Đến nay, nhiều hộ dân sinh sống ở hẻm 11 đường Trần Hưng Đạo, TP Huế (Thừa Thiên-Huế) vẫn lưu giữ nghề làm đầu lân truyền thống do cha ông để lại. Đặc biệt, cứ đến gần dịp Tết Trung thu, những ngôi nhà bên trong con hẻm này lại “vui như Tết” với tiếng cười nói rôm rả của những người thợ miệt mài bên những chiếc đầu lân đầy sắc màu rực rỡ.
Một cơ sở sản xuất đầu lân truyền thống ở Huế.
Ông Châu Trí Dũng trò chuyện cho biết, nghề làm đầu lân là nghề “cha truyền con nối” và gia đình ông có 3 đời theo nghề làm đầu lân. Tuy nhiên theo ông Dũng, không phải người thợ nào cũng có thể làm ra một chiếc đầu lân đẹp với sắc màu hài hòa. Để sản xuất ra đầu lân làm vừa lòng khách hàng, đòi hỏi người thợ phải có sự tinh tế, đôi tay khéo léo và tính thẩm mỹ cao. Các công đoạn, từ khâu tạo khuôn hình, dán giấy, vẽ hoa văn đều yêu cầu sự chịu khó, kiên nhẫn của người thợ. Bên cạnh đó là sự phối hợp màu sắc, trang trí từ đầu lân đến đuôi lân để làm nổi bật sự thần thái, dũng mãnh, uy vũ của lân Huế...
Ngoài gia đình ông Dũng, dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn (TP Huế) còn có nhiều cơ sở làm đầu lân khác nhau. Những ngày này, tại các cơ sở đều trưng bày nhiều mẫu đầu lân với đủ kích thước, hình dạng để tùy ý người dân, du khách lựa chọn. Ông Trần Sinh Anh, chủ cơ sở đầu lân trên đường Lê Duẩn cho hay, dịp Tết Trung thu năm nay, cơ sở làm đầu lân của gia đình ông sản xuất khoảng 1.000 đầu lân các loại với giá thành bán ra từ hàng chục nghìn đồng đối với loại đầu lân cỡ nhỏ dành cho trẻ em và từ 1 triệu đồng trở lên đối với loại đầu lân dành cho người lớn sử dụng.
Theo ông Anh, để có thể đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ thị trường vào dịp Tết Trung thu, hàng năm cứ đến tháng 5, tháng 6 âm lịch thì mọi người trong gia đình ông đã bắt tay chuẩn bị nguyên vật liệu như vót tre lồ ô, mây rừng, giấy, vải, màu các loại để phục vụ cho việc làm đầu lân. Sau khi tạo khuôn đầu lân, công đoạn vẽ trang trí từ mắt, râu đến đuôi lân được may bằng vải là quan trọng nhất. Bình quân mỗi người thợ mất 2 ngày để hoàn thành một sản phẩm đầu lân cỡ vừa nhưng đối với thợ giỏi thì có thể làm nhanh hơn, tùy theo khả năng mỗi người thợ có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Bà Trương Thị Kim Chi, chủ cơ sở đầu lân ở hẻm số 11 đường Trần Hưng Đạo, TP Huế cho hay, dịp Tết Trung thu này, cơ sở của bà Chi tung ra thị trường khoảng 2.000 đầu lân có kích cỡ khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ thị trường tại các tỉnh, thành miền Trung.
“Sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, dịp Tết Trung thu năm nay tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, trong đó có ngày hội Lân Huế 2022 dự kiến thu hút hàng nghìn người dân, du khách. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để cửa hàng của gia đình tôi và các cơ sở làm đầu lân truyền thống ở TP Huế kích cầu việc bán sản phẩm đầu lân các loại để tăng thu nhập cho những người thợ gắn bó với nghề làm đầu lân truyền thống”, bà Chi chia sẻ.
Cứ đến dịp Tết Trung thu, từ những góc phố nhỏ đến các tuyến đường trung tâm của TP Huế đều có những đoàn lân biểu diễn trong tiếng trống rộn ràng để phục vụ người dân và du khách thưởng lãm. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, ngoài ngày hội Lân Huế, dịp Tết Trung thu năm nay tỉnh còn tổ chức các sự kiện đặc sắc như không gian trưng bày và sắp đặt các chủng loại đèn lồng đặc trưng của Huế, đèn lồng cổ truyền tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP Huế; giới thiệu những nét đẹp trong văn hóa Tết Trung thu của người Việt như mâm cỗ Trung thu, đầu lân, con giống bột, tò he.
Ngoài ra còn có chương trình quảng bá, biểu diễn lân - sư - rồng và rước đèn Trung thu tại công viên Thương Bạc, cầu Trường Tiền, khu vực trước khách sạn Sài Gòn Morin Huế, đường Lê Lợi, cầu Phú Xuân để phục vụ du khách, người dân. Các hoạt động này diễn ra vào dịp Tết Trung thu sẽ góp phần quảng bá, kích cầu du lịch, thu hút du khách đến Huế và đây sẽ là cơ hội để các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở làm đầu lân giới thiệu những sản phẩm truyền thống đặc sắc đến với du khách trong và ngoài nước.
Anh Khoa