Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung và Q.Giám đốc Sở Du lịch ông Lê Hữu Minh chủ trì Hội nghị.
Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND đã nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu cảng và các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào ra hoạt động tại cửa khẩu cảng. Không xảy ra sự quản lý chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế và các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức đón, phục vụ khách du lịch bằng tàu biển quốc tế tại cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Đảm bảo điều kiện thuận tiện nhất cho các hoạt động kinh doanh du lịch đường biển của doanh nghiệp lữ hành quốc tế, đại lý hàng hải, đảm bảo cho tàu, thuyền viên, hành khách đến và rời cảng theo đúng lịch trình, qua đó đã thu hút lượng khách du lịch, phương tiện đến cảng biển Thừa Thiên Huế ngày càng nhiều.
Về công tác CCHC, do áp dụng thủ tục biên phòng điện tử kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia nên trong thời gian qua đã rút ngắn được thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh, chuyển cảng đi đến của hành khách, thuyền viên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành quốc tế, đại lý hàng hải đảm bảo lịch trình cho khách du lịch; công tác kiểm soát người xuất nhập cảnh chặt chẽ, đảm bảo an ninh, an toàn. Đây là điểm sáng trong công tác cải cách hàng chính để phục vụ tổ chức, công dân được tốt hơn.
Trong thời gian qua, cảng nước sâu Chân Mây đã tổ chức đón nhiều chuyến tàu biển hạng sang, tàu khách du lịch lớn nhất thế giới nhập cảng. Việc đón thường xuyên các hãng du lịch tàu biển hạng sang tại cảng như Royal Caribbean, Celebrity Cruise, Tui Cruise, Costa Criere... đã góp phần nào khẳng định giá trị thương hiệu cảng Chân Mây trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Từ tháng 4/2018 đến nay, các đơn vị liên quan đã giải quyết thủ tục cho 80 lượt tàu du lịch với 145.332 lượt hành khách và 65.732 lượt thuyền viên.
Bám sát nội dung tại Quyết định 23, các cơ quan, ban ngành cũng đã làm tốt hơn công tác phối hợp. Biên phòng cửa khẩu cảng đã ký kết kế hoạch phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cảng trong bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng. Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế đã chủ động phối hợp giữa các ngành, đơn vị trong việc giải tỏa ngư lưới cụ đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải cho tất cả các chuyến tàu khách ra, vào cảng được tốt hơn...
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp du lịch cũng đã được đưa ra nhằm đưa công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại cảng biển Thừa Thiên Huế được tốt hơn. Bên cạnh đó, một số khó khăn, tồn tại cũng được các doanh nghiệp kinh doanh đón khách tàu biển chỉ ra như: điều kiện cơ sở hạ tầng các cảng biển tại tỉnh chưa hoàn thiện; chưa có cảng biển chuyên dụng để phục vụ đón khách du lịch tàu biển; chưa có nhà ga chuyên biệt để khách làm thủ tục nhập cảnh, mua sắm...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đánh giá cao việc các đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện tốt Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 09/4/2018 của UBND tỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh du lịch tàu biển quốc tế tại các cảng biển của tỉnh. Ông Nguyễn Dung khẳng định, Thừa Thiên Huế đang triển khai xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn, trong đó tập trung đầu tư phát triển du lịch biển. Vì vậy trong thời gian đến, ngành du lịch cần tập trung tuyên truyền quảng bá xúc tiến thị trường khách du lịch tàu biển thông qua các hãng tàu, các hội chợ, hội nghị chuyên đề về tàu biển; nâng cấp các sản phẩm phục vụ khách du lịch; kêu gọi đầu tư các cụm mua sắm - ẩm thực – vui chơi giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhằm đưa hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển ngày càng chuyên nghiệp, thu hút lượng khách lớn đến Huế thông qua đường biển.