Tiệm cà phê Mắt Biếc
Phố cổ Bao Vinh ngày càng thu hút du khách
Phố cổ Bao Vinh (phường Hương Vinh, TP. Huế) nằm ở phía Bắc của vùng ngoại kinh thành Huế. Đây được xem là một thương cảng lớn nhất của xứ Đàng Trong kéo dài hai thế kỷ XVII - XIX. Có rất nhiều thương nhân từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và kể cả các nước châu Âu về đây để trao đổi, buôn bán hàng hóa. Ngày nay, khu phố cổ Bao Vinh chỉ cách trung tâm TP. Huế khoảng 3km. Chính vì thế, du khách rất dễ dàng tìm đến để tham quan những nét cổ kính của khu phố đã có hơn vài trăm tuổi. Các địa điểm không thể bỏ qua khi đến tham quan phố cổ Bao Vinh là đình làng Bao Vinh, bến đò ngang Bao Vinh, chợ Bao Vinh, chùa Thiên Giang Tự... Ở phố cổ Bao Vinh còn có nét độc đáo là có kiến trúc nhà rường có 2 tầng, loại kiến trúc nhà rường rất hiếm gặp ở Huế.
Nằm cuối hạ lưu bờ sông Hương, Edufarm phố cổ Bao Vinh Huế (tổ dân phố Triều Sơn Nam, phường Hương Vinh, TP Huế) với diện tích 8.000m2 đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động như cưỡi ngựa, bơi thuyền, bắt cá, cắm trại, cũng như cùng chơi với các loài thú cưng.
Anh Nguyễn Phước Đạt, một Tiktoker (người sử dụng Tiktok để đăng tải những video mang tính sáng tạo nội dung về một chủ đề) chuyên về ẩm thực Huế rất hào hứng khi chia sẻ các món ăn sáng tại chợ Bao Vinh thuộc khu phố cổ Bao Vinh. Bắt đầu từ món cháo lòng, sau đó là các món bánh bèo - nậm - lọc, bún hến, bún riêu, thạch xoa… với giá cả bình dân. Cảm nhận của anh Nguyễn Phước Đạt là tiểu thương nơi đây rất thân thiện, hiếu khách và các món ăn thì rất ngon. Bên cạnh đó, trong số các ngôi chợ ở Huế, chợ Bao Vinh là ngôi chợ giữ được nét cổ kính, mang cốt cách của một kiến trúc nhà rường nên du khách đến chợ cảm nhận được hồn cốt của những tiểu thương Huế xưa.
Phố cổ Gia Hội còn nhiều dư địa để làm du lịch
Hiện nay, đã có một trang web mang tên “phocogiahoi.vn” để quảng bá về phố cổ Gia Hội (phường Gia Hội, TP. Huế). Chỉ cần vào trang web này, du khách sẽ được trải nghiệm “du lịch ảo” tham quan khu phố cổ Gia Hội. Bên cạnh đó, tại trang web này, du khách cũng sẽ có những thông tin bổ ích về khu phố cổ như địa điểm tham quan, ăn uống, lưu trú, tour du lịch…
Cách đây không lâu đã có tour “Lăn bánh cùng Huế” do Sở Du lịch tỉnh phối hợp với Beebeetravel tổ chức vào đầu tháng 9/2018. Trên xích lô, du khách được khám phá và lắng nghe nhiều giai thoại về Chi Lăng - Gia Hội, tham quan chùa Diệu Đế, Hội quán Phúc Kiến - Triều Châu và dừng chân tại Mè Xửng Thiên Hương, nhãn hiệu đặc sản đã mang Huế đến với thế giới.
Theo Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 sẽ thành lập phường Gia Hội trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Cát và Phú Hiệp. Đây là một thuận lợi trong việc quản lý và bảo tồn khu phố cổ Gia Hội.
Vào tháng 12/2021, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng không gian phố cổ Gia Hội thành tuyến phố thương mại đặc trưng của thành phố Huế” nhằm khẳng định các giá trị khoa học về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của khu phố cổ Gia Hội làm cơ sở khoa học cho việc định hướng nghiên cứu và triển khai các giải pháp phù hợp trong tương lai. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đánh giá hiện trạng khu vực phố cổ Gia Hội về quản lý quy hoạch, xây dựng, cảnh quan kiến trúc. Theo khảo sát từ Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế (tháng 9/2021), tại phố cổ Gia Hội hiện có 83 di sản vật thể, trong đó có 3 công trình đã được xếp hạng Di tích Quốc gia là Đình Miếu Thế Lại Thượng, nhà thờ Tổ nghề Kim Hoàn và Thanh Bình từ đường.
Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định Trung ương sẽ hỗ trợ nguồn lực để bảo tồn phố cổ Gia Hội (cùng với phố cổ Bao Vinh).
Nằm phía Đông Nam của vùng ngoại kinh thành Huế, phố cổ Gia Hội là vùng đất mang đậm văn hóa Huế. Phố cổ Gia Hội nằm trên một hòn đảo được bao bọc xung quanh bởi sông Hương và sông Đông Ba. Khu phố cổ này được hình thành từ sau ngày các chúa Nguyễn di dời thủ phủ xứ Đàng Trong từ thành Hóa Châu vào Kim Long (1636) và Phú Xuân (1687). Khi nhà Nguyễn thành lập (1802), khu phố cổ Gia Hội nằm bên cạnh Kinh thành Huế đã phát triển nhanh chóng, trở thành một phố thị đông đúc. Có thể khẳng định, khu phố cổ Gia Hội là nơi biểu hiện một cách sống động và chân thực nhất về đời sống của người Huế xưa.
Đặc biệt nhất ở phố cổ Gia Hội là một loạt dinh thự của các ông hoàng, bà chúa, các quan chức cao cấp trong triều đình Huế như phủ thờ Quận chúa Như Sắc, phủ Gia Hưng Vương (đường Bạch Đằng), phủ Vĩnh Tường Quận Vương, Ngọc Sơn Công Chúa từ, phủ Tuy An Quận Công (đường Nguyễn Chí Thanh), phủ từ Hoài Đức Quận Vương, Nghi Quốc Công từ (đường Nguyễn Du), phủ Thọ Xuân Vương, phủ Thoại Thái Vương, phủ Hòa Thạnh Vương, phủ Quảng Biên Quận Công (đường Chi Lăng). Một số phủ đệ nữa tại khu phố cổ Gia Hội là phủ An Thạnh Vương tại đường Chùa Ông, phủ Hoằng Hóa Quận Vương tại đường Tô Hiến Thành, phủ Vĩnh Quốc Công ở đường Nguyễn Du...
Khu phố cổ Gia Hội là nơi có đời sống ẩm thực phong phú với các đặc sản nổi tiếng của Huế. Hãng mè xửng Thiên Hương (đường Chi Lăng), quán bún bò của mệ Kéo (đường Bạch Đằng), bánh bèo - nậm - lọc Bà Đỏ (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm)… đã nổi tiếng từ lâu và thu hút đông đảo thực khách. Ngoài các đặc sản trên, nơi đây còn có nhiều món ăn ngon miệng như bún giấm nuốc, bún thịt nướng, bún mắm nêm, bánh khoái, nem lụi, cơm hến, chè…
Bài, ảnh: Nguyễn Văn Toàn