Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch
Ngày cập nhật 07/07/2018

Nhiều năm qua, du lịch Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng khá cao, dần chuyển dịch cơ cấu theo hướng chất lượng, hiệu quả với mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sau gần 30 năm đổi mới và phát triển, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 51,6 lần (từ 0,25 triệu năm 1990 lên 12,9 triệu năm 2017).

Năm 2000, tổng thu từ khách du lịch đạt 17.400 tỷ đồng, năm 2017, tổng thu từ khách du lịch đạt 510.000 tỷ đồng. Sau 17 năm, tổng thu từ khách du lịch tăng hơn 29 lần. Có thể nói, đạt được kết quả tăng trưởng đáng khích lệ đó có sự đóng góp quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Thời gian qua nhiều chủ trương chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ du lịch phát triển cũng như công tác quảng bá, xúc tiến du lịch như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020 với tiêu đề, biểu tượng Việt Nam-Timeless Charm; Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch; Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam được phê duyệt triển khai. Việc thành lập các Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại, Du lịch hoặc Trung tâm xúc tiến du lịch tại các địa phương cũng như sự chủ động của các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến du lịch đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia.

Gian hàng Du lịch Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế Top Resa, Cộng hòa Pháp năm 2016

Quy mô và phạm vi hoạt động xúc tiến du lịch được cải thiện, du lịch Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế lớn với gian hàng rộng hơn, số lượng, chất lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng được cải thiện: Travex, ITB Đức, MITT Nga, WTM Anh và 2 Hội chợ trong nước là VITM và ITE HCMC; Tổ chức đón các đoàn Famtrip, press trip từ nước ngoài vào Việt Nam khảo sát cũng như việc tổ chức các Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài; Tăng cường E-marketing và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước cũng như việc xúc tiến thông qua các sự kiện và Năm Du lịch quốc gia, qua các sự kiện chính trị, văn hóa và thể thao như APEC, IPU, Lễ hội pháo hoa quốc tế, Festival Huế cũng góp phần không nhỏ vào việc tăng trưởng lượng khách nội địa và quốc tế đến Việt Nam.

Việc phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp, hiệp hội được đẩy mạnh. Hiệp hội Du lịch Việt Nam và hiệp hội du lịch các địa phương tham gia ngày càng sâu vào các hoạt động xúc tiến du lịch của ngành. Đặc biệt sự tham gia đóng góp cả về tư vấn và kinh phí của các thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, đồng hành cùng Tổng cục Du lịch tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam tại WTM và ITB rất thành công, ấn tượng; hoạt động e-marketing triển khai đã bài bản hơn. Chất lượng hoạt động xúc tiến du lịch được cải thiện và nâng cao. Việc tổ chức các sự kiện từng bước được chuyên nghiệp hóa từ việc nghiên cứu thị trường, trên cơ sở đó sử dụng các phương pháp marketing phù hợp. Với các nỗ lực đó, nhiều điểm du lịch của Việt Nam đã trở lên nổi tiếng và định vị được thương hiệu đối với khách du lịch quốc tế như Hạ Long, Sa Pa, Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Mũi Né... góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch quốc gia.

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch vẫn còn một số vấn để cần xem xét, nâng cao hiệu quả: Hoạt động nghiên cứu, định hướng thị trường chưa thực sự bài bản, gắn với thực tế, đi sâu vào các phân khúc thị trường mục tiêu cụ thể cho các hoạt động xúc tiến. Cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường thiếu và không nhất quán, chưa cập nhật thường xuyên các xu hướng thay đổi của thị trường, dự báo để có điều chỉnh phù hợp. Do thiếu thông tin đánh giá thị trường, xây dựng kế hoạch hằng năm cho các hoạt động xúc tiến du lịch chưa có tính thuyết phục cao, bám theo yêu cầu thị trường mục tiêu.

Hiện nay, kinh phí được cấp từ ngân sách duy trì mức thấp, không đủ để triển khai chủ động, bài bản các chương trình xúc tiến quy mô lớn, liên tục, khiêm tốn khi so với yêu cầu thực tế và với các nước trong khu vực. Hạn chế khả năng sử dụng, khai thác các hình thức, công cụ xúc tiến du lịch phổ biến và hiệu quả trên thế giới như quảng cáo trên các phương tiện thông tin truyền thông nước ngoài, ứng dụng marketing điện tử, hình thành đại diện xúc tiến du lịch ở nước ngoài...

Về tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam tại các hội chợ thì hình ảnh hiện diện gian hàng quốc gia chưa ổn định, thông điệp chưa rõ ràng; hiệu quả kết nối giao dịch tại gian hàng chưa thực sự phát huy; tham gia của các doanh nghiệp chưa thực sự chủ động và ổn định. Thiếu đại diện xúc tiến ở nước ngoài, phối hợp với các Đại sứ quán, các hãng hàng không chưa thực sự kỹ để có thể mời đúng đối tượng là các doanh nghiệp chuyên gửi khách tới Việt Nam.

Về công tác truyền thông, e-marketing: nhận thức về e-marketing chưa đầy đủ, chưa được đầu tư nguồn lực đầy đủ theo yêu cầu. Truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng còn chung chung, chưa đánh giá được hiệu ứng tác động; tác nghiệp chưa kịp thời, sinh động và chưa phát huy được công nghệ, nội dung thông tin còn nghèo nàn, kém cập nhật, ít tương tác; số lượng truy cập, khai thác thấp. Số lượng, chất lượng các hình ảnh, video clip chưa sắc nét về hoạt động trải nghiệm sản phẩm du lịch mà đơn thuần về phong cảnh, ít hoạt động, tương tác du lịch.

Chưa hình thành một cơ chế, kênh trao đổi, thông tin để có sự trao đổi, chia sẻ, hợp tác giữa Trung ương, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp. Ngành Du lịch không có lực lượng xúc tiến tại chỗ thông qua các văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài. Điều này khiến cho các hoạt động xúc tiến du lịch chưa được tiến hành một cách thường xuyên và hiệu quả tại thị trường. Thông tin cụ thể cho chuyến đi du lịch Việt Nam phục vụ đại bộ phận các đối tượng khách nước ngoài còn thiếu nhiều.

Nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch thời gian tới sẽ bao gồm một số vấn đề:

Một là, đổi mới cả về nội dung và phương thức tổ chức thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch. Cần đẩy mạnh phối hợp hiệu quả công - tư trong xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo đột phá trong phương thức huy động các nguồn lực tập trung cho xúc tiến; trong đó phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn du lịch, huy động nguồn lực từ nhiều nguồn cho quảng bá, xúc tiến du lịch.

Hai là, cần cơ cấu lại định hướng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường còn dư địa và có khả năng tăng trưởng mạnh trong những năm tới; duy trì tốc độ phát triển ổn định của các thị trường truyền thống, đặc biệt các thị trường gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; Đầu tư mạnh hơn, đảm bảo hiệu quả vào các thị trường chi tiêu cao: Châu Âu, Úc, Mỹ.

Ba là, cơ cấu lại sản phẩm du lịch theo nhu cầu thị trường theo từng phân đoạn khác nhau mà tiến hành cơ cấu hệ thống sản phẩm du lịch tương ứng (nhu cầu nào-sản phẩm đó). Cơ cấu sản phẩm du lịch được xác lập gồm sản phẩm chính liên kết với hàng loạt sản phẩm bổ trợ hình thành chuỗi giá trị cung ứng du lịch gắn liền với tuyến hành trình của khách. Cơ cấu các dòng sản phẩm chủ đạo gồm: (1) du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, (2) du lịch văn hóa, (3) du lịch sinh thái và (4) du lịch giải trí, thể thao và MICE.

Bốn là, cơ cấu lại nguồn lực theo tiêu chí đánh giá cuối cùng là hiệu quả trong sử dụng nguồn lực quảng bá xúc tiến du lịch được thể hiện bằng giá trị gia tăng mang lại của chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch.

Năm là, cơ cấu lại hệ thống quản lý và hỗ trợ phát triển: Nhiệm vụ quảng bá xúc tiến du lịch đòi hỏi phải có cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia đủ năng lực, phát huy tốt vai trò đắc lực của các công cụ truyền thông và ứng dụng công nghệ cao trong quảng bá, xúc tiến du lịch. Nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý và xúc tiến du lịch từ Trung ương đến địa phương.

Sáu là, cần điều chỉnh các phương thức, công cụ xúc tiến, quảng bá du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, ưu tiên các công cụ tác động nhanh, trực tiếp, chi phí thấp; Sử dụng hiệu quả hơn các hoạt động e-marketing (trang website, các trang mạng xã hội, ứng dụng cho thiết bị cầm tay).

Bảy là, cần nghiên cứu, tổ chức một số chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tổng thể tại một số thị trường trọng điểm, tạo cú hích mạnh mẽ cho phát triển du lịch thời gian tới; xem xét, điều chỉnh, hòan thiện thêm bộ nhận diện du lịch Việt Nam “ Vietnam - Timeless Charm ”.

VỤ THỊ TRƯỜNG DU LỊCH (TCDL)

Theo: baodulich.net.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 28.421