Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Thưởng lãm phủ đệ xứ Huế
Ngày cập nhật 25/01/2024

Trong dòng chảy di sản văn hóa triều Nguyễn, phủ đệ là những công trình kiến trúc độc đáo, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người, nơi ẩn dấu bóng dáng nghệ thuật kiến trúc cung đình một cách sâu đậm.

Khảm sành sứ trang trí tại các ô hộc trên Bình phong phủ thờ Tuy Lý vương 
 
Phủ đệ được gọi chung để chỉ nơi ở của các hoàng tử và công chúa. Sau khi những vị hoàng tử, công chúa ấy qua đời, nơi đây trở thành phủ thờ. Mỗi phủ đệ đều có tên gọi riêng, dựa theo tước phong của chủ nhân. Với các hoàng tử, tên gọi được đặt theo tên huyện của các tỉnh mà họ được nhà vua phong tước như: Tùng Thiện vương phủ, Tuy Lý vương phủ, Gia Hưng vương phủ… Còn với các công chúa, nơi ở của họ thường gọi theo danh hiệu được nhà vua ban cho như: An Thường công chúa đệ, Ngọc Lâm công chúa đệ, Ngọc Sơn công chúa đệ… Tuy nhiên, dân gian vẫn thường quen gọi phủ đệ với cái tên thân mật là phủ ông hoàng, phủ bà chúa.
 
Một góc cổng phủ thờ Tuy Lý vương 
 
 Thịnh thời Kinh đô Huế có hơn trăm phủ đệ nhưng nay chỉ còn lại khoảng 50 phủ đệ bảo lưu được kiến trúc và phong cách truyền thống, tập trung ở các khu vực: Vỹ Dạ, Gia Hội, Kim Long, Phủ Cam, Thủy Biều… Vì danh phận cao quý của các ông hoàng, bà chúa nên phủ đệ có đặc điểm cổng lớn, thành cao, nhà rường đẹp. Tuy vậy cuộc sống thật đằng sau khoảng cách ấy không mấy ai rõ được một cách tường tận. Phủ đệ là nơi trung chuyển, lan tỏa lối sống và văn hóa cung đình đến với dân gian, từ đó góp phần hình thành nên tính cách con người xứ Huế, pha lẫn tính cách lịch lãm và đài các của xứ Thần kinh. Đây là chốn tụ hội của giới văn nghệ sĩ xứ Huế đương thời, nơi gặp gỡ của các tao nhân mặc khách đến ngâm vịnh, thơ ca.
 
Toàn cảnh phủ thờ Kiên Thái vương 
 
Những ngôi phủ đệ thể hiện sự kết hợp giữa kiến trúc và cảnh quan một cách dụng ý tuân theo quy luật “phong thủy”. Có thể nói, kiến trúc phủ đệ giống như một Kinh thành Huế thu nhỏ, với bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng sông Hương, hòn non bộ, hang động, thác nước, các loại cây cảnh, hoa… mang nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc.
Phủ đệ được tạo dựng nhờ tài năng và công sức của những nghệ nhân cung đình và sử dụng những vật liệu địa phương quý hiếm. Đây là một tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc đã được đúc kết và hoàn thiện qua nhiều thế hệ. Bố cục phủ đệ luôn được thiết kế một cách đăng đối đã tạo nên vẻ đẹp hài hòa, tinh tế và đậm chất thơ. Lối vào phủ đệ là một con đường uốn lượn giữa hai hàng chè tàu và hai hàng cau; tiếp đến là bình phong đủ để che chắn cho ngôi nhà khỏi mọi tai ương đến từ bên ngoài, nhưng lại không quá cao để che mất tầm nhìn của chủ nhân khi muốn thưởng lãm hương sắc của các loài thảo mộc trong vườn. Giữa bức bình phong và ngôi nhà là một bể cạn trồng hoa súng và hòn non bộ.
 
 
 
Kiến trúc chính là một ngôi nhà rường thường có 3 gian 2 chái, mái lợp ngói liệt. Hệ thống vì kèo được chạm trổ họa tiết hoa văn tinh xảo. Phòng thờ tự ở gian chính trung, nơi tiếp khách trong nhà chủ yếu là gian trước chính giữa hoặc đông phòng. Tây phòng phía trong là nơi ở của gia chủ. Các bức hoành phi, bài thơ chữ Hán thếp vàng được treo ở giữa các gian nhà chính và câu đối được treo trên các cột mang nội dung ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, đạo hiếu làm người và truyền thống gia tộc…. Ngoài ra, đầu thế kỷ 20 bắt đầu xuất hiện những phủ đệ có ảnh hưởng kiến trúc Pháp, ghi dấu sự giao lưu văn hóa Đông – Tây như: phủ Tuyên Hóa vương, phủ Tân Phong công chúa…
Hoa văn trang trí ở phủ đệ đa dạng về kiểu thức và phong phú về đề tài, được thể hiện trên nhiều chất liệu như chạm khắc gỗ, nề vữa, khảm sành sứ…. Những giá trị nghệ thuật trang trí tại các phủ đệ đã bổ sung một phần đáng kể trong nghệ thuật trang trí cung đình triều Nguyễn nói riêng và trong mạch nguồn nền mỹ thuật truyền thống dân tộc nói chung.
 
 
Sự phong phú của các chủng loại cây xanh trong vườn phủ đệ cho thấy một phần đời sống tâm hồn phong phú của chủ nhân xưa. Khi bước vào một khu vườn phủ đệ, người ta thường cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi. Vườn kết hợp với kiến trúc, che bớt những đường nét khô cứng, hạn chế của công trình, tạo nên sự hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên. Nét đặc trưng của vườn phủ đệ là tính đa chủng loại một cách có tính toán với các hệ cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu xứ Huế. Đó là nơi giao hòa thiên nhiên và con người, là nơi lắng lại để trở về với quá khứ…
Không gian văn hóa phủ đệ bảo lưu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của gia đình hoàng tộc xưa. Trải qua bao năm tháng, thời gian vẫn không làm phai mờ vẻ đẹp tinh tế đầy tính nghệ thuật, kết tinh thành nét đẹp văn hóa kiến trúc đặc trưng trong mỗi phủ đệ. Phủ đệ được xem là di sản văn hóa – lịch sử sống động và đã thực sự trở thành nét văn hóa, nghệ thuật đặc trưng riêng trong quỹ kiến trúc đô thị di sản Huế hiện nay. Có biết bao nhiêu điều thú vị, bí ẩn đằng sau cánh cửa phủ đệ khiến du khách thập phương khi đến thăm Cố đô Huế không khỏi bị cuốn hút và khao khát được thưởng lãm, khám phá. 
 
Theo: heritagevietnamairlines.com
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.085.403
Đang truy cập 1.090