Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Miền trung phát triển du lịch đường Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 22/05/2019

Ðường Trường Sơn với tổng chiều dài hơn 17 nghìn km đã trở thành tuyến đường huyền thoại, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Hiện, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Ðường Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh đang được các tỉnh miền trung chú trọng nhằm phát triển du lịch, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bài 1: Tiềm năng lớn
 
Ðường Hồ Chí Minh đoạn từ tỉnh Quảng Bình đến Quảng Nam là một hệ thống đường xuyên suốt địa bàn cùng nhiều căn cứ phục vụ kháng chiến với mỗi tên đất, tên người đã đi vào lịch sử. Hiện nay, cùng với hệ thống di tích lịch sử, đường Hồ Chí Minh có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc sống bên dãy Trường Sơn là một thuận lợi lớn để phát triển du lịch.
 
Nhiều đoàn khách đến thăm Di tích lịch sử hang Tám Thanh niên xung phong trên đường 20 Quyết thắng.
 
Tiềm năng du lịch phong phú
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hệ thống đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình có tổng chiều dài hơn 900 km đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Ðáng chú ý, Quảng Bình là địa phương có hai nhánh đường đông, tây Trường Sơn; cùng với mạng lưới giao thông vận tải, hệ thống căn cứ, sở chỉ huy, tổng kho chính của các binh trạm Ðoàn 559 được bố trí tập trung chủ yếu tại đây.
 
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm trong vùng sinh thái bắc Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Bình, là nơi đang hiện diện cả một quần thể di tích lịch sử, văn hóa trong chiến tranh, chứa một phần con đường huyền thoại. Khách du lịch có thể thăm lại những địa danh đã đi vào lịch sử nay trở thành địa chỉ "đỏ", như: ngầm Trà Ang, trọng điểm A.T.P (cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích), bến phà Xuân Sơn, hang Thông Tin, hang Tám Cô, Khe Ve, ngầm khe Rinh, cổng Trời, đồi Cha Quang, đèo Mụ Giạ, trận địa Nguyễn Viết Xuân, đèo Ðá Ðẽo… Các hang động tại huyện Minh Hóa nơi bộ đội Trường Sơn (Ðoàn 559) sử dụng làm Sở chỉ huy, cũng là nơi dự trữ lương thực, thực phẩm, xăng dầu; nơi xuất phát và hậu cứ của nhiều binh đoàn, sư đoàn chi viện cho chiến trường.
 
Nằm trong hệ thống Di tích quốc gia đặc biệt Ðường Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh tại tỉnh Quảng Trị có sáu hạng mục, trong đó Khe Hó ở huyện Vĩnh Linh là điểm mở đường Trường Sơn vào nam đầu tiên. Ðặc biệt, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10 nghìn liệt sĩ, là con em cả nước từng chiến đấu và anh dũng hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn; thu hút nhiều cựu chiến binh, người dân về dâng hương tưởng niệm. Ðể tri ân các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, công trình Ðền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt được xây dựng đã tạo nên hệ thống quần thể di tích lịch sử, hoài niệm về chiến trường xưa trên tuyến đường Hồ Chí Minh.
 
Qua Quảng Trị, A Lưới là vùng đất nổi tiếng của chiến trường Trị - Thiên trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Mảnh đất và con người nơi đây đã tạc ghi những chiến công oanh liệt, nhiều địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng như cụm địa đạo Ðộng So, địa đạo Lam Sơn; đồi A Bia (còn gọi là đồi Thịt Băm - di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia); động Tiên Công; các địa đạo Puúc, A Ðoon, Tà Lương; sân bay A Lưới… Ðó là điều kiện thuận lợi để huyện A Lưới phát triển loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng.
 
Ðường Hồ Chí Minh qua tỉnh Quảng Nam dài gần 200 km xuyên các huyện Ðông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn. Tuyến đường quanh co uốn lượn qua những cánh rừng nguyên sinh và men theo những dòng sông, bản làng ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Nam. Ðể phát triển tiềm năng du lịch vùng đất này, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) lập quy hoạch phát triển du lịch dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và dự án khôi phục gần 1.000 m đường mòn Hồ Chí Minh tại xã Cà Dy, huyện Nam Giang. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch xây dựng tượng đài Huyền thoại Trường Sơn tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.
 
Nỗ lực phát triển
 
Làm thế nào để "đánh thức" tiềm năng du lịch di tích đường Hồ Chí Minh là vấn đề đã và đang được các tỉnh miền trung quan tâm. Việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử Di tích Ðường Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh không chỉ để tri ân quá khứ hào hùng của dân tộc mà còn góp phần giáo dục đạo đức cách mạng và phát triển du lịch ở từng địa phương. Nhìn chung, các tỉnh đều có định hướng và giải pháp phát triển tiềm năng này một cách bài bản, qua đó đã thu được những kết quả bước đầu. Trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của di tích đường Hồ Chí Minh, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Binh đoàn 12 để lập hồ sơ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 27 điểm được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
 
Trong các tỉnh miền trung, Quảng Bình là địa phương đầu tư và phát triển du lịch đường Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả rõ nét nhất. Trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hai tuyến đường Hồ Chí Minh và tuyến đường 20
 
Quyết thắng khởi phát và xuyên qua; đây là một lợi thế rất lớn về giao thông để tỉnh Quảng Bình đầu tư khai thác tiềm năng của "vương quốc hang động" này. Ðáng chú ý, khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng còn là nơi đường Hồ Chí Minh chia làm hai nhánh đông, tây trước khi vào nam. Mặt khác, từ sau năm 2000 khi đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng, tỉnh Quảng Bình có thêm tuyến đường lớn thứ hai chạy song song với quốc lộ 1A, xuyên qua miền tây để khai thác tiềm năng của cả vùng đất dưới chân dãy Trường Sơn. Từ đó, các điểm di tích đặc biệt trên tuyến đường Hồ Chí Minh mới được tôn tạo, phục dựng để phát triển du lịch "về nguồn", du lịch tâm linh. Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Ðặng Ðông Hà cho biết, sau khi có hai tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, tỉnh đã quy hoạch để đầu tư phát triển du lịch đường Hồ Chí Minh mà trọng tâm là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhờ vậy, nhiều di tích lịch sử trên đường Hồ Chí Minh là điểm đến du lịch quan trọng không thể thiếu của nhiều du khách khi đến Quảng Bình. Nhiều di tích được tổ chức quản lý bài bản, có thuyết minh hướng dẫn, phục vụ du khách chu đáo. Theo thống kê, năm 2018 có gần 349 nghìn khách thăm động Phong Nha; hơn 60 nghìn khách thăm di tích hang tám Thanh niên xung phong; 17,4 nghìn khách thăm, dâng hương đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên phà Long Ðại và lần đầu tỉnh Quảng Bình tổ chức tua du lịch thăm, khám phá hang Ðại tướng Võ Nguyên Giáp từng ở để chỉ đạo bộ đội Ðoàn 559 trên tuyến đường Trường Sơn.
 
Theo Giám đốc Sở VHTT và DL tỉnh Quảng Trị Ðỗ Văn Bình, Di tích lịch sử Ðường Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Trị đã tạo ra những sản phẩm du lịch hết sức độc đáo. Ðây là một trong những tiềm năng lớn, có nhiều điều kiện để phát triển du lịch ký ức chiến tranh, thể hiện khát vọng hòa bình. Ðến với Quảng Trị, ngoài việc tìm hiểu, tri ân tại sáu di tích lịch sử nằm ở nhánh đông, còn có du lịch sinh thái, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ dọc nhánh tây. Trong đó, thác Chênh Vênh dưới chân đèo Sa Mù ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa là điểm đến lý tưởng cho du khách trong những ngày hè. Nước thác đổ xuống từ độ cao khoảng 20 m, đứng từ dưới chân thác ngước nhìn lên thấy mặt trời chiếu rọi qua từng tia nước bung tỏa qua sườn núi đá, tựa như một bức tranh sắc màu pha lê lung linh, huyền ảo... Từ Quảng Trị, theo đường Hồ Chí Minh vào huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế là những dãy rừng nguyên sinh, đan xen với rừng tái sinh là tiềm năng cũng như môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Trong lộ trình du lịch di sản miền trung của tỉnh Thừa Thiên - Huế, A Lưới là điểm đến của du khách trong nước và nước ngoài khi đến với tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế và huyện A Lưới đã đầu tư xây dựng hạ tầng và hỗ trợ người dân phát triển thế mạnh là du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng. Ðến đây, du khách được đắm mình trong dòng thác A Nôr, suối nước nóng Tôm Trung, thăm hang động Kềnh Crâm, rồi thưởng thức các món ăn dân gian và các làn điệu dân ca, dân vũ của người Tà Ôi, người Cơ Tu...
 
Giám đốc Sở VHTT và DL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, 10 năm qua, tỉnh đã đầu tư nhiều hạng mục phục vụ phát triển du lịch đường Hồ Chí Minh, như: làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng và Dhờ Rôồng, huyện Ðông Giang; làng dệt thổ cẩm Zara và thác Grăng, huyện Nam Giang; làng du lịch rừng cây pơ-mu, huyện Tây Giang. Quảng Nam cũng xây dựng lán nghỉ chân, nhà trưng bày, đón tiếp và khu nhà ăn - bếp Hoàng Cầm cùng nhiều hạng mục khác như hầm chữ A, hầm bò và hệ thống giao thông hào nhằm thu hút khách du lịch. Việc đầu tư phát triển du lịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh bước đầu đã góp phần giúp du khách đến với các điểm du lịch miền núi Quảng Nam, tăng nguồn thu cho ngân sách các huyện miền núi Quảng Nam. "Trong tương lai không xa, việc phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Ðường Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh sẽ góp phần phát triển du lịch về nguồn, du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm, ông Hồng kỳ vọng.
 
(Còn nữa)
 
Trong một chuyến về thăm quê hương Quảng Bình, Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên lưu ý làm sao để khai thác tuyến đường Hồ Chí Minh phục vụ hoạt động du lịch, lịch sử cho hiệu quả. Ông đề nghị khi xây dựng Bảo tàng Ðường Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình nên xây bảo tàng ngoài trời, chọn dọc tuyến Khe Ve đến Cầu Bùng lên km 39 đường 20, chọn tâm điểm phà Xuân Sơn; cần tái hiện các hố bom, trận địa tên lửa, sân bay dã chiến, chỉ huy sở, cầu phao… để du khách hình dung rõ hơn.
Theo: nhandan.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 19.117