Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Hạ tầng giao thông cho du lịch cần được ưu tiên
Ngày cập nhật 31/05/2022

Hạ tầng giao thông được ví như “xương sống” trong phát triển du lịch, nhưng yếu tố này ở Huế vẫn đang còn nhiều hạn chế, đặc biệt là giao thông kết nối du lịch biển.

 
Du lịch biển ở Huế được đánh giá chỉ phát triển khi giao thông kết nối tốt hơn
 
Chưa nhiều thay đổi
 
Chiều cuối tuần, nhiều xe máy, ô tô cá nhân và một số xe loại 29 và 45 chỗ ngồi chở khách du lịch di chuyển về hướng biển Thuận An. Khi đi qua đoạn để vào bãi tắm Thuận An và Phú Thuận, lượng xe khá đông khiến việc di chuyển khá khó khăn. Các xe phải chờ nhau ít phút mới có thể di chuyển tiếp.
 
Theo lãnh đạo phường Thuận An, tình trạng kẹt xe cục bộ vào một số thời điểm buổi chiều cuối tuần như thế không phải là chuyện mới, nhất là khi vào mùa cao điểm du lịch biển. Bên cạnh lưu lượng xe đông, đa số các tuyến đường ở Thuận An khá nhỏ khiến việc di chuyển khó khăn hơn.
 
Giao thông chính là đầu mối liên kết giữa các lĩnh vực kinh doanh, du lịch và điểm đến, là tác nhân trong việc phát triển tổng thể của cả nền kinh tế. Hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, kết nối các điểm đến ở Huế lâu nay được đánh giá đang còn là trở lực cho sự phát triển của du lịch Cố đô. Hạ tầng giao thông dường như chưa được đánh giá đúng vai trò của nó trong việc phát triển du lịch. Hiệu suất của mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông về phát triển du lịch tại các điểm đến chưa tương xứng với du lịch tỉnh nhà.
 
Nhiều điểm đến ở Huế di chuyển còn rất khó khăn
 
Ngay cả trung tâm thành phố như ở phường Thủy Biều cũng khó khai thác vì các lại xe từ 29 chỗ ngồi trở lên không thể di chuyển vào phường. Đây là thực tế được chỉ ra nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có những thay đổi. Những điểm đến mới như hồ Khe Ngang, hồ Sơn Thọ là điểm “check - in” mới vào mùa hè khoảng 3 năm trở lại. Nhiều ý kiến đánh giá và góp ý cần đầu tư hạ tầng kết nối, nhưng đến nay chỉ thu hút được khách đi xe máy, ô tô rất khó để tiếp cận. Nhiều điểm du lịch suối thác, nhất là những điểm không do doanh nghiệp (DN) khai thác, hạ tầng kết nối còn rất khó khăn.
 
Lãnh đạo Sở Du lịch đánh giá, tuyến đường Quốc lộ 49B, dù thời gian qua một số đoạn được nâng cấp, tuy nhiên, cơ bản vẫn chưa thể là yếu tố tạo động lực cho du lịch biển có thể phát triển tốt hơn. Nhiều đoạn, như từ Phú Thuận kéo dài đến Vinh Xuân (Phú Vang), khi có một ô tô 45 chỗ di chuyển, gần như chiếm gần hết cả con đường. Đây là hạn chế trong phát triển du lịch đã được nhìn nhận nhiều năm, nhưng chưa có nhiều thay đổi.
 
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel – Chi nhánh Huế phân tích, khi có một tuyến đường kết nối tốt hơn tuyến đường cũ sẽ tăng khả năng thu hút khách, thu hút đầu tư. Thực tế khoảng cách vẫn như cũ, nhưng thời gian, cách thức di chuyển nhanh hơn và thuận lợi hơn. Đây là yếu tố đánh lừa thị giác, khiến khoảng cách được rút ngắn, yếu tố quan trọng quyết định để du khách chọn điểm đến. Nói như thế để thấy, du lịch biển ở Huế luôn có “khoảng cách” vì kết nối giao thông chưa thật sự thuận lợi nhất.
 
Nhìn đúng vai trò, ưu tiên đầu tư
 
Theo các chuyên gia, trong chu kỳ 6 giai đoạn phát triển của một vòng đời điểm đến, yếu tố được ưu tiên đầu tư đầu tiên ngay sau khi điểm đến được xác định phát triển chính là hạ tầng giao thông.
 
Trong giai đoạn phục hồi của ngành du lịch, bên cạnh văn hóa di sản, du lịch biển, nghỉ dưỡng gắn với biển được cho là lựa chọn giúp điểm đến thu hút được khách tốt hơn. Hạ tầng giao thông cần được ưu tiên đầu tư hơn trong thời gian đến.
 
Ông Hoàng Văn Khánh cho rằng, cần phải có nhận định đúng về vai trò giao thông. Thông thường, nhiều ý kiến cho rằng đầu tư hạ tầng giao thông du lịch không đạt nhiều hiệu quả. Du lịch là ngành tổng hợp nên giao thông không nằm ngoài tổng thể đó. Đầu tư hạ tầng giao thông là giúp phát triển kinh tế - xã hội chung; trong đó thúc đẩy du lịch thêm phần phát triển. Minh chứng là ở bất cứ nơi nào, khi giao thông kết nối tốt, khu vực đó có kinh tế - phát triển nhanh. Bởi lý do đó, khi đã xác định vùng nào cần phát triển thì cần đầu tư mạnh hơn về hạ tầng giao thông. Như hiện tại, Huế đang định hướng phát triển về biển thì giao thông phải được nâng cấp, mà phải triển khai nhanh.
 
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh, hạ tầng giao thông luôn được xác định là động lực phát triển. Nhiều hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, có du lịch đã, đang và tiếp tục triển khai, như tuyến cao tốc qua tỉnh; cầu bắc qua sông Hương đoạn qua phường Kim Long; cầu bắc qua cửa biển Thuận An; dự án giao thông trọng điểm nối từ TP. Huế về sân bay; đê chắn sóng ở cảng Chân Mây; sân bay Phú Bài đưa vào khai thác… Đó là những động lực mới cho du lịch Huế.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế đang trong quá trình phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, khi đó thương hiệu, vị trí sẽ khác. Sự đầu tư cho hạ tầng giao thông sẽ tăng lên. Riêng với hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển du lịch biển, tuyến đường ven biển đã được quy hoạch và đầu tư trên cơ sở xây dựng mới kết hợp nâng cấp mở rộng một số phân đoạn của đường Quốc lộ 49B đạt chuẩn đường đô thị 4 đến 6 làn xe. Điểm nhấn là cầu qua cửa biển Thuận An là công trình lớn, được xây dựng nhằm phá vỡ thế chia cắt, cho khu vực ven biển và đầm phá của Thừa Thiên Huế. Sau khi hoàn thành, tuyến sẽ giảm tải cho các trục giao thông Bắc - Nam, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế ven biển của tỉnh, đặc biệt là du lịch biển. Đây là công trình trọng điểm nên tỉnh sẽ giám sát, chỉ đạo để các đơn vị liên quan hoàn thành đúng tiến độ.
 
Bài, ảnh: Đức Quang
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.690.842
Đang truy cập 1.058