Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Thu thuế dịch vụ đặt phòng trực tuyến: Doanh nghiệp lưu trú "nặng lòng"
Ngày cập nhật 19/03/2018

Cục Thuế BR-VT đang đẩy mạnh thu thuế hoạt động kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến. Việc làm này góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, theo phản ánh của khối DN lưu trú, việc Cục Thuế yêu cầu DN phải nộp thuế thay các trang web bán phòng trực tuyến (gọi là nhà thầu nước ngoài, viết tắt: NTNN) là chưa hợp lý vì hoa hồng bán phòng NTNN hưởng.

Khách làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn Nemo (số 1 Nguyễn Văn Linh, TT. Phú Mỹ, huyện Tân Thành).

BÁN TRỰC TUYẾN, DN ĐẨY ĐƯỢC PHÒNG TỒN

Sau 2 ngày cuối tuần kín phòng phải tạm đóng dịch vụ bán trực tuyến trên các trang web: Agoda.com, booking.com, traveloka.com, expedia.com, sáng thứ Hai (12-3), khách sạn Romeliess (số 33, Thùy Vân, phường 2, TP.Vũng Tàu) tiếp tục tung phòng ra bán tại các trang web trên. Theo ông Trương Hồng Lĩnh, Giám đốc kinh doanh khách sạn Romeliess, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng khách đến BR-VT đông hơn. Hôm nay là ngày đầu tuần nhưng khách sạn vẫn có 29 phòng/tổng số 72 phòng có khách lưu trú. Đây là điều khác biệt so với cùng kỳ những năm trước. Tuy nhiên, thị trường BR-VT vẫn chuyên dòng khách nội địa và du lịch mùa vụ. Từ thứ Hai đến thứ Sáu trông chờ khách mua phòng trực tiếp gần như không có. “Thời điểm này, khách sạn vẫn còn 43 phòng nữa. Nếu không đẩy mạnh bán trên các trang web trực tuyến, đơn vị sẽ ôm phòng tồn trong khi các chi phí điện nước, quản lý, nhân công, khấu hao… vẫn phải chi trả hàng ngày”, ông Lĩnh cho biết.

Tương tự, khách sạn Malibu (số 263, Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu) với số lượng hơn 200 phòng, khách sạn mở bán phòng trên các trang trang web trực tuyến suốt năm. “Nhờ đẩy mạnh bán phòng trực tuyến, từ đầu năm đến nay, công suất phòng ngày thường của khách sạn đạt hơn 30% và cuối tuần là hơn 90%. Khách sạn cũng thu hút ngày càng nhiều khách châu Âu, Hàn Quốc lưu trú dài ngày chủ yếu nhờ các kênh đặt phòng trực tuyến”, bà Hà Gia Lệ, Giám đốc kinh doanh khách sạn Malibu cho hay.  

Dịch vụ mua bán phòng trực tuyến ngày càng phổ biến trong giới du lịch.

Theo khảo sát của phóng viên, tất cả các cơ sở lưu trú du lịch từ đạt chuẩn đến 5 sao trên toàn tỉnh đều sử dụng công cụ bán phòng trực tuyến, với số lượng chiếm hơn 30% công suất phòng. Các trang web bán phòng trực tuyến với lợi thế xuyên biên giới rất hữu ích cho các cơ sở lưu trú để tìm kiếm nguồn khách và quảng bá thương hiệu. Đối với khách du lịch, các trang web bán phòng trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin mà độ tin tưởng về dịch vụ cao do được tương tác, chia sẻ những thông tin bình luận, đánh giá chất lượng dịch vụ công khai, chính sách giá bán linh hoạt và thường mềm hơn so với giá bán trực tiếp tại khách sạn. Đó là những lý do khiến thị phần của nhiều trang web đặt phòng trực tuyến ngày càng lớn mạnh ở Việt Nam. “Tôi thường xuyên đặt phòng qua mạng và được một trang web xếp hạng thành viên. Mỗi khi có chương trình khuyến mãi phòng giá rẻ, trang web này luôn gửi email thông báo cho tôi. Nhờ thông tin đó, tôi vừa đặt được phòng tại một khách sạn 4 sao ở TP.Vũng Tàu vào đúng dịp lễ 30-4 với giá 700 ngàn đồng/đêm”, chị Trần Hoài Phương (ở 28A/2, Dương Bá Trạc, phường 2, Quận 8, TP.Hồ Chí Minh) cho hay.

Hướng dẫn khách lưu trú làm bánh tại khách sạn Imperial Vũng Tàu. Ảnh: THANH NGA

NỘP THUẾ THAY, DN LƯU TRÚ THÊM GÁNH NẶNG CHI PHÍ

Rõ ràng, không chỉ khách du lịch chuộng dịch vụ đặt phòng trực tuyến mà các DN kinh doanh dịch vụ lưu trú tại BR-VT cũng cần các trang web bán phòng trực tuyến. Nhiều DN nhận định, bán và đặt phòng qua mạng sẽ tiếp tục là xu hướng trong tương lai nhờ thỏa mãn các yếu tố nhanh, tiện ích, tiết kiệm thời gian và chi phí của số đông khách du lịch.

Hiện nay, có rất nhiều trang web bán phòng trực tuyến nhưng khối DN du lịch tại BR-VT ký hợp đồng nhiều nhất với 5 trang web gồm:  Agoda.com, booking.com, traveloka.com, expedia.com, mytour.vn. Mức phí trên giá bán phòng các khách sạn phải chi trả cho các trang web này là: 20% (agoda.com); 15% (booking.com, traveloka.com, mytour.vn) và 17% (expedia.com). Ngoài ra, tùy mối quan hệ hợp tác, lượng phòng ký gửi, chính sách chăm sóc khách hàng, các trang web trên còn có chế độ giảm cho nhà cung cấp hoa hồng phải trả và giảm giá bán cho khách mua phòng. Tất cả giao dịch giữa các bên như: Hợp đồng, số phòng ký gửi, giá phòng, thông tin khuyến mãi… đều trực tuyến. Về khâu thanh toán, ngoại trừ booking.com cho phép khách sạn thu tiền trực tiếp từ khách sử dụng phòng rồi chuyển trả hoa hồng cho nhà thầu, còn lại các trang web khác đều nhận thanh toán từ khách hàng, rồi giữ lại phần hoa hồng được hưởng và trả cho cơ sở lưu trú số tiền theo thỏa thuận giá bán giữa 2 bên.

Mới đây, theo hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh tại văn bản số 607/CT-TTr1 ngày 19-1-2018 thực hiện Thông tư số 103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về nghĩa vụ, kê khai nộp thuế NTNN yêu cầu 2 nội dung: Thứ nhất, về mức thuế, các trang kinh doanh đặt phòng trực tuyến của nước ngoài phải nộp thuế GTGT và thuế TNDN theo tỉ lệ trực tiếp trên doanh thu hoa hồng được hưởng, với tỉ lệ là 5% thuế GTGT và 5% thuế TNDN. Thứ hai, về nghĩa vụ kê khai và nộp thuế, cơ sở lưu trú có trách nhiệm khai và nộp thuế hoa hồng môi giới thay cho NTNN với trường hợp khách trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú; còn trường hợp khách thuê phòng trả tiền cho NTNN thì cơ sở lưu trú có trách nhiệm thông báo cho NTNN biết nghĩa vụ thuế phải thực hiện tại Việt Nam.

Theo các DN du lịch, trong các trang web đang bán phòng trực tuyến tại thị trường BR-VT, chỉ có mytour.vn trụ sở tại Việt Nam, còn lại đều ở nước ngoài. Trong đó, booking.com đã gửi đến các cơ sở lưu trú thông báo không phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Hà Lan. “Nếu thực hiện theo hướng dẫn từ Cục Thuế, cơ sở lưu trú sẽ không được đối tác khấu trừ. Khi cơ sở lưu trú làm căng thì NTNN sẽ cắt luôn hợp đồng. Còn nâng giá phòng để thu thêm của người tiêu dùng bù đắp khoản thuế đóng thay NTNN lại càng không thể vì giá bán đã được niêm yết”, đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết.

Các DN du lịch kiến nghị Cục Thuế tỉnh cần kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và ngân hàng để kiểm soát khâu thanh toán, doanh thu từ dịch vụ đặt phòng, từ đó có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế, chứ đừng đẩy các khó khăn lên DN.

Theo ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, trước bức xúc cấp thiết của hội viên, Hiệp hội Du lịch đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam góp tiếng nói đề xuất cơ chế giải khó cho DN.

So sánh cách tính thuế:

(1) Trước đây, với một phòng gửi bán trên agoda.com giá 1 triệu đồng, agoda giữ lại 20% hoa hồng (200 ngàn đồng) và chuyển trả cho cơ sở lưu trú 800 ngàn đồng. Cơ sở lưu trú phát hành hóa đơn GTGT số tiền tương ứng và chịu 80 ngàn tiền thuế GTGT.

(2) Cách tính thuế cơ sở lưu trú nộp thay NTNN theo Thông tư 103/2014/TT-BTC như sau: Với 1 phòng bán trực tuyến giá 1 triệu đồng, DN phải phát hành hóa đơn GTGT trên giá bán và chịu 10% thuế GTGT (tức 100 ngàn đồng) + 5% thuế GTGT và 5% thuế TNDN trên khoản 20% (tức 200 ngàn đồng) hoa hồng NTNN hưởng, tương đương 20 ngàn đồng).   

Lấy (2)-(1), DN lưu trú phải mất thêm 40 ngàn đồng khi nộp thay NTNN.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA
 

Theo: baobariavungtau.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.049.822
Đang truy cập 17.706