Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Quan Nội tán xử án như thần
Ngày cập nhật 04/10/2021

Khi bàn về tài xử án, người ta hay nhắc tới Bao Chửng của nhà Bắc Tống bên Trung Quốc. Ít ai biết ở nước ta cũng có một “Bao Công” tài năng, liêm khiết hiếm có trên đời. Mộ của quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng tại TP Huế. 

Mộ của quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng tại TP Huế.
 
Nguyễn Khoa Đăng (1690 - 1725) sinh tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên - Huế). Không những xử án như thần, ông còn lắm mưu nhiều kế, dàn dựng để khui ra vụ án hóc búa, khiến người ta không chỉ tâm phục khẩu phục, mà còn kinh sợ, tôn vinh.
 
Dòng dõi công thần
 
Trong bộ “Quý hương tiên nguyên dã sử” của làng Triệu Tường, tỉnh Thanh Hóa có đoạn chép về dòng họ Nguyễn Khoa như sau: Ông Nguyễn Ư Kỳ, nguyên Thái phó triều Lê và là cậu ruột của Nguyễn Hoàng.
 
Năm 1557, Nguyễn Ư Kỳ theo Nguyễn Hoàng vào trấn miền Nam, khi đi có dẫn theo một người con nuôi mới lên sáu tuổi tên là Nguyễn Đình Thân (1553 – 1633), vốn là người làng Trạm Bạc, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là tỉnh Hải Dương). Ông Thân sau đó làm tướng trải hai triều chúa là Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên; con cháu ông thay nhau làm quan cho các chúa Nguyễn.
 
Trong số đó, có Nguyễn Khoa Chiêm là con của Nguyễn Khoa Danh, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại, tước Bảng Trung hầu và là một danh sĩ giỏi thơ văn, tác giả của “Nam triều công nghiệp diễn chí” soạn vào năm 1719. Nguyễn Khoa Đăng là con thứ ba của Nguyễn Khoa Chiêm.
 
Nguyễn Khoa Đăng vốn thông minh từ nhỏ, mười tám tuổi ra làm quan, lần lượt trải đến chức Nội tán kiêm Án Sát Sứ, Tổng Tri Quân Quốc Trọng Sự, tước Diên Tường hầu vào năm Nhâm Dần 1722, nổi danh là người có mưu lược, trung thực và đức độ. Theo sử sách cũ còn lưu truyền, Nguyễn Khoa Đăng không những xử án như thần, mà còn lắm mưu nhiều kế. Vụ án dù khó khăn, hóc búa đến mức nào, ông đều có kế sách vẹn toàn để tìm ra sự thật.
 
Hòn đá vạch tội
 
Minh họa giai thoại xử án của Nguyễn Khoa Đăng.
 
Một lần ông được đổi đi làm quan ở hạt miền núi. Khi mới đến, người ta cho biết hạt ấy nổi tiếng có nhiều bọn trộm cướp nhà nghề. Các quan trước đều bó tay không thể trị nổi. Khi ấy, ông chỉ cười nhạt không nói gì, nhưng sau đó ông ngầm sai người đi dò la hành tung và quê quán từng tên cướp.
 
Thế rồi, ông vẫn tảng lờ như không hay biết gì. Qua một làng nọ, ông thấy có một hòn đá lớn ở vệ đường. Ông hỏi dân sở tại thì họ đáp: Đây là ông Mốc, ngài thiêng lắm, ai cầu khẩn việc gì cũng đều được linh ứng. Ông nghe nói liền họa theo: Phải thế thì ta tới cầu ngài giúp trừ yên cướp trộm để bớt hại cho dân chúng mới được.
 
Nói rồi một mình bước tới khấn vái, hồi sau ông trở ra bảo với mọi người rằng: Ngài bảo rằng, vài hôm nữa cho người đến rước ngài về, ngài sẽ vạch mặt tất cả bọn gian phi trong toàn huyện. Ít hôm sau, ông sai mấy người ban đêm bí mật đào hầm ở giữa sân công đường. Sau đó cho người thân tín cầm theo danh sách các tên trộm cướp trong vùng, rồi xuống nấp ở dưới đó.
 
Tờ mờ sáng hôm sau, ông sai lính khiêng hòn đá về đặt trên miệng hầm. Trước mặt đông đủ mọi người, ông dõng dạc hỏi hòn đá: Ta nghe đồn thần rất thiêng, “hữu cầu tất ứng”. Nay ta vâng mệnh hoàng đế đến đây trấn nhậm, nhưng trong huyện hạt có nhiều trộm cướp nhũng nhiễu hại dân cư. Vậy ta mời thần về đây để mách hộ ta truy tầm kẻ phạm pháp. Nếu có công, ta sẽ tâu triều đình phong tặng.
 
Ông hỏi xong nhưng hòn đá không trả lời. Hỏi mãi, đá vẫn một mực làm thinh, ông nổi giận quát lớn: Hay là đá đồng lõa với kẻ phạm pháp. Lính đâu, hãy tra tấn nó cho đến lúc nó phải khai thực.
 
Bấy giờ, mọi người nghe tin đến xem đông như hội. Lệnh truyền xa, lính dùng roi đánh vào đá túi bụi, tự nhiên đá bật ra tiếng khóc, xin dừng tay. Thế rồi, hòn đá lần lượt khai và vạch tội từng tên. Mỗi lần đá khai ra tên nào, ông sai thư lại lấy bút mực viết ngay trát, giao cho lính nã bắt lập tức.
 
Suốt ngày hôm đó, ông bắt được 30 tên. Khi giải cả một xốc về, bọn trộm cướp nhìn nhau kinh ngạc, không ngờ lại có việc xảy ra như thế và bắt đúng tên như thế. Chúng cho là chỉ có thần đá linh thiêng mới biết một cách rành mạch tội trạng của mình, bèn không đợi khảo mà vội vàng thú nhận tất cả.
 
Đòi nợ chị chúa Nguyễn
 
Cảnh quan thời nhà Nguyễn xử án.
 
Sử sách nhà Nguyễn chép rằng, Nguyễn Khoa Đăng tính tình nghiêm khắc, ngay thẳng, không nể kẻ quyền thế. Thời đó, các hoàng thân quốc thích ăn tiêu xa xỉ, thường mượn tiền kho nhưng lâu không trả. Ông xin đòi nợ, tâu với chúa rằng: “Phép làm nên bắt đầu từ người thân”.
 
Có một trưởng công chúa (chị ruột của chúa Nguyễn) nợ tiền công rất nhiều, các thuộc viên không ai dám đến cửa đòi nợ. Nguyễn Khoa Đăng liền sai vài người rình trưởng công chúa từ phủ đi ra, liền giữ kiệu lại đòi nợ. Bà chúa này giận quá, vào cung, khóc lóc tố với chúa rằng: “Chúa thượng lại không bênh vực được chị à? Nội tán sao dám làm thế!”.
 
Chúa an ủi: “Phép nước thi hành từ người thân trước, Nội tán chấp hành đúng phép, thì làm thế nào được?”. Thế rồi chúa Nguyễn bèn phải cho tiền để bà chị trả nợ. Từ đó, các hoàng thân quốc thích mắc nợ đều đem tiền trả, không dám để chậm.
 
Lại có vụ án khác kể rằng, có người trồng dưa nhưng ban đêm bị kẻ khác dùng xẻng phá hoại. Người chủ dưa đem việc đến cửa quan thưa kiện nhưng không biết thủ phạm là ai. Nguyễn Khoa Đăng lập tức cho thu hết xẻng của người trong làng, và ra lệnh mọi người biên tên vào xẻng.
 
Xong, ông sai người lấy lưỡi liếm vào xẻng thì thấy một cái xẻng có vị đắng. Đem tra xét người chủ xẻng, quả nhiên người ấy phải nhận tội đã phá hoại dưa của láng giềng và bị chịu phạt theo pháp luật.
 
Dẹp cướp truông Nhà Hồ
 
Truông Nhà Hồ nằm giữa xã Vĩnh Chấp (Quảng Trị) và xã Sen Thủy (Quảng Bình) ngày nay.
 
Thời xưa, truông Nhà Hồ (chỉ địa danh vùng đất hoang rộng lớn, cây cối rậm rạp), đoạn nằm giữa xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh - Quảng Trị) và xã Sen Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) ngày nay. Đầu thời chúa Nguyễn, vùng này có nhiều trộm cướp. Lúc Nguyễn Khoa Đăng đang là Nội tán, có vụ kẻ cướp ở truông Nhà Hồ ăn cướp giấy của lái buôn, không truy được dấu vết gì.
 
Người lái buôn đem việc ấy đến kiện. Ông thong thả sức dân sở tại mỗi người phải khai họ tên quê quán nộp quan, mỗi người một bản. Nhu cầu giấy lên cao, giá giấy do đó đắt lên, tên kẻ cướp thấy thế đem giấy ra bán.
 
Nhân thế, bắt được bọn cướp giấy. Sử sách ghi lại: “Đường rừng Nhà Hồ thường có giặc cướp tụ họp, người đi đường sợ hãi. Chúa sai Đăng đi kinh lý đất ấy. Đăng tới đặt phép bắt cướp, lệnh cấm nghiêm minh. Từ đó bọn cướp im bặt”.
 
Giai thoại dân gian lại kể chuyện để bắt bọn cướp ở truông Nhà Hồ, Nguyễn Khoa Đăng cho làm những hòm gỗ kín có lỗ thông hơi vừa một người ngồi, có thể mở được từ phía trong, rồi cho võ sĩ mang vũ khí ngồi vào trong. Sau đó, ông sai quân sĩ đóng giả dân thường, khiêng những hòm ấy qua truông, ra vẻ như khiêng những hòm của cải.
 
Đồng thời đánh tiếng có một vị quan to ở ngoài Bắc sắp sửa về quê sẽ đi qua truông mang theo nhiều hòm của cải quý. Bọn cướp nghe tin, liền phục kích đuổi đoàn người hộ tống, cướp số hòm ấy về tận sào huyệt.
 
Về đến nơi, vừa đặt hòm xuống thì các võ sĩ bật nắp hòm cầm vũ khí xông ra đánh giết bọn cướp, cùng lúc phục binh của triều đình từ ngoài kéo vào, chẳng mấy chốc, đảng cướp bị dẹp tan. Từ đó, nhân dân mới sáng tác thêm hai câu hát tiếp nối vào hai câu ca dao xưa: Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang/Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/Truông Nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm.
 
Gian thần hãm hại
 
Tiếc thay, cuộc đời vị Nội tán Nguyễn Khoa Đăng tài năng, đức độ này lại không được suôn sẻ. Năm 1725, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu mất. Khi ấy, Nguyễn Khoa Đăng đang bận việc dẹp loạn ở Cam Lộ, Quảng Trị.
 
Nhân cơ hội, Chưởng doanh Nguyễn Cửu Thế - con trai thứ 3 của Nguyễn Cửu Ứng, là một quyền thần có nhiều ganh ghét với Nguyễn Khoa Đăng, đã làm giả di mệnh của chúa, rồi cho triệu ông về dinh. Dọc đường về, Nguyễn Cửu Thế cho người giết chết Nguyễn Khoa Đăng khi ông mới 35 tuổi.
 
Khi ấy triều đình và người đương thời đều cho rằng, ông là vị quan cương trực, liêm chính. Tuy nhiên, do quá cứng rắn, thiếu cảnh giác nên ông bị gian thần hãm hại. Đó là kết thúc buồn của một vị quan đức độ. Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi chúa, thương tiếc người tài mới sai tìm con của Nguyễn Khoa Đăng để bổ dụng.
 
Nguyễn Khoa Đăng có vợ là bà Phạm Thị Tý, sinh bốn con trai và một con gái. Sau họ làm nên danh phận, như võ tướng Nguyễn Khoa Toàn được giao trông coi bộ Hộ và bộ Binh. Nguyễn Khoa Kiên (con Nguyễn Khoa Toàn) có sức mạnh, mưu lược được người đương thời xưng tụng là “Triệu Tử Long”.
 
Sau này, hậu duệ Nguyễn Khoa Đăng đã đưa di hài ông từ Quảng Trị về an táng tại khu mộ của dòng họ Nguyễn Khoa ở thôn Tứ Tây, xã Thủy An (TP Huế). Toàn thể khu mộ và nhà thờ Nguyễn Khoa đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa.
 
Là một vị quan thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình. Tuy nhiên, sự chặt chẽ của Nguyễn Khoa Đăng được đánh giá “có khi thái quá”. Sách “Đại Nam liệt truyện”, phần các danh thần của chúa Nguyễn, nói rằng, ông từng nghiêm ngặt hạn chế việc mua thịt, ai mua nhiều thì bắt tội. Những kẻ quyền quý vai vế cho là bất tiện, phần nhiều oán ghét ông.
 
Theo: giaoducthoidai.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 1.711