Em bé trong vườn An
Cho nên giữa rất nhiều tiếng nói trong đám đông, ta dễ dàng nhận ra một người quen nhờ giọng nói. Có những giọng nói quá thân thiết đến nỗi nhiều khi đến trong mơ mà như thật.
Giọng nói như một dòng sông dài rộng đầy nước, ta lớn lên và tha hồ bơi lội trong ấy mà không mảy may suy nghĩ. Cho đến một ngày, cần một sự lựa chọn để thích hợp với môi trường sống mới, giọng nói được “nhớ” đến. Trước ngày con vào Sài Gòn học, một trong những trăn trở của con là “nên nói giọng Huế hay giọng Sài Gòn mẹ hè?”. Trong câu hỏi ấy, có phần sợ người lạ nghe không quen giọng Huế, có phần sợ “nói giọng Huế không sang, không hay”. Mẹ chỉ biết dặn con là giọng Huế chưa bao giờ là giọng quê mùa. Giọng Huế ấm, nhẹ và nghe hiền, con chỉ cần chú ý thay những từ “mô, tê, răng, rứa, mấy” cho phù hợp với người Sài Gòn là ổn. Rồi con gọi điện thoại về, trong nhiều câu chuyện ở đất mới, con có niềm vui từ giọng Huế của mình “Bạn khen con nói giọng Huế dễ nghe, dễ thương. Con thấy vui khi nói giọng Huế giữa Sài Gòn mẹ ơi”. Mẹ cũng đã cười thiệt nhiều khi có bữa con khoe “Bạn con nói giọng Huế mình nói nghe nhịp nhàng, trầm bổng như hát, thủ thỉ, tâm tình, thiệt đúng chất giọng để chia sẻ, để thấu hiểu”. Mẹ đã kể con nghe câu chuyện vui, thầy dạy môn ngữ pháp tiếng Việt hồi mẹ học đại học đã chứng minh rằng, người Huế nói như hát, trong một câu la rầy con mà người mẹ Huế lên xuống như một câu nhạc “Đồ mi là đồ mi phá/ Ba mi về là ba mi la” ( Đô, Mi, Pha, La). Cả lớp xuýt xoa về sự hóm hỉnh của thầy và cả sự “vi diệu” của tiếng Huế.
Rồi con đi học xa hơn cả Sài Gòn, xa đến nỗi chung quanh con thỉnh thoảng mới gặp một vài người nói tiếng Việt. Con cũng kể khi gặp người Việt, được nói tiếng Việt cảm xúc sung sướng, ấm áp như thế nào, gặp được người Huế thì thật là “hàng hiếm” luôn. Con nói tiếng Anh cả ngày nên “Con thèm nghe và nói giọng Huế với mẹ”, câu trả lời của con làm mẹ “sực tỉnh” khi cứ cố trò chuyện với con bằng tiếng Anh để “luyện nói”. Và từ đó mẹ và con nói chuyện bằng giọng Huế say sưa.
Hơn hai năm dịch COVID-19, mỗi ngày hai, ba cuộc video call, nói trên trời dưới biển đủ thứ chuyện, cái giọng Huế hồn nhiên của con đã gạt đi bao nỗi lo trong lòng mẹ: lo dịch bệnh, lo đau ốm, lo chuyện ăn uống, học hành... Mẹ như thấy con đang ở bên mình khi con vẫn giữ giọng nói Huế chay, Huế rặt “Mẹ mới đi mô về à?”, “Món nớ nấu răng mẹ?”, “Hôm ni con nấu món nớ cháy đen thui”, hay “Con lỡ nêm mặn chát”, “Con thèm cơm hến, bún mắm nêm dễ sợ”. Cùng cảnh xa quê nên hội đồng hương Việt Nam thường gặp nhau, con trở thành “cây từ điển tiếng Huế” cho cả hội. Nhiều người bạn bày tỏ sự thích thú với giọng Huế, có người nói “Nghe giọng Huế của em thấy ấm tình cả khúc ruột miền Trung”. Cuộc đời những bậc phụ huynh, trong “trường kỳ” lo nghĩ về con cái cũng có những hạnh phúc bất ngờ. Đó là, khi nghe con nói: “Mẹ ơi, chừ con không còn ngại khi nói giọng Huế giữa đám đông, con thấy yêu giọng Huế mình. Thế giới ngày càng hòa nhập thì bản sắc riêng mới là của mình, là chính mình. Từ giọng Huế mà con nghĩ như rứa đó mẹ”.
Là “chính mình” thì giọng nói “là duy nhất”. So với việc giả giọng Nam hay giả giọng Bắc thì việc giả giọng Huế chưa thấy ai thành công, ngoại trừ những người đã sống ở Huế đủ lâu, uống nước sông Hương đủ ngọt giọng thì mới nói đúng chuẩn Huế. Bởi lẽ không phải nói được “mô, tê, răng, rứa” là nói được tiếng Huế, giọng Huế, mà cách nhấn nhá, nhả dấu của người Huế mới tạo nên nét đặc trưng riêng, không bắt chước được. Những ngày còn nhỏ, mẹ vẫn luôn được bà ngoại dạy dỗ về lời ăn tiếng nói và dặn dò mẹ là con gái Huế phải ăn nói nhẹ nhàng, cẩn thận ý tứ, lời nói cũng là phương thuốc diệu kỳ có thể chữa lành những vết đau trong tâm hồn con người và ngược lại cũng có thể làm tổn thương người khác, một lời đã nói ra khó để rút lại.
Trong rất nhiều câu chuyện về người Huế xa quê, chưa có thống kê chính xác, hình như người Huế có mặt gần như ở khắp mọi miền đất nước, nhiều nhất là Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang... Trong hành trang của những người xa quê ấy, giọng nói là của chung tất cả mọi người và bình đẳng nhất, giàu cũng như nghèo đều chung một món quà của nguồn cội ấy. Có những người đem theo giọng Huế như là một di sản của quê hương, là tài sản của riêng mình “Ba mươi năm xa quê mạ vẫn còn nói giọng Huế/ Đó là điều bình thường của mạ phải không?” (Đoàn Vị Thượng). Cũng vì giọng nói là tiếng của quê hương nên có người nghe giọng Huế trên đất Mỹ mà vui mừng “Giọng Huế bỗng nghe từ chợ Mỹ/ Mà chiêng mà trống dậy hồn quê” (Trần Huyền Chi).
Có người yêu thương quá giọng Huế, tiếng Huế quê mình, sợ một mai tiếng Huế cổ xưa phai nhạt, mất mát như bác sĩ Bùi Minh Đức đã dành mười năm trời sưu tầm, ghi chép để cho ra đời bộ “Từ điển tiếng Huế” dày hai tập như một món quà của người con xa quê dâng lên đất mẹ. Có người nói giọng Huế cho vơi nỗi nhớ nhà, để thấy mình được an ủi mỗi khi cô đơn nơi đất khách. Cũng là lẽ thường khi những người vì cuộc sống phải hòa nhập giọng nói của mình với quê hương mới, nhưng một người mấy chục năm xa quê vẫn cố giữ nói giọng nói quê mình thì đó là điều đáng trân trọng, một cái gì đó như là biểu hiện của thủy chung. Bạn bè mẹ có con đi học xa cũng kể về niềm vui khi nghe giọng con mình trong điện thoại, các con vẫn giữ giọng Huế làm các mẹ thấy yên lòng. Với riêng mẹ, mỗi lần nghe con huyên thuyên bằng giọng Huế với bao nhiêu là ngữ điệu, từ ngữ rặt Huế, mẹ tin rằng điều đó cũng giúp con vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Vì bạn bè con thích giọng Huế nên con cũng tích cực tìm hiểu về văn hóa, lễ hội, ẩm thực Huế để giới thiệu. “Mẹ ơi, hôm ni bạn con hỏi vì răng gọi là bánh lọc?”, “Mẹ ơi, vì răng gọi bún bò mà nấu nhiều loại thịt?” hay là “Mẹ ơi, trong món cơm hến vị chi là chủ yếu”, “Tại vì răng con gái Huế thường để tóc dài?”, “Con gái Kim Long rất đẹp phải không mẹ”... Mỗi câu con hỏi là một lần nữa mẹ cùng con mở lại từng trang sách về Huế. Có rất nhiều chiếc cầu tình bạn được kết nối qua giọng nói, giọng Huế của con bước đầu cũng tạo sự thân thiện với bạn bè. Một vài người bạn của con còn âm thầm tìm hiểu về Huế và hẹn cùng đi du lịch Huế sau lễ tốt nghiệp. Đó là một tin vui.
Quê hương là gì, là nhiều lắm những yêu thương và gắn bó hữu hình cũng như vô hình. Giọng nói không có hình nhưng mang âm sắc và từ đó vẽ nên bao khối hữu hình để mà thương, mà quý, như một đêm trên sông Hương nghe câu hò Huế ngân dài: “À ơi, đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá/ Đò về Vỹ Dạ thẳng ngã Ba Sình/Lờ đờ bóng ngã trăng chênh/Tiếng hò xa vọng nhắn tình nước non”, thì mới thấm chất giọng Huế khi cất tiếng hò cũng là cất tiếng lòng đi vào trái tim người. Như giọng nói những đứa con thì luôn ở trong trái tim người mẹ.
Những người con Huế xa quê giữ gìn giọng Huế cũng là một cách giữ chặt sợi dây liên kết với nguồn cội. Yêu giọng nói quê mình để hiểu thêm mình là ai, nếu cuộc đời có đưa đẩy đi xa thì vẫn biết đâu là bến bờ, nguồn cội. Tết này con sẽ về nhà, con sẽ thỏa sức nói giọng Huế với người Huế, ăn món Huế, ngắm phong cảnh Huế và học thêm nhiều từ ngữ Huế để bổ sung vào kho từ vựng của mình. Bổ sung từ suối nguồn lúc mới sinh ra đời “Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi/ Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi” (Phạm Duy) .
Tết này, giọng Huế của con sẽ hòa cùng giọng nói của quê hương, sẽ vang lên khắp nhà trên, nhà bếp. Mới nghĩ đến thôi mẹ đã thấy mùa xuân vây quanh mình.
Bài: Xuân An
Ảnh: Trung Phan