Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Phát triển du lịch tàu biển Việt Nam: Dư địa còn rất lớn
Ngày cập nhật 15/12/2018

Du lịch tàu biển khu vực châu Á đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Thuận lợi này mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho du lịch tàu biển của Việt Nam phát triển, bắt kịp với xu thế trên thế giới.

Tiềm năng lớn
 
Trên bản đồ du lịch tàu biển thế giới, khu vực châu Á là điểm đến hấp dẫn với 288 điểm được lựa chọn trở thành điểm dừng chân của các hãng du thuyền thế giới. Trong 5 năm (2013 - 2018), tổng số lượt khách du lịch bằng tàu biển trên thế giới đã tăng khoảng 24%, từ 21 triệu lượt (năm 2013) lên khoảng 26 triệu lượt khách (năm 2018); trong đó, đến khu vực châu Á tăng trưởng trung bình đạt 23%, từ 1,51 triệu lượt năm lên khoảng 4,26 triệu lượt.
 
Cảng tàu Hòn Gai (Quảng Ninh) - một trong những cảng biển hiện đại nhất Việt Nam - vừa được khai trương
 
Trước xu thế phát triển của du lịch tàu biển thế giới, Việt Nam đang có nhiều cơ hội khai thác dòng sản phẩm chuyên biệt này nhờ lợi thế nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, trên tuyến đường giao thông hàng hải thuận lợi giữa Bắc - Nam châu Á, là điểm đến dễ tiếp cận trong hành trình của các hãng tàu đến khu vực. Đặc biệt, có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, hơn 3.200km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp, hấp dẫn, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ; hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư nâng cấp hiện đại gần với các cảng đón khách du lịch tàu biển...
 
Nhiều cảng biển của Việt Nam đã được quy hoạch và đầu tư, là điểm dừng chân thường xuyên của một số hãng tàu biển lớn trong tuyến hành trình du lịch, như: Cảng Hòn Gai (Quảng Ninh), cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Đầm Môn (Bắc Vịnh Vân Phong - Khánh Hòa)… Gần đây, một số tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam đã đầu tư cho phát triển cảng biển phục vụ du lịch. Điển hình, cảng khách quốc tế Hạ Long - cảng khách quốc tế chuyên dụng có quy mô hiện đại đầu tiên của Việt Nam - đã chính thức đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch tàu biển khu vực phía Bắc…
 
Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Du lịch - cho biết, thời gian qua, Việt Nam đón trung bình khoảng dưới 300.000 lượt khách du lịch tàu biển/năm với gần 500 chuyến tàu cập các cảng, chiếm từ 2 - 3 % tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Hệ thống cảng biển, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, du lịch của Việt Nam đã từng bước đáp ứng yêu cầu cập cảng của một số hãng du lịch tàu biển lớn trên thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn khách quốc tế.
 
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia
 
Tiềm năng và có nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên, hệ thống và hạ tầng cảng biển Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hệ thống dịch vụ, kỹ thuật tại các cảng biển chưa đồng bộ; sản phẩm du lịch phục vụ du khách nghèo nàn, thiếu đa dạng. Việc khai thác các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, tài nguyên biển, bản sắc văn hóa dân tộc chưa hiệu quả…
 
Nhằm phát huy thế mạnh, tận dụng những cơ hội thu hút khách tàu biển trên thế giới, theo Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Nguyễn Công Bằng, các địa phương có cảng cần quảng bá, khuyến khích và có hình thức ưu đãi đối với doanh nghiệp để đầu tư các bến cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế. Ông James Ngui - Giám đốc Vận hành cảng khu vực Đông Nam Á của hãng tàu Royal Caribbean Cruises - cho rằng, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới trong quy trình thủ tục; tăng tính liên kết giữa đơn vị quản lý cảng, công ty lữ hành, hãng tàu biển và các cơ sở cung ứng dịch vụ, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí để hỗ trợ thu hút khách du lịch tàu biển.
 
Ông Ngô Hoài Chung cho biết, dư địa để khai thác sản phẩm này của Việt Nam rất lớn. Theo đó, định hướng giai đoạn tới là tập trung nghiên cứu thị trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm soát xuất nhập cảnh; đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước.
Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Du lịch: Du lịch tàu biển Việt Nam phát triển chưa xứng với tiềm năng. Do vậy, thời gian tới, đây là lĩnh vực khả quan để khai thác, góp phần hướng tới nhóm du lịch chất lượng cao.
 
Hoa Quỳnh
Theo: congthuong.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.692.789
Đang truy cập 2.033