Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Áo tấc, cổ phục quý đang hồi sinh
Ngày cập nhật 24/01/2022

Áo tấc là một loại trang phục đặc thù của thời Nguyễn, có lịch sử hình thành khoảng 300 năm, gắn liền với công cuộc cải cách và định chế trang phục ở Đàng Trong của chúa Nguyễn Phúc Khoát.


Giới trẻ trải nghiệm áo tấc
 
Áo tấc là tên gọi phổ biến của loại áo ngũ thân tay rộng, và còn có các tên gọi khác như áo lễ, áo thụng, áo rộng... Cũng như loại áo ngũ thân tay chẽn, áo tấc dành cho cả hai giới nam và nữ, và cho mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt đẳng cấp, sang hèn. Sự phân biệt chủ yếu chỉ thể hiện ở chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí và các phụ kiện kèm theo. Nhưng khác với áo ngũ thân tay chẽn, vốn là loại thường phục (hay tiện phục), áo tấc thường chỉ dùng trong các nghi lễ thuộc quan, hôn, tang, tế hay các dịp lễ hội lớn, ngày tết... chứ ít khi sử dụng hàng ngày trong đời sống bình thường. Áo tấc cũng đi kèm với khăn vấn (hoặc khăn đóng) đội đầu hay mũ tú tài đối với nam giới, mũ phượng, khăn vấn đối với nữ giới và mặc quần màu trắng, rộng (quần thụng).
 
Tương truyền, tên gọi “áo tấc” vốn bắt nguồn từ phần viền áo rộng đúng một tấc (khoảng 4cm). Phần thân áo, cũng như áo ngũ thân tay chẽn, được chắp nối từ năm mảnh vải kết hợp với nhau để tạo nên hai vạt trước sau và một vạt con nằm phía trong, và với tay áo dài và thụng. Nhìn chung, về thiết kế, áo tấc có phần tay dài rộng từ 30-50cm với chiều dài ống tay tính cộng theo từ cổ tay dài ra 40-50cm, không bó nách và có hình chữ nhật; tà áo thường dài không quá gối 10cm (phần nhiều trong khoảng 7-8cm). Đây là kiểu áo may theo dáng áo viên lĩnh cổ tròn nhưng được nối thêm một dải vải đứng khoảng một tấc (4cm) ôm lấy cổ áo. Cổ áo dựng vuông và ôm khít vào cổ, và có 1 cúc ở chân cổ. Khuy áo gồm 5 chiếc bố trí hình chữ “quảng”, làm bằng các vật liệu cứng (vàng, bạc, đồng, trân châu, ngà, đá...) và thường có màu đối lập với màu sắc áo để tạo nên sự nổi bật. Ngày xưa, tùy vào điều kiện kinh tế cũng như vị thế, phẩm cấp, chức vụ của người mặc mà chất liệu vải may sẽ khác nhau. Đối với hoàng tộc, quan lại cao cấp thì chọn các loại lụa, the, sa cao cấp nhập của Trung Quốc hoặc do trong nước sản xuất, dân chúng bình thường sẽ dùng vải chất liệu vải rẻ hơn nhưng vẫn trang trọng, lịch sự. Màu sắc áo tấc khá đa dạng, có thể dùng cho nhiều dịp lễ nghi, hội hè khác nhau.
 
Giới trẻ trải nghiệm áo tấc. Ảnh từ facebook Hạnh Mai
 
Để có thiết kế hoàn thiện như ngày nay, trang phục áo tấc đã trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, có nhiều cải tiến, biến thể và thay đổi không ngừng. Nhiều nhà thiết kế đã xem áo tấc là hình mẫu ý tưởng của áo dài ngày nay. Ngày xưa áo tấc được coi là lễ phục trang trọng, kín đáo và mang nhiều ý nghĩa rất nhân văn. Năm thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và bản thân người mặc. Năm chiếc khuy áo tượng trưng cho quan điểm ngũ thường trong Nho giáo, cụ thể, năm chiếc khuy đại diện cho 5 đức tính của bậc nam nhi là: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; hay quan điểm về ngũ luân, tức 5 mối quan hệ rường cột trong xã hội: Vua tôi, cha con, anh em, bạn bè, chồng vợ; thậm chí còn mang cả ý nghĩa về sự giao thoa của ngũ hành: Thổ, kim, thủy, mộc, hỏa.
 
Từ khi chế độ quân chủ sụp đổ thì áo tấc cũng dần biến mất trong đời sống thường ngày, chỉ còn được sử dụng trong nghi lễ tế tự của một số địa phương, đặc biệt là ở Huế. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất sau chiến tranh, trong các lễ nghi của các gia đình họ tộc hay nghi lễ tại đình miếu của làng xã ở Thừa Thiên Huế, các vị chủ tế, bô lão tham dự đều mặc áo thụng xanh (tức áo tấc) để hành lễ. Điều đó cho thấy, áo tấc chưa bao giờ biến mất trong đời sống xã hội.
 
Gần đây, cùng với phong trào chấn hưng quốc phục đang phát triển mạnh mẽ ở cả ba miền, chiếc áo tấc đã xuất hiện trở lại ở rất nhiều nơi, không chỉ trong các nghi thức, lễ hội truyền thống mà còn trên nhiều diễn đàn của các hội, nhóm yêu mến cổ phục dân tộc. Việc các đạo diễn đưa áo tấc vào phim cổ trang, các diễn viên, người mẫu sử dụng trong các clip, MV ca nhạc... đã góp phần quảng bá mạnh mẽ vẻ đẹp của loại trang phục này đến với công chúng trong và ngoài nước.
 
Tại Huế, nhiều nhà may áo dài truyền thống cùng một số nhà thiết kế trẻ đam mê cổ phục đã khiến áo tấc xuất hiện ngày càng phong phú với nhiều loại chất liệu, hoa văn, màu sắc đa dạng để đáp ứng nhu cầu của du khách và người dân địa phương. Nhiều địa chỉ chuyên may, cho thuê các loại cổ phục trong đó có các loại áo tấc nam, nữ đã trở nên rất quen thuộc đối với các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên và du khách như Quang Hòa, Viết Bảo, Khánh Shyna, Hạnh SH, Hạnh Mai, L’art à Hué...
 
Ngày nay, ở cả ba miền đất nước, rất nhiều bạn trẻ đã chọn áo tấc để trải nghiệm, check in khi đi du lịch, chụp ảnh kỷ niệm, quay video clip, quay MV ca nhạc, thậm chí đã sử dụng khá phổ biến trong các dịp nghi lễ quan trọng của mình và gia đình.
 
Phan Thanh Hải
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.957.231
Đang truy cập 32.529