Con sùng tre hình thành bên trong những ống tre. Ảnh: vietnamnet
Cũng chính thiên nhiên là nơi cung cấp các sản vật, nguồn nguyên liệu để chế biến nên những món ăn dân dã mà độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa nơi này.
Những ai từng đến vùng đất này, đều bị thu hút bởi nét văn hóa ẩm thực đượm nồng hương vị đất trời. Những món ăn truyền thống của người đồng bào, hầu như đều được kết tinh qua nhiều thế hệ người bản địa, nó chứa đựng cả một hành trình sống dài đằng đẵng của con dân bản làng. Và để chế biến được những món ăn truyền thống này ngon đúng vị, phải là người bản địa và thật sự am hiểu cả vùng đất này.
A Trơơ Tuyết ở thôn Cân Tôm, xã Hồng Thượng đã nói với tôi rằng, những món ăn độc, lạ ở miền sơn cước này luôn gây tò mò và cuốn hút với người đồng bằng. Ai từng ghé qua A Lưới, đều muốn một lần được nếm thử các món ăn mang đậm hương vị đặc trưng của núi rừng. Nhưng không phải ai cũng hợp khẩu vị để thưởng thức các món ngon truyền thống của đồng bào, nhưng nếu đã ăn được, thì nhất định sẽ ghiền. Giống như món sùng tre nướng ống, A Trơơ Tuyết cứ chép miệng xuýt xoa “ngon lắm”, “ngon cực kỳ”, nhưng người lần đầu gặp hẳn sẽ e dè không dám nếm thử.
Sùng tre là đặc sản của đồng bào vùng cao A Lưới. Người Pa Cô, Cơ Tu… đều có những món ngon chế biến từ sùng tre. Người Pa Cô gọi món sùng tre là ơm pờ reng. Vào mùa đông, khi mưa lạnh giăng kín núi đồi, cũng là mùa mà người dân miền sơn cước bắt đầu những chuyến hành trình băng rừng vượt suối, len lỏi trong các cánh rừng lồ ô để bắt sùng tre. Có những người chuyên đi bắt sùng tre khi mùa đến, nhưng cũng có những người trên đường lên nương rẫy, ngang qua các cánh rừng lồ ô, thèm dư vị ngọt ngon từ sản vật của rừng mà lần tìm đám sùng tre ẩn mình trong những cây măng già đang chờ ngày thoát xác. Sùng tre thường nằm trong những cây tre non, hay còn gọi là những cây măng già. Chúng ký sinh trong thân tre, hút chất dinh dưỡng của cây tre non để sống và đợi chờ ngày hóa thân thành bướm.
Người săn sùng tre chỉ cần nhìn thấy những cây tre non còi cọc, giống như suy dinh dưỡng, bên ngoài ống có những nốt chấm là biết ngay có sùng đang ẩn mình bên trong. Một ống tre lồ ô, có khi chỉ có vài con sùng trú mình bên trong, nhưng cũng có khi lên đến vài chục con.
Khác với loại sùng đất thường xuất hiện nhiều vào mùa hè, có phần ruột đen, khi sơ chế phải nặn bỏ và rửa phải kỹ để sạch đất cát trong miệng sùng. Sùng tre ẩn mình trong thân lồ ồ nên cực kỳ sạch, chỉ cần rửa sơ qua với nước suối rồi để cho ráo nước là có thể chế biến món ăn.
Có rất nhiều cách chế biến món sùng tre, từ rang lá chanh, gói lá rồi nướng, nhưng ngon nhất là nướng ống. Để món sùng tre giữ được độ ngon ngọt tự nhiên, người đồng bào thường nêm gia vị rất ít. Sùng tre cho vào ống, chỉ cần thêm chút muối, một ít kiệu đập dập vào là xong. Dùng lá chuối bịt kín miệng ống rồi nướng trên than hồng, xoay tròn ống vài ba lần đến khi nghe mùi thơm thoang thoảng bốc lên là biết sùng tre đã được nướng chín.
Đổ sùng tre ra phiến lá dong xanh rì. Từng con sùng màu trắng sữa, mềm mịn giờ đã chuyển sang vàng ươm. Nhìn thấy con sùng khô cứng nhưng khi ăn lại cho cảm giác mềm ngọt. Gắp con sùng nho nhỏ cho vào miệng, cắn một cái, nghe tiếng “bụp” phát ra nhè nhẹ, nước thịt tứa ra trong khoang miệng, nghe mùi sữa thơm lừng, vị béo ngậy như cứ quấn quýt mãi trên đầu lưỡi không tan.
Một chiều ngồi bên hiên nhà lộng gió, thưởng thức đặc sản vùng cao, nhâm nhi cùng chén rượu đoác của dân bản, nghe tiếng suối róc rách xa xa vọng lại, giữa mây núi chập chùng bảng lảng màu sương khói, nghe đất đai, cây cỏ ngát lên mùi thanh khiết bỗng thư thái vạn lần.
Lê Hà