nhau.
Như vậy, các lăng tẩm của triều Nguyễn tại Huế được xây dựng trong hơn 100 năm, chủ yếu từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 (chưa kể các lăng tẩm của chúa Nguyễn được xây dựng từ thế kỷ 18). Đây là giai đoạn đỉnh cao cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam, cũng là giai đoạn tiếp thu mạnh mẽ những yếu tố văn minh bên ngoài, nhất là văn minh phương Tây. Chính vì vậy, quy thức lăng mộ cũng mang nhiều đặc điểm độc đáo, vừa kế thừa những yếu tố truyền thống, vừa có những điểm mới lạ do tiếp thu các yếu tố văn hóa ngoại lai.
II. Quy thức lăng tẩm và vật liệu xây dựng
II.1. Tên gọi
- Danh xưng chung: Có một chi tiết lịch sử thời Nguyễn mà một số nhà nghiên cứu thường nhắc tới, khi luận tội đại thần Lê Văn Duyệt, quần thần triều Minh Mạng đã gán cho ông tội “khi quân” vì đã dám “tiếm gọi mộ tiên nhân (mẹ) là lăng”. Điều đó chứng tỏ quy chế về cách dùng danh xưng chung chỉ lăng mộ thời kỳ này đã rất chặt chẽ. Chỉ có mộ của hoàng đế, hoàng hậu mới được gọi là lăng 陵hay sơn lăng山陵. Mộ của thân vương, phi, tần chỉ được gọi là tẩm寢, còn của thần dân, không phân biệt giàu nghèo đều gọi là mộ墓 (😎. Xem sách Đại Nam nhất thống chí, có thể thấy rõ, toàn bộ phần viết về lăng mộ các hoàng đế, hoàng hậu triều Nguyễn đều xếp chung trong phần Sơn lăng 山陵. Còn bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì dành hẳn một quyển Lăng tẩm陵寢 (quyển 216) với 5 nội dung : Quy Chế, Lệnh Cấm, Xây Dựng, Quy Thức Viên Tẩm và Cây Trồng, để bàn về vấn đề này. Thời Tự Đức trở về sau, bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, có bổ sung thêm các quy định về viên tẩm, sinh phần, mộ cho các đối tượng là thân vương, quan lại.
Thực ra, quy chế về danh xưng lăng mộ đã có từ rất lâu đời và nó có nguồn gốc trực tiếp từ Trung Hoa. Theo Từ Nguyên từ điển: “ Thời Tần gọi mộ Thiên tử là Sơn山, từ thời Hán về sau mới gọi là Lăng陵”, các chữ Sơn lăng山陵, Thọ lăng壽陵, Lăng viên 陵園, Lăng tẩm 陵寢..cũng có nguồn gốc từ đó. Đến thời Minh-Thanh, các quy chế về lăng mộ của Trung hoa đã rất hoàn chỉnh. Các quy chế lăng mộ của triều Nguyễn đều tham khảo từ hệ thống quy chế này, dĩ nhiên cũng đã có những sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh nước ta.
- Tên gọi riêng
Ngày nay chúng ta vẫn quen gọi lăng mộ vua chúa, hậu phi thời Nguyễn kèm theo niên hiệu, miếu hiệu, thậm chí cả theo tên huý của họ, như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Thuận Thiên, lăng Từ Dũ, lăng Nguyễn Hoàng .vv.. . Thực ra, hầu hết các lăng này đều được đặt tên. Sách Đại Nam nhất thống chí (bản Duy Tân năm thứ 9) kê ra đến 30 lăng có tên gọi riêng. Thời chúa Nguyễn có 19 lăng là các lăng : Trường Cơ 長基, Vĩnh Cơ永基 của chúa Nguyễn Hoàng và Hoàng hậu (9); Trường Diễn長衍, Vĩnh Diễn永衍 của chúa Nguyễn Phúc Nguyên và Hoàng hậu; Trường Diên長延, Vĩnh Diên 永延của chúa Nguyễn Phúc Lan và Hoàng hậu; Trường Hưng長興, Vĩnh Hưng永興, Quang Hưng 光興của chúa Nguyễn Phúc Tần và hai Hoàng hậu; Trường Mậu長茂, Vĩnh Mậu 永茂của chúa Nguyễn Phúc Thái và Hoàng hậu; Trường Thanh長清, Vĩnh Thanh 永清của chúa Nguyễn Phúc Chu và Hoàng hậu; Trường Phong長豐, Vĩnh Phong 永豐của chúa Nguyễn Phúc Thụ (Trú) và Hoàng hậu; Trường Thái長泰, Vĩnh Thái 永泰của chúa Nguyễn Phúc Khoát và Hoàng hậu; Trường Thiệu長紹 của chúa Nguyễn Phúc Thuần và lăng Cơ Thánh 基聖của thân sinh vua Gia Long - ông Nguyễn Phúc Luân.
Thời vua Nguyễn có 15 lăng có tên gọi riêng là : lăng Thoại (Thụy) Thánh 瑞聖陵của thân mẫu vua Gia Long; lăng Thiên Thọ (Thụ) 天授陵của vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu; lăng Thiên Thọ Hữu天授右 của bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu; lăng Hiếu 孝陵của vua Minh Mạng; lăng Hiếu Đông 孝東陵của bà Tá Thiên Nhân hoàng hậu; lăng Xương 昌陵của vua Thiệu Trị; lăng Xương Thọ昌壽陵 của bà Nghi Thiên Chương hoàng hậu; lăng Khiêm 謙陵của vua Tự Đức; lăng Khiêm Thọ 謙壽陵của bà Lệ Thiên Anh hoàng hậu; lăng An 安陵của vua Dục Đức; lăng Bồi 培陵của vua Kiến Phúc; lăng Tư 思陵của vua Đồng Khánh; lăng Tư Minh 思明陵của bà Phụ Thiên Thuần hoàng hậu (tức bà Thánh Cung Nguyễn Thị Nhàn); lăng Tư Thông 思聰陵của bà Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu (tức bà Tiên Cung Dương Thị Thục) và lăng Ứng 應陵của vua Khải Định (10).
Về cách đặt tên riêng cho từng lăng của thời Nguyễn cũng thể hiện rất phức tạp. Các lăng thời chúa Nguyễn đều bắt đầu bằng chữ TRƯỜNG 長- dành cho chúa và chữ VĨNH 永- dành cho bà phi vợ chúa. Đây là cách thức đặt tên khá phổ biến của lăng mộ đế vương Trung Hoa. Nhưng từ các hoàng đế triều Nguyễn thì dường như không hoàn toàn theo một quy tắc chung nào cả, dù thực chất tên các lăng thời chúa đều được đặt dưới thời vua Nguyễn (năm Gia Long thứ 7-1808).
Cách đặt tên lăng thời các vua Nguyễn có lẽ chịu ảnh hưởng nhiều của cách đặt tên lăng thời Minh. Vua Gia Long chọn cho "ngôi nhà vĩnh cửu" của mình cái tên Thiên Thọ, đặt ngay trên ngọn núi cùng tên - đây cũng là tên cụm núi chính của quần thể "Thập Tam lăng 明十三陵" thời Minh. Tuy nhiên, thời Minh lại khởi đầu bằng Hiếu lăng 孝陵của người sáng lập ra triều đại - Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương - ở phía nam thành Phụng Dương, tỉnh An Huy (gần Nam Kinh); mười ba lăng còn lại, bắt đầu bằng Trường Lăng長陵 đều quy tập tại Bắc Kinh trong cụm "Thập Tam lăng". Theo chúng tôi, rất có thể vua Gia Long đã có ý đồ quy hoạch toàn bộ khu vực rộng lớn quanh Thiên Thọ Sơn 天授山làm nơi xây dựng lăng tẩm cho dòng họ Nguyễn, nhưng ý đồ này đã không được các vua Nguyễn về sau thực hiện.
Triều Nguyễn, sau Thiên Thọ lăng mới đến Hiếu lăng, rồi các lăng Xương, Khiêm, Bồi, Tư, An, Ứng. Từ tên gọi đến thứ tự cách đặt tên đều không rập khuôn bất cứ triều đại nào của Trung Hoa. Sự khác nhau nổi bật về tên gọi các lăng hoàng đế Nguyễn từ thời Gia Long trở về trước và từ thời Minh Mạng trở về sau là tên kép (Trường Cơ, Trường Thanh, Thiên Thọ...) và tên đơn (Hiếu, Xương, Khiêm, Bồi..), còn về tên lăng hoàng hậu thì không có gì khác biệt, đều dùng tên kép (Vĩnh Cơ, Vĩnh Thanh, Thiên Thọ Hữu, Hiếu Đông...). Tuy nhiên về cách bố trí và đặt tên lăng các hoàng hậu triều Nguyễn, từ Gia Long trở về sau cũng có sự thay đổi đáng chú ý: Nếu lăng vua Gia Long gọi là Thiên Thọ Lăng và lăng Hoàng hậu Thuận Thiên được đặt ở bên hữu (phía tây) lăng này, gọi là Thiên Thọ Hữu Lăng thì lăng Hoàng hậu của vua Minh Mạng lại được đặt ở bên tả (phía đông, dù ở cách khá xa) của Hiếu Lăng và được gọi là Hiếu Đông Lăng. Việc thay đổi này là sự điều chỉnh theo quy chế lăng thời Thanh.
Về thời gian đặt tên, trừ trường hợp lăng các chúa và phi mãi đến thời Gia Long mới được truy tôn, còn hầu hết các lăng hoàng đế, hoàng hậu triều Nguyễn, ngay sau khi lăng được xây dựng, triều thần sẽ họp bàn và dâng tên hiệu để vua chọn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đặc biệt như Khiêm lăng của vua Tự Đức, sau khi xây dựng gần 16 năm vẫn mang tên là Khiêm cung do chủ nhân của nó vẫn còn tại thế.
II.2. Quy mô, cấu trúc và vật liệu xây dựng
Triều Nguyễn có quy định khá cụ thể về quy mô, cấu trúc các loại hình lăng tẩm của hoàng gia. Về cơ bản, có thể chia thành 3 loại: 1-Lăng các chúa Nguyễn và phi (11); 2-Lăng các vua Nguyễn và hoàng hậu; 3- Tẩm của các thành viên khác thuộc hoàng gia (hoàng tử, công chúa, thân vương, thân công, phi, tần, tiệp dư..). Dưới đây tôi sẽ đề cập cụ thể về quy mô, cấu trúc của từng loại hình.
II.2.1 Lăng các chúa Nguyễn
Do cùng được xây dựng lại dưới đầu triều Nguyễn nên quy mô, cấu trúc lăng các chúa Nguyễn và phi về cơ bản tương tự như nhau. Các lăng này đều phân bố ở phía tây, tây nam Kinh thành, dọc hai bờ sông Hương. Mỗi lăng đều có 2 lớp tường thành hình chữ nhật bao bọc, xây bằng đá núi, gạch vồ; trước mặt và sau lưng đều có bình phong xây gạch đá che chắn; bình phong sau bao giờ cũng gắn liền với lớp thành ngoài; bình phong trước thì dựng độc lập. Nấm mộ (gọi là Bảo phong) xây hình khối chữ nhật, giật 2-3 cấp; trước mặt Bảo phong có án bằng đá hoặc xây gạch. Tại các khu lăng thời chúa Nguyễn không thấy có công trình kiến trúc gỗ.
Kích thước cụ thể của các lăng chúa Nguyễn như sau:
- Lăng Trường Cơ: tức lăng Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế-Nguyễn Hoàng 阮黃 (1525-1613). Lăng thuộc địa phận “xã La Khê, huyện Hương Trà” (12), nay là làng La Khê, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà. Nguyên trước “lăng ở núi Thạch Hàn, huyện Vũ Xương”, tỉnh Quảng Trị, về sau mới dời đến vị trí này. Lăng nằm bên tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông chừng 300m, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km đường chim bay về phía tây-nam. Lăng xoay mặt về hướng chính bắc. Lăng có hai vòng thành hình chữ nhật bao bọc. Vòng ngoài xây bằng đá bazan, phần mũ tường xây bằng gạch vồ. Chu vi :”36 trượng 9 thước 2 tấc” (13) (đo trên thực tế là 156,5m-sau đây các số liệu trong ngoặc đều là số đo thực tế của chúng tôi-PTH), thành “cao 6 thước 3 tấc” (260cm). Vòng trong xây hoàn toàn bằng gạch vồ, chu vi “16 trượng 4 thước 2 tấc”(69,5m), thành “cao 5 thước” (205cm). Mộ được xây bằng gạch vồ và vôi vữa. Mộ thấp, phẳng, xây làm 2 tầng, hình khối chữ nhật. Từ trên xuống: Tầng 1: rộng 172cm, dài 248cm,cao 25cm. Tầng 2: rộng 222cm, dài 303cm, cao 30cm. Trước mộ xây một hương án chân quỳ, cao 90cm, rộng 110cm, dài 214cm. Lăng trổ một cửa phía trước, sau cửa xây một bình phong, mặt trước bình phong trang trí long mã ghép sành sứ. Sau lưng mộ cũng có bình phong trang trí rồng.
-Lăng Trường Diễn: tức lăng của Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng Đế-Nguyễn Phúc Nguyên 阮福源(1563-1635). Ở địa phận “núi xã Hải Cát, huyện Hương Trà”, nay là thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà. Trước kia lăng ở Sơn Phận, huyện Quảng Điền, sau mới dời về đây. Lăng nằm ở phía tả ngạn sông Hương, cách bờ sông khoảng 350m, cách trung tâm thành phố Huế 6km đường chim bay về phía tây nam. Lăng xoay về phía nam. Lăng cũng gồm hai vòng tường thành, mô thức và vật liệu xây dựng tương tự như lăng Trường Cơ, nhưng vòng thành trong cũng xây bằng đá bazan, phần mũ xây gạch vồ. Vòng ngoài “chu vi 28 trượng 4 thước 2 tấc” (120,5m), “cao 6 thước 3 tấc”(250cm). Vòng trong “chu vi 15 trượng 7 thước 6 tấc”(66,9m), thành “cao 5 thước”(202cm). Mộ cũng được xây 2 bậc, kiểu thức tựa như mộ lăng Trường Cơ. Tầng 1: rộng 210cm, dài 322cm, cao 17cm. Tầng 2: rộng 259cm, dài 372cm, cao 23cm. Hương án trước mộ xây thấp. Bình phong hiện không còn thấy trang trí.
-Lăng Trường Diên: tức lăng của Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàn Đế Nguyễn Phúc Lan 阮福蘭(1601-1648). Ở địa phận “núi An Bằng, phủ Thừa Thiên”, nay thuộc thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà. Lăng nằm bên tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông gần 2km, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 11km đường chim bay về phía tây nam. Lăng xoay mặt về hướng bắc. Kiểu thức xây dựng lăng mộ tương tự như hai lăng trên. Vòng ngoài “chu vi 29 trượng 3 thước 4 tấc”(124,5m), thành “cao 6 thước 3 tấc” (251cm). Vòng trong “chu vi 16 trượng 1thước”(68,3m). Thành “cao 5 thước” (198cm). Mộ 2 tầng: Tầng 1 rộng 170cm, dài 214cm, cao 27cm. Tầng 2: rộng 187cm, dài 310cm, cao 23cm.
-Lăng Trường Hưng: tức lăng của Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng Đế Nguyễn Phúc Tần 阮福秦(1620-1687), dân gian quen gọi là lăng Chín Chậu. Lăng thuộc địa phận “núi xã Hải Cát, phủ Thừa Thiên”, nay là thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, nằm ở tả ngạn sông Hương, cách bờ sông khoảng 800m, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km về phía tây nam. Lăng xoay mặt về hướng đông bắc. Lăng Trường Hưng mới được Nguyễn Phúc Tộc trùng tu năm 1996. Trong đợt trùng tu này có dựng thêm bia mộ bằng đá. Mặt trước bia đề dòng chữ Hán: “Thái Tông Hiếu Triết Trường Hưng Lăng 太宗孝哲長興陵”. Mặt sau có khắc tiểu sử và công trạng của chúa Nguyễn Phúc Tần bằng tiếng Việt. Mộ gồm 2 tầng, kiểu thức tương tự các lăng trên, nhưng trong đợt trùng tu vừa qua có làm 1 tầng dưới khá rộng. Tầng 1: rộng 193cm, dài 271cm, cao 22cm. Tầng 2: rộng 241cm, dài 326cm, cao 18cm. Tầng 3: rộng 345cm, dài 433cm, cao 7cm. Hai vòng thành bao quanh mộ có kiểu thức xây dựng tương tự các lăng vừa mô tả. Vòng ngoài “chu vi 25 trượng 9 thước 6 tấc” (210m), thành “cao 6 thước 3 tấc” (257cm). Vòng trong “chu vi 12 trượng 4 thước 3 tấc” (52,8m), thành “cao 5 thước” (197cm). Phía trước lăng, bên ngoài hai vòng thành có một khoảng sân nhỏ. Trên sân có xây 10 chiếc chậu để trồng hoa và cây cảnh (vốn xưa chỉ có 9 chiếc nên dân gian mới gọi là lăng Chín Chậu). Phía trước còn có hệ thống bậc cấp đi lên sân gồm 7 bậc. Bậc cấp này mới được tu sửa lại.
-Lăng Trường Mậu: tức lăng của Anh Tôn Hiếu Nghĩa Hoàng Đế Nguyễn Phúc Thái 阮福泰(1650-1691). Lăng thuộc địa phận “núi Kim Ngọc, huyện Hương Trà”, nay thuộc thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, nằm ở phía tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông chừng 1,5km, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 11km đường chim bay về phía tây nam. Lăng nằm trên một quả đồi cao, xoay mặt về hướng bắc, trước mặt lăng có hồ rộng. Cả lăng và mộ đều có kiểu thức xây dựng tương tự các lăng mộ trên. Nghĩa lăng có 2 vòng thành bao bọc, mộ phẳng, thấp, chia làm 2 tầng. Vòng ngoài “chu vi 28 trượng 7 thước 2 tấc”(121,7m), thành “cao 6 thước 3 tấc” (250cm). Vòng trong “chu vi 15 trượng 8 thước 6 tấc” (67m), thành “cao 5 thước” (198cm). Mộ 2 tầng chữ nhật: Tầng 1: rộng 275cm, dài 350cm, cao 23cm. Tầng 2: rộng 534cm, dài 650cm, cao 18cm. Phía trước mộ có xây hương án, sau cổng có bình phong long mã tương tự các lăng trên.
-Lăng Trường Thanh: tức lăng của Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chu 阮福周(1675-1725). Lăng thuộc địa phận “núi Kim Ngọc, huyện Hương Trà”, nay thuộc thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, nằm ở tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông 800m, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10,5km đường chim bay về hướng tây nam. Lăng nằm trên đồi cao, xoay mặt về hướng đông nam, trước mặt là đồng ruộng. Kiểu thức lăng mộ tương tự các lăng mộ trên. Vòng thành ngoài của lăng “chu vi 28 trượng 4 thước 2 tấc”(120,5m), thành “cao 5 thước”(196cm). Vòng thành trong “chu vi 16 trượng 6 tấc”(70,3m), thành “cao 5 thước” (205cm). Mộ: Tầng 1: rộng 136cm, dài 212cm, cao 22cm. Tầng 2: rộng 193cm, dài 258cm, cao 27cm. Bình phong và hương án của lăng vẫn còn khá nguyên vẹn và rất đẹp.
-Lăng Trường Phong: tức lăng của Túc Tôn Hiếu Ninh Hoàng Đế Nguyễn Phúc Chú (Thụ) 阮福寿(1697-1738). Lăng ở “núi Định Môn, huyện Hương Trà”, nay thuộc làng Định Môn, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, ở tả ngạn dòng Tả Trạch, bên cạnh khe Trường Phong, cách bờ sông gần 2km, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12km về phía nam. Lăng xoay mặt về hướng chính bắc. Mô thức xây dựng lăng tương tự các lăng chúa khác. Vòng ngoài “chu vi 28 trượng 2 thước”(121m), thành “cao 6 thước 3 tấc” (253cm). Vòng thành trong “chu vi 15 trượng 3 thước 2 tấc” (66,5m), thành “cao 5 tấc” (202cm). Mộ: Tầng 1: rộng 145cm, dài 251cm, cao 20cm. Tầng 2: rộng 210cm, dài 271cm, cao 22cm. Trước mặt lăng có một chiếc sân hình chữ nhật (7,5mx28m) và có hệ thống 18 bậc cấp để lên sân.
-Lăng Trường Thái: tức lăng của Thế Tôn Hiếu Vũ Hoàng Đế Nguyễn Phúc Khoát阮福闊 (1714-1765). Lăng ở “núi La Khê, huyện Hương Trà”, nay là làng La Khê, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, nằm ở tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông khoảng 500m, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10,5km đường chim bay về hướng tây nam. Lăng cũng nằm trên một quả đồi cao, xoay về hướng chính bắc, trước mặt là đồng ruộng. Mô thức xây dựng lăng không khác gì các lăng trên. Vòng thành bao bọc bên ngoài “chu vi 29 trượng 9 thước 2 tấc” (126,8m), thành “cao 6 thước 3 tấc” (253cm). Vòng trong “chu vi 14 trượng 4 thước 2 tấc” (61,2m), thành “cao 5 thước” (145cm). Hai tầng mộ: Tầng 1 rộng 250cm, dài 325cm, cao 28cm. Tầng 2 rộng 510cm, dài 610cm, cao 20cm. Bình phong trước mộ trang trí hai mặt, phía trước là con long mã, phía sau trang trí rồng, hiện còn khá nguyên vẹn và rất đẹp.
-Lăng Trường Thiệu: tức lăng của Duệ Tôn Hiếu Định Hoàng Đế Nguyễn Phúc Thuần 阮福淳(1754-1777). Lăng thuộc địa phận “núi La Khê, huyện Hương Trà”, nay thuộc làng La Khê, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà. Trước kia lăng ở “địa phận huyện Bình Dương đất Gia Định, năm Gia Long thứ 8, rước về để ở đấy”. Lăng nằm ở tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông chừng 400m, rất gần lăng Trường Cơ. Lăng xoay về hướng tây bắc. Kiểu thức xây dựng lăng mộ cũng tương tự như các lăng chúa khác. Vòng thành bao bọc bên ngoài lăng “chu vi 29 trượng 6 thước 6 tấc”(117,2m), thành “cao 6 thước 3 tấc” (251cm). Vòng thành trong “chu vi 15 trượng 2 tấc” (64,4m), thành “cao 5 thước” (chỗ cao nhất chỉ là 190cm). Mộ lăng Trường Thiệu cùng gồm 2 tầng. Tầng 1 rộng 190cm, dài 233cm, cao 28cm. Tầng 2 rộng 250cm, dài 305cm, cao 35cm.
- Lăng Cơ Thánh 基聖陵: Tức lăng của Hưng tổ Hiếu Khang Hoàng Đế Nguyễn Phúc Luân (Côn) 阮福淪, thân phụ của vua Gia Long. Lăng thuộc địa phận núi Hưng Nghiệp興業山, thôn Cư Chính, huyện Hương Thủy, gần bờ sông Hương. Lăng này nguyên đã bị nhà Tây Sơn cho đào phá năm 1790, được xây dựng lại đầu thời Gia Long. Về cơ bản, cấu trúc lăng cũng như lăng các chúa Nguyễn, những trước mặt có bình phong lớn, sau đó là 3 tầng sân bái đình lát gạch Bát Tràng. Bảo thành chỉ có một lớp, hình chữ nhật (23,6m x 18,7m, cao 3,15m). Bảo phong hình khối chữ nhật, giật cấp 3 lớp (Tầng thứ nhất: dài 3,45m, rộng 3,1m, cao 0,12m; tầng thứ hai: dài 2,86m, rộng 2,5m, cao 0,28m; tầng trên cùng: dài 2,20m, rộng 1,96m, cao 0,34m). Trước sau Bảo thành có bình phong, trang trí rồng, lân rất sinh động. Nguyên xưa hai bên đông tây lăng còn có điện Canh Y 更衣殿下 và Thần Khố 神庫, đều 3 gian, nay không còn.
Nhận xét
- Nhìn chung về mặt quy mô và kiểu thức xây dựng, hệ thống lăng mộ các chúa Nguyễn đều tương tự như nhau. Mỗi lăng mộ đều có hai vòng thành hình chữ nhật bao bọc, vòng ngoài xây bằng đá bazan nhưng phần mũ thành xây bằng gạch vồ, vòng trong xây hoàn toàn bằng gạch (trừ lăng Trường Diễn). Chiều cao của các vòng thành tương ứng đều như nhau (dù hiện tại trên thực tế không hẳn như vậy). Phần mộ đều xây thấp, phẳng với 2 tầng, xây theo lối giật cấp. Trước mộ có hương án, sau cổng có bình phong trang trí long mã và rồng. Sau lưng mộ cũng có bình phong trang trí rồng cùng kiểu, ghép nổi mành sành sứ hoặc đắp nổi vôi vữa. Sự giống nhau này cũng rất dễ hiểu vì tất cả các lăng trên đều được tái xây dựng và tu bổ trong các thời điểm gần tương tự như nhau (Trùng kiến đầu thời Gia Long [trong 2 năm 1808-1809], tu sửa năm Minh Mạng 21 [1840] và đầu thời Thiệu Trị [1841]).
- Tuy quy mô nhỏ hơn, cách thức xây dựng cũng đơn giản hơn nhiều so với lăng các vua Nguyễn về sau, nhưng lăng mộ các chúa đều có vị trí rất lý tưởng và hoàn toàn tuân thủ các quy tắc về phong thủy địa lý. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua những đặc điểm chung của chúng dưới đây:
+Các lăng mộ đều tọa lạc trên đồi cao, có núi dựa lưng, trước mặt đều có hồ nước, khe suối hoặc đồng ruộng làm “tụ thủy”. “Minh đường” của lăng thoáng rộng và có bình phong là núi tự nhiên che chắn. Hai bên đều có núi chầu về làm thế “tay ngai” (Tả Long, Hữu Hổ)…
+Các lăng chúa ở vị trí tương đối xa nhau và đều cách trung tâm Huế khá xa. Điều này chứng tỏ người xưa đã bỏ rất nhiều công sức cho việc tìm kiếm mảnh đất làm “Sinh phần” cho các chúa Nguyễn.
+Hướng của các lăng rất phong phú chứ không chỉ tuân theo nguyên tắc “Nam diện” (xoay mặt về hướng nam) của đại đa số các công trình kiến trúc (cả kiến trúc nhà cửa lẫn kiến trúc lăng mộ) thời vua Nguyễn về sau. Đây là điều hết sức lý thú đối với những ai muốn tìm hiểu phong thủy thời Nguyễn.
Chú thích phần I:
1. Lăng Tần Thủy Hoàng ở núi Ly Sơn, huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây, lăng có hai lớp thành bao bọc. Vòng thành ngoài chu vi 6 km, vòng thành trong chu vi 2,5 km. Lăng mộ hình khối vuông, bình diện đáy 345m x 350m, lăng cao 43m.
Lăng của Hán Võ Đế (Mậu lăng 茂陵) ở vùng Quan Trung, quy mô tương đương lăng Tần Thủy Hoàng. Lăng mộ này cũng có bình diện gần như vuông, đáy 231m x 234 m, cao 46,5m.
Càn lăng của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên lấy cả ngọn núi Lương Sơn, cao 1047m so với mặt biển làm lăng. Quanh núi xây tường thành bao bọc, đường thần đạo của lăng dài đến 4 km. Đây là một trong những lăng mộ kỳ vĩ nhất của Trung Quốc.
(Theo Dương Đạo Minh 楊道明 (1995), Trung Hoa lăng mộ khái luận 中華陵墓該論. In trong Trung Quốc Mỹ Thuật Toàn Tập, tập 2-Kiến trúc lăng mộ, bản chữ Hán. Trung Quốc Mỹ thuật xuất bản xã. Bắc Kinh.
2. Lăng mộ thời Tần-Hán có quy mô to lớn, lăng mộ thời Tam Quốc không xây phần địa thượng 地上 (phần nấm mộ và các công trình bên trên); lăng mộ thời Đường nổi tiếng với phong cách đục núi làm lăng; lăng mộ thời Minh-Thanh chú ý nhiều đến kiến trúc phong cảnh..(xem Trung Hoa lăng mộ khái luận của Dương Đạo Minh, sđd).
3. Nguyễn Tiến Cảnh (chủ biên, 1992), Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ, Mỹ thuật Huế, Viện Mỹ thuật-Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản. Huế.
4. Nổi bật tại khu vực thượng nguồn sông Hương là các địa danh Đoan Công Mộ 端公墓(tức mộ của Đoan quận công Nguyễn Hoàng), Thụy Quận Mộ 瑞君墓(tức mộ của Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên).
5. Trong năm 1808, vua Nguyễn đã cho xây dựng lại 17 lăng mộ của các chúa và phi. Năm 1812, lại cho xây dựng lăng Thoại Thánh và lăng Vĩnh Diên đồng thời cho sửa lại lăng Cơ Thánh (lăng mộ thân phụ vua Gia Long). Thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị, lại cho sửa sang thêm vào các năm 1840 và 1841. Xem Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bộ Công, quyến 216.
6. Quần thể 7 khu lăng này gồm:
Lăng Quang Hưng 光興陵của bà Thái Tông Hiếu Triết Hoàng hậu Tống Thị Đôi, vợ thứ hai của chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), thân mẫu của chúa Nguyễn Phúc Thái (Trăn). Lăng được xây khoảng năm 1680.
Lăng Vĩnh Mậu 永茂陵của bà Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng hậu Tống Thị Lãnh, vợ chúa Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái (Trăn) (1650-1725). Lăng được xây năm 1696, sau khi bà mất.
Lăng Trường Phong 長豐陵của Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Thụ (Trú) (1697-1738). Lăng được xây cũng trong năm 1738.
Lăng Thoại Thánh 瑞聖陵của bà Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng hậu (1738-1811), vợ thứ hai của Nguyễn Phúc Côn (Luân) và là thân mẫu của vua Gia Long. Lăng được xây năm 1812.
Lăng Hoàng Cô 皇姑陵của Thái Trưởng Công chúa Long Thành, chị ruột vua Gia Long. Lăng được xây khoảng năm 1825, sau khi bà mất.
Lăng Thiên Thọ 天授陵của vua Gia Long và vợ ông, xây lần đầu năm 1814, sau xây bổ sung năm 1820.
Lăng Thiên Thọ Hữu天授右 của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ thứ hai của vua Gia Long, mẹ vua Minh Mạng. Lăng được xây năm 1847.
7. Chẳng hạn sau khi tìm được khu đất xây lăng ở núi Định Môn 定門山, vua Gia Long cho đổi tên thành Thiên Thọ Sơn 天授山; khi tìm được đất ở núi Cẩm Kê錦雞山, vua Minh Mạng đổi tên thành Hiếu Sơn 孝山; vua Tự Đức thì đổi tên núi Cư Chánh 居政山 thành Thuận Đạo Sơn 順道山sau khi chọn được đất để xây Xương lăng cho cha mình; núi Dương Xuân 楊春山thì được đổi tên thành Khiêm Sơn 謙山.vv..
8. Mộ các chúa Nguyễn và các phi cũng được tôn xưng là Lăng, vì họ đều được triều Nguyễn truy tôn là Hoàng đế, hoàng hậu. Có một trường hợp tuy không phải là lăng Hoàng đế, hoàng hậu nhưng vẫn được sách Đại Nam nhất thống chí liệt kê trong phần Sơn lăng là “Sơn phần Tuệ Tĩnh Thánh Mẫu Nguyên Suý tại vùng núi xã An Cựu huyện Hương Trà”, nhưng bà này cũng vốn là một công chúa.
9. Khi chép về lăng tẩm các chúa, sách Đại Nam nhất thống chí đều đã gọi các chúa và Phu nhân theo miếu hiệu của họ sau khi đã được triều Nguyễn truy tôn, như Thái tổ Gia dụ Hoàng đế (Nguyễn Hoàng)... Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyến 96, phần bộ Lễ cũng có phần chếp tên gọi các lăng tẩm tương tự.
10. Ứng lăng chưa được liệt kê trong sách này.
11. Do lăng các chúa (và phi) đều được tái xây dựng lại đầu triều Nguyễn nên chúng ta không biết đích xác quy mô nguyên thủy lăng tẩm của các chúa, các quy định cụ thể về quy mô, cấu trúc lăng mộ đều thực hiện dưới triều Nguyễn.
12. Những trích dẫn trong ngoặc kép đều lấy từ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, phần bộ Công, quyển 216.
13. Trong thời Nguyễn, trước năm 1898, mỗi trượng tương đương 4,24m, một thước là 0,424m. Từ năm 1898 trở đi, theo quy định mới, mỗi thước công bằng 0,400m, mỗi trượng là 4m.