Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Thừa Thiên Huế: Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Du lịch
Ngày cập nhật 12/11/2023

Chiều ngày 8/11/2023, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Du lịch tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế" với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế, các chuyên gia, doanh nghiệp.

Hoạt động này nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ "Hỗ trợ nâng cao năng lực của địa phương trong xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo" (thuộc Đề án 844), hướng đến xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực miền Trung.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe trình bày các tham luận xung quanh các nội dung về: Hợp tác, kết nối các Làng Công nghệ Quốc gia trong liên kết phát triển sản phẩm Du lịch Thừa Thiên Huế: Tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Khai thác tiềm năng tài nguyên du lịch bản địa trong thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thừa Thiên Huế; “Huế - Kinh đô Áo dài” gắn với phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo trong phát triển du lịch Huế. Chuyển đổi số trong du lịch từ góc nhìn trải nghiệm của khách hàng - cơ hội của các doanh nghiệp và startup. Bên cạnh đó còn được nghe giới thiệu về giải pháp công nghệ ứng dụng phát triển du lịch theo hướng chuyển đổi số; giới thiệu mô hình không gian sáng tạo Sống Platform tại Huế…
 
 
Theo ông Trần Văn Tùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN: Tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng lớn về văn hoá, lịch sử, con người, tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch, do đó tỉnh cần thúc đẩy, thu hút sự tham gia của của đa dạng các thành tố tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó, chính quyền địa phương và các tập đoàn lớn sẽ đóng vai trò là những người ra đề, đặt hàng và mua lại các giải pháp của các cho startup. Thông qua đó, địa phương và các tập đoàn sẽ hưởng lợi và tận dụng nguồn lực đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước.
 
 
Chia sẻ về định hướng xây dựng và phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chương trình hành động du lịch xanh theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển du lịch, ưu tiên hạ tầng phát triển du lịch thông minh và bền vững, ưu tiên phát triển hạ tầng phục vụ du lịch thông minh, tập trung nguồn lực để chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ để phát triển du lịch; thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch chủ lực, đặc thù mang bản sắc Huế, có tính sáng tạo cao. Tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có vừa xây dựng những sản phẩm mới, sản phẩm cốt lỏi, đẳng cấp, chất lượng cao, mang đậm bản sắc gắn với văn hóa Huế, con người Huế. Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thiết thực…
 
 
Liên quan đến tiềm năng, lợi thế của Huế trong phát triển du lịch dưới góc nhìn văn hoá, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ: Huế là nơi sản sinh ra chiếc áo dài ngũ thân từ đầu thế kỷ XVII, được nâng lên thành quốc phục của cư dân Đàng Trong từ giữa thế kỷ 18, rồi trở thành quốc phục của người Việt Nam dưới thời Nguyễn. Ông Phan Thanh Hải cho rằng việc biến áo dài Huế trở thành sản phẩm công nghiệp sáng tạo hoàn toàn có tính khả thi. Bởi, Huế rất thuận lợi để ban hành các chính sách, cơ chế phát huy nghề may đo áo dài nhằm phục vụ những người có điều kiện, yêu chuộng sự cầu kỳ, tỉ mẩn, tài hoa của các nghệ nhân.
 
 
Chia sẻ về nội dung chuyển đổi số trong du lịch từ góc nhìn trải nghiệm của khách hàng, ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Dưới góc nhìn trải nghiệm của khách hàng, khách hàng mong muốn các giải pháp công nghệ trong việc tìm kiếm: Thông tin du lịch và dịch vụ hỗ trợ; Chỗ ở và dịch vụ ăn uống; Giao thông và đi lại; Địa điểm tham quan; Điều hành tour và đại lý du lịch… do đó, việc tập trung đẩy mạnh, ứng dụng chuyển đổi số phục vụ cho hệ sinh thái Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế mang lại nhiều cơ hội cho các statrt up khởi nghiệp khi tham gia cung cấp các giải pháp công nghệ để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh của tỉnh.
 
 
Tại phiên Toạ đàm, đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế, các chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận, chia sẻ những giải pháp để thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế xoay quanh các nội dung về các giải pháp thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, điểm đến du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như những định hướng trong phát triển du lịch, quy hoạch tỉnh và các chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ KNĐMST tại tỉnh Thừa Thiên Huế. 
Hy vọng rằng, thông qua Diễn đàn "Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế" sẽ gợi mở thêm nhiều ý tưởng khởi nghiệp mới đóng góp cho sự phát triển của ngành Du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.  
* Sáng cùng ngày, Ban tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023 cũng đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi.  
Sau 8 năm triển khai, Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hút sự tham gia hơn 400 dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Có hơn 100 dự án được chọn vào vòng chung kết, gần 80 dự án tiềm năng được chọn trao giải cấp tỉnh. Từ cuộc thi, nhiều dự án đã phát triển và đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.
Riêng năm 2023, Ban tổ chức đã nhận được 90 hồ sơ đăng ký dự thi, đặc biệt nhiều dự án đã tạo ra được sản phẩm đưa vào thị trường và có xu hướng phát triển tốt. Trải qua 3 vòng thi sơ khảo, bán kết và chung kết trên cơ sở ý kiến góp ý của Hội đồng giám khảo và tập huấn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, các tác giả, nhóm tác giả đã hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả. 
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 12 dự án, ý tưởng xuất sắc của các tác giả, nhóm tác giả. Trong đó, Giải nhất thuộc về dự án “Ngũ cốc Mộc An - Hành trình để phát triển bền vững” của tác giả Hoàng Thị Cẩm Nhung, GĐ Công ty TNHH phát triển Nông nghiệp xanh Mộc An. Ban tổ chức còn trao 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải khuyến khuyến khích và có 2 dự án đạt giải thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra còn trao một Giải thưởng sinh viên KNĐMST tiêu biểu từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

 

Nguyễn Thúc Nhân
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.405.822
Đang truy cập 12.351