Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Các sân bay nhỏ của Nhật Bản rộng cửa đón khách Đông Nam Á
Ngày cập nhật 10/01/2018

 Các hãng hàng không giá rẻ của Đông Nam Á có thêm lựa chọn khi khai thác các chặng bay tới Nhật Bản với các sân bay vệ tinh quanh thành phố lớn.

Ngày càng nhiều hãng bay từ Đông Nam Á khai thác tuyến bay tới các thành phố Nhật Bản, khi nhu cầu du lịch của khách Đông Nam Á tới Nhật bùng nổ.

Nhìn thấy xu thế này có thể góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương, chính quyền Nhật Bản muốn quảng bá các sân bay ở tỉnh.

SilkAir, một hãng hàng không con của Singapore Airlines, sẽ chính thức khai thác chặng bay thẳng Singapore - Hiroshima vào tháng 10/2017. Đây là chặng bay đầu tiên tới Nhật Bản của SilkAir.

Thành phố phía Tây nước Nhật nổi tiếng với nhiều công trình lịch sử được UNESCO công nhận như mái vòm Atomic Bomb Dome hay đền Itsukushima.

"Hiroshima được người Singapore biết đến bởi bề dày lịch sử, thời tiết tốt cũng như có nhiều điểm tham quan ở các thành phố lân cận", ông Foo Chai Woo, giám đốc điều hành của SilkAir, cho hay.

Hơn nữa, các hãng hàng không kỳ vọng khách du lịch và các thương gia Nhật Bản sẽ di chuyển sang Singapore theo chiều ngược lại, khi dân số Hiroshima khoảng 2,8 triệu người, trong đó có cả những công ty lớn đặt trụ sở như Mazda Motor.

Chính quyền Hiroshima hỗ trợ toàn phần phí cất hạ cánh và phí cơ sở vật chất cho SilkAir, trị giá khoảng 398.000 USD mỗi năm trong 3 năm liên tiếp. Thành phố này cũng hỗ trợ 282.000 USD tiền quảng cáo trong năm đầu cho hãng hàng không.

Một quan chức Hiroshima chia sẻ với Nikkei, thành phố đã tiếp cận các hãng hàng không Đông Nam Á với hy vọng đón thêm được nhiều du khách. Thêm vào đó là nhu cầu đặt văn phòng và nhà máy của các công ty Đông Nam Á ở Nhật.

Vietjet Air cũng đang lên kế hoạch mở đường bay tới Nhật Bản. Hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam dự kiến sẽ vận hành tổng cộng 30 chuyến bay theo hợp đồng với các công ty lữ hành (15 chuyến mỗi chiều) giữa TP.HCM và Fukushima, một thành phố ở Đông Bắc Nhật Bản, trong giai đoạn từ tháng 2 tới tháng 4/2018, dịp Tết Nguyên Đán của Việt Nam.

Tương tự như Hiroshima, Fukushima cũng sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí cất hạ cánh. Theo một quan chức của tỉnh, sân bay Fukushima đã mất rất nhiều chặng bay quốc tế sau thảm họa hạt nhân năm 2011. Trước đây, Fukushima từng có đường bay thường xuyên tới Thượng Hải và Seoul.

"Các đường bay lữ hành chỉ là bước đầu, đưa về những đường bay truyền thống mới là mục tiêu lớn của chúng tôi", ông Masao Ichibori, lãnh đạo của Fukushima phát biểu hồi cuối tháng 8/2017.

Ngoài nguyên nhân về kinh tế, các sân bay tỉnh sẽ là cửa ngõ dễ dàng hơn cho các hãng hàng không gia nhập thị trường Nhật Bản. Theo Bộ Vận tải Nhật Bản, 5 sân bay lớn của Nhật là Haneda và Narita ở Tokyo, Kansai và Fukuoka ở Osaka cùng sân bay Chitose của Sapporo luôn nằm dưới áp lực quá tải. Các hãng hàng không đang vận hành sẽ được ưu tiên về sân bãi. "Những hãng mới gia nhập sẽ có ít cơ hội để mở đường bay truyền thống hơn", một quan chức cho hay.

Trong khi đó, số lượng các chuyến bay lữ hành tới các sân bay nhỏ đang tăng lên. Trong giai đoạn tháng 3/2016 tới tháng 3/2017 đã có 335 chuyến bay lữ hành được thực hiện giữa các thành phố Đông Nam Á và Nhật Bản, không bao gồm các chuyến tới và đi Narita, Haneda và Kansai. Đây là con số hơn gấp đôi so với mức cùng kỳ 3 năm trước đó.

Vietjet Air đang tỏ rõ tham vọng tại thị trường Nhật Bản khi hợp tác tích cực với cả hãng bay Nhật và chính quyền địa phương tại Fukushima. Ảnh: Reuters.

Hãng hàng không giá rẻ Citilink của Indonesia cũng cung cấp đường bay lữ hành giữa Jakarta và Fukuoka kể từ tháng 5/2017. Các chuyến bay lữ hành thường được các hãng xem như liều thuốc thử nhu cầu của thị trường trước khi quyết định mở đường bay truyền thống vào khai thác thị trường.

Xu hướng gia tăng đường bay giữa Đông Nam Á và Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì khi mà du khách có nhu cầu tham quan những vùng của nước Nhật mà họ chưa được tới. Du khách thường chọn Tokyo và Osaka là điểm đến cho chuyến đi đầu tiên đến Nhật Bản. Theo một khảo sát Cục Lữ hành Nhật Bản thực hiện vào quý 2/2017, 89 trên 173 du khách Thái Lan cho hay họ đã đến Nhật Bản hơn 3 lần, con số này đối với du khách Singapore là 30 trên 66 du khách.

Tổng lượng khách từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Việt Nam và Philippines trong năm đã tăng lên mức 1,66 triệu tính tới tháng 7/2017, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng du khách từ Nhật Bản đến Việt Nam là khoảng 740.000 khách năm 2016.

Trước đó, theo Nikkei, hãng hàng không quốc gia Nhật Bản (JAL) sẽ trở thành đối tác của Vietjet để xây dựng hiện diện tại Việt Nam, gia nhập vào xu thế liên doanh thường thấy tại Đông Nam Á giữa một hãng hàng không truyền thống và một hãng giá rẻ.

Hai hãng sẽ bắt tay nhau để lên kế hoạch khai thác đường bay thẳng Việt Nam - Nhật Bản, dự kiến cất cánh sớm nhất trong năm 2017.

Vietjet Air kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi doanh thu từ các chuyến bay quốc tế, mảng mà hãng hiện còn yếu, nâng tỷ trọng doanh thu từ bay quốc tế lên 40% trong vài năm tới.

Trước đó JAL từng bắt tay với Vietnam Airlines, nhưng hai bên đã ngừng hợp tác sau khi công ty mẹ của All Nippon Airways, đối thủ chính của JAL, là ANA Holdings mua gần 9% cổ phần nhà nước của Vietnam Airlines với giá 2.430 tỷ đồng khi Việt Nam lên kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước lớn.

Ngô Minh
Theo Nikkei
 

đặc sản Huế, fesstival huế, du lịch, hue tourism, du lịch Huế, khách sạn Huế, huetourism, festival huế, ẩm thực huế, món ngon, món ăn huế

Theo: news.zing.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.692.925
Đang truy cập 991