Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Quy định 'tả văn, hữu võ' có từ khi nào?
Ngày cập nhật 27/12/2022

Ít người biết rằng, vua Gia Long quy định ngược lại, đến đời con của ông là vua Minh Mạng mới đổi lại theo thông lệ cũ 'tả văn, hữu võ'.


Trên sân Đại Triều Nghi trước điện Thái Hòa ở kinh đô Huế, có biển quy định các cấp bậc quan văn xếp hàng bên trái, quan võ xếp hàng bên phải theo thứ bậc. Ảnh minh họa.
 
Chúng ta đều nghe các sách sử xưa hay nói đến nguyên tắc “tả văn, hữu võ” trong triều đình. Vậy nhưng ít người biết rằng, đầu thời Nguyễn, vua Gia Long đã quy định ngược lại, để đến đời con của ông là vua Minh Mạng mới đổi lại theo thông lệ cũ.
 
Việc chia trăm quan thành ban văn, ban võ đã xuất hiện ở nước ta trong những ghi chép về thời Hùng Vương, với tướng võ gọi là Lạc tướng, tướng văn là Lạc hầu. Đến thời Lý Nam Đế bắt đầu dựng nền độc lập, triều đình cũng đã chia Phạm Tu đứng đầu ban văn, Tinh Thiều đứng đầu ban võ.
 
Sau khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi và dời đô về Thăng Long, “Đại Việt sử ký toàn thư” chép lại rằng, nhà vua cho xây điện Càn Nguyên là nơi thiết triều đặt trên núi Nùng, tức núi Long Đỗ, hai bên tả hữu là điện Tập Hiền và điện Giảng Võ, tên hai điện này thể hiện rõ là văn và võ. Năm 1017, điện Càn Nguyên bị sét đánh hư hại, hoàng đế phải coi chầu ở điện phía Đông, tức điện Tập Hiền. Năm 1020, điện Tập Hiền lại bị sét đánh, hoàng đế phải coi chầu ở điện phía Tây, tức điện Giảng Võ.
 
Điện Càn Nguyên sau bị phá đi, các vua Lý xây điện chính để thiết triều gọi là điện Thiên An, hai bên vẫn là hai điện tượng trưng cho văn và võ. Theo “Toàn thư” thì đến tháng 6 năm 1029, nhân sự kiện rồng thần xuất hiện trên nền điện cũ (điện Càn Nguyên), Thái Tông cho xây dựng lại và mở mang thêm.
 
Vua nói với tả hữu rằng: “Trẫm phá điện ấy, sang phẳng nền rồi mà rồng thần còn hiện. Có lẽ đó là đất tốt, đức lớn hưng thịnh, ở chỗ chính giữa trời đất chăng?”. Sau đó, nhà vua sai Hữu ty mở rộng quy mô, nhắm lại phương hướng mà làm lại, đổi tên là điện Thiên An. Bên tả dựng điện Tuyên Đức, bên hữu dựng điện Diên Phúc, thềm trước gọi là long trì (thềm rồng). Phía Đông thềm rồng đặt điện Văn Minh, phía Tây đặt điện Quảng Võ, hai bên tả hữu thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên. Bốn xung quanh thềm rồng đều có hành lang để tụ họp các quan và sáu quân túc vệ.
 
Sang thời Lê, điện Giảng Võ được ghi chép nằm ở bên ngoài hoàng thành, tại khu vực hồ Ngọc Khánh ngày nay, bên cạnh Giảng Võ đường, là nơi binh sĩ luyện tập (dọc phố Giảng Võ hiện tại). Điện chính trên núi Long Đỗ được xây lại, tức điện Kính Thiên, làm nơi hoàng đế thiết triều.
 
Các dấu vết để lại hiện nay cho thấy phía trước điện Kính Thiên là sân Đại Triều, rồi sân Đan Trì, chính giữa là Ngự Đạo, phân bên trái dành cho ban văn, bên phải dành cho ban võ. Đến thời Lê trung hưng, quyền lực về hết tay chúa Trịnh, vua Lê chỉ còn giữ ngôi làm vì, có khi hàng chục năm không có thiết triều, sân Đan Trì cỏ mọc rác ngập, các điện phụ xung quanh điện Kính Thiên bị đổ nát cả.
 
Thời Nguyễn, theo bộ sử “Đại Nam thực lục” thì đầu niên hiệu Gia Long “chuẩn định triều ban, văn ở bên hữu, võ ở bên tả”. Đến ngày mồng 1 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 13 (1832), nhà vua mới định lại chỗ đứng chầu cho ban văn võ.
 
Sử ghi lời nhà vua dụ bộ Lễ rằng: “Văn võ dẫu có 2 đường, nhưng triều đình cũng coi như một, không phải là có hơn kém, cũng không ngụ ý rằng khinh hay trọng. Từ trước đến nay về nghi lễ ở triều, văn đứng ở hàng bên hữu, võ đứng ở hàng bên tả vẫn chưa hợp lễ. Vậy ra lệnh từ nay phàm quan văn đều xếp hàng ở bên tả, quan võ đều xếp hàng ở bên hữu, cho hợp điển lễ đời cổ, bộ Lễ ngươi phải thông dụ cho mọi người biết cả”.
 
Sau đó, nhà vua cho đổi tên điện Võ Hiển ở bên tả điện Cần Chính là điện Văn Minh, điện Văn Minh ở bên hữu điện Cần Chính là điện Võ Hiển.
 
Như vậy, trước năm này, hai ngôi điện Văn Minh và Giảng Võ trước đó có tên ngược nhau. Truy ngược về thời gian khi vua Gia Long mới qua đời, vua Minh Mạng lên nối ngôi, đã lấy Tả Phương đường làm nơi tiện điện để nghe chính sự, và cũng hạ lệnh cho các hoàng tử và hoàng đệ vào học ở Hữu Phương đường. Đến tháng 11 năm Minh Mạng thứ 5 (1824), nhà vua cho đổi tên nhà Tả Phương đường làm điện Võ Hiển, nhà Hữu Phương đường làm điện Văn Minh.
 
Các điện Văn Minh, Võ Hiển, cùng điện Cần Chánh và Đông Các là những điện quan trọng bậc nhất của nhà vua, được dùng tên điện để đặt chức danh cho 4 vị quan đứng đầu triều đình. Quy định này được sửa đổi để ban hành từ tháng 7 năm Minh Mạng thứ 8 (1827), theo đó, về văn giai thì bậc chánh nhất phẩm có 4 chức vị là Cần Chính điện Đại học sĩ, Văn Minh điện Đại học sĩ, Võ Hiển điện Đại học sĩ, Đông Các Đại học sĩ.
 
Theo sơ đồ Tử Cấm thành trong Đại Nội ở Huế, thì trung tâm là điện Thái Hòa, phía sau là điện Cần Chính, nơi vua thiết thường triều. Bên trái hai điện này có Tả Đãi Lậu Viện, Tả Vu và điện Văn Minh, nơi sinh hoạt của các quan văn. Bên phải là Hữu Đãi Lậu Viện, Hữu Vu và điện Võ Hiển dành cho các quan võ. Khi thiết đại triều ở sân điện Thái Hòa hoặc thường triều ở sân điện Cần Chính, các quan văn xếp hàng bên trái, các quan võ sắp hàng bên phải sân chầu, tính từ hướng của nhà vua trên ngai vàng.
 
Điện Văn Minh và điện Võ Hiển cũng là nơi vua Minh Mạng và các vua về sau làm việc với các quan. Phía trước Tử Cấm thành, trên lầu Ngũ Phụng ở Ngọ Môn cũng vậy, khi có cuộc lễ do vua chủ tọa, các quan văn sẽ đứng ở Tả Dực Lâu phía cánh trái, còn quan võ đứng ở Hữu Dực Lâu phía cánh phải.
 
Lê Tiên Long
Theo: giaoducthoidai.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.703.928
Đang truy cập 8.840